- - Năm 2017 nước Mỹ sẽ được lãnh đạo bởi Tam Thư Anh Kiệt (Hillary Clinton – Janet Yellen – Nancy Pelosi).
- - Dọn đường trước đó là trận thư hùng giữa Tứ Đại Thiên Vương (Putin – Obama – Tập Cận Bình – Sinzo Abe) mà hồi bán kết sẽ tỏ tường vào năm 2015.
- - Cuộc chạy đua Mỹ-Trung dù chưa chấm dứt nhưng bắt đầu đi vào giai đoạn kết thúc ngay tại kỳ Thế Vận Hội 2020 ở Tokyo.
***
Nước Mỹ năm 2014 sẽ có bà Janet Yellen là phụ nữ đầu tiên lên làm Thống Đốc Ngân Hàng Trung Ương, tức chức vụ quan trọng thứ nhì chỉ sau ngôi Tổng Thống.
Bà Hillary Clinton rất có triển vọng trở thành phụ nữ đầu tiên lãnh đạo Hoa Kỳ nếu quyết định ra tranh cử Tổng Thống vào năm 2017.
Năm 2015 hoặc 2017, bà Nancy Pelosi hy vọng đứng hàng thứ ba trong nước Mỹ với chức vụ Chủ Tịch Hạ Nghị Viện nếu đảng Dân Chủ thắng lớn qua hai kỳ bầu cử Quốc Hội.
Cho nên việc Hoa Kỳ được lãnh đạo bởi ba vị anh thư vào năm 2017 tuy khó nhưng vẫn có thể xảy ra – vì vậy các đấng mày râu từ nay nên thận trọng khi đối xử với phái vừa đẹp lại thông minh tài ba!
***
Lòng đất rung chuyển [1] nên Tứ Trụ Thiên Vương sa xuống trần gian tranh nhau vẽ lại bản đồ thế giới, đó là các ông: Bạch Đế (Tổng Thống Putin của nước Nga tuyết trắng), Hắc Đế (Tổng Thống Obama của Hoa Kỳ, Hoàng Đế (Chủ Tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc) và Xích Đế (Thủ Tướng Shinzo Abe của nước mặt trời mọc rực đỏ) [2]. Việc làm của các ông này được báo chí nhắc đến hàng ngày tưởng không cần nhắc lại mà người viết xin đi ngay vào lời tiên đoán tại sao kết quả trận thư hùng sẽ diễn ra vào năm 2015.
Hai nhân vật chính vẫn là Obama và Tập Cận Bình, và dù tranh chấp về địa chính trị nhưng nền tảng của mỗi bên vẫn chính nơi sức mạnh kinh tế. Nhiều dự đoán cho thấy áp lực sẽ dồn dập đến với cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc trong năm 2015, và nhà lãnh đạo nào vượt qua các thử thách này sẽ tạo nhịp đẩy cho hồi chung cuộc trong thập niên 2020.
Cuối năm 2013 kinh tế Mỹ có dấu hiệu thoát khỏi khủng hoảng do phát triển ở mức 2.8% với con số thất nghiệp còn 7%. Ngân Hàng Trung Ương bắt đầu giảm lượng tiền tệ bơm vào để kích thích tăng truởng cũng giống như người trước đây bệnh nặng nay phục hồi nên cần giảm lượng thuốc hồi sinh. Câu hỏi đặt ra là liệu người bệnh có bị lạm thuốc hay không? Có đúng là lượng tiền khổng lồ được tung ra đã thúc đẩy sản xuất hay chỉ tạo thêm bong bóng mới khiến những nhà lập chính sách bị lầm lẫn với của cải được tạo ra. Nhiều chỉ dấu đáng lo ngại khi thị trường chứng khoán và giá địa ốc nhảy vọt trong khi nạn thất nghiệp và mức lương bổng cải thiện rất chậm thì liệu tăng trưởng đã nhờ vào kích thích hay do tình hình kinh tế thật sự cải thiện? Nhưng mặt khác Hoa Kỳ đang trở nên tự túc về năng lượng, đồng đô-la lại hạ giá nên sản xuất trong nội địa đang tăng. Không ai đoán chắc được câu trả lời cho đến khoảng cuối năm 2014 tức là lúc mà Ngân Hàng Trung Ương có thể chấm dứt các gói kích cầu, khi đó mới biết nền kinh tế đã tự phát triển vững mạnh hay lại rơi vào vòng xoáy của một chu kỳ khủng hoảng mới vào năm 2015.
Tình hình của Trung Quốc cũng đáng lo ngại không kém. Tăng trưởng giảm từ 10% năm 2010 xuống còn khoảng 7.5% năm 2013, tức là sát với chỉ tiêu do nhà nước đề ra, nhưng số nợ của các địa phương bị phanh phui đã tăng vọt lên đến 3000 tỷ USD, tức khoảng 33% GDP. Nhà nước không dám tăng đầu tư để kích thích kinh tế vì nợ xấu quá nhiều mà cũng sợ sẽ khơi động một bong bóng khác đào sâu thêm mâu thuẫn giàu nghèo. Hoa Lục muốn chuyển đổi trọng tâm kinh tế đặt từ đầu tư sang tiêu thụ tư nhân thì phải tái phân phối lợi tức quốc gia, tức đụng chạm với các khối quyền lực nay đã bén rễ. Chương trình cải cách kinh tế của Tập Cận Bình lệ thuộc vào việc cải thiện toàn bộ xã hội, nhưng ông chỉ vận động chống tham nhũng và không dám cải tổ chính trị nên giống như một người đu dây mầy mò thăng bằng giữa các đòi hỏi nghịch lý.
Nếu vào năm 2015 nền kinh tế Hoa Kỳ vẫn giữ được mức tăng trưởng khoảng 3% còn Trung Quốc rơi xuống 6% thì Obama thắng lớn; còn xảy ra ngược lại Hoa Lục tăng 7% trong lúc Mỹ chỉ trên 1% thì Tập Cận Bình tạo được đà tiến để qua mặt Hoa Kỳ trong thập niên 2020. Thêm một trường hợp thứ ba khi cả hai nước Mỹ-Trung đều cùng không giải quyết được các vấn đề kinh tế và chính trị nội bộ, khi đó tình hình thế giới sẽ trở nên vô cùng phức tạp.
Cũng cần nhắc đến hai ông Putin và Abe. Tổng Thống Putin thắng lớn tại Syria và trong vụ Edward Snowden khiến Hoa Kỳ bị sứt mẻ uy tín trước đồng minh. Ông đang hứng khởi thả các đối thủ chính trị để tô điểm hình ảnh của nước Nga, nhưng bất ngờ đến cuối năm âm lịch, Putin bị hai vố nặng với các cuộc biểu tình tự phát chống Nga ở Ukraine và những lần tấn công khủng bố trước kỳ Thế Vận Hội mùa Đông tại Sochi. Putin tuy là kỳ thủ cao tay nhưng lại không thu phục nhân tâm; thêm vào việc ông hợp tác với Trung Quốc chỉ dựa vào quyền lợi ngắn hạn nhằm tạo khó khăn cho Tây Phương để nâng cao vai trò của chính mình mà lại không vạch ra được tầm nhìn lâu dài cho nước Nga trong suốt thế kỷ thứ 21.
Sự nghiệp của ông Abe gắn liền với ba mũi thần tiễn [3] mà ông bắn ra để cứu nước Nhật thoát khỏi nạn suy trầm trong suốt 20 năm nay. Nếu thành công ông sẽ vực dậy niềm lạc quan và tự tin trong dân chúng để đẩy mạnh chính sách quốc phòng và ngoại giao nhằm đối phó với những thách thức liên tục từ Trung Quốc. Nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng khả quan trong năm 2013 nhưng phải đợi đến cuối năm 2014 người ta mới biết được kết quả lâu dài.
***
Thế Vận Hội 2020 sẽ được tổ chức tại Tokyo. Tuỳ theo cán cân kinh tế và quân sự cùng tinh thần dân tộc trong những năm trước đó mà Nhật-Hoa sẽ gặp nhau trong tư cách hoà hoãn bình đẳng, kình địch hay giữa đại quốc và chư hầu!
Thế Vận Hội 2020 tại Á Châu sẽ mang biểu tượng chính trị vô cùng quan trọng, là cơ hội để Nhật Bản thể hiện niềm tự tin và tinh thần dân tộc [4], nhưng cũng là dịp cho Bắc Kinh phô trương Giấc Mộng Trung Hoa ngay trên lãnh thổ của đối thủ hàng đầu ở Thái Bình Dương, cũng giống như Thế Vận Hội 1936 ở Bá Linh khi Hitler muốn đề cao tính ưu việt của chủng tộc Aryan và Đức Quốc Xã tại Âu Châu [5].
Chiến tranh giữa Hoa-Mỹ-Nhật khó thể xảy ra. Nhưng giống như vũ điệu của loài công trống phùng lông trợn mắt để dành đàn mái mà không thật sự đánh nhau, phô trương tiềm năng kinh tế và quân sự của mỗi quốc gia cũng đủ để phân định thứ hạng trên bàn cờ thế giới.
GDP của Trung Quốc dù chưa qua mặt Hoa Kỳ vào năm 2020 nhưng đà tăng trưởng nhanh hay chậm đủ để thế giới tiên liệu khá chính xác ai sẽ là siêu cường hàng đầu của thế kỷ 21.
Tương lai của Trung Quốc phần lớn lệ thuộc vào ổn định chính trị, và nếu Tập Cận Bình giải quyết được nạn bè phái tham nhũng, làm giảm bớt mâu thuẫn giàu nghèo trong xã hội đồng thời chuyển đổi trọng tâm kinh tế từ xuất cảng sang tiêu thụ nội địa (nâng từ mức 35% của GDP hiện thời lên khoảng 50%) thì ông thật sự thực hiện được Giấc Mộng Trung Hoa. Tiềm lực kinh tế đi đôi với đà phát triển quân sự sẽ khiến Hoa Lục đánh bật ảnh hưởng của Hoa Kỳ ra khỏi Thái Bình Dương. Trong giả thuyết này, Nhật Bản sẽ đứng trước một chọn lựa vô cùng khó khăn: hoặc thần phục trở thành nước chư hầu, hay trang bị vũ khí nguyên tử để tự bảo vệ nền độc lập.
Nhưng ngược lại những cải cách của Tập Cận Bình có thể thất bại vì ông không thể chọn bước tiến xa hơn nữa để dân chủ hoá và phát triển đất nước mà không làm rạn nứt Trung Hoa. Hoa Lục sẽ trì trệ trong những thập niên kế tiếp, GDP tăng trưởng chỉ còn 3-4% vì không thể nào giải quyết các mâu thuẫn nội tại.
Trung Quốc sẽ vẫn đứng hạng nhất hay nhì về số huy chương vàng trong Thế Vận Hội 2020 nhờ vào dân số 1.3 tỷ người đủ để đè bẹp các dân tộc khác. Nhưng tư cách tham dự sẽ cho thế giới thấy rõ đây là một ngôi sao còn đang lên hay đã đến đỉnh điểm.
***
Thật tình mà nói thì “Thiên Cơ Bất Khả Lậu”- người viết chọn ra 3 mốc thời gian để phiếm bàn cho vui trong dịp Tết chớ thắng bại không biết về phần ai.
Cơ Trời tuy huyền bí nhưng Thuật Trị Nước lại rõ ràng từ ngàn xưa cổ đại và qua suốt dòng lịch sử: thương dân quí dân thì đất nước cường thịnh; còn ức hiếp dân thì nhân tâm ly tán nên đất nước khó tránh nổi họa ngoại xâm.
Nhân mùa Xuân mới người viết xin chúc mọi gia đình được an khang hạnh phúc thịnh vượng, và trong Năm Mới dành chút thời giờ nhắc nhở đến công đức của tiền nhân.
Cũng đừng tin mấy ông thầy bói rùa… mà hãy sống theo giá trị đạo đức và tinh thần dân tộc.
© Đoàn Hưng Quốc
———————————————————–
[1] Người Mỹ thường gọi là “tetonic shift” để chỉ giai đoạn mà trời đất rung chuyển cho các đổi thay.
[2] Có thêm một Thiên Vương thứ năm là bà Thủ Tướng Angela Merkel của nước Đức nhưng vì sao bổn mệnh không hiện rõ ở phương Đông nên người viết không dám lạm bàn.
[3] Ba mũi thần tiễn của Thủ Tướng Shinzo Abe gồm: (a) nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy tiêu thụ và sản xuất (b) thêm các gói kích cầu mới (c) cải tổ để guồng máy kinh tế trở nên linh hoạt trong đầu tư và thuê mướn nhân viên.
[4] Tưởng cũng nên nhắc lại rằng Thế Vận Hội Tokyo 1964 đã mở màn cho thời đại vàng son của nước Nhật trong ¼ thế kỷ 1965-1990.
[5] Người Mỹ da đen Jesse Owens đã đi vào lịch sử Thế Vận Hội khi chiếm 4 huy chương vàng về điền kinh để qua mặt lực sỉ của Đức năm 1936. Hitler tự xem là “mất mặt” vì huyền thoại về tính ưu việt của chủng tộc Ayrian bị sụp đổ.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét