Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 15 tháng 2, 2014

THĂM THẢM ĐƯỜNG VỀ (Chương 18 )



18.
 
 

 A
nh như lạc vào một thế giới xa lạ. Ở đó bóng tối và ánh sáng hòa vào nhau tạo nên một khung cảnh rất khó nhìn nhận. Những mảng đen xậm chen lẫn mảng sáng loá. Không có đường nét nào rõ ràng, chuẩn mực. Một thế giới mù mờ thách thức mọi giác quan. Có lúc anh có cảm giác một cơn lốc bỏng rát đang cuốn lấy mình. Lại  khi chân tay cứng đờ, bị dính chặt vào một tảng băng trôi đi vùn vụt. Những đám mây đủ hình thù như đàn thú dữ đang giành giật nhau. Những tiếng nổ gần, xa vô hồi kỳ trận. Lửa cháy, nước trôi không biết đâu là bến là bờ. Lại có lúc im ắng đến hoang mang. Như thế ở đây không có con người, hoặc con người đã hoàn toàn biến mất sau một vụ Binh Bang. Rồi tất cả lại bị cuốn vào một không gian hình ống không xác định được trên dưới, nơi khởi điểm và chỗ kết thúc. Dòng chảy không gian ấy day dứt, đau đớn kéo dài bao nhiêu lâu anh cũng không nhận thức được. Yếu tố vật chất trong con người như tan ra, biến đi rời vào trạng thái không trọng lượng. Cứ thế… cứ thế bồng bênh… bồng bênh…
Tuệ nhãn tối mờ, tưởng như lịm đi, tắt hẳn, trôi miên man trong cõi vô thường, bỗng chốc như cưỡng lại - Chợt hồi sinh. Khải đã nhận ra vuông cửa sổ hình chữ nhật, không có chắn song. Một con nhện trắng muốt như tạo ra từ ánh sáng, đang đong đưa trước mặt.
Một giọng đàn ông trầm, cằn đặc chất Nam Bộ:
- Chú thấy trong người thế nào?
- Dạ tôi thấy đỡ hơn một chút.
Một bàn tay rất mềm đặt lên trán anh:
- Đỡ sốt rồi nghe! Ăn miếng cháo vô cho nó tỉnh táo.
Khải không nói gì, anh đang cố lục trong ký ức đang chập chờn lộn xộn xem là ai đang nói chuyện với mình. Giọng nói rất quen như đã gặp ở đâu rồi? Anh nhìn kỹ người đàn ông đang ngồi đối diện với mình. Đầu ông ta để tóc dài bạc trắng như cước. Khuôn mặt bầu bầu, cằm nhọn. Vừng trán thót hai bên thái dương theo kiểu Sta - Lin. Một nét mặt cực đoan, nghiêm khắc nhưng nhìn lâu lại thấy hiền hiền… Đôi mắt, khuôn mặt Khải đã nhận ra. Nhưng mái tóc bạc anh vẫn thấy hồ nghi, không lẽ anh ấy đã già đến thế rồi sao. Mười năm không gặp, mái đầu ông Võ không còn sợi nào còn mầu đen nữa sao? Có thật mình đang gặp ông ấy không? Ông Võ là con của một vị tướng, sau ngày tập kết về sao lại lên rừng? Có lẽ mình đã lầm trong trạng thái tinh thần đang hoảng loạn. Không thể có chuyện gặp gỡ dễ dàng đến thế được? Người giống người mà thôi. Có gì lạ đâu? Hai bên thái dương co giật đau buốt, anh không muốn lục tìm tâm trí nữa.
Người đó nói:
- Chú còn mệt hãy nghỉ đi đã. Khi nào tỉnh táo ta nói chuyện.
Một người đàn bà đứng tuổi, vận bà ba đen tóc búi ngược ra phía sau mang đến cho Khải bát cháo:
- Chú Khải không nhận ra anh Hai thật à? Chị Tâm đây. Chú quên chuyện chị em mình đã từng sống chung ở đất Cầu Diễm rồi ư?
Thôi chết! Mình tệ quá. Đúng là ông Võ thực rồi. Còn đây là bà Tâm vợ ông ấy. Làm sao cả hai người lại có mặt ở đây nhỉ? Mình đang ở bệnh viện nào đây? Họ cũng đang làm việc ở đây sao? Khải định gượng ngồi dậy, người kia ngăn lại:
- Chú cứ nghỉ thêm chút nữa. Cháo hãy còn nóng. Để chị lấy cái khăn đã!
Như có chút sức lực tự đâu chợt đến, Khải gượng dậy ngồi tựa vào vách. Trước mắt Khải là ngôi nhà lợp tranh, phên vách sơ sài, cây làm cột còn nguyên cả vỏ không khác mấy ngôi nhà ở xóm Lao Động ngày nào. Đầu óc còn ong ong u u Khải vẫn nhận ra tính cách khác biệt của ông. Rút cục con người ông trước sau vẫn là một mối mâu thuẫn. Không phải như Mác nói: " Mâu thuẫn là động lực phát triển ". Mâu thuẫn trong tính cách của ông Võ tạo thành nét bi hài trong cuộc đời ông. Một người yêu khoa học, mong mỏi sự phát triển hiện đại những trong đời sống hàng ngày lại quá đơn giản sơ sài nếu không muốn nói là cẩu thả, luộm thuộm. Một người cực đoan, lý tưởng hoá tình cảm lại chấp nhận một cuộc hôn nhân quá dễ dãi nếu không nói là bẽ bàng.
Bằng chứng là từ bàn ghế, nhà cửa tạm bợ, lỏng lẻo suốt nhiều năm. Là người vợ bất chợt đến sau những cuộc hôn nhân ê chề, sau những sinh hoạt bừa bãi tình ái mà ông vẫn chấp nhận.
Vẫn đôi môi mỏng quẹt luôn liếm láu, đôi mắt lộn mí dấu hiệu của bệnh giang mai.
Thực sự trong lúc này gặp lại ông Võ, Khải không biết mình nên buồn hay nên vui nữa?
Lâu nay anh không nghĩ nhiều đến ông vì con người ông quá phức tạp, đầy mâu thuẫn. Ông ta là thiên tài lỡ vận hay chỉ là một kẻ ngông cuồng? Một người giàu khát vọng hay là óc bệnh hoạn hoang tưởng? Một người chân thành kín đáo hay một tâm hồn lạnh lẽo ghẻ ghét cuộc đời?
Nhức nhối, mệt mỏi. Lúc này Khải không sao nghĩ tiếp được nữa. Đầu óc anh như quánh lại. Các sợi thần kinh như sắp bị đứt. Mồ hồi túa ra, chảy tràn xuống mắt cay xè.
Chị Tâm định lấy khăn lau mặt cho anh, Khải ngăn lại.
- Mồi hôi ra thế này tốt rồi. Cả đêm qua chú sốt cao nói mê sảng, giãy dụa như người mộng du làm cả nhà tôi sợ quá. Chườm cái khăn ướt lên trán cho chú nóng bốc khói lên đến là sợ. Khải nhận ra trong gian nhà chật chội còn hai người nữa. Một bà lão người khô quắt như một con cá mắm đôi mắt đờ đẫn mệt mỏi. Bà cụ ngồi hay tay ôm vòng qua gối mắt nhìn ra cửa nhưng lại như không nhìn đi đâu cả. Một người trung niên mặt hốc hác như bị bệnh lao phổi ngồi tựa vào vách. Đôi mắt chỉ thấy lòng trắng, con ngươi mờ nhạt trên khuôn mặt dài ngoẵng như không phải mặt người. Môi ông ta tái mét, mấy ngón tay lòng khòng như mượn của ai.
Sực nhớ ông Võ đã từng là một bác sĩ giỏi, Khải đoán có thể là phòng bệnh tư. Nhưng mình đến đây bằng cách nào?
Chị Tâm nói như đoán được thắc mắc của Khải:
- Người ta đưa chú đến trong tình trạng mê hoảng không biết gì. Lúc đó chú sốt cao lắm. Anh Võ phải truyền nước hoa quả chú mới dứt cơn sốt đấy. Thấy chủ là anh ấy nhận ra liền. Vì chú còn mệt nên ông ấy không nói chuyện đấy. Về đây rồi chú yên tâm đi. Coi như ở nhà rồi.
- Mấy người đưa em tới, giờ họ đâu?
- Họ về cả rồi, hẹn trưa nay đến thăm. Cũng may cho chú đấy. Nếu họ không nhiệt tình chú chắc chết rồi. Từ ở trong đấy ra tới đây gần hai chục cây chức có ít đâu!
- Vậy anh chị từ ngoài kia vào rồi ở luôn đây à chị?
- Đâu có. ở nhiều nơi, mãi hai năm nay mới về đây. Chuỵên dài lắm, khi nào chú khoẻ anh ấy kể cho nghe. Chú ăn chút cháo đi. Tôi phải ra thành phố bây giờ, chiều mới về. ở nhà nếu có cần gì kêu chú Tư, hoặc cháu Thư giúp. Hai chú cháu đang sửa đồ ngoài sân kìa!
Khải nhìn ra cửa. Ngoài sân một người đàn ông to lớn chạc gần năm mươi và một đứa gái mười bốn mười lăm tuổi. Là chú Tư và cháu Thư mà chị Tâm vừa nói. Người đàn ông có khuôn mặt hao hao giống ông Võ. Chỉ có điều khổ người cao lớn hơn. Ông ta cắt tóc ngắn, nét mặt hiền, đôi mắt ngơ ngác như không chú ý lắm vào chiếc đinh đáng đóng một tấm gỗ mỏng. Mấy lần đóng trượt, con bé khúc khích cười:
- Chú Tư mang kính vô. Con thấy chú đóng bừa trượt hoài à!
Mấy ngón tay ông ta dài như tay thầy thuốc rờ rờ đầu đinh, y thể kiểm tra cây đinh có còn ở đó không? Lần này thì búa đánh trúng. Giọng nam nhưng ông nói mềm mại hơn ông Võ:
- Kính chú Tư bể mất một mắt. Có mang cũng kể như không. Như sợ cô cháu không tin, ông lục trong túi áo rằn cộc tay ra cặp kính. Gọng kính chỉ còn một bên, bên kia thay bằng sợi thép buộc dây thun trông rất kỳ quái.
Cô cháu nói:
- Cặp kính của chú Tư kỳ quá à! Để con vô nói với má mua hco chú cặp khác nghe!
- Thôi khỏi. Bữa nào xuống Sài Gòn chú sẽ kiếm. Kính phải đo mắt chớ, mua ẩu sao được.
Đóng xong chiếc ghế nhỏ, ông Tư đứng lên chùi tay vào cái quần đùi rộng lùng thùng, rút tập sách cài dưới mài nhà, ra phía cây mít. ở đó có cái võng dù cũ, dây dù đứt lua tua quyệt vệt dài xuống đất. Như cậu học trò đang ôn thi, ông Tư kính đeo một mắt chăm chú đọc sách. Vẻ mặt ông như không để ý gì đến cảnh vật xung quanh. Bà Tâm dắt chiếc xe đạp Mini có tay lái cổ ngòng ra đường chờ xe. Không thể đạp xe từ đây về thành phố vì đường quá xa. Xe đạp sẽ được vất lên nóc xe ôtô chờ khách. Vẫn là cái xe chạy bằng hơi nước dùng than làm nhiên liệu. Nhưng nó đỡ cáu bẩn hơn độ trước.  Người ta đã quét lên nó một lớp sơn xanh lá cây. Sơn bằng tay nên chỗ đậm chỗ nhạt, nom rõ từng vệt.
Ăn xong bát cháo nóng Khải thấy trong người đỡ mệt. Xong trong người vẫn còn thấy choáng váng. Anh cố gượng dậy sợ nằm sẽ bị ốm thêm. Cỗ máy sinh thể của người ta cũng giống mọi thứ khác. Không vận động nó sẽ bế tắc, han gỉ. Có người bệnh chỉ rất nhẹ, nằm lâu sinh bệnh nặng. Đi lại khí huyết lưu thông, tinh thần thoải mái dễ chịu hơn. Tâm trạng của anh lúc cứ nằm bẹp một chỗ mà nghĩ rất dễ suy sụp. Anh có đủ cả ba thứ khổ như người đời nói: Nghèo - Bệnh - Cô đơn. Chúng là ba mũi giáp công rất nguy hiểm vào lúc này. Anh đã cố gắng, đã chịu đựng, bất chấp mọi vất vả những mong có được số tiền để trở ra Bắc. Nhưng sau trận ốm này tất cả đã bằng không. Liệu Khải còn có thể gượng dậy lần nữa? Số phận mù quáng đã dẫn dắt anh đi trong ma trận của nó. Càng gỡ càng rối. Muốn lánh xa, cởi bỏ mà oan nghiệt cứ buộc vào. Giống con thuyền trên biển khơi, sóng to gió cả, không gian tối tăm mà không chèo, không lái. Đành mặc cho số phận đẩy đưa. Khải giật mình kinh hãi khi có dịp nhận thức đầy đủ cả cảnh ngộ của mình lúc này! Không - Không thể kéo dài mãi như thế này. Phải tìm cho được một lối thoát. Có lần trong lúc tâm sự Ba Tô đã bảo anh: " Một khi số phận rủi ro, có chui vào ống đồng như Thoát Hoan cũng không thoát. Kinh nghiệm của tôi là hãy đối diện với nó. Tìm cách mà vượt qua. Chỉ có vậy đâu khổ mới chấm dứt. Mà chạy trốn là hèn, phải không chú Hai. Đừng buồn tui nghe "! Có lẽ Ba Tô có lý. Mình đúng là thằng hèn. Mình đã trốn chạy trước mọi thử thách: Tình yêu, sự nghiệp, đến cả xung đột, khúc mắc đời thường. Những cái đó, sống ở đời mấy ai không gặp? Tại sao mọi người qua khỏi mọi kiếp nạn để tới bến tới bờ, còn mình vẫn loay hoay trong vòng tai vạ mà không tìm được lối ra? Không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh tất cả. Hoàn cảnh bao giờ cũng vô tâm, vô tình nào ghét bỏ gì ai? Lỗi là ở mình chưa thấu hiểu mọi chuyện. Chưa biết cỗ mãy hoàn cảnh ấy vận hành như thế nào? Con người không phải là tù binh của số phận. Nếu không là ông chủ của nó ít nhất phải là bè bạn. Khải nghĩ như thế, tự nhiên thấy phấn chấn trong lòng.
Khải ngạc nhiên khi nhìn thấy cánh đồng lúa vàng ươm phía sau nhà. Chỉ thiếu những dải núi chạy dài phía chân trời. Cảnh sắc chẳng khác những cánh đồng anh đã từng thấy ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Mường Thanh. Thậm chí giống cả những cánh đồng xung quanh Hà Nội. Đất nước có nét gì đó rất đặc trưng của nền kinh tế thuần nông. Bảo rằng nên thơ lộng lẫy gợi ý gợi tình cũng được. Nếu nói đơn giản sơ sài cũng không sai. Đất nước như con gái nhà nghèo tươi xinh nhưng thiếu thốn đủ điều. Thiếu đôi hoa tai bằng vàng làm trang sức đã đành, thiếu cả chiếc mùi xoa lau mặt. Cảnh vật có điều gì đó miên man nhiều ý nghĩa mà Khải chưa tìm được câu, chữ gọi tên. Anh đứng thẫn thờ trước cảnh vật vừa quen, vừa lạ.
Những trận mưa đầu mùa đã chấm dứt mùa khô nghiệt ngã. Những vườn cây trái đang hớn hở đua lộc con, lá mới pha mầu xanh ngút ngát chạy dài tới tận rừng cao su ở phía xa.Vào lúc thay mùa, khác với cỏ cây là lúc con người dễ sinh bệnh. Ông Tư từ sớm đến giờ không được rảnh rỗi lấy một phút. Vừa thăm bệnh cho người này xong lại biên thuốc cho người kia. Phần nhiều họ chỉ đến khám, xin thuốc rồi về. Trừ những người bệnh nặng hoặc nhà ở xa mới ở lại. Đến lúc này Khải mới thấy còn một ngôi nhà nữa kiểu như nhà tập thể. Từng gian, từng gian có vách ngăn. Tất cả cũng đơn sơ như gian phòng anh đang ở. Vách thủng bằng cây trát đất bùn trộn rơm. Rõ ràng đây là thành quả của những người làm nhà không biết nghề. Trông thô, vụng. Được cái thoáng dựng bên vườn cây xanh. Một chiếc ao nhỏ mọc vài bông hoa súng. Có lẽ cá nhiều nên mặt nước luôn luôn xao động … Cảnh vật như gợi nhớ cho Khải ngôi nhà vách đất lợp giấy dầu của mười năm trước. Nó toạ lạc trên bờ một con mương chạy dài trên cánh đồng phía Tây Bắc Hà Nội. ở đó chỉ có ba nhà họp thành xóm. Gọi là xóm Lao Động nhưng cư dân toàn người về hưu hoặc thất nghiệp. Xóm có hai ông Long. Một là Long đất vì ông này đất vườn rất rộng. Vào thời hợp tác hoá nông nghiệp thì quả thật khuôn viên của ông là một ốc đảo. Ông Long đất cũng người Nam tập kết, ông về hưu trong bối cảnh chính trị những năm sáu mươi. Những năm ở Nam Tư và Liên Xô bất đồng gay gắt và người Trung Quốc không đồng tình. Nhà ông xếp đầy những cuốn sách mỏng, in nhưng bức thư ngỏ của ban chấp hành các Đảng gửi cho nhau. Vợ con ông vẫn làm cơ quan, sớm đi tối về. Ông suốt ngày ngồi trên chiếc ghế bố nghiền ngẫm văn kiện. Thỉnh thoảng ông Võ và Khải mới được sang nhậu, ăn mì sợi với cá nấu canh chua. Lâu lâu Cao Phương ở nội thành ra kèm với những tin sốt dẻo. Ông Long đặc biệt quý. Không hiểu tại sao một người ít lời, rất thận trọng nói năng mà có lần nói về Cao Phương với ông Võ như thế này: " Tôi xem lão ta có vẻ như chàng Gia Ve ấy ". Còn ông Long Điện thì ông Long đất lại nhận xét thế này: " Lão có vẻ giống đại tá Mông péc xi, mà tâm hồn của Tê nác đi ê ấy nhỉ ". Ông Võ bảo: " Ông Long đát có năng khiếu quan sát và nhận xét con người. Có lẽ là thói quen của anh cán bộ tổ chức ". Lúc ấy anh không mấy quan tâm đến họ. Chỉ cảm thấy nữhng nhân vật này không bình thường. Họ hơi quá cơ hoặc sai lệch chi tiết của người bình thường. Có lẽ vị trí nào với họ cũng không hợp. Mâu thuẫn của những con người chưa nhận ra mình, nên thường không biết mình ở chỗ nào cho phải.
Cái xóm ấy xuất hiện vào những ngày Mỹ ném bom đã lan dần đến Hà Nội. Bắt đầu là khu bốn cũ rồi Hải Phòng, Nam Định… Thoạt đầu nó là cái lán sơ tán ra ngoại thành, khu đất của công ty công viên dùng để làm vườn ươm. Lúc đầu là nơi đi đi về về, sau rồi ở hẳn. Toàn là người có dính dáng đến cơ quan Nhà nước, không ai nghĩ đến chuyện đuổi họ đi nơi khác.
Khải đã bàn với ông Võ đan phên chặn một khúc mương thả cá rô phi. Sở dĩ không đắp bờ vì còn để nước chảy qua vì con mương là dòng tưới tiêu cả cánh đồng. Ban đầu phòng thuỷ lợi không đồng ý, họ yêu cầu phải dỡ bỏ. Sau nhờ uy tín của ông Long đất mới giữ được khúc mương thả cá. Hai bờ trồng chuối xanh um. Vừa để nguỵ trang phòng không vừa lấy bóng mát cho cái lều khỏi trơ trọi. Ông Võ rất khoái và khen Khải " Có óc thực tiễn kiểu Bắc Kỳ "! Tuổi trẻ lãng mạn khiến Khải trông ông là một nhân vật hấp dẫn. Đầu óc ông luôn hướng về những điều to tát, cao thượng khác hẳn người thường. Ông ăn gì cũng được, mặt gì cũng xong. Không quan tâm những điều nhỏ nhặt với đồng lương hưu sớm ít ỏi. Khải cho là phải là người có tâm hồn, có chí lớn mới sống như thế. Cho đến khi bà Tâm đến Khải mới thấy thất vọng. Hình như " Thần tượng " của mình có vấn đề. Khải định tìm hiểu những tuyệt nhiên ông Võ không nói gì đến người cha mình. Một quan chức mà hai cha con gần như tuyệt tình sau lần ông phát hiện ra ông già có bồ bịch với một phụ nữ trẻ chỉ đáng tuổi con mình.
Sau này Nguyễn Huy mới cho Khải biết đôi điều về ông Võ lúc ấy anh mới hiểu vì sao ông lại có cá tính và thói quen sống tạm bợ chờ ngày trở lại quê hương. Hoặc cảm tình người miền Nam xuê xoa trong sinh hoạt, không cầu kỳ kỹ tính như người miền Bắc.
Bây giờ đây gặp lại ông Võ anh lại thấy nhiều việc rất không bình thường. Một người như ông Võ hoàn toàn có thể có hoàn cảnh sống tốt hơn thế này. Nếu không nói có địa vị cao sang trong xã hội. Cuộc sống đạm bạc, gia cảnh sơ sài đã đành, lại còn người đàn bà như chị Tâm đeo bám mà đáng lẽ ra ông phải rời bỏ lâu rồi. Chi ta là con tri phủ sống được nuông chiều từ nhỏ. Lớn lên lại là con nuôi một nhân vật có tiếng tăm, quyền thế. Duyện nợ nào đã dẫn dắt họ từ bấy đến giờ? Tính cách của hai người hoàn toàn khác nhau. Tuổi tác cũng xung khắc không hợp. Họ sống để nương tựa vào nhau hay là huỷ hoại lẫn nhau? Chuyện đời thật không sao hiểu nổi. Người ngoài cuộc nhận rõ như ban ngày mà người trong cuộc cứ như bị bưng lấy mắt. Khải lại thấy đầu nhức như có cái dùi nóng xuyên qua. Cứ nghĩ nữa có lẽ nó nổ tung ra mất. Anh đi lại chỗ đứa cháu gái định nhặt rau phụ với nó. Nhưng nó không chịu. Nó nói:
- Con không cho chú hai làm. Ba con dặn để chú hai nghỉ cho mau khoẻ!
Anh đành kéo cái ghế nhựa cũ, vỡ miểng lưng tựa ngồi ngó ra ngoài. Lại thêm mấy người đi chân đất, mặt nhọ nhem khiêng một cái cáng che vải dù đi tới. Tiếng người bệnh rên ư hừ từ đó vọng ra… Hẳn là bữa trước mình cũng được đưa đến đây như thế. Khải gượng cười buồn bã, anh đứng lên lấy chỗ cho họ vào.

ó
ó   ó

Có lẽ trăng ở đâu cũng đẹp. Trăng ở CaliPhoocnia hay ở Vạn Lý Trường Thành đều huyền diệu không kém gì nhau. ở Hà Nội , ở Huế, ở Sài Gòn, ở đâu trăng cũng nên thơ cả. ở Xuân Quang trăng mượt mà trải lụa vàng đỉnh núi, thì ở đây trăng bát ngát gieo trên cánh đồng, lóng lánh trên cành cây, ngọn cỏ. Và hình như trăng run rẩy, hồi hộp hơn bất cứ nơi nào. Khải có cảm giác từ mình tới trăng rất gần. Liệu có phải không gian khoáng đạt của xứ này gợi lên cảm giác ấy?
Anh đã may mắn qua được trận sốt rét ác tính trong điều kiện thuốc men rất hiếm. Đã có nhiều người không có may mắn ấy. Những chiếc xe ngựa sơn đen phủ bạt chở họ đi hun hút sâu mãi vào rừng cao su. Phía sau là những tiếng ai oán nức nở của thân nhân đưa họ về cõi cuối cùng. Chẳng bao giờ có ai được gặp lại những con người ấy thêm lần nào nữa!
Hôm nay lại có thêm một người như thế. Cuộc sống khó khăn, sinh hoạt thất thường, lam lũ vất vả, bệnh tật bất ngờ đã cướp đi nhiều sinh mạng.
Vào một đêm trăng đẹp như thế này mọi khi rất vui. Cả thầy thuốc và bệnh nhân đến nói cười vui vẻ. Mọi người quây tròn quanh hai cái chiếu trải giữa sân nghe Tư Nghĩa kể chuyện. Ông ta trước đây là sĩ quan tâm lý chiến từng phụ trách một thư viện lớn vùng Bốn chiến thuật. Tư Nghĩa có trí nhớ đặc biệt, lại thêm cách kể chuyện pha chút trào lộng rất có duyên. Ông ta say sưa kể như thể nhập thân vào câu chuyện, quên hẳn chuyện đời. Những khi đó Khải cũng kiếm chiếc ghế ngồi gần vừa nghe kể vừa nghĩ lan man những chuỵên khác. Một cách giết thời gian vì có đi nằm sớm cũng không ngủ được. Còn ông Võ ngồi một chút nói dăm ba câu là đứng lên đi về phòng riêng. Chỗ đó bất kỳ ai ông kêu mới được vào, kể cả vợ con ông. Đèn chong cho đến khuya. Ông nghiền ngẫm hoặc viết lách gì đấy không ai biết. Ngay từ hồi còn ở miền Bắc Khải đã nghe nói đề tài ông nghiên cứu. Theo ông cơ năng của não bộ trong quá trình sống của con người thượng đế còn để lại khiếm khuyết. Các chất cặn cac bon trong máu và một số nguyên tố trơ lì không được đào thải kịp thời, còn ở lại quá lâu, thậm chí ở lỳ trong bán cầu não. Chính điều đó là nguyên nhân phát sinh các bệnh tâm thần. Làm giảm khả năng sáng tạo và làm ngắn tuổi thọ của đời người.
Ông đã phải trả giá đắt cho thí nghiệm vội vã của mình với một tình nguyện viên là học trò của ông. May mà anh ta không chết, chỉ bị tâm thầm một thời gian. Thêm sự bảo lãnh của gia đình nạn nhân, ông chỉ chịu án phạt hai năm tù. Vì là thương binh nên mãn hạn ông được trả về trường. Mâu thuẫn với cha đẻ mình, ông xin nghỉ hưu sớm, sống đời tự do. Ông viết những truyện ngắn đầu tiêu sau thời gian này. Khải tình cờ gặp ông ở một toà soạn báo khi ông gặp bạn cũ là Nguyễn Huy. Lúc đó anh hoàn toàn không chú ý đến cuộc gặp gỡ vô tình này. Mấy anh em còn kéo nhau lên hồ Tây ăn phồng tôm, khi ấy còn là đặc sản của Hà Nội. Khải còn bỏ vào một nửa số tiền cộng thêm nhuận bút của ông Võ. Mãi sau này anh mới nhận ra đó là cuộc gặp gỡ định mệnh, tác động không nhỏ tới số phận mình.
Không biết bây giờ ông Võ còn quan tâm đến đề tài khoa học xa vời ấy nữa chăng? Trên nền tảng cuộc sống hiện thời bây giờ, nó có cái gì đó không ổn. Ông là người cá tính mạnh mẽ. Bất chợt ai đó đề cập đến vấn đề nào ông không ủng ý là dễ nổi đoá lên ngay. Sống với ông nhiều năm trước, Khải biết rõ điều này, nên anh không hỏi. Người như ông quả thật đáng ngưỡng mộ. Nhưng sống gần thì cực kỳ khó khăn. Tốt nhất là không tò mò. Sớm muộn lúc nào đó ông sẽ tự nói ra. Như vậy hay hơn. Một mình Tư Nghĩa ra nằm võng ngoài gốc mít ngắm trăng. Thân hình to lớn của anh đang đu đưa tựa hồ chú voi con sợ mỏi chân. Anh không đàn như mọi khi. Không khú tang tóc của người bệnh ra đi hồi hôm làm khung cảnh như lắng lại.
Cái bàn tròn nhỏ do Tư Nghĩa đóng méo sẹo giờ ông Võ đang ngồi trầm tư. Ông bỏ thuốc đã lâu, đột nhiên hôm nay trên môi ông lửa lập loè. Một gã người nhà con bệnh đưa ông cả bọc thuốc rê to tướng. Khải đã dứt cơn sốt cả tuần nay, nhưng ông Võ vẫn giữ không cho đi. Ông bảo đã có lệnh cấm rừng. Những người của cây hầm than sẽ bị phạt rất nặng. Nếu tái phạm còn bị bắt đưa ra toà. Theo ông nghề làm than là một nghề của những kể bần cùng. Của những người ít học, chỉ có mỗi khả năng duy nhất là đem sức lực của cơ bắp đổi lấy miếng ăn. Nhem nhuốc bề ngoài đã đành, nó còn làm cho tâm hồn trơ trụi khô cứng đi vì giác quan hàng ngày bị chà sát kinh khủng. Nếu không có lệnh cấm cũng không nên theo đuổi nó lâu dài. Bách nhân, bách nghệ, chẳng lẽ không còn cách nào khác sao?
Khải nghe có lý, không sai. Nhưng vào lúc này anh còn chọn lựa nào khác? Dự định làm một thời gian gom đủ tiền về, sau trận ốm này chắc đã không đạt được. Dù nhiều ít gì anh cũng phải trả tiền thuốc men ăn nghỉ những ngày ở đây. Có thể ông Võ không nhận, nhưng còn bà ấy nữa? Đã mấy lần Khải bắt gặp cái nhìn của bà ấy trong chuyện tiền nong. Nó luôn làm bầu không khí căng thẳng trong cái gia đình không bình thường của ông Võ. Một người thờ ơ với tiền bạc, không quan trọng hoá vật chất lại hàng ngày gắn bó với một người đầu óc thực dụng, thích sống hưởng thụ một cách ích kỷ. Đã già mõ ra rồi vẫn ưa má phấn môi son, sài ví đầm, áo quần loè loẹt. Không mấy ngày không kiếm cớ ra thành phố. Ngoài ấy bà có đứa con riêng của người chồng cũ. Ông ta vốn là một dịch giả, bị tai nạn văn chương, đã chuyển sang nghề khác. Hai bố con sống nhờ vả người bà con di cư từ 1954. Nghe đâu ở quận nhà Bè bên sông Sài Gòn.
Không biết ông Võ bị giời đày hay ông tự dày mình vào những éo le rắc rối không đáng có?
- Nè chú Tư, kêu thằng Khải ra tôi biểu nè!
- Dạ!
Không đợi Tư Nghĩa tới, Khải đã nghe ông Võ nói rồi. Anh từ trong nhà bước ra. Ông Võ chỉ khúc cây được đóng thêm chân giả làm ghế:
- Hai chú ngồi đi. Mấy bữa nay công chuyện nhiều tui chưa nói. Hôm nay rảnh các chú ngồi, ta bàn thử coi!
Tư Nghĩa hỏi:
- Có chuyện chi anh Ba?
Ông Võ chỉ Khải nói với Tư Nghĩa:
- Đây là thằng Khải, em kết nghĩa của tao ngoài Bắc. Giờ nó vô đây chưa có việc làm. Chú Tư cũng mới ra trại đang thất nghiệp. Người ta sang cho anh mấy công đất sau ấp Phú Hiệp. Nếu chú Khải ưng thì hai anh em vô trong đó. Cơm gạo giống vốn anh cấp. Cố gắng lập cái trang trại lấy chỗ anh em lâu lâu gặp gỡ. Anh biết các chú ở đây cũng kẹt. Nhà cửa chật chội, lại không có việc làm. Dân tính đến chữa bệnh, sinh hoạt nhiều cái không tiện. Sau này các chú muốn đi đâu anh không giữ. Hoặc giả có vợ muốn ở luôn anh cũng cho luôn. Các chú thấy thế nào?
Tư Nghĩa ấp úng:
- Từ nhỏ tới giờ anh Hai đi xa không biết. Em ở trỏng với má chỉ có ăn học rồi vô lính có biết ruộng nương là gì đâu anh Hai?
- Cái đó tao không lạ! Không ai sinh ra là đã biết, đã quen một việc gì. Làm rồi sẽ quen. Không lẽ mấy năm đi học tập cải tạo người ta không dạy cho chú nghề gì sao?
- Người ta sắp cho coi thư viện và dạy văn hoá cho trại viên anh à!
Ông Võ phá lên cười. Vẫn cái cười hồn nhiên, không giữ gìn, nhưng âm điệu có cái gì đó là lạ, trào lòng hay chua chát Khải chưa nhận ra được.
- Đúng là một tín đồ, nạn nhân chữ nghĩa. Có lẽ từ nay chú phải tạm quên nó đi, sống cho thực tế một chút. Ngoài bốn mươi tuổi rồi còn gì? Chú vẫn lơ ngơ như cậu sinh viên vừa ra trường. Cơm áo không đùa dai mãi đâu. Còn phải lo lấy vợ nữa chớ!
Ông dứt tiếng cười. Ngồi im khá lâu mới quay sang Khải:
- Việc trồng cây, chú bảo cách để chú Tư cùng làm. Anh tin việc này chú làm được. Chỗ ấy cũng có lán sẵn người ta để lại, chỉ cần sửa sang qua là có chỗ ở ngon lành. Cũng rất tiện mương nước tắm rửa khỏi phải lo. Để chú Khải khoẻ cái đã. Hôm nào anh sẽ thân chinh dẫn các chú đi.
Khải đang cố hình dung ra quanh cảnh mảnh đất ông Võ vừa nói như thế nào? Chắc nó cũng na ná đám đất ngoài Cầu Diễm hay tương tự khu vườn ông Võ đang ở. Anh chợt buồn khi nghĩ đến duyên nợ của mình với nhiều mảnh đất. Nó đến tạm bợ, chông chênh sơ sài chẳng hứa hẹn điều gì. Vậy mà ngày ấy, khi ở thị trấn phùng có mặt cả ông Võ, Nguyễn Huy, ông thầy mù lại bảo: " Phúc đức của thầy đóng cung điền trạch " là cớ làm sao? Thời nay không ai còn hồ nghi khoa chiêm tinh nữa. Nó là những thông số trong mối tương quan vũ trụ và con người. Mối quan hệ Thiên - Địa - Nhân còn nhiều ẩn số. Chỉ còn số ít kết tội những điều " Chưa biết " là cái " Lạc hậu ", " Sai lầm " là " Dị đoan ". Vậy cái gọi là trang trại sắp tới đây có ý nghĩa gì không? Hay chỉ là cách sắp xếp khéo léo cho Tư Nghĩa và mình có chỗ ở khỏi sự khó chịu, bực bội của người vợ hờ quá quắt của ông? Một sự đối phó tình thế trước mắt hơn là lo đến cuộc sống lâu dài của hai người. Nhớ lại chuyện xảy ra trước đây, Khải nén một tiếng thở dài. Đúng vào ngày Quốc tế lao động năm ấy Khải gặp một đòn choáng váng. Trưởng phòng tổ chức cho gọi anh lên phòng làm việc. Ông ta nói tranh thủ giải quyết để còn dự buổi họp quan trọng trong thành phố. Rồi ông mở chiếc cặp ba dây lấy từ ngăn tủ ra tở quyết định đưa cho Khải. Đó là tờ giấy rơm đen xỉn một mặt bóng, một mặt nhám. Tuy vậy vẫn đọc được những dòng chữ đánh máy. Đọc lướt qua một lượt Khải rã rời chân tay. Mắt anh hoa cà hoa cải, miệng đắng ngắt. Khải không nhớ mình đã ra khỏi phòng ông ta như thế nào. Anh rắt xe ra khỏi cơ quan, đạp xe chạy lung tung trong thành phố. Rất may là ngày ấy Hà Nội vẫn là một thành phố nghèo cổ lỗ sĩ. Xe cộ trên đường rất ít. Với mật độ xe cộ vài chục năm sau này có lẽ anh đã đạp xe lên tới thiên đường hoặc rơi xuống hoả ngục rồi. Anh Nguyễn đã gặp Khải trong trạng thái tinh thần đó. Hỏi rõ mọi chuyện, an ủi đôi câu rồi đưa anh lên chỗ ông Võ. Với hy vọng ông Võ có quan hệ rộng sẽ giúp Khải tìm công việc khác. Khải chuyển thủ tục giấy tờ về chỗ ông Võ. Ông nói một câu đến giờ Khải còn nhớ:
- Người miền Bắc các cậu ý chí tự do kém lắm. Cứ thích ràng buộc vào biên chế nhà nước, phụ thuộc một ai đó mới sống được. Sao không tìm cách kiếm sống tự do, muốn đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm. Cậu có thể ra cửa hàng đồ cũ mua chiếc máy ảnh là có cơm ăn rồi. Lo gì kia chớ!
Không hiểu sao lúc đó Khải lại nghĩ đó là giải pháp? Có lẽ tính sĩ diện của tuổi trẻ chăng? Khải không muốn bạn bè, làng xóm nhìn mình như kẻ bỏ đi vì không còn việc làm. Không còn tiền đồ, danh dự.
Nếu ngày ấy, Khải chấp nhận trở về, có lẽ gia đình anh sẽ sắp xếp cho một công việc khác. Với uy tín của gia đình việc đó không khó. Nhưng Khải đã giấu biệt mọi người như không có chuyện gì xảy ra. Chỉ chủ nhật mới về như vẫn ở cơ quan. Cho đến khi mọi sự trở nên phức tạp, mọi việc trở nên vô phương, bế tắc. ở xứ sở nào cuộc sống " Tự do " không nói, ở quê hương anh hai tiếng " Tự do " ẩn chứa nhiều hiểm hoạ. Bối cảnh và nền tảng xã hội khi đó chưa cho phép. Nó thật lạc lõng với mọi người xung quanh. Như thò tay ra ngoài cửa khi xe đang chạy. Cả xã hội đang sống tập thể, bầy đàn. Vị trí cá nhân của con người trở thành đơn độc. Khải thấm thía sau nhiều vấp ngã, nhiều lúc sống chẳng ra gì. Anh cứ trượt dài trong thất bại và bất hạnh. Đã mười năm qua đi anh chưa tìm được chỗ đứng của mình. Thời gian như dòng nước lũ cuốn trôi tuổi trẻ, sức lực, khả năng và khát vọng sống cho tới bây giờ. Đổ vỡ tất cả. Cái còn lại chỉ là kinh nghiệm sống. Liệu kinh nghiệm có ý nghĩa gì khi không có cơ hội và phương tiện trong tay? Công việc mà ông Võ vừa nói liệu có phải là cơ hội không? Hai kẻ thất bại bị thời thế ném lên bờ như Khải và Tư Nghĩa làm được trò trống gì trên mảnh đất hoang ông Võ vừa mua được.
Cái chính có lẽ ông muốn tạo dựng cho Tư Nghĩa một cơ sở để sinh sống lâu dài. Khốn nỗi Tư Nghĩa lại không có nghề nghiệp gì ngoài nghề trông coi thư viện hoặc đi dạy học. Di sản của chế độ cũ còn sót lại, ai dùng Tư Nghĩa trong lúc này? Anh trở thành kẻ xa lạ, lạc lõng ngay trên quê hương mình. Không vợ, không con, không cửa không nhà, không tiền bạc… Còn bao nhiều cái không nữa chưa tính hết.
Tuy chưa biết làm gì nhưng Khải không đáng lo bằng Tư Nghĩa. Dù sao anh còn sức khoẻ, có thể làm bất cứ việc gì. Một kẻ vất vưởng, lam lũ như Khải việc kiếm miếng cơm ăn không khó. Hơn nữa anh tự tin vào sức chịu đựng của mình.
Từ chối ý định của ông Võ lúc này quả là không nhã nhặn gì. Anh chưa đến nỗi thành con người sắt đá, vô tâm, không biết nể người. Mà nhận lời thì cũng kẹt. Làm sao dứt ra được để lo việc sau này. Chẳng lẽ mình đi cả ngàn cây số vào đây để tìm một cuộc sống như vậy sao? Cuối cùng Khải nói:
- Trong lúc hồ đồ, bức xúc nhiều chuyện em bỏ ra đi. Bây giờ nghĩ lại đúng là ngu dại. Không đâu bằng quê hương mình. Sớm muộn em cũng trở ra Bắc. ở đây cũng phải làm mới có ăn. Ngoài đó còn có gia đình bạn bè nữa anh ạ.  Em ở trong này thấy lạc lõng làm sao ấy. Nhưng muốn ra phải có tiền. Em có thể giúp anh chị một thời gian làm vườn để anh Tư quen việc. Sau đó em sẽ ra thành phố kiếm việc làm.
Ông Võ có vẻ thông cảm:
- Cái đó tuỳ mày, tao không ép. Hoặc kiếm lấy một chỗ đón bà già vào không được à?
- Chưa chắc mẹ em đã chịu đi!
- Kể cũng tội nghiệp! Mà thôi qua chuyện khác đi. Chú chưa kể cho anh nghe vì sao mà lại vô đây cơ mà?
Khải nói hết một lượt, ông Võ trầm ngâm không nói gì. Còn Tư Nghĩa thì nói:
- Vậy mà tôi cứ ngỡ tôi là người khổ nhất trần ai này. Hoá ra chú em cơ cực còn hơn cả tôi.
- Không nghe người ta nói: " Bể trần ai " hay sao anh Tư? Biết đâu mà so bì. Làm người ai không có cái khổ? Chỉ có điều mỗi người mỗi cảnh khác nhau.
Ông Võ còn nói về anh chàng Sáu nào nữa, là em ruột ông hiện đang ở Vũng Tàu. Chuyện gia đình ông cũng ngổn ngang bao nỗi. Một nhà mà theo hai phe. Ba ông cùng ông tập kết ra Bắc, ở nhà hai người em là sĩ quan nguỵ. Má ông là nhà tư sản phất lên nhờ buôn bán đồ phục vụ chiến tranh. Đất nước thống nhất mà gia đình chưa xum họp vì chính kiến và hoàn cảnh quá trái ngược nhau. Ngày ông về Nam cũng là câu chuyện dở khóc dở cười. Ông đã cố lánh mà không thoát sự đeo bám của người vợ bất đắc dĩ. Cuộc sống hiện tại cũng không vui vẻ gì.
Như để thay đổi không khí ông Võ hỏi qua chuyện khác:
- Con nhỏ mọi bữa tới đây thăm là thế nào với chú?
Khải lúng túng:
- Là chỗ bạn làm ăn mà anh Hai!
- Chú nói lạ! làm chi có bạn làm ăn mà lại đối xử với chú như vậy. Người trong này khác lắm. Chỉ có tình cảm mới chăm nom như thế.  Tao xem cũng được đấy chớ. Người cao dáo, khôn lanh xinh xắn chứ đâu có ngù ngờ. Chú là đào hoa lắm đó! Vậy con nhỏ người đầu ta?
- Dạ người trên chợ Bình An. Ba má cô ấy ở miền Tây. Người chồng chết trận hay di tản em cũng không hỏi. Thấy cô ở đấy có hai mẹ con. Đứa nhỏ chừng hơn mười tuổi.
Ông Võ cười:
- Vậy là cùng cảnh ngộ dễ cảm thông. Nếu ưng nhau tao đứng ra lo cho. Dù gì cũng phải lấy vợ. Không ở giá suốt đời đâu em ạ!
- Em chưa nghĩ đến. Bọn em cũng chỉ mới quen nhau từ độ làm than thôi mà. Nghe cô ấy kể ba cô ấy là ông Năm lửa em cũng ngại. Chắc anh có nghe tiếng ông ấy chớ?
- Biết chớ! Ông Năm lửa vùng này ai không biết! Nổi tiếng đó mày. Ông ấy là hảo hán một thời. Chỉ có điều thời nào cũng nghịch. Thời Tây chống Tây, Nhật chống Nhật. Thời Mỹ ông cũng không ưa. Thời cộng sản sau này cũng bị bắt. Hình như chẳng có triều đại nào ưa ông ấy cả. Nhưng bà con thì lại quý ông cực kỳ. Ai có khó khăn gì ông giúp liền. Rất ghét kẻ mạnh ỷ thế hiếp người yếu. Giờ ổng cũng lớn tuổi rồi. Không hiểu sao lâu không thấy ông về đây nữa. Mày chưa về đây, tao có ý kiếm nó cho Tư Nghĩa đó.
Khải nói:
- Giờ vẫn được chứ sao? Em đã có gì đâu …
Tư Nghĩa cười bẽn lẽn, ánh trăng soi khuôn mặt như của người khác:
- Anh Hai vui, ông nói vậy thôi! Tôi có người yêu rồi chứ bộ!
Ông Võ vẻ không vui:
- Cái thằng! Không biết chừng nào mới hết hoang tưởng. Kẻ Bắc người Nam đã là quá xa cách rồi. Đằng này con nhỏ sang Mỹ, từ hồi ấy tới giờ có tin tức gì đâu? Có khác gì nó sang thế giới khác?
Có ánh đèn xe máy đi trên đường vào nhà. Tư Nghĩa đứng lên:
- Ai tới giờ này không biết?
- Chắc là người nhà bệnh nhân. Chẳng mấy hôm không có. Thôi các chú sắp đi ngủ đi. Để tôi xem ai?
Xe đỗ giữa sân. Ngồi trên xe là người đội nón cối, bận áo quần bộ đội. Dáng người ông ta thấp đậm. Ông hỏi giọng Bắc pha lơ lớ:
- Đây có phải nhà ông Hai Võ không?
Ông Võ đứng lên bắt tay:
- Dạ đúng! Ông tới chơi!
Người khách giọng hồ hởi:
- Tôi là Hai Cơ. Tôi có thằng em nghe người ta nói nó đang chữa bệnh ở đây. Nó vào trong này đã lâu mà không tới chỗ tôi.
Khải giật mình. Anh không ngờ là ông Cơ lại đi tìm mình. Giờ gặp ông ở đây biết ăn nói ra sao? Anh vội lấy ghế cho ông Cơ ngồi. Vừa thanh minh:     
- Em vào đây mấy tháng rồi. Có nghe anh Lân nói chuyện về anh. Em định hôm nào xuống nhưng không may bị bệnh. Anh chị trách em phải chịu. Ngặt vì đường xá không rành mà tiền nong xe cộ không có.
Khải giới thiệu ông Cơ với ông Võ:
- Anh cơ là con Bác, em con Chú. Hồi ngoài Bắc anh lên nhà chơi em có đưa anh thăm ông Bác em. Chắc lâu ngày anh không nhớ? Hồi đó anh Cơ đã di vào trong này rồi nên không gặp.
- Nhớ chứ sao không? Ông cụ còn mời ăn cơm hôm tôi thăm bệnh cho đứa cháu nội ông mà. Tôi nhớ hình như cụ làm thợ mộc. Cụ mê và thuộc Kiều lắm. ít có ngưòi có trí nhớ như vậy.
Khải nói:
- Thằng nhỏ ấy chính là con anh Cơ đấy.
Ông Cơ lại bắt tay ông Võ lần nữa:
- Vậy là chỗ người nhà rồi. Hôm nào rảnh mời anh tới chỗ tôi chơi.
- Công việc lu bu lắm, nhưng nhất định hôm nào tôi cũng sẽ tới.
Ngồi chơi một lúc khá lâu, ông Cơ nói với ông Võ:
- Giờ cũng đã muộn, xin phép anh tôi đưa chú nó về chỗ tôi. Nếu nó còn yếu tôi sẽ đưa nó lên. Tiền nong chữa chạy cho nó hết bao nhiêu tôi sẽ gửi anh. Thuốc men anh cũng phải mua chứ có tự làm ra được đâu?
Ông Võ xua tay:
- Tôi chữa bệnh đương nhiên là ít nhiều phải lấy tiền như anh nói, còn phải mua thuốc men. Nhưng tôi với chú ấy cũng như tình ruột thịt. Anh khỏi lo đi. Nếu có, anh bồi dưỡng cho nó mau khoẻ, cũng không bệnh gì trọng lắm đâu. Bệnh của nó là lao lực quá, ăn uống kém bị sốt rét nó quật thôi.
Quay sang Khải ông Võ nói:
- Anh Hai đã có lòng qua đón chú, tôi không giữ. Không có gì bằng tình ruột thịt - Chú hiểu không?
- Dạ em hiểu.
- ở chơi chỗ ổng ít bữa rồi về đây. Như câu chuỵên ban nãy toi nói đó. Nếu không ở được lâu giúp anh ít ngày cho thằng Tư. Quen việc rồi chú muốn đi đâu thì đi. Hay là chú mang cái xe đạp để khi về đỡ phải đi bộ. Từ đấy xuống Phú Mỹ cũng xa đó.
Ông Cơ gạt đi:
- Thôi để anh em tôi đi xe máy. Nếu chú nó cần quay lại bữa nào tôi lại đưa sang. Chú có đồ đạc gì không?
Khải lúng túng:
- Dạ em bỏ ở chỗ làm. Hôm em bệnh đưa về đây có mỗi bộ trên người. Toàn phải mặc quần áo của anh Hai đây.
- Vậy thì tôi xin phép nghe!
Về khuya trời trong, trăng càng sáng. ánh đèn pha xe máy soi cũng không sáng hơn bao nhiêu. Nó thành vệt nhoè mờ chìm trong ánh trăng. ánh trăng soi tỏ mọi vật hai bên đường. Ngôi nhà lá của ông Võ xa dần, khuất lấp sau vườn điều um tùm. Không gian như tráng một lớp Thuỷ Ngân bàng bạc. Sáng đến nỗi có thể đọc sách được. Khải có mang theo một cuốn sách mà em ông Võ ở Vũng Tàu mang vào. Đó là cuốn " Số phận của các nền văn minh " Cuốn sách vừa dịch từ nguyên bản tiếng Pháp, còn ở dạng bản thảo chưa công bố. Có một đoạn trong đó không hiểu tác giả có bị điên hay không khi ông ta đưa ra lý thuyết: Trăng là hành tinh gây ra nhiều nguyên nhân tai hoạ. Dịch bệnh cho con người, thuỷ triều bão lũ, sóng thần cũng bởi tự trăng mà ra. Con người muốn tránh các thảm hoạ đó không có gì tốt hơn là tìm cho bằng được một năng lượng cực lớn để tiêu diệt hành tinh này. Khải nghĩ điều ấy có thể làm được. Một ngày nào đó người ta sẽ tìm ra được sức mạnh ấy. Nhưng có nên làm điều ấy hay không? Môi trường và sinh thái con người đang sống sẽ như thế nào? Khong thể hình dung cuộc sống con người nếu như mặt trăng không còn nữa. Sẽ là sự sụp đổ vô cùng khủng khiếp. Khi đó không còn âm dương, ngũ hành. Tâm, sinh, lý con người sẽ bị rối loạn. Con người sẽ không còn ý thức, không còn tình cảm và lý trí. Một nhân loại hỗn loạn khó bề tồn tại.
Khám phá đó còn nguy hiểm gấp nhiều lần phát mình tìm ra nguyên tử, hạt nhân. Nhân loại đáng yêu và cũng đáng sợ vô cùng…
Một cái ổ gà gây xóc nhẹ trên đường khiến Khải tỉnh táo lại. Có lẽ do ảnh hưởng của trận ốm vừa rồi, dạo này anh có nhiều ý nghĩ, liên tưởng rất kỳ cục không dính dáng gì đến hoàn cảnh trước mắt của mình.
Xe đã ra đến lộ 13. Con lộ một thời đẫm máu của cả hai phía trong chiến tranh. Nhưng giờ đây nó có vẻ thanh bình phô mình dưới ánh trăng. Những vườn cấy trái um tùm, những vạt cao su đều tăm tắp như xếp hàng cũng đều bát ngát trăng soi. Trăng cứ như một điều kiện dĩ nhiên phải có, Bất chấp ai đó đặt câu hỏi: Trăng từ đâu tới, có tự bao giờ và lành dữ với sự sống trên thế gian này ra sao? Trăng thản nhiên không cần biết đến điều ấy. Khải cố gạt bỏ những ý nghĩ miên man trong đầu. Anh cũng tự biết kẻ đa cảm nhiều khi chẳng mang lại điều tốt đẹp. Nhưng đã là tính cách, biết làm sao?
Một làn gió từ phía rừng cao su làm Khải hơi ớn lạnh. Có lẽ sức lực của mình chưa hồi phục hẳn. Chỉ một tác động nhỏ của xung quanh cũng làm anh cảm nhận, rất dễ chênh chao. Vịn vào anh Hai, Khải ngồi cho ngay ngắn lại. Gió, trăng, cây cứ vùn vụt trôi qua.




Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: