Nguyên Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn lo lắng khi góp ý cho dự thảo nghị định về tinh giản biên chế, “chỉ cần tăng một bộ là tinh giản biên chế thành vô nghĩa”.
Một nghị định mới về tinh giản biên chế sắp được ban hành nhưng các câu hỏi cần trả lời vẫn là cũ.
Ra 100.000, vào bao nhiêu?
Chính sách tinh giản biên chế trước đây [nghị định 132 năm 2007, đã hết hiệu lực năm 2012], chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, thậm chí “càng nói giảm thì biên chế càng tăng” như nhận định của những người trong ngành nội vụ ngay từ khi tham gia ý kiến bước đầu cho nghị định mới.
Giảm được bao nhiêu người do nghỉ hưu, chuyển công tác, thôi việc, đi học… thì lại tuyển vào bấy nhiêu, thậm chí nhiều hơn, cũng vì năng lực công chức chưa đủ đáp ứng nhu cầu nên phải “lấy lượng bù chất” như ông Vũ Văn Thái, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức – Biên chế, Bộ Nội vụ, nói, tại một cuộc hội thảo tháng 6/2013.
Dự thảo nghị định mới đưa ra con số cụ thể cho nỗ lực giảm số lượng công chức trong 6 năm tới, nhưng vẫn để ngỏ chuyện tuyển vào, liệu có đi vào lối cũ khi mà các nguy cơ tăng biên chế vẫn còn.
Đó là việc điều chỉnh cơ cấu tổ chức các cơ quan nhà nước, “chỉ cần tăng một bộ là tinh giản biên chế thành vô nghĩa”, như nguyên Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn phát biểu. Chính phủ đã cam kết từ nay đến hết nhiệm kỳ giữ ổn định bộ máy, nhưng vẫn mở việc bổ sung biên chế cho nhiệm vụ mới hoặc cơ quan mới lập vì cần thiết.
Tính ổn định của bộ máy các địa phương cũng là câu hỏi, vì tốc độ đi thị hóa nhanh thì không tránh đươc nhu cầu chia tách, mà chia tách thì không tránh được gia tăng biên chế.
Đó còn là việc sau khi xác định vị trí việc làm sẽ nảy sinh biên chế do “chẻ nhỏ” nhiệm vụ, như lo ngại của chính các địa phương khi được phổ biến phương pháp xác định vị trí việc làm. Đó có thể là thực tế ở các cấp cơ sở, nơi đang giải quyết hầu hết các thủ tục hành chính thông thường cho người dân.
Nghị định mới tiếp tục chỉ lo việc “ra”, để việc “vào” cho một nghị định, đề án khác?
Giảm người nhà nước, vẫn làm được việc?
Trong khi năng lực của đội ngũ công chức vẫn là vấn đề đau đầu thì việc dự thảo nghị định mới tăng thêm đối tượng tinh giản dựa trên đánh giá chất lượng là một điểm đáng chú ý.
Từ lúc các luật Công chức, Viên chức có quy định “hai năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ sẽ phải ra khỏi đội ngũ”, chưa có công chức nào bị rơi vào hoàn cảnh này. Liệu sau khi nghị định mới được ban hành với các tiêu chí mạnh mẽ hơn, sẽ tìm ra được những công chức như vậy?
Vấn đề này cũng được nguyên Bộ trưởng Trần Văn Tuấn nêu. Có thêm nhiều ý kiến khác, Bộ Nội vụ mới đây đã thúc đẩy phương pháp đánh giá cán bộ theo hướng “cấp trên đánh giá cấp dưới”, không để “tập thể đánh giá cá nhân” như trước nữa. Nhưng việc này cũng mới khởi động, liệu có kịp đáp ứng mục tiêu đưa ra khỏi bộ máy 100.000 cán bộ đúng thật là “cắp ô”?
Hơn nữa, sau khi giảm được từng ấy người, là không nhỏ so với 2,8 triệu công chức, viên chức cả nước hiện có, hiệu quả hành chính công vẫn được đảm bảo? Trong khi chính Thứ trưởng Nội vụ Trần Anh Tuấn đã cho biết nhiều cơ quan vẫn thiếu người làm được việc, phải làm cả thứ bảy, chủ nhật, đến 7-8 giờ tối.
Tuy nhiên, dự thảo nghị định mới chưa đề cập đến các giải pháp đảm bảo hiệu quả hoạt động sau tinh giản, ví dụ phương án tăng cường xã hội hóa các dịch vụ công, “nhà nước bớt ôm đồm”, như kiến nghị của ông Vũ Văn Thái.
Một nghị định mới khó bao quát mọi vấn đề đặt ra, nhưng sẽ chỉ có hiệu quả khi trả lời được những câu hỏi cũ này.
THEO VIETNAMNET
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét