Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 21 tháng 1, 2013

Trích đoạn bài của Người Gom Lá..

Kinh Dịch của Việt Nam
Có một số điểm tương đồng giữa Trần Ngọc Thêm (cuốn ‘Cơ sở văn hóa Việt Nam’) và Thế Trung…, nhân tiện, mình xin trích một đoạn (đã được sửa vài lỗi chính tả):
Mỗi một dân tộc có một nền văn hóa đặc trưng riêng biệt. Dân tộc Việt Nam có một nền văn hóa triết lý cao siêu ngay từ khi chưa có chữ viết: Hà Đồ mà người Trung Hoa cho là vua Phục Hi đi chơi sông Hà (sông Hoàng Hà), thấy con long mã (con vật tưởng tượng mình ngựa đầu rồng) nổi lên, trên lưng có bức đồ. Phục Hi theo đó mà làm ra Hà Đồ. Thực ra Hà Đồ là một hệ thống gồm các nhóm chấm đen và chấm trắng sắp xếp theo một hình thức nhất định liên hệ với bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc và Trung tâm. Những nhóm chấm-vạch ấy là những ký hiệu biểu thị số 1 đến số 10 ở thời kỳ chưa có chữ viết. Những chấm đen đi với số chẳn và đại diện cho cực Âm. Chấm trắng đi với số lẽ và đại diện cho cực Dương. Cực Âm và cực Dương thuộc về lý thuyết Âm Dương của Việt tộc. Hà Đồ xuất hiện trước năm 2353 TCN, năm mà cổ sử Tàu ghi lại chữ khoa đẩu của dân tộc Việt lần đầu tiên. Chính Khổng An Quốc, cháu 12 đời của Khổng Tử đã ghi lại trong bài tựa cuốn Thượng Thư (Kinh Thư) như sau: “…thời Lỗ Công Vương, thích sửa sang cung thất, Vương cho phá nhà cũ của Khổng Tử để mở rộng thêm. Trong tường nhà tìm thấy Thư, phần Ngu, Hạ, Thương, Chu cùng Tả Truyện, Luận Ngữ, Hiếu Kinh đều viết bằng chữ khoa đẩu cổ văn do ông cha chúng ta cất giấu. Vương lại lên nhà thờ đức Khổng Tử nghe được tiếng vàng, đá, tơ, trúc bèn không cho phá nhà nữa, đem toàn bộ sách trả lại cho họ Khổng. Lối chữ khoa đẩu bỏ từ lâu, người đương thời không ai đọc được nữa, phải lấy sách nghe được ở Phục Sinh khảo luận văn nghĩa, định những chỗ đọc được, dùng lối chữ lệ cổ viết sang thẻ tre, nhiều hơn sách của Phục Sinh hai mươi lăm thiên…” (Khổng Tử: Kinh Thư - Bản dịch của Trần Lê Sáng và Phạm Kỳ Nam - tr. 228-229). Lời ghi chú của Khổng An Quốc chứng minh : 1- Khổng Tử là thừa kế cái văn hóa của dân Bách Việt 2- chữ Việt cổ (chữ khoa đẩu) đã được dùng biên soạn trong các sách còn gọi là “Thiên Thư” (sách Trời). Chính các nhà trí thức Tàu gọi sách viết bằng chữ khoa đẩu một cách kính cẩn là “thiên thư” vì các sách đó không do dân tộc Tàu làm ra và là nguồn gốc của văn hóa thời đó. Người Tàu nhận lịch sử của họ bắt đầu từ nhà Thương (1600-1122 TCN). Hà Đồ xuất hiện ít nhất trước năm 2353 TCN tức là 753 năm trước khi người Tàu đánh chiếm lưu vực sông Hoàng Hà.. Vậy Hà đồ không thuộc văn hóa Tàu. Hơn nữa, các nhà khảo cổ quốc tế và sử gia Trung quốc khám phá rằng Phục Hi là nhân vật thần thoại được đưa vào sử Tàu vào đời nhà Hán mãi sau này (206 TCN - 220). 

Triết lý Âm Dương của Việt tộc đã có trước khi họ có chữ viết cho nên nó được tóm tắt trong ba câu ngắn gọn: Âm Dương (2) sinh Tam Tài (3), Tam Tài sinh Ngũ Hành (5), Ngũ Hành vận chuyển vô lường (2-3-5). Hà Đồ liên hệ chặt chẽ với Ngũ hành vì Ngũ hành gồm có Đông, Tây, Nam, Bắc và Trung tâm nơi con người đứng. Nó khác với thuyết Âm Dương (Yin Yang) của Tàu là “Lưỡng Nghi (2) sinh Tứ Tượng (4), Tứ Tượng sinh Bát Quái (8), Bát Quái vận chuyển vô lường (2-4-8)”. Danh từ “Yin Yang” không phải ngôn ngữ của Tàu. Nó được vay mượn của dân bản địa vùng Nam Á. Trước khi mượn danh từ, lẽ dĩ nhiên họ đã "mượn" tư tưởng của thuyết Âm Dương rồi. “Yang” là “dương” nghĩa là “Trời, Thần”. “Yang” là chữ “giành” trong tiếng Mường và là danh từ thông dụng trong hàng loạt ngôn ngữ Tây Nguyên (ví dụ như “yang Sri” là thần lúa, “yang Dak” là thần nước). Chữ “Yin” (âm) chỉ “Mẹ” của các ngôn ngữ Đông Nam Á (Yana là Mẹ trong tiếng Chàm cổ; ở Huế có đền thờ Thiên lana là Mẹ Trời; Ina là Mẹ trong tiếng Giarai; và Inang là Mẹ trong tiếng Indonesia). Bát quái không có liên hệ gì với Hà Đồ và Ngũ hành cả vì Bát quái không có trung tâm cho con người. Người Tàu cũng cho là Phục Hi làm ra Bát Quái. Như ta đã biết Phục Hi là nhân vật thần thoại. Không ai biết Bát Quái Tiên Thiên xuất hiện lúc nào cả. Nhưng ta biết Bát Quái Hậu Thiên do Chu Văn Vương sửa đổi Bát Quái Tiên Thiên vào năm 1144 TCN khi bị vua Trụ nhà Ân cầm tù ở ngục Dữa Lý. 

Lý thuyết Âm Dương phát sinh từ nhóm dân sinh sống bằng nông nghiệp. Người nông dân có một mơ ước căn bản là tồn tại và phát triển. Vậy tồn tại và phát triển cần sự sinh sản của con người và hoa màu. Yếu tố chính của sự sinh sản của con người là Cha và Mẹ hay Nam và Nữ. Cha hay Namlà Dương. Mẹ hay Nữ là Âm. Sự sinh sản của hoa màu là do Trời và Đất. Người Việt thường nói “Trời sinh Đất dưỡng” là vậy. Trời là Dương, Đất là Âm. Con người là một thành phần trong Tam Tài. Người là âm so với Trời, nhưng dương so với Đất. Sự hợp nhất của hai cặp “Cha Mẹ” và “Trời Đất” chính là quan niệm căn bản đưa đến triết lý Âm Dương. Triết lý âm dương thể hiện cái quân bình năng động giữa hai thái cực khác nhau như nam nữ, sáng tối, nóng lạnh, chẳn lẽ, phải trái... Vậy ta thấy rõ triết lý âm dương phản ảnh sự hòa hợp trong nền văn hóa tư duy tổng hợp và biện chứng trọng tĩnh của nền văn hóa nông nghiệp. Theo một nhà trí thức chưa bị ô nhiễm bởi văn hóa ngoại bang thì thuyết Âm Dương phát xuất từ quan niệm cổ xưa của tổ tiên Việt tộc. Truyền khẩu cho rằng vào thuở nguyên sơ chỉ có một khối mênh mông thủy khí vô hình vô dạng, vô màu vô sắc trong đó hai thành tố Âm và Dương vận chuyển biến khối thủy khí thành nước, lửa, kim loại, gỗ và đất. Năm thành tố này không phải là những thành tố bất động như Tây Phương lầm tưởng mà chúng luôn vận chuyển trực tiếp hay gián tiếp cho nhau sinh ra Tam tài (Trời-Người-Đất) và vũ trụ. Đó là quan niệm cấu trúc vũ trụ của dân Bách Việt... (Theo The Trung -  Trung tâm Nghiên cứu Lý học Đông phương).

 

Không có nhận xét nào: