Cho con tạ lỗi cùng cha mẹ trên chiếc xe lăn
Kể về hoàn cảnh của mình, anh nói mới 4 tuổi anh đã xa cha mẹ ruột rồi được ông Đỗ Văn Dung (SN 1929) và bà Đỗ Thị Niêm (SN 1928, ngụ tại xã Xuân Hòa, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) nhận về làm con nuôi. Do còn nhỏ, họ tên cha mẹ ruột bây giờ anh không còn nhớ nữa.
“Bị tai nạn chưa được bao lâu thì cha nuôi mất. Nghe tin, tôi như rã rời tay chân. Không muốn để mẹ già ở quê bận tâm, tôi cắt đứt toàn bộ liên lạc với gia đình. Suốt hơn 20 năm chưa được về quê, bất ngờ tháng 6 vừa rồi nhận tin mẹ mất, tôi xin trung tâm cho phép về để tang cho mẹ”. Chịu tang xong, tạm biệt quê hương thân yêu, anh mong có ngày sớm quay về.
Một trong số nhiều tác phẩm của người họa sĩ tàn nhưng không phế.
Khai trong hồ sơ tại trung tâm là “tứ cố vô thân”, nhưng trong không khí sum họp của những ngày tết đang đến, nỗi nhớ nhà, nhớ quê lại trào dâng trong lòng người con xa xứ. Tuy sống trong tình thương của những tấm lòng nhân ái và anh em cùng cảnh ngộ trong mái ấm, nhưng anh vẫn thấy thiếu một cái gì đó.
Nhớ nồi bánh chưng, nhớ phút giao thừa, nhớ những kỷ niệm ngày tết nơi quê nhà… Tất cả nỗi nhớ đó, anh dồn nén bấy lâu, nay muốn chuyển những lời chúc tốt lành đến những người thân còn lại ở quê.
Vượt lên số phận bằng mối lương duyên với hội họa
Ngồi trên chiếc xe lăn bằng điện với chiếc ống được nối trực tiếp từ thận ra một chiếc bình, anh kể lại câu chuyện trớ trêu của cuộc đời trong căn phòng nhỏ của Trung tâm Chắp Cánh.
Năm 1992, anh Tâm nhập ngũ vào Lữ đoàn 955, Vùng 4 Hải quân. Những năm đi lính, anh thường xuyên cùng đồng đội vận chuyển hàng ra các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Ra quân chưa được bao lâu, anh cùng đồng đội cũ lên tỉnh Đắc Lắc lập nghiệp.
Năm 2001, khi ước mơ gần thành hiện thực, bỗng một tai nạn bất ngờ ập đến với anh. Bị chấn thương cột sống cổ, rồi bị liệt tứ chi, anh nằm ly bì ở bệnh viện. Những đồng tiền tích lũy ngày nào cũng không đủ chi phí thuốc men. Bị hành hạ bởi những cơn đau không dứt, anh mong sao mong sao có được một ngày không bị vết thương hành hạ.
 Suốt hơn chục năm rồi, cuộc sống anh gắn liền với chiếc xe lăn,
Anh Tâm kể, nhiều lúc đang ngồi trên xe lăn mà mồ hôi toát ra như tắm vì những cơn đau không dứt. Chấn thương cột sống cổ kéo theo lục phủ ngũ tạng của anh cũng bị hư hết. Ngày qua ngày, những cơn đau lại cứ hành hạ anh, cuộc sống anh bắt đầu làm quen với chiếc xe lăn, tương lai tối mịt.
Thương người bạn chí tình trong lúc nguy nan, một đồng đội đã chuyển anh về Bệnh viện Chấn thương-Chỉnh hình TPHCM để điều trị. Suốt hai năm trời, các bác sĩ tại đây đã cố giành giật sự sống của anh từ tay ''Thần chết''. Bệnh tình có phần thuyên giảm, nhưng khả năng lao động của anh bị mất hoàn toàn, anh bắt đầu suy sụp về ý chí khi nghĩ về bản thân, nghĩ về bạn bè.
“Những ngày nằm trên giường bệnh là những ngày tôi mất hết ý chí, lòng tin vào cuộc sống. Từ một người khỏe mạnh, bỗng chốc trở thành một người tàn phế, mọi hoạt động đều phải nhờ vào người khác, tôi thấy cuộc đời của mình như đã kết thúc”.
Được sự động viên của những người cùng cảnh ngộ và các bác sĩ tại đây, dần dần anh thay đổi suy nghĩ theo hướng tích cực hơn. Thấy người bệnh nhân tuy tàn tật nhưng vẫn có niềm tin vào cuộc sống, một vị bác sĩ đã chuyển anh về Trung tâm Chắp Cánh để anh có cơ hội được chăm sóc tốt hơn.
“Đầu năm 2006, được một thầy ở trung tâm nhận vào lớp vẽ tranh. Thấy mình không làm được việc gì thì buồn chán nên tôi tham gia. Những ngày đầu, ngậm cây cọ vào miệng để vẽ thì cọ liên tục rơi, màu dính vào người… tôi muốn bỏ cuộc. Đến một ngày, thầy cho tôi ngậm một cây bút chì buộc vào một cây tre, bảo tôi vẽ khuôn mặt một cô gái lên trang giấy trắng. Nhìn bức phác họa của tôi, thầy nói “em sẽ thành công, hãy cố gắng nhiều hơn”. Từ đó, được sự động viên, dạy bảo, chỉ dẫn tận tình của thầy, tôi dần dần nắm được những nguyên lý cơ bản rồi kết duyên với hội họa lúc nào không hay”.
Không phụ sự cố gắng của anh, năm 2008, một tác phẩm của anh đã giành được giải nhất trong triển lãm tranh của người tàn tật diễn ra tại Nhật Bản. Thành công nối tiếp thành công, năm 2010, tác phẩm sơn dầu mang tên “Bước ngoặt” của anh đã giành được giải nhất trong cuộc thi sáng tác “Người khuyết tật và việc làm” do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức.
Cuối năm 2013, bức tranh anh vẽ lại chuyến hàng đầu tiên ra đảo Núi Le (thuộc quần đảo Trường Sa) thời còn tại ngũ đã lọt vào vòng chung kết gồm 40 tác phẩm tự họa của giải The Dogmaprize 2013.

Báo Lao Động trân trọng mời bạn đọc chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ, tâm tư của người con Tết không về tới người thân thông qua trang web của Báo Lao Động tại laodong.com.vn.
Đây là chương trình phối hợp giữa Báo Lao Động và Kênh VTV6 - Đài THVN.
Các lời chúc, clip do bạn đọc gửi về sẽ đăng tải trong chuyên đề "Tết con không về..." của Báo Lao Động và được lựa chọn phát trong bản tin 18h các ngày từ 30 tháng Chạp đến mùng 3 tháng Giêng trên VTV6.
Nội dung chia sẻ xin gửi về toasoan.laodong@gmail.com. Có thể ghi rõ tên, địa chỉ, điện thoại của người nhận.
Ghi chú: Clip ngắn có thể gửi kèm theo mail. Các clip dài, bạn đọc vui lòng upload lên một trang cụ thể như Youtube, Google Docs, Mediafire... và gửi đường link cho tòa soạn để tải về.
Rất mong nhận được nhiều sự chia sẻ của quý độc giả.
Trân trọng!
Ban TKTS Báo Lao Động điện tử.