Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 15 tháng 2, 2014

Dị thơ:

THƠ TỰA BÈO NỔI LÊN MẶT AO LỄ HỘI


Nguyễn Hoàng Đức
Thơ có hai loại:
1- Là  truyền khẩu: khai sinh vào lúc nhân loại ấu niên chưa có đến 1/1000 người biết chữ. Lúc đó giấy cũng chưa có, thơ ghi lên da thú, lên gạch nung hay thẻ tre, hoặc vải… chữ nghĩa lúc đó đắt như vàng chỉ giành cho vua chúa và dân quí phái. Cho nên có thơ truyền khẩu ra đời để cho dân dã có thể truyền tụng thơ qua môi miệng.

2-Thơ là chữ viết: đã là chữ thì theo nguyên tắc thư chỉ gửi cho người biết chữ, giống như thư từ ấy, nó không bao giờ gửi tới người không biết đọc biết viết. Chữ viết cũng là nguồn gốc của thơ truyền miệng, bởi nếu không từ người đọc đầu tiên thì dân mù chữ không thể truyền tụng cho nhau được. Vì chữ bắt nguồn từ gốc có học, nên chữ nghĩa xưa kia được xem như “chữ thánh hiền”.

Chữ nghĩa với các bộ kinh sách còn được coi như “mật khải” (devoiler, revelation), nghĩa là nó phát giác âm thầm như chữ nghĩa, nó là thông điệp không cần âm thanh đi thẳng vào tim, vào óc người đọc, hoặc nó phát giác một cách bí nhiệm.

Ở đời không có gì ngoại lai cao quí hơn tình yêu. Mà tình yêu là tiếng nói của con tim. Có một phương ngôn nổi tiếng “trong tình yêu người thứ ba là thừa”. Vì thế ngay cách thưởng thức thơ qua Nghe và Đọc, thì cách đọc trực tiếp bằng mắt bao giờ cũng cao quí hơn vì nó đi thẳng vào tim qua ánh mắt duy nhất của chủ nhân. Chính vì khi có nhiều người có học hơn mà thơ văn xuôi ra đời, bởi lẽ nó không cần thiết phải thưởng thức bằng đôi tai không biết chữ. Còn cách nghe bao giờ cũng rẻ rúm hơn vì nó ào ào qua tai của đám đông.

Người ta thường ví chữ nghĩa với sâu sắc, muốn đạt đến chiều sâu thì mọi vật phải nặng hơn nước thì mới chìm, còn những thứ nhẹ như phân gio rác rưởi thì luôn nổi lều bều trên mặt nước. Nhưng thơ việt thì sao, nó không có độ nặng để thám hiểm tâm hồn hay trái tim của người đọc, mà chỉ là thứ bông lơn, nhẹ nhõm, thoảng qua, ham vui bẻo lẻo trên vành tai của đám đông. Nó đã đi từ thơ truyền khẩu chóng vánh quá độ “bay qua” thời thơ biết chữ bình dân, và ào ào đáp xuống thơ lễ hội.

Lễ hội là gì? Lễ hội chủ yếu là của làng xã. Làng xã là đơn vị tiểu nông, sau những ngày làm lụng vất vả, lúc thu gặt mùa màng hay ngày xuân đã cày cấy xong, người ta tổ chức lễ hội để vui chơi ăn uống. Lễ hội diễn ra ở bất cứ đâu to hoặc nhỏ, dài hay ngắn đều tùy thuộc vào nội dung của tinh thần. Chẳng hạn ở phương Tây có rất nhiều lễ hội rước các thánh, có nội dung, tấm gương và truyện mang tích thánh, người ta có thể tổ chức dăm, bảy, đến chục ngày… Còn các lễ hội của Việt Nam về mặt qui mô thì rất nhỏ bé và nghèo nàn, bởi vì nó chủ yếu là qui mô cấp làng, cấp “đền hoàng làng”… thường nó diễn ra từ sáng và kết thúc giữa trước buổi trưa để người ta còn kịp chia xôi oản đánh chén. Thử so sánh, lễ hội carnaval của Braxin chẳng hạn, đó là cuộc riễu hành của những cô gái trẻ xinh đẹp nhất cùng những trang phục lộng lẫy nhất. Còn các lễ hội ở Việt Nam, nói chung người ta không muốn dâng thánh thần, gái đồng trinh, mà chỉ có các bà già ra múa để dâng cái gì “nhăn nheo-ham hố-còn sót lại”…

Nhiều nhà thơ Việt khi được hỏi, họ cũng bày tỏ quan điểm dựa trên “làng thơ” của họ. Làng thì có cái gì? Ngày trước thời bao cấp, một huyện lớn chứa cả chục xã, mỗi xã lại có dăm bảy làng, may ra mới có một đội chiếu phim lưu động. Đội chiếu phim đó chỉ bao gồm mấy anh xe thồ trở máy nổ, phông màn, và một người chiếu cùng một máy chiếu. Dù qui mô có thế nhưng cũng chỉ cấp huyện mới tải nổi đội chiếu phim lưu động đó. Giờ chính thức hơn, tôi đã xem một bộ phim của Italia, là những người rất yêu âm nhạc, có cảnh thành phố cả triệu người cố gắng tổ chức một dàn nhạc giao hưởng mấy chục người… họ đã rất cố gắng và chật vật để làm được điều đó. Tại Việt Nam, có lẽ chỉ có hai thành phố lớn có dân số cỡ dăm triệu người là Hà Nội và Tp. HCM mới có dàn nhạc giao hưởng hoạt động không đều. Đủ thấy qui mô là cái đánh giá tầm vóc vĩ đại của con người bức thiết cỡ nào?

Một cái làng thì có cái gì? “Dăm miếng cau khô/ mấy lọ phẩm hồng/ vài thếp giấy đã dầm hoen sương sớm” (Hoàng Cầm ‘Bên kia sông Đuống’), có thể có nhiều hơn một tí, vài mẹt rau, mấy con cá, vài miếng thịt xâu lạt, và một nghệ sĩ giỏi như phép lạ là anh bán tò he làm tóc rất nhanh bằng cái lược ấn lên cục bột. Người bán tò he này cũng chỉ xuất hiện thoáng chốc vì anh còn chạy xô đến chợ làng khác. Có nghĩa là nghệ sĩ như anh cũng đòi hỏi tầm vóc dân số của cả huyện.

Xét về tổ chức của con người, người ta thường nhìn vào cái đầu tiên đó là “dựng cờ” cũng như tuyên ngôn. Đám thảo khấu trên Lương Sơn Bạc, khi dựng cờ cũng viết lên dòng chữ “Thay trời hành đạo” vào cờ phướn. Cờ là thể hiện trí tuệ cao nhất của một tổ chức, vì đó vừa là biểu tượng, vừa là tuyên chỉ. Xét lịch sử cờ Việt Nam. Mở màn thời phong kiến là mầu vàng, không có biểu tượng gì. Sau đó là các loại cờ thường có một chữ nho viết chính giữa. Cho đến thời đại mới, nhờ văn hóa phương Tây du nhập, người Việt mới có các lá cờ mang biểu tượng. Nhưng đến thời của thơ đại chúng thì sao? Người ta quay lại trình độ thời phong kiến khi xưa, lười biếng, chẳng chịu động não, một phát viết chữ “thơ” lên cờ phướn. Đúng là thứ trình độ của xóm xáy, cóc cáy.

Xét về qui mô làng, chúng ta nên chắc chắn với nhau: nó chẳng có giá trị nào đáng kể cả. Nếu có giá trị nào đáng kể thì chỉ là cấp làng mà thôi. Chỉ cần một “nghệ sĩ tò he” thôi, cũng là tài năng chạy xô của nhiều làng, nhiều xã. Nhìn nhận lại, chúng ta buộc phải thấy tính nguyên tắc, sẽ không có dàn giao hưởng của làng, của xã cũng không, của huyện cũng không, và của tỉnh cũng không nốt. Vậy, đội văn nghệ thì sao? Ở làng chắc chắn không bao giờ đủ tài năng và kinh phí để có đội văn nghệ hay đoàn văn công. Việc ấy là của một tỉnh. Vậy thì có đại tiệc nghệ thuật ở một cái làng không? Chắc là không, chỉ có cung vua phủ chúa, nơi dạ yến linh đình, đèn đuốc lấp lánh, người đẹp nhiều như nêm, anh hùng như trấu, vàng bạc, kim cương, ngọc bích phô mình long lanh thì mới có tiệc. Còn nhà quê thì có tiệc gì? Không, đó chỉ là bữa ăn tươi mà chúng ta chia thủ lợn về thù tạc cùng ít rượu nút lá chuối và xôi oản…

Mấy cán bộ lãnh đạo văn nghệ hân hoan chia xẻ: thơ của chúng ta về làng, trời ơi các cụ rưng rưng cảm động. Trời ơi, một thứ nghệ thuật mà chỉ giành cho các cụ già không còn quí tương lai bằng “bát canh” (già được bát canh, trẻ được manh ao mới), thì thơ liệu có giá trị gì hơn bát canh? Chẳng qua các cụ được mời ra sân đình ăn cỗ chia quà, thì các cụ mừng. Thế là thơ đã biến thành món quà, tụ bạ hưu trí. Chứ đâu còn là giá trị mãnh liệt của con tim đang cuốn hút từng nhịp đập. Hay thử xem các cuộc liên hoan ở nước khác. Tiếng đàn vang lên, rượu vang đổ như suối, trai gái cuốn vào tốc độ mê ly, cùng những lời nóng chảy… lúc đó nghệ thuật đâu có cần bất cứ lời rủ rê nào. Tự bản thân nó là một giá trị sống. Sống thực! Sống quên chết! Sống vô cùng mãnh liệt!

Còn ở xứ sở mà thơ chỉ là tiếng rủ rỉ gọi người già, với chân trời phía trước là mâm cỗ thủ lợn, cùng các lời hứa hẹn hội viên hay ẵm giải, thơ đó có phải là bóng dáng của giá áo túi cơm?

Càng lên sân khấu biểu diễn thơ, người ta càng giống diễn viên hơn là nhà thơ. Nhưng là diễn viên thì phải có tích trò biểu diễn, là cái mà các nhà thơ nghiệp dư không thể có, vì thế mà các nhà thơ chẳng giống thơ, cũng chẳng giống diễn viên, đây thực sự gọi là nếp nghê nga nôm na làng xã.

Có một phương ngôn rằng: không có cung điện, không có vàng bạc châu báu, không có mỹ nhân, không có tài tử giai nhân thì không thể nào thành tiệc! Vậy lễ hội thơ Việt có thành tiệc không? Đó rõ ràng chỉ là thứ sinh hoạt lễ hội làng xã còn rơi rớt lại. Nhưng dàn đồng ca của kèn lá chỉ đủ sức cuốn hút người già đã để tương lai lại phía sau đến bao giờ mới phát hiện ra một cây đàn độc tấu biết tấu đàn theo bản nhạc, hay lại chỉ có vài câu hát í ơi truyền khẩu?

NHĐ  11/02/2014

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: