Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 5 tháng 2, 2014

LƯỢC THUẬT PHIÊN KIỂM ĐIỂM NHÂN QUYỀN VIỆT NAM

TS. Nguyễn Hồng Kiên


Ảnh: Việt Nam TTX phát
LƯỢC THUẬT TRỰC TIẾP PHIÊN HỌP CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN QUYỀN LHQ: VN KIỂM ĐIỂM NHÂN QUYỀN ĐỊNH KỲ PHỔ QUÁT (UPR) LẦN THỨ HAI 

+ THỤY SỸ: Đề nghị thực hiện nghiêm túc Công ước chống tra tấn.
Quan ngại về việc đàn áp các quyền tự do ngôn luận và bày tỏ ôn hòa.
Đề nghị trả tự do cho ít nhất 30 người đã bị bắt giữ từ phiên UPR 2009 đến bây giờ.

+ HOA KỲ: "Tuy nhiên, Việt Nam vẫn sách nhiễu và giam giữ những người thực thi các quyền phổ quát và tự do như tự do ngôn luận và hội họp. Việt Nam cũng hạn chế tự do tôn giáo và việc sách nhiễu các nhà thờ không đăng ký vẫn tiếp diễn.

"Chúng tôi lo ngại về các hạn chế đối với việc thành lập công đoàn độc lập, việc sử dụng lao động trẻ em và lao động cưỡng bức, và việc chính quyền sử dụng lao động bắt buộc.

"Chúng tôi cũng thất vọng vì Việt Nam đã ngăn cản xã hội dân sự tham gia vào tiến trình UPR nói chung.
"Chúng tôi khuyến cáo Việt Nam:

1. Xem xét lại luật an ninh quốc gia đang được dùng để trấn áp các quyền phổ quát và thả không điều kiện tất cả các tù nhân chính trị như Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ, các ông Lê Quốc Quân, Điếu Cày và Trần Huỳnh Duy Thức.

2. Bảo vệ các quyền của người công nhân đã được quốc tế công nhận và thực thi luật cấm cưỡng bức lao động; và

3. Nhanh chóng phê chuẩn và thực thi Công ước Chống Tra tấn." (Theo BBC)

................................
- Thứ trưởng Hà Kim Ngọc trả lời:
Quốc Hội VN đã dành nhiều thời gian để thảo luận và thông qua Hiến pháp với số phiếu rất cao
Quyền con người được đặt trang trọng trong Hiến pháp mới, ngay sau chương Chế độ chính trị.
Hiến pháp mới phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đều phải ghi họ tên cả vợ cả chồng, theo Luật đất đai mới.

Việt Nam đã giảm từng bước việc áp dụng hình phạt tử hình, chỉ còn 22 điều luật quy định hình phạt tử hình. Từ UPR 2009, đã giảm 7 tội danh có quy định án tử hình. Người dân Việt Nam tán thành án tử hình đối với các tội đặc biệt nghiêm trọng, trong đó có tội danh gây nguy hại tới sự tồn vong của nhà nước.

Sẽ sửa đổi các luật để đảm bảo các quyền dân sự và chính trị của người dân như Luật về Hội, Luật Biểu tình.

Cân nhắc khả năng tham gia Công ước người không có quốc tịch. Đang nghiên cứu quy chế Rome về tòa án quốc tế.

Cảm ơn các phát biểu từ các phái đoàn, xin mời đại diện các bộ Tư pháp, Bộ Thông tin Truyền thông, Công an, Bộ Kế hoạch đầu tư trả lời các khuyến nghị.

- Đại diện Bộ Tư pháp :

Việt Nam đã giảm một nửa số tội có hình phạt tử hình, từ 44 tội trong Bộ luật hình sự năm 1985, xuống còn 29 tội trong Bộ luật hình sự năm 1999, và trong Bộ luật hình sự sửa đổi năm 2009 giảm xuống còn 22.

Hình phạt tử hình là cần thiết để trừng phạt các hành vi phạm tội ở Việt Nam, người dân Việt Nam tán thành với quan điểm đó.

Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ xem xét sửa đổi Bộ luật hình sự và giảm số tội có hình phạt tử hình, chỉ giữ lại những tội nghiêm trọng, có tính chất man rợ, và CÁC TỘI ĐE DỌA SỰ TỒN VONG CỦA NHÀ NƯỚC.

- Đại diện Bộ Thông tin Truyền thông:

Cảm ơn đại biểu của các nước đã có các bình luận và khuyến nghị, xin cung cấp thêm thông tin như sau:

Tình hình tự do thông tin đã có bước tiến triển nhờ sự phát triển của các phương tiện truyền thông.

Ở Việt Nam hoàn toàn không có kiểm duyệt báo chí và thông tin.

Lần đầu tiên Việt Nam lấy phiếu tín nhiệm, tăng cường dân chủ xã hội.

Hơn ba triệu bloggers đã thường xuyên trao đổi bình luận các vấn đề chính trị và xã hội trên mạng Internet, tham gia các kiến nghị, ký tên tập thể.

Nghị định 72 không nhằm hạn chế Internet mà chỉ đề đảm bảo quyền lợi của các cá nhân và tổ chức, trật tự xã hội, bản quyền.

- Đại diện Bộ Công an:

Cơ sở pháp lý của việc bắt giữ các tội phạm an ninh quốc gia nằm trong các điều luật của Bộ luật Hình sự, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, như các điều 19, 22 của Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR).

VN tôn trọng các quyền tự do ngôn luận, hội họp. VN khuyến khích người dân tham gia góp ý, phê phán, phản biện các chính sách quốc gia.

Việt Nam áp dụng các giới hạn để đảm bảo trật tự an toàn an ninh xã hội, phù hợp với điều 29 ICCPR.

Chính phủ VN đảm bảo các điều kiện sinh sống của phạm nhân. Phạm nhân được quyền nhận thư từ, thức ăn từ người thân, được nhắn tin gửi thư cho gia đình.

- Đại diện Bộ Kế hoạch đầu tư:

Chính phủ VN đã áp dụng nhiều biện pháp nâng cao đời sống kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Tiếp tục thực hiện Chiến lược quốc gia về HIV.

Thực hiện Chiến lược Tăng trường xanh gắn với Tái cơ cấu kinh tế, chủ động đối phó với biến đổi khí hậu....

................................

+ AUSTRALIA: Quan ngại về tự do biểu đạt ở Việt Nam, đặc biệt là trên Inernet. Nhiều điều luật như 79 không phù hợp với tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế. Đề nghị sửa đổi luật tuân thủ ICCPR.

Các quyền về hội họp chưa được đảm bảo, đề nghị Việt Nam tuân thủ ICCPR.

Đề nghị tạm dừng án tử hình, hướng tới bãi bỏ tử hình.

+ AUSTRIA: Quan ngại về việc vi phạm các quyền tự do hội họp và biểu đạt.

Chúng tôi đang có các báo cáo rằng Việt Nam đã ngăn chặn nhiều người sang tham dự UPR.

Đề nghị cung cấp số lượng các trại giam, đặc biệt là nơi giam giữ những người nghiện và cưỡng bức họ lao động.

+ THỤY ĐIỂN: Đã có hàng triệu người sử dụng Internet nhưng đã ban hành quá nhiều luật lệ đàn áp tự do Internet. Đã có ít nhất 58 người bị bắt giữ chỉ vì bày tỏ ôn hòa trên Internet.

Đã có nhiều người bị bắt giữ và tra tấn trong tù, đề nghị chính phủ Việt Nam thực hiện nghiêm túc Công ước Chống tra tấn.

Đề nghị bãi bỏ các điều luật mơ hồ trong Bộ luật Hình sự như 79, 88 và 258. Hướng tới bãi bỏ án tử hình.

+ BOLIVIA: Khen ngợi các kết quả về xóa đói giảm nghèo.

Hoàn thiện hơn nữa hệ thống luật pháp về nhân quyền.

+ BOSNIA&HERZEGOVINA: VN đã hết sức chú trọng đến các cam kết trước đây của mình trong phiên UPR.

+ BRAZIL: Đánh giá cao việc sửa đổi Luật Đất đai ở Việt Nam.

Đề nghị ngừng thi hành án tử hình. Cân nhắc thông qua ICCPR 2, đảm bảo quyền tự bày tỏ thông qua Internet.

+ CANADA: Chính phủ Việt Nam đã từng chấp thuận khuyến nghị về Luật Tiếp cận Thông tin trong lần UPR 2009, vậy xin hỏi chính phủ Việt Nam bao giờ sẽ thông qua và ban hành Luật này?

Đề nghị thay đổi các điều luật 79, 88 và 258 và các điều khoản khác trong Bộ luật Hình sự để phù hợp với Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị. Chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ chính phủ Việt Nam về mặt kỹ thuật để thực hiện những điều này.

+ TQ: Chúc mừng các kết quả VN đạt được trong lĩnh vực nhân quyền.

Thúc đẩy bình đẳng giới và xóa đói giảm nghèo.

Ủng hộ sự lựa chọn độc lập của Việt Nam trong vấn đề nhân quyền.

+ CH CZECH: Gỡ bỏ các điều khoản hạn chế quyền tự do lập hội và tự do ngôn luận. Hy vọng chính phủ Việt Nam tiến hành các cải cách hướng tới nền dân chủ đa đảng.

+ ĐAN MẠCH: Quan ngại về tự do biểu đạt, đặc biệt là việc giam giữ các blogger và những người hoạt động ôn hòa.

Đề nghị sửa đổi luật pháp để đảm bảo các quyền tự do căn bản của người dân.

Khuyến nghị Việt Nam đảm bảo quyền tiếp cận công lý và quyền được có luật sư của mọi công dân khi bị khởi tố.

+ AI CẬP: Mời VN chia sẻ kế hoạch và tầm nhìn của mình để chuyển các thành tựu kinh tế xã hội thành các thành tựu về quyền con người

Tiếp tục tham gia các Công ước nhân quyền.

Đưa nhân quyền vào chương trình giáo dục ở tất cả các cấp phổ thông.

+ CUBA: Cuba: Tiếp tục đảm bảo quyền con người để thực sự là một nhà nước của dân do dân và vì dân.


Chúng tôi vẫn nhớ những lời của vị lãnh tụ vĩ đại Việt Nam, và những tình cảm gắn bó của chủ tịch Fidel Castro với nhân dân Việt Nam.

+ PHẦN LAN: Quan ngại về quyền tự do bày tỏ ở Việt Nam. Không hiểu VN đảm bảo các quyền tự bày tỏ ý kiến trên Internet trong hệ thống pháp luật ra sao?

Nghị định 72 đã hạn chế tự do Internet. Đề nghị có những sửa đổi đối với nghị định này.

+ CH PHÁP: Rất quan ngại về việc hạn chế quyền tự do bày tỏ, đặc biệt trên Internet.

Đề nghị tạm hoãn thi hành án tử hình và hướng tới bãi bỏ án tử hình.

Đề nghị sửa đổi các điều luật 79, 88 của Bộ luật Hình sự.

..............

- Đại diện Ủy ban Dân tộc trả lời:

Các dân tộc thiểu số được bảo đảm các điều kiện để có quyền như các dân tộc đa số.

Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số về nhà ở, kinh tế: cơ sở hạ tầng có bước phát triển, giáo dục tiếng dân tộc phát triển...

Người dân tộc thiểu số được khám chữa bệnh miễn phí.

Nhà nước chi 8 triệu USD để phổ biến báo chí cho vùng sâu vùng xa.

Người dân tộc thiểu số được tham gia các hoạt động văn hóa, bảo vệ tốt di sản dân tộc thiểu số.

Quyền con người của dân tộc thiểu số trong 4 năm qua đang ngày càng được đảm bảo.

Việt Nam sẽ xây dựng Luật Dân tộc để bảo vệ quyền của họ tốt hơn.

- Đại diên Ban Tôn giáo Chính phủ trả lời:

Nhà nước VN luôn nhất quán bảo vệ quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng của người dân. Hiến pháp mới đã công nhận các quyền này.

Nhiều tổ chức tôn giáo đã được công nhận. Đã có hơn 3000 cơ sở thờ tự mới được xây dựng.

Các tổ chức tôn giáo được liên hệ với các tổ chức tôn giáo nước ngoài, tham gia các hoạt động từ thiện.

Hàng năm, có hàng trăm lượt chức sắc tôn giáo Việt Nam được ra nước ngoài đi đào tạo.

Các sự kiện 100 năm Tin lành vào VN đã có sự tham dự của nhiều mục sư từ Mỹ, Hàn Quốc, châu Âu.

Chính phủ VN cũng cho phép Giáo hội Phật giáo VN đăng cai Lễ hội Phật giáo Vesak.

- Đại diện Tòa án Nhân dân Tối cao trả lời :

Quyền được xét xử công bằng được quy định trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Hiến pháp mới quy định mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Điều này cho thấy Nhà nước rất quan tâm đến quyền tư pháp bình đẳng của người dân.

Hiến pháp quy định sự độc lập của hội thẩm và thẩm phán, nghiêm cấm cá nhân tổ chức can thiệp vào tiến trình tố tụng.

Luật sư có quyền bình đẳng với Kiểm sát viên trong việc tranh tụng và đưa ra các bằng chứng.

Việc tham gia của Luật sư giúp cho bản án được phán quyết một cách công bằng.

.............................

+ CHLB ĐỨC: Hoan nghênh VN ký Công ước Chống tra tấn và trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền.

Giảm tội phạm chịu án tử hình.

Trả tự do ngay lập tức cho các tù nhân bị giam giữ tùy tiện.

Thực hiện nghiêm túc các quyền được quy định trong các công ước mà VN đã ký kết, đặc biệt quyền tự do biểu đạt trên Internet.

+ IRELAND: Quan ngại về việc các công ty cung cấp dịch vụ Internet Việt Nam đã theo dõi người sử dụng.

Đảm bảo các quyền tự do biểu đạt.

Đề nghị tuân thủ nghiêm ngặt điều 19 Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị.

+ NHẬT BẢN: Ghi nhận các thành tựu về xóa đói giảm nghèo.

Đề nghị mở rộng quyền tự ngôn luận, tự do bày tỏ.


Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ chính phủ Việt Nam cải cách tư pháp, đào tạo nhân lực về pháp lý.

+ LITHUANIA: Quan ngại về việc bắt giữ blogger, nhà báo vì bày tỏ ôn hòa.

Đề nghị VN đảm bảo quyền tự do hội họp và ngôn luận của người dân.

+ LUXEMBOỦG: Đảm bảo quyền tự do thông tin, đặc biệt bảo vệ nhà báo và blogger cũng như những người bảo vệ nhân quyền.

Tất cả mọi người đều phải được xét xử công bằng. Các phiên tòa phải được công khai và cho phép tất cả mọi người được tham dự một cách không hạn chế.

+ MADAGASCAR: Đề nghị thành lập cơ chế Nhân quyền quốc gia.

+ MONTENEGRO: Kiến nghị VN nên mời tất cả các Báo cáo viên Đặc biệt vào làm việc.

VN nên tạm hoãn thi hành án tử hình, tiến tới bãi bỏ án tử hình.

+ HÀ LAN: Quan ngại về tình trạng vi phạm quyền tự do thông tin, đặc biệt là tự do Internet.

Đề nghị tuân thủ nghiêm điều 19 Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam đã ký kết và phê chuẩn.

+ NEW ZEALAND: Quan ngại về tình hình tự do ngôn luận và bày tỏ ở Việt Nam.

Nghị định 72 xâm phạm quyền tự do thông tin ở Việt Nam, do đó, cần phải được sửa đổi.

Sau phát biểu CUỐI của ông Hà Kim Ngọc, chủ tọa tuyên bố: Báo cáo sẽ được nhóm troika chuẩn bị và được thông qua vào thứ sáu 7/2, sau 3h chiều.

 _______________




Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: