MƯA GIÓ BÊN ĐƯỜNG
Chiếc Camry đỗ xịch bên đường, chênh chếch bên lối vào một siêu thị, bên trong vắng vẻ. Đây là con đường mới mở chạy lên Ba Vì nên xe có thể dừng bất cứ chỗ nào, không sợ “Hành giả tôn” sẵn cây gậy như ý trong tay..
Mười năm về trước chỗ này còn hoang vu. Chỉ có
con đường đất sỏi ruồi chạy lên Đá Chông. Trước ngày Hà Tây nhập vào Hà Nội,
hình như chính phủ đã có nhã ý mở con đường này to và đẹp lên gấp mấy lần, chạy
tuốt qua rừng thông tới sát mép sông Đà.
Người ngồi trong
xe là một mệnh phụ dáng quý phái có đôi mắt sắc, cặp môi tô son, nét nghiêm
nghị, trưởng giả. Cạnh bà, một thiếu
phụ trẻ hơn bà ít năm. Cầm vô lăng là
một gã trẻ tuổi, mắt dáo dác nhìn ra ngoài, thói quen của người mới cầm lái lạ
đường, mỗi lần xe đi hay dừng lại. Mới chỉ có một vài nét sơ khai của một khu
phố đang hình thành. Ngã năm rộng, trống huếch trống hoác bày bán đủ thứ. Toàn
nhu yếu phẩm dùng cho người nghèo. Khoai lang. Bắp non. Mía.. Hai dãy hàng nước
dọc theo lối rẽ vào một trường Cao Đẳng vừa được nâng cấp lên hệ đại học. Được
cái không khí trong trẻo, đường xá sạch sẽ. Có lẽ gió Sông Đà và mây trời núi
Tản còn thắng thế, ô nhiễm chưa lần mò về đất này..
Mệnh phụ quay
sang hỏi thiếu phụ trẻ tuổi:
- Phải chỗ này không
em?
- Vâng, đúng chỗ
này.. Để em gọi cho con bé xem rẽ lối nào, ở đây thưa nhà chắc tìm không khó..
Bà này phẩy tay,
cái phẩy tay dứt khoát của người tự tin ở sức mạnh chỉ huy của mình:
- Thôi khỏi, ta
cứ ở đây gọi nó ra. Chỗ bọn nó ở chật chội, chưa chắc xe vào được. Đằng nào thì
đi từ sáng đến giờ, đã đến bữa, cũng phải ăn. Nó ra vào uống nước xong, rồi ăn
cơm quán luôn thể.
- Nhưng.. Nhưng
mà quán ăn ở đây sơ sài lắm, em sợ chị ăn không quen?
- Không sao, chị
cô có lẽ cô còn chưa hiểu. Đã từng chua chát
đủ mùi, ăn một bữa có sao?
Thiếu phụ trẻ
cười lấy lòng, hai núm đồng tiền sâu thêm trên khuôn mặt tròn như trăng rằm. Có
lẽ đây là nét duyên dáng duy nhất còn sót lại của người tăng cân quá mức nhanh
chóng.
Hai người mới
quen nhau vài tháng trước đây. Đúng là họ chưa có đủ thời gian và sự trải
nghiệm để hiểu hết về nhau một cách đầy đủ. Mệnh phụ không nói ngoa, không phải
dùng “Lối đòn bẩy” như nhiều người may mắn vào cảnh đời sang trọng, muốn nhắc
đến cảnh khổ ải xưa kia để tôn vinh bây giờ. Bà đã rất thật. Chính con đường
này bà đã từng đi qua cách đây ba chục năm. Lúc đó đi bằng xe đạp, không phải “xế
hộp”như bây giờ. Lại không phải đi không. Hai bên là hai sọt thồ nặng khủng,
chở sắn tươi, sắn lát mang về Hà Nội. Người thủ đô bấy giờ như thể nghiện thứ
củ này. Có người còn lãng mạn gọi nó là “Sâm Việt Nam”.
Con đường này
“những năm gian lao mà anh dũng” ấy vắng tanh vắng ngắt, thưa cả bóng cây. Đi
cả chục cây số mới thấy một hai ngôi nhà của dân khai hoang. Đất rặt đá ong,
sỏi ruồi, ngoài sắn ra, khó mà trồng nổi thứ màu khác. Sau rồi để tiết kiệm
đất, chính phủ chuyển đến doanh trại quân đội, trường lái xe.. Những đơn vị xã
hội chỉ cần mặt bằng rộng rãi, không cần đất đai màu mỡ làm gì.
Bây giờ ngồi
trong xe bạc tỷ này, bà vẫn nhớ như in cảnh vật những gì xảy ra tưởng như chưa thật lâu.. Đang mơ màng như thế, Thiếu
phụ ngồi bên vỗ nhẹ vào đùi mệnh phụ:
- Kìa, cháu nó ra
kia rồi chị!
Bà ta bỏ cặp kính
đổi màu như để nhìn cho rõ, bảo cậu tài:
- Còi lên cháu,
để em nó biết xe mình đang ở đây!
Từ xa, một cô gái
dáng người mai mảnh đang đi lại. Tay cô xách cái xắc nhỏ có con giống bé tẹo,
mốt của các cô gái trẻ ưa dùng.. Cô đang đi lại gần. Mệnh phụ có vẻ hồi
hộp.Thiếu phụ nhấp nhổm, không yên..
**
Gời đất ạ, con lọ
lem nào thế này? Bà chủ giật mình. Vẻ mệnh phụ phu nhân đột nhiên biến mất.
Thay vào đó là cái nhìn cảnh giác của người buôn bán trao tay có nghề. Nét mặt
bà ánh lên tia nanh ác dễ sợ, bà hỏi trống không:
- Là con bé này
à?
Thiếu phụ phốp
pháp đi cùng bà chưa hiểu ý, vẫn toe toét cười:
-Vâng là cháu đấy
ạ, chị bảo không vào chỗ nó nên em gọi nó ra mà.
Bà chủ đã lấy lại
vẻ thản nhiên sau cái bất ngờ vừa rồi, bảo:
- Cô xuống đưa
cháu vào quán ngay trước kia đi. Tôi cho đánh xe vào..
Phốp pháp lật đật
xuống. Hai dì cháu nhìn nhau. Dì buột miệng:
- Mày làm sao thế
này? Vừa ốm dậy à ?
- Không, cháu
khỏe..
Bà dì nhỏ giọng:
- Khỏe gì mà.. (
Định nói nốt câu: Nhơ nhác như con ăn mày thế này? Mày hại tao rồi) Nhưng dì
nói sang chuyện khác:
- Dì đã bảo con
là chuẩn bị hẳn hoi, sao lại không biết trang điểm, thoa chút son, phấn? Con
gái lớn rồi mà mà.. ( Định nói : Mẹ mày không biết dạy con, con gái, con
lứa..). Nhìn ánh mắt của bà dì, con bé hiểu. Nó định chào rồi xin phép trở vào
luôn. Dì nó biết, nói:
- Thôi cứ vào đây!
Nó đi sau bà dì
mấy bước. Thực tình nó chưa biết dì nó gọi nó ra đây để làm gì? Cái bà nhìn
người nửa con mắt kia nữa, nó có quen bà ta đâu? Sự có mặt của bà ta ở đây là
như thế nào? Chợt nhớ cái truyện nó đọc đâu đó trên mạng.. Chẳng lẽ chuyện ấy
lại xảy ra đối với nó? Có những bà mẹ bán con gái mình cho tụi buôn người, thì
việc bà dì làm môi giới không có gì đảm bảo sẽ không xảy ra? Thời buổi khó
khăn, cảnh đời linh loạn, người ta vì tiền có thể dám làm tất cả.
Nhất là ánh mắt
nhìn của bà ta khi nãy. Lạnh lùng. Tính đếm. Như đi mua hàng chứ không phải gặp
gỡ con người. Dì là mẹ. Nếu quả thật có việc này, dì tệ quá.. Nó sẽ hận dì suốt
đời. Nhà nó nghèo, bố mẹ là nông dân, nhưng không bao giờ bố mẹ nó chấp nhận
chuyện này. Chắc là không phải. Nó hy vọng thế.. Nhưng dù sao chuyện gì cũng phải
minh bạch. Nó không quen để người khác dẫn dắt còn mình ở thế thụ động. Nó hỏi
:
- Dì gọi con ra
đây có việc gì ạ ?
Dì bấm vào tay nó
:
- Nói nhỏ thôi,
không có việc tao gọi mày ra làm gì? Tao mất công đưa người ta từ trên nhà đến
đây, hàng trăm cây số.. Không có việc tao đi làm gì?
Dì kéo nó vào gốc
cây:
- Bà này là tổng
giám đốc công ty của dì. Nhà bà ý giàu lắm. Con trai làm giám đốc bên T. Nó
đang kén vợ..
- Có quan hệ gì
đến cháu? Dì gọi cháu ra là sao ạ?
- Mày ngu vừa
thôi.. Tao định làm mối cho mày với con trai bà ý. Vào đấy được có khác nào
chuột xa chĩnh gạo. Mà dì lại có phận nhờ..
- Thì ít ra dì
cũng phải hỏi cháu trước đã chứ? Bây giờ cháu gặp bà ấy để làm gì. Nói gì với
bà ấy. Thôi cháu không gặp đâu..
- Hay mày yêu
thằng nào rồi? Mà có yêu rồi, gặp thằng hơn, vẫn cứ phải lảng ra, tìm chỗ mới
ngon lành hơn. Người ta ở đời nhìn lên mới hay, chứ nhìn xuống hay gì? Người ta
đi cả trăm cây số đến đây, dẫu có không muốn, cũng phải lịch sự chút chứ! Mày
định cho dì hết đất làm ăn à?
Nó lấy làm lạ.
Thời buổi này sao vẫn còn có người đi tìm vợ cho con, khi hai bên chưa biết
nhau mặt ngang mũi dọc thế nào? Hay là có uẩn khúc gì mà anh chàng kia phải để
mẹ đi tìm hiểu thay mình? Quê nó đã có chuyện chú dể phải thuê người đi tìm
hiểu. Chàng ta lưng gù, teo một bên chân. Đám cưới rất “hoành tá tràng”. Dâu về
đến nhà mới vỡ lẽ. Nửa đêm nhân lúc vắng vẻ vội tháo thân chạy ra đường, tìm xe
ôm trở về nhà. Kịch bản ấy kể có người không tin. Thời buổi này làm gì còn xảy
ra chuyện đó? Nhưng mà có thật trăm phần trăm. Tự nhiên nó thấy hoang mang.
Thấy sợ, dù chẳng làm nên tội lỗi gì để phải sợ. Lẽ nào chuyện tai quái ấy lại
xảy ra với nó? Lại là do dì, em ruột của mẹ gây nên?
***
Trước lúc ra đi
đằm thắm, mặn mà bao nhiêu, giờ thì lơ đãng, nhạt nhẽo bấy nhiêu. Phốp pháp
biết ý bà chủ không bằng lòng. Mới tối qua thôi, mụ ấy còn gọi người đến tận
nhà phụcvụ, spa cho mình. Tô điểm cho chả khác cô dâu sắp về nhà chồng. Son,
phấn toàn thứ thượng hạng. Có tiền vẫn khác. Phốp pháp chả bao giờ dám đụng đến
những thứ ấy. Chưa giảm cân thế này, trang điểm cầu kỳ quá ích gì? Nhưng vẫn
chiều lòng, không muốn mụ ý phật ý. Nồi cơm nhà mình bây giờ vơi hay đầy lúc
này phụ thuộc vào thử biểu tinh thần con người sắc sảo, tinh quái này. Mình chỉ
là “tay con” trong cái công ty hết sức mơ hồ mà lại nhiều lợi nhuận này. Thực
ra chính mình mới là người kiếm lời về cho mụ. Ngôi vị của mụ trong hệ thống
mạng lưới cao ngất ngưởng một phần do mình đóng góp. Hô hào hết anh em, con
cháu trong gia đình tham gia “công ty bảo vệ sức khỏe” của mụ. Chả biết rồi ra
lợi ích thực sự sẽ đi đến đâu? Đến lúc hiểu ra chuyện đã lỡ rồi. Mỗi năm đóng
hàng chục triệu, không phải ai cũng theo được tới cùng. Mà không theo nữa là
“Phá vỡ hợp đồng”. Có kiện đến ông thiên lôi cũng chẳng đòi lại được. Hóa ra
cái tên khốn nào đó nghĩ ra trò lừa đảo này đã tính đến nước cờ này. Hắn biết
phần đông theo vào mạng lưới bề ngoài vô cùng lợi ích, lại có vẻ cởi mở, rất
bảo đảm.. Nhưng rồi sẽ bỏ cuộc. “Chó thui nửa mùa hết rơm”. Điều này chỉ xảy ra
vài ba năm tiếp sau.. Khi ván đã đóng thuyền, không cưỡng lại được. Biết là
biết vậy, theo vẫn phải theo. Tiếp tục cho nhiều con mồi vào tròng. Mỗi người
phốp pháp cũng kiếm được vài ba triệu. Trái ý, mụ tìm cách đưa sang cạnh, mình
công toi! Còn bao người nhà vì mình dính vào. Tiền tiêu rồi hết. Tính nghĩa
tính thế nào đây? Có những thứ mà dù bừa bãi đến đâu cũng không ai dám dẫm đạp
vào, đó là tình cốt nhục. Vì ham chút lợi, vô tình mình đưa chị em trong nhà
vào cuộc. Mẹ con bé này là một trong số nạn nhân. Chuyện mai mối giống như sự
bồi thường. Cốt giữ được tình chị em với mẹ nó. Ai dè cơ sự xảy ra như thế này?
Thằng con trai bà
chủ lúc mình vừa đến chiều hôm trước cũng về. Nó khinh khỉnh, trông đã ghét.
Mình chủ động bắt chuyện, gây tình cảm. Nó ngó ngơ, như mình là kẻ ở nhà nó.
Đi cùng nó có con
bé cảnh sát mới ra trường. Nghe bảo bố nó làm khá to nhưng mẹ nó không thích.
Hai bên có hiềm khích từ vụ bắt bớ từ lâu rồi. Mẹ nó bị mất chuyến hàng, bị
giam mấy tháng vì tội buôn lậu. Bây giờ hai bên khó lòng ngồi để tính chuyện
trăm năm của con cái. Con bé này giòn, xinh. Phốp pháp nhìn không thấy, nhưng
mụ chủ bảo “Nó có cái nét ác, cô cứ nhìn kỹ khác biết. Lấy vợ cho con cốt người
hiền thục, cảnh sát, cảnh siếc về để dọa ai? Tôi là tôi dứt quyết..”
Tình cờ hôm đi
đền Mẫu, hỏi chuyện gia đình. Mụ chủ ao ước tìm được con bé nào tuổi Tỵ làm vợ
cho con trai mình. Phốp pháp nghĩ ngay đến con bé cháu gọi bằng dì. Biết đâu
công đôi việc. Giải tỏa được sự oán thán của chị gái, thêm chỗ thân tình với bà
tổng này? Phốp pháp mở miệng. Bà tổng như bắt được vàng. Hẹn hò mãi, mới có
chuyến đi này. Tối hôm đó bà ta nói trắng vào mặt cô cảnh sát kia. Rằng thì.
Là. mà.. Cô ấy giận đùng đùng ra gọi tắc xi, giữ thế nào không được. Anh con
trai tức tím mặt, không nói không rằng cũng phóng xe đuổi theo. Đến sáng, lúc
hai người đi, vẫn chưa thấy về.
Bà tổng bảo: “ Kệ
nó. Lớn người, tính trẻ con. Việc này tôi quyết là được. Trước nay bố con nó có
dám trái tôi đâu. Cô đừng quan tâm..” Thấy tổng quyết liệt như thế, phốp pháp
yên lòng. Chỉ mong chóng đi đến nơi..
****
Bên đường mưa bắt
đầu rơi lất phất. Thứ mưa của giêng hai mơ mít, mờ mịt. Không nhìn rõ khung
cảnh nữa. Những nếp nhà như bé lại, co ro. Có cái gì đó đặc quánh lại. Khó
hiểu. Trên bàn nửa con gà vừa được chặt ra bốc hơi nghi ngút. Chai.cốc.Thìa,
nĩa sáng bóng. Đây là quán sang trọng và đắt đỏ nhất vùng này. Bà tổng quả là
có cái nhìn tinh tế và biết cách, biết chỗ tiêu tiền. Nhưng đấy là cách đây
mươi phút, khi con bé chưa đến gần. Nó ngồi bẽn lẽn. Mang máng hiểu ý của dì
phốp pháp. Nó phân vân. Nghi hoặc vì chưa rõ lý do, nhưng nó chắc chắn không
xảy ra theo ý nghĩ không hay vừa thoáng qua. Con bé cực nhạy cảm trong những
việc như thế này..
Cách đây mấy hôm trường nó hưởng ứng hiến máu
nhân đạo. Nó cho hai trăm cc. Lúc bước ra ngoài nó xây xẩm mặt mày, chúi xuống
phía trước. Mấy đứa bạn đi cùng vội dìu nó trở lại.Người ta tiêm cho nó một ống
thuốc không biết là thuốc gì. Nửa giờ sau nó về trường. Hơn một trăm ngàn tiền
bồi dưỡng nó để quên, hay mất lúc nào, ở đâu đó. Không thể nhớ. Đầu óc u u minh
minh như vừa trải qua trận ốm. Người cứ lạnh rồi lại nóng, nham nháp sốt. Đến
bữa, cố mà không nuốt nổi bát cơm. Mọi bận cứ đến giờ cơm, bụng cồn cào. Bữa
cơm sinh viên thường xuyên ít, chả thấm gì. Ăn xong vẫn thòm thèm dù thức ăn
không có gì nhiều. Hôm quả trứng vịt muối. Hôm mấy miếng đậu phụ kho mặn, bát
canh lưa thưa vài cọng rau. Vậy mà ăn cứ ngọt đi, trôi luốt trong miệng rất
nhanh. Nhưng bây giờ, cơm có cảm giác như cơm nguội, đậu phụ bằng gỗ, canh chua
chua.
Bạn nó sợ, gọi
điện về nhà báo nó ốm. Bố gọi xuống, nó nói dối: Chỉcảm cúm sơ sơ. Là tại nó.
Người ta không bó buộc. Thể tạng nó yếu,
không hiến cũng không ai bảo sao. Hiến máu tự nguyện, ai bắt mình đâu?
Nhưng bạn bè đua nhau, chả nhẽ mình
không? Nó cũng đang cần tiền nữa. Tháng trước nhà chưa kịp gửi, vay tạm của
bạn, chưa biết trả bằng cách nào? Tiền
bồi dưỡng có khi đủ trả nợ. Bạn bè cùng cảnh học trò áo ngắn, có đứa nào dư dả
đâu? Mấy tối liền tự nhiên nó cứ thức chong chong không chợp được mắt. Người như
con mõ mương. Mắt hốc sâu. Da trắng nhợt.. Nó biết bà đi cùng với dì nó đang
nghĩ gì trong đầu. “Thanh niên bây giờ hư hỏng”. Vẻ ngoài của nó do sinh hoạt
thiếu lành mạnh nên bề ngoài như thế chăng? Làm sao bà biết được những gì đã
xảy ra?
Tự nhiên lòng tự
ái của nó trỗi dậy. Bà ta có quyền gì xét nét nó? Nhìn nó như một món hàng thế
kia thì dẫu nhà bà có tám tầng bằng vàng nó cũng không thèm. Con trai bà tốt
xấu hay dở ra sao cũng mặc xác anh ta. Anh ta có là con tể tướng nó không quan
tâm, chứ đừng nói giám đốc, giám điếc. Thời buổi lạm phát mọi bề thế này, danh
xưng cũng chẳng còn cao quý được bao nhiêu mà hóng. Nó thường thôi, nhưng có
lòng tự trọng. Đâu phải hạng thấy giàu sang tít mắt, quáng quàng săn đón?
Nghĩ thế, nó cũng
làm lơ.Mưa gió bên đường chả có gì đáng xem mà nó cứ quay ra ngoài nhìn ngắm
như thể tò mò. Bà tổng càng giận. Bà khẽ nhếch miệng rồi cầm đũa, im lặng. Ăn
như như xong việc. Vài câu ngắn ngủi. Xã giao.
Bà qua loa, buông
đũa, ra bàn. Tăm xỉa lia loắng.
Chỉ có dì phốp
pháp là khó xử. Dì biết bữa ăn này ai phải là người trả tiền? Dì gọi hầu bàn.
Bà tổng ngơ như không. Mặt dì xiết đối hối hận. Tươi tỉnh ban nãy biến đi đâu?
Có lẽ nó hòa vào màn mưa bí hiểm đang che phủ bên đường.
Khi tâm trạng người ta không vui, mưa xuân đâu có gây được ấn
tượng gì?
======
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét