Tôi xin bênh Nhà Táo năm nay!
Posted by News on February 10th, 2014
Nguyễn Nguyên Bình
Trước Tết Giáp Ngọ, có nghe thiên hạ đồn rằng chương trình Táo quân Tết sắp tới đang bị các ‘Quý ngài’ nhắn nhe, hạn chế, phong tỏa ghê lắm. Vì vậy, tối 30 tết, tôi chẳng mặn mà gì để đón xem. Thêm nữa, cũng vì buồn chán cho nhân tình thế thái trong năm nên đến việc khai bút giao thừa như mọi năm cũng muốn ‘xúp’ luôn, đi ngủ sớm. Nhưng đã quen thói thức khuya nên nằm nhắm mắt mà đâu có ngủ được. Bỗng nghe ngoài phòng khách có tiếng nhạc tấu bài Phiên chợ Ba Tư vốn yêu thích nên vùng dậy ngó. À ra trên TV đang diễn cảnh một ông Táo rầm rộ ra tuồng trong bộ hóa trang “trai đẹp bị trục xuất”. Thấy có vẻ vui, nên tôi ra ngồi xem tiếp. Chừng hai tiếng đồng hồ, hình như ngắn hơn mọi năm và ít Táo hơn (có mấy vị áo mũ cân đai đàng hoàng mà không thấy diễn gì, như là các Táo Văn hóa, Táo Giáo dục…), nhưng xem xong tôi vẫn thấy chương trình Táo năm nay vẫn hay, có cái để cười và suy ngẫm…
Ấy thế mà ngày hôm sau, mở báo mạng ra xem đã thấy ngay bài của một bác, phệt cho Táo cái ‘tít’ xanh rờn: Táo quân 2014 – món ăn sống sượng và nhạt. Đọc vào bài báo, thì biết bác ấy chê rằng chương trình Táo quân bị cắt xén nhiều quá nên mới ra nông nỗi… Đã thế, hôm sau nữa lại thấy những hai số liền trên báo PetroTimes còn đả mạnh hơn: Cảm nhận về Táo quân 2014: chỉ nhằm để chửi cho sướng? Phê phán rồi thôi!? Với lại: Cũ, nhạt, sượng, nói gượng, cười gượng. Úi chao ôi, kinh quá! Trong bụng mình đã trót khen, giờ nghe người ta chê thậm tệ như vậy, cứ nghĩ như người ta chê chính mình… Vốn là người kém bản lĩnh, tôi đâm ra nghi ngờ nhận xét của mình. May sao chiều nay (mùng 5 Tết), TV phát lại chương trình ‘Táo quân’, tôi có dịp tập trung xem và nghiêm túc kiểm lại cảm nghĩ của mình. Không hiểu sao tôi vẫn thấy Táo quân 2014 là hay mới chết chứ!
Nếu nói ‘đặc sản’ của Táo quân vẫn là mổ xẻ lại những hiện tượng tiêu cực, tai tiếng, những chuyện thời sự nổi bật nhất trong năm… Thì đã có rồi đấy: đã ‘mổ xẻ’ cái sự không hiệu quả của gói cứu trợ 30.000 tỷ nhé (chẳng có ứng viên nào dù là hoàn cảnh khốn khổ ngặt nghèo đến đâu mà ‘đủ tiêu chuẩn’ lọt được vào diện cứu trợ, đã vậy khi cố tìm được một người tạm đủ ‘tiêu chuẩn’ thì lại làm khó người ta bằng cách bắt leo lên với lấy cái cứu trợ ấy trên đỉnh cột mỡ cao tít! Có quyết sách nào từ ‘Thiên đình’ mà trêu ngươi và oái oăm với người nghèo khổ đến thế hay không? Còn gì nữa? Cái bà Táo Y tế kia, cán bộ của Thiên đình thì nhất quyết chẳng chịu nhận trách nhiệm trước bao nhiêu khuyết điểm, sai sót chết người của ngành mình, chẳng chịu chăm lo khắc phục khó khăn, giải quyết những vấn đề trầm trọng về y đức để phục vụ nhân dân được tốt hơn… mà chỉ lo vác khiên giơ mộc ra chống đỡ dư luận… Còn cái ông Táo Giao thông thì, tự xưng danh là Tư lệnh ngành mà bao nhiêu vấn đề chiến lược của ngành không lo giải quyết, chỉ biết kể đi kể lại mỗi thành tích xây nhiều cầu vượt ở thành phố lớn? Hài hước ở chỗ ông Táo này thì tỏ vẻ khác hẳn bà Táo Y tế là rất hăng hái nhận khuyết điểm để thể hiện mình đã làm việc nhiều, nhưng thực ra chỉ tự phê bình vào những khuyết điểm nhỏ ‘như con thỏ’! Ông Táo Điện lực thì quanh co, trâng tráo chối phắt đủ mọi tội, kể cả cái tội nặng nhất là làm thủy điện bừa bãi và vận hành cẩu thả làm thiệt hại biết bao tính mạng tài sản của nhân dân, tài nguyên của đất nước v.v…và v.v.. Những phê phán mổ xẻ như vậy xem ra có vẻ còn chưa đủ ‘đô’ với công chúng, vì thực tế năm qua đúng là còn đầy rẫy vấn đề, và nếu dàn Táo được thả phanh mổ xẻ thì chắc chắn sẽ đem lại cho người xem nhiều tiếng cười sảng khoái và đích đáng hơn. Cũng đáng tiếc!
Tuy có thấy tiếc, nhưng tôi thấy vẫn vui vì ‘Táo quân’ năm nay đã có một sáng tạo rất hay, đó là đã đưa ra sân khấu một ông Ngọc Hoàng giả (tôi muốn gọi nhân vật này là Ngọc Hoàng – Dân dã). Các tác giả đã tạo cớ để đưa rước một anh cu Tèo, một người trông giữ xe dưới hạ giới lên ngồi ghế của Ngọc Hoàng Thượng đế, chủ trì cuộc báo cáo cuối năm rất quan trọng của Thiên đình. Chắc rằng những pha ném giày vào Táo Điện lực hay cho Thiên lôi treo Táo Y tế lên cũng đã là những bất ngờ thú vị cho người xem. Bên cạnh đó, theo thiển ý của tôi, còn có thể tìm thấy ở cái ông Ngọc Hoàng – Dân dã kia một ý nghĩa biểu tượng: hãy xem, tại sao các tác giả lại cho nhân vật Ngọc Hoàng – Dân dã cái nguồn gốc bình dân như vậy, thậm chí còn có vẻ tầm thường nữa (vì chỉ là người lao động phổ thông, không phải loại trí thức trí ngủ ‘đáng ghét’ vì tội lắm lý sự, hay phản biện)? Phải chăng để nói rằng đó chính là một đại diện thông thường nhất, tiêu biểu nhất trong khái niệm nhân dân? Đặt nhân dân lên ngôi chủ Thiên đình, phải chăng muốn nói lên hai chữ dân chủ đầy khao khát của nhân dân? Xem suốt cuộc đóng vai Ngọc Hoàng, chủ trì hội nghị Thiên đình của Ngọc Hoàng – Dân dã, cũng thấy nhiều điều đáng ngẫm: các tác giả đã áp dụng thành công phép ‘biện chứng’ trong khi dẫn dắt tính cách, tâm lý nhân vật. Khi mới được đưa lên ngồi ghế Ngọc Hoàng thì tự ti, thụ động, khép nép, sợ sệt chỉ biết im lặng ngồi nghe hoặc làm đúng theo chỉ dạy của các quan chức thiên đình; khi muốn tham gia ý kiến gì thì run run ‘xin phép các anh cho em nói’; khi muốn làm gì cũng phải nài xin (ví dụ xin thực thi việc dùng phong bì để lột bỏ chiếc áo y đức của Táo Y tế chẳng hạn); khi trót buột miệng nói điều gì không hợp với Thiên đình thì lập tức bị đe loi, trấn áp, bịt miệng ngay, và ‘Ngọc Hoàng’ cũng vội van xin rối rít… Nhưng sau một quá trình rèn luyện trên vị trí chủ Thiên đình, Ngọc Hoàng- Dân dã đã dần trưởng thành, chủ động hơn, mạnh dạn hơn, ý thức về vị thế của mình ngày một rõ hơn: Đã dám đối thoại một cách sòng phẳng và thông minh khiến Táo Điện lực phải đuối lý, thậm chí lúc bức xúc lên, còn dám ném giày vào ông ta. Mà giữa hai lần ném giày cũng thấy có sự phát triển trong tâm lý: lần đầu thì ném giày vì bột phát, thiếu kiềm chế nên không dám nhận là mình ném; lần thứ hai, không những dám nhận trách nhiệm mà còn dõng dạc nhận mình chính là nhân dân! Tâm lý của Ngọc Hoàng – Dân dã còn phát triển đến mức mạnh dạn đấu tranh khẳng định vị thế của mình, để thực hiện cho được ý định xử lý Táo Y tế. (Đã khôn ngoan lợi dụng được chỗ yếu của Nam Tào Bắc Đẩu là nhất thiết phải che dấu thân phận thực của Ngọc Hoàng, để Ngọc Hoàng – Dân dã có thể khẳng định vị thế, khẳng định quyền điều khiển Thiên Lôi). Khi xử lý Táo Y tế, Ngọc Hoàng – Dân dã cũng tỏ ra có chừng mực, có trí tuệ: treo Táo Y tế lên không phải để cho bõ ghét, không phải để xử tử mà chỉ để giáo dục cho bà ta hiểu sâu sắc cái điều rằng: Phải van xin người khác cứu mình mới cay đắng ra sao! (Tính nhân văn là đây chứ còn đâu?). Và cuối cùng, buổi điều khiển Thiên đình của Ngọc Hoàng – Dân dã đã thành công, đã thuyết phục được cả Ngọc Hoàng xịn, đã khiến Ngọc Hoàng phải giật mình vì sự quan liêu, thiếu sâu sát tình hình, xa dân, chỉ biết nghe qua báo cáo! (Xin hỏi như thế có đáng bị chê là “cũ, nhạt, sượng, nói gượng, cười gượng” không ạ?)
Lại xin ông bà nào trên báo PT chê rằng: Táo quân 2014 “chỉ nhằm để chửi cho sướng”, hãy thử nghĩ lại xem có thực vậy không? Đã vậy lại còn đòi hỏi chương trình Táo quân là phải chỉ ra cho các vị Táo (tức các tư lệnh ngành) biết họ “đã sai như thế nào?” “Vì sao họ sai?” “Hướng khắc phục ra sao?”. Trời đất ôi! Sao nỡ đặt cho chương trình hài Gặp nhau cuối năm một nhiệm vụ nặng nề đến thế? Nếu chương trình Táo mà làm được như vậy thì bao nhiêu Đại hội Đại hè, bao nhiêu Hội nghị Sơ kết Tổng kết tốn kém bao nhiêu tỷ tỷ bạc mở ra để làm gì cho lãng phí? Bắt chương trình ‘Táo quân’ phải đưa ra giải pháp tổng thể thay cho các tư lệnh ngành thì các “Đỉnh cao trí tuệ” ngồi đó mà làm gì???
Thiết nghĩ, một chương trình hài vẫn được người xem chờ đợi hàng năm, được phát trên Đài truyền hình chính thống của chính thống, bị biết bao nhiêu cửa ải phong tỏa, định hướng, mà vẫn luồn lách vượt qua để nói lên những điều mong ước thiết tha của nhân dân, thể hiện được trí tuệ, tinh thần của nhân dân như vừa qua là quá giỏi, quá thành công. Tôi muốn gửi lời cảm ơn rất nhiều đến nhóm thực hiện chương trình Gặp nhau cuối năm Tết Giáp Ngọ đã lao tâm khổ tứ sáng tạo ra biểu tượng bạo tay và thú vị này! (Cũng phải mở ngoặc xin lỗi trước, nếu những gì tôi nói trên đây chỉ là suy diễn của riêng tôi, không phải ý đồ của các vị. Dầu sao cũng vẫn cảm ơn vì có suy diễn được như vậy cũng phải dựa trên dữ liệu mà các vị đưa ra).
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét