Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 4 tháng 2, 2014

Khúc ruột ngàn trùng:

Việt kiều ở Vân Nam 

(2009, Tuổi trẻ)


Anh Nguyễn Ánh Sơn trong lần về Hà Nội dự hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất
- Ảnh: NGUYỄN HUY HOÀNG
---

Đồng bào mình ở Vân Nam


TT - Trong số gần 4 triệu người Việt sinh sống ở nước ngoài, có những cộng đồng người Việt rất nhỏ đang phải bươn chải để khẳng định chỗ đứng của mình.
Việt kiều ở Trung Quốc, theo cách hiểu của cộng đồng người Việt Nam ở Trung Quốc, là người phải có đủ hai điều kiện: mang quốc tịch Việt Nam và có hồ sơ trong danh sách của Hội Việt kiều ở Trung Quốc trước đây. Việt kiều ở Trung Quốc theo cách hiểu này hiện có hơn 1.100 người. Trong đó, kiều bào ở tỉnh Vân Nam đông nhất với hơn 440 người, tập trung chủ yếu ở thành phố thủ phủ Côn Minh với hơn 210 người. Số còn lại sống rải rác ở các thành phố Khai Viễn, Hà Khẩu, Cá Cựu, Mông Tự...
Hội Việt kiều tan hợp
Hội Việt kiều ở Trung Quốc được thành lập trước năm 1960, trên cơ sở các hội nhóm đồng hương người Việt Nam ở Trung Quốc từ những ngày đầu phiêu dạt sang đây. Sau năm 1979, Hội Việt kiều giải tán. Từ năm 1979-1991, chính quyền địa phương ở Trung Quốc thường đứng ra tổ chức cho bà con Việt kiều gặp gỡ nhau vào dịp lễ tết truyền thống.
Đến năm 1991, khi Việt Nam và Trung Quốc chính thức khôi phục quan hệ ngoại giao, cộng đồng Việt kiều ở Trung Quốc tổ chức thường xuyên hơn các buổi gặp gỡ, giúp nhau tìm lại người thân và tạo điều kiện để người thân ở Trung Quốc và Việt Nam gặp lại nhau.
Chính quyền Trung Quốc cũng tạo điều kiện cho thân nhân ở Việt Nam của bà con Việt kiều được cấp giấy thông hành qua biên giới, đi sâu vào nội địa như Côn Minh thăm tìm người thân.
Đa số người Việt ở Vân Nam hiện là thế hệ thứ 2, thứ 3, nghĩa là sinh ra và lớn lên ở địa phương này. Việt kiều ở Vân Nam hiện nay được hình thành từ hai nguồn chính. Một là con cháu của những công nhân và kỹ sư xây dựng tuyến đường sắt Việt Nam - Trung Quốc thời Pháp thuộc.
Đường tàu xây xong, chính quyền thực dân không cho bà con trở về Việt Nam. Hai là những người buôn bán qua biên giới. Ở Vân Nam vẫn còn những nhân chứng cho sự kiện này, họ nay đều đã cao tuổi. Bà con ở đây sống hòa đồng với người dân bản địa.
Tìm chỗ đứng
Theo anh Nguyễn Ánh Sơn - đại diện cộng đồng người Việt ở Vân Nam, cuộc sống của đa số bà con ở Vân Nam không được dư dả cho lắm vì phần lớn làm công nhân, chỉ một số ít đầu tư, kinh doanh. Lương công nhân ở đây trung bình 1.200 nhân dân tệ/tháng, khoảng 3,4 triệu đồng theo tỉ giá hiện tại. Bà con phải căn cơ mới đủ sống.
Anh Sơn, 34 tuổi, là “một trong không nhiều Việt kiều kinh doanh thành công tại Trung Quốc”, theo lời kể của anh. Bố mẹ anh là người Việt Nam, phụ trách công tác Việt kiều ở Hà Khẩu. Anh có một chị gái làm về thương mại, đã lập gia đình với một người Trung Quốc, hiện sống ở Hà Khẩu. Anh Sơn là doanh nhân, kinh doanh đá quý và xuất nhập khẩu.
“Phấn khởi nhất là cho đến năm 2009, bà con Việt kiều ở Trung Quốc đã được mua bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội” - anh Sơn bộc bạch. Anh tin đây là một trong những bước tiến giúp người Việt ổn định và hội nhập ở Trung Quốc.
Anh Sơn cũng chỉ ra những điều cản trở: một là Việt kiều khi đầu tư kinh doanh, kể cả mở cửa hàng buôn bán nhỏ, vẫn chưa được đứng tên mình trên giấy phép kinh doanh; hai là không được vay trực tiếp vốn của các ngân hàng thương mại nhà nước, ngay cả khi có đủ tài sản thế chấp. Ngoài ra, bà con Việt kiều không được đưa vào biên chế nhà nước. Đây là những cản trở cho việc hòa nhập xã hội và phát triển kinh tế của lớp thanh niên Việt kiều ở Trung Quốc.
NGUYỄN HUY HOÀNG


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: