… ngồi, nghe tôi hát! (Lời Tỏ Tình Của Mùa Xuân)
... đến bên tôi, ngồi! (Câu Chuyện Nhỏ Của Tôi)
… ngồi yên, cho tôi ngắm xem! (Ngôi Sao Cô Đơn)
“Ngồi” ám ảnh nhạc sĩ vậy chắc không phải chuyện chơi. Phải hấp dẫn sao đó ta mới đòi (người khác) ngồi chớ.Nhưng coi kỹ ra “ngồi” đối với ông nhạc sĩ chỉ thuần “tư thế” thôi. Đơn giản, nó thỏa mãn thị giác (ông).
Cũng nhạc sĩ, nhưng Lê Uyên Phương không chịu dừng ngang (hông) vậy. Ông muốn xuống nữa, tận cùng cho cái sự "ngồi". Ông kêu gọi (các em nó):
…hãy ngồi xuống đây…vui chơi cuộc đời có dáng hôm nay (Hãy Ngồi Xuống Đây)
“Ngồi” lúc này thành một “cách thế”, kết hợp hài hòa giữa Hiện Sinh, Descartes và Tào Động (Nhật Bổn). I sit, therefore I am (không có chữ “h” à). “Cách thế” là một biện pháp tự vệ, một phản ứng nhất thời đối với hoàn cảnh, môi trường, xã hội dưới cái vỏ thách đố.
Tới Nguyễn Bình Phương, “ngồi” nó thiết thân chớ không xa lạ. Ông đi đã rồi ngồi. Có người hỏi sao lại là Ngồi? Ông nói: Mệt quá thì ngồi. “Ngồi”, có thể khẳng định, là “nhu yếu thế”. “Ngồi”, một nhu cầu cấp bách và thực tiễn, ảnh hưởng trực tiếp tới hạnh phúc cá nhân (và các bên liên quan). “Ngồi”, có khi là nhu cầu tự nhiên, khi khác, là nhu cầu đổi mới. Chưa nói tới chuyện nhiều lúc ngồi bình thường không (ổn) thỏa, phải ngồi bình phương.
Nhất Hạnh xua xua tay, không có (ngồi) bị động vậy được, nên tự quyết:
... hãy ngồi yên trên chỗ đó. (Một Chỗ Ngồi Trên Góc Chiếu)
“Ngồi”, với ông sư, đích thực là “tâm thế”. “Tâm thế”, suy cho cùng, là một lựa chọn. Dĩ nhiên đâu phải lúc nào muốn MTV cũng được MTV. Nhằm bữa cúp điện, chưa đóng tiền kịp, TV bị hư, thời tiết xấu, cáp đứt, rà quài chỉ mỗi ruồi hay VTV tường trình trực tiếp ...
Cũng phải ngồi (chịu trận) chớ sao.
Ở Trịnh Công Sơn, ngồi như niềm an ủi cho một tình trạng không lối thoát được thừa nhận. “Ngồi” mang dáng dấp, dấu ấn “sự thế”.
…ngồi gần nhau hơn, ngồi kề bên nhau (Lại Gần Với Nhau)
Riêng Văn Cao, “ngồi” là “tình thế” của một kẻ “thất thế”:
…ngồi đây ta gõ ván thuyền, ta ca trái đất còn riêng ta (Trương Chi)
Truy ngược mấy ngàn năm trước đã thấy có “ngồi” trong thánh điển. Tên quyển cuối của bộ Vệ Đà, Upanishads, Tàu dịch là Áo Nghĩa Thư, nhưng nghe đồn chánh ra nguyên nghĩa vầy: Hãy ngồi lại gần sát [thầy] đây nhacưng. Nếu mình có “ưu thế”, “ngồi” tự nhiên trở nên hấp dẫn và đầy uy quyền, dù mới nghe qua như một lời khuyến thỉnh, mời mọc nhẹ nhàng (thôi).
Rốt cuộc, có bao nhiêu kiểu “ngồi”?
Nguyễn Khuyến quan sát thấy xưa nay “ngồi”, dù lòe loẹt tạm bợ thế nào, dẫu gì vẫn là “vị thế”. “Vị thế” là một thước đo, phổ biến và phổ quát trên thế giới, đã đành. Nhưng nó có chỗ đứng đặc biệt trong hệ thống giá trị văn hóa mình. Không, Tết (thiếu nhi) bày ra bán để thiên hạ khấp khởi rước về nhà ấn vô tay thế hệ mai sau, rường cột nước, nhà chơi chi?
Ghế tréo, lọng xanh ngồi bảnh choẹ (Vịnh Tiến Sĩ Giấy)
Thiệt tình, làm ruộng (mướn) chớ nhiều lúc cũng muốn ngồi (bên bờ con đê xanh xanh) hỡi cô tát nước bên đàng lắm nhưng cứ sợ hớ (hênh).
Có kiểu nào là ngồi “ngu thế” không?
- Trương Thái DuChẳng kiểu ngồi nào sướng bằng "Ngồi mát ăn bát vàng" của các quan nhà ta...
Phần nhận xét hiển thị trên trang