Truyện dịch - Sách dịch
Trung Nam Hải – biển ở Trung và Nam – là tên của một khu vực thơ mộng ngay giữa Bắc Kinh. Nó nằm ngay bên cạnh Cấm Thành. Thành phố mà thời gian sau này thì ai cũng được phép vào nếu như trả tiền mua vé, nhưng không được phép vào Trung Nam Hải. Trong khi trung tâm quyền lực ngày xưa của hoàng đế mở cửa thì trung tâm quyền lực của những người thống trị ngày nay lại được phong tỏa nghiêm ngặt. Người ta chỉ có thể mường tượng và phỏng đoán những gì đang diễn ra sau các bức tường đó.
Người ta biết chừng này: Trung tâm quyền lực có quyền quyết định là Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc – họp mỗi tuần một lần. Số thành viên của nó dao động. Lúc thì chín, lúc – như hiện nay – là bảy người. Một trong số họ là tổng bí thư của Đảng. Ông đồng thời cũng là chủ tịch nước và qua đó là người có nhiều quyền lực nhất của nước Cộng hòa Nhân dân.
Từ Đại hội Đảng lần thứ 18 trong tháng Mười Một 2012, như là người kế nhiệm Hồ Cẩm Đào, con ngườiprimus inter pares [tiếng La tinh: người đầu tiên trong số những người ngang hàng nhau] này có tên là Tập Cận Bình, sinh năm 1953. Ông được phép đứng đầu tối đa là mười năm. Không được phép nhiều hơn, vì có giới hạn về tuổi tác. Qua quy định này, Trung Quốc khác với các hệ thống độc tài khác mà trong đó những người thống trị chỉ rời bỏ chức vụ qua cái chết.
Dưới Ban Thường vụ Bộ Chính trị đầy quyền lực còn có hai ủy ban mở rộng, có nhiều ảnh hưởng của Đảng: toàn thể Bộ Chính trị (25 thành viên) gặp nhau mỗi tháng một lần, và Trung ương Đảng (tròn 370 thành viên), thông thường chỉ họp mỗi năm một lần.
Song song với tổ chức đảng có các cơ quan nhà nước. Đứng đầu là hội đồng nhà nước với thủ tướng: người mới trong chức vụ này là Lý Khắc Cường, kế nhiệm Ôn Gia Bảo. Hội đồng nhà nước tương ứng với nội các [Đức] của chúng ta, tức là các thành viên chính phủ gặp nhau ở đó.
Có một sự liên kết chặt chẽ giữa các cơ quan của Đảng và nhà nước. Ví dụ như người ta biết rõ rằng thủ tướng cũng ngồi trong Ban Thường vụ của Bộ Chính trị. Nhưng người ta cũng biết rõ rằng Đảng đứng trên chính phủ. Đảng Cộng sản Trung Quốc là cấp quyết định cuối cùng.
Mặc dù đảng này vẫn còn mang từ cộng sản nhỏ bé trong tên của nó nhưng tư tưởng hệ đã từ lâu không còn đóng một vai trò lớn lao nào nữa. Nó chỉ còn là một sự che đậy của ngữ nghĩa. Chủ nghĩa cộng sản? Chủ nghĩa xã hội? Chuyên chính vô sản? Chỉ còn những bài diễn văn cho ngày chủ nhật và cho đại hội đảng mới được tô điểm thêm với những khái niệm như vậy. Hiện thực Trung Quốc với mức chênh lệch xã hội tàn bạo và ngày càng tăng của nó đã rời xa khỏi những lý tưởng công bằng của chủ nghĩa xã hội từ lâu rồi. Và đối diện với tình trạng khiêm tốn của trên 100 triệu công nhân di trú và của các phần khác thuộc giai cấp công nhân thì cũng không còn cần thiết để nói về một nền chuyên chính của giới vô sản nữa.
Không, trong Trung Quốc không còn có người cộng sản thống trị nữa, mà là những nhà kỹ trị. Và những người này được đào tạo tốt. Nếu như trước đây có một quá khứ cách mạng là đủ để vươn tới quyền lực thì ngày nay người ta phải chứng minh có học đại học trong nước hay tốt hơn là ở nước ngoài. Nicholas D. Kristof, chuyên gia Trung Quốc của New York Times, nói: “Những người đứng đầu Đảng là những người chuyên quyền, nhưng họ là những nhà chuyên quyền có năng lực lạ thường.”
Nhiều người đã học tại các đại học danh tiếng trong nước, thường là về kỹ thuật hay khoa học tự nhiên và ngày càng nhiều về luật. Đối với những người tốt nghiệp đại học tốt nhất thì một con đường sự nghiệp trong bộ máy nhà nước (và qua đó cũng là ở trong Đảng) vẫn còn là một lựa chọn khác rất hấp dẫn. Tuy người ta không kiếm được nhiều tiền như trong kinh tế, nhưng người ta hưởng được rất nhiều đặc quyền.
Tất nhiên, ai muốn thăng tiến trong Đảng và trong bộ máy nhà nước thì phải đương đầu với một quá trình chọn lọc tàn bạo. Đóng một vai trò quan trọng trong đó là ban tổ chức của Đảng. Nhìn bề ngoài tầm thường – họ ngự trong một ngôi nhà không có bảng tên trước cửa cách Thiên An Môn một kilômét về phía Tây cạnh đại lộ Trường An – nhưng họ có ảnh hưởng thật lớn ở nội bộ. Bên cạnh ban tuyên truyền, họ là ban quan trọng nhất trong tổng cộng là năm ban của ĐCS Trung Quốc.
Người ta có thể gọi nó hoàn toàn không cường điệu là phòng nhân sự lớn nhất của thế giới. Ở trong đó, người ta quyết định ai sẽ thăng tiến lên ban giám đốc của các công ty nhà nước, ai là tổng biên tập trong các giới truyền thông nhà nước và ai nhận các vị trí quan trọng trong Đảng và nhà nước.
Người ta theo dõi liên tục các ứng cử viên. Năm nào cũng có performance review. Ngoài ra cũng được xoay vòng liên tục, để xem các ứng cử viên làm tròn những công việc khác nhau như thế nào.
Ví dụ như Trần Đức Minh. Cho tới mới đây là Bộ trưởng Bộ Thương mại. Lúc đầu, ông là thị trưởng Tô Châu, một thành phố công nghiệp phát đạt gần Thượng Hải. Ở đó, Trần qua được thử thách nên sau đó ông được điều về đứng đầu tỉnh than đá Thiểm Tây có nhiều tham nhũng, nơi ít nhất thì ông cũng đã không gây ra lỗi lầm nào có thể nhận thấy được. Sau đó, con đường đi tới trung tâm quyền lực – tới Bắc Kinh – không còn vật cản nữa. Ở đó, Trần lúc đầu chịu trách nhiệm về chính sách năng lượng trong Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia (National Development and Reform Commission – NDRC), trước khi ông trở thành bộ trưởng Bộ Thương mại.
Ngay sau đó, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Carlos Gutierrez đã gặp gỡ ông. Người này đã hết lời khen ngợi người đồng nhiệm Trung Quốc của mình – Richar McGregor viết trong quyển sách The Party của ông –, người tuy chỉ có thời gian học việc ngắn ngủi trong chức vụ mới nhưng đã thông thạo một cách xuất sắc. Gutierrez nói, con đường công danh của Trần đã khiến cho ông nhớ tới những sự nghiệp trong các công ty đa quốc gia, thử thách các high potential của họ bằng cách thay đổi công việc làm liên tục, để xem họ có thích hợp cho các chức vụ cao hơn không.
Thuộc vào trong sự thăng tiến không chỉ là việc xoay vòng mà còn là đào tạo liên tục. Hoặc là trong Trung Quốc tại Trường Đảng Trung ương hay tại China Executive Leadership Academy ở Phố Đông và những trường tương tự như vậy ở Diên An, Tỉnh Sơn Cương và Đại Liên – hoặc cả ở nước ngoài. Trước đây, người ta sang Moscov hay một quốc gia Đông Âu cho chuyện đó, ngày nay thì ngược lại, sang nước ngoài Phương Tây. Việc này bắt đầu trước đây mười năm. Thời đó, Đảng đã ký một hiệp định với Harvard University.
Kể từ lúc đó, những người được chọn lọc, mang niềm hy vọng của Trung Quốc – trong số đó vào thời trước cũng là cựu bộ trưởng Bộ Thương mại Trần Đức Minh – được đi học những khóa tám tuần tại Harvard Kennedy School. Trên kế hoạch là ví dụ như về đề tài lãnh đạo, chiến lược và quản lý công cộng. Bên cạnh đó còn có những chuyến đi tham quan các cơ quan nhà nước Hoa Kỳ cũng như IWF và Ngân hàng Thế giới. Thời gian sau này, Trung Quốc cũng thực hiện những chương trình như vậy với các đại học danh tiếng ở Stanford, Oxford, Cambridge, University of Tokyo và những trường khác.
Lư Mại, sếp của China Development Research Foundation, tổ chức điều khiển các chương trình này, nói với tờ tạp chí Hoa Kỳ Slate: “Cho tới nay, chúng tôi đã gởi hơn 4000 người tới các trường đại học đó. Tôi không biết một đất nước nào khác đã làm một cái gì đó trong quy mô tương tự như vậy.” Và thật sự: việc đào tạo những người lớn tuổi này thành các nhà kỹ trị đứng đầu của Trung Quốc, trong quy mô này và với tính nhất quán mang tính hệ thống này, là có một không hai.
Một hệ thống tuyển người như vậy mang lại một giới tinh hoa lãnh đạo hoàn toàn khác. Đó không còn là Trung Quốc của các lãnh tụ có uy quyền lớn, của những nhân vật thống trị. Không có trong giới lãnh đạo mới của Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường. Trung Quốc không phải được một người có uy quyền lớn dẫn dắt, mà là một tập thể. Và trong tập thể này được thảo luận và tranh cãi. Không công khai như trong một nền dân chủ Phương Tây, nhưng trong các ủy ban.
Cựu quốc vụ khanh trong Bộ Ngoại giao, Werner Hoyer, nói tại những cuộc trao đổi ở Bergedorf: “Tôi nhìn đầy thích thú, rằng thảo luận và đa nguyên phát triển dưới sự bảo tồn một cái mái chung của ĐCSTQ. Tuy cuối cùng có một đường lối chung, nhưng trước đó đã diễn ra những cuộc tranh luận hết sức hấp dẫn.”
Trong lúc đó thì không phải là những người đàn ông đó chỉ quyết định trong những gian phòng nhỏ, yên tịnh của Trung Nam Hải, và không để cho cố vấn. Ngày càng có nhiều thinktanks ở Trung Quốc, những cái ngày càng có nhiều ảnh hưởng tới chính sách của chính phủ và Đảng. Được lắng nghe nhiều ví dụ như hiện nay là các nhà khoa học của Chinese Academy of Social Sciences (CASS).
Trong chính trị – cũng như trong kinh tế – một phương pháp Trial-and-Error thường được áp dụng. Đầu tiên, người ta thử nghiệm một ý tưởng trong một thành phố, trong một tỉnh. Nếu như nó vượt qua được thử thách thì sẽ được truyền đi khắp nước, nếu không thì sẽ được mang đi chôn. Giáo sư Sebastian Heilman ở thành phố Trier [Đức] vì vậy mà đã gọi Trung Quốc là một “hệ thống độc tài biết học hỏi”. Các kế hoạch năm năm cũng được thảo luận nhiều lần trên các bình diện khác nhau, được sửa đổi cho thích hợp và được thay đổi. “Đối với tôi, đó là một quá trình quyết định dân chủ thật sự”, Trương Duy Vị, giáo sự chính trị tại Đại học Phục Đán nói.
Mặc cho các cố gắng tham dự ngày càng nhiều này, người Trung Quốc còn lâu mới là những người dân chủ theo ý nghĩa của chúng ta, nhưng họ cũng không phải là những kẻ chuyên quyền đen tối như họ thường hay được mô tả ở Phương Tây. William Dobson viết về điều này trong quyển sách The Dictator’s Learning Curve của ông: “Họ không phải là những nhà độc tài kiểu cũ.” Họ kết hợp phong cách lãnh đạo độc tài của họ với các nguyên tố dân chủ. Họ vẫn còn tàn bạo, nhưng họ đã học cách thích ứng, khéo léo và khôn ngoan hơn là trước đây. Đúc kết của ông: “Các lãnh tụ này gây ấn tượng.”
Một ấn tượng mà các sếp kinh tế Mỹ cũng có. Conference Board hỏi 70 CEO Mỹ, nhìn toàn cầu thì họ cho là những nhân vật nào và thể chế nào là có năng lực nhiều nhất. Các câu trả lời: họ tự đặt họ – hoàn toàn không có gì đáng ngạc nhiên – ở vị trí đầu tiên, rồi tới các ngân hàng trung ương và ở vị trí thứ ba là giới lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc – trước xa các tổng thống Mỹ.
Điều gây ấn tượng trước hết cho những người mang quyền quyết định đó: sự hiệu quả của hệ thống.
(Còn tiếp)
Wolfgang Hirn
Phan Ba trích dịch từ “Der nächste Kalte Krieg: China gegen den Westen” ["Cuộc Chiến tranh Lạnh kế tiếp - Trung Quốc chống Phương Tây"]
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét