Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2013

PHÊ BÌNH VÀ TIỂU LUẬN:

Cửa Đá là gì?

Trần Huy Vân
Thứ sáu ngày 11 tháng 1 năm 2013 3:03 PM

(Cảm nhận tiểu thuyết Cửa Đá, Nxb Hội Nhà văn, 2012)
Khi cầm cuốn sách trên tay, đọc tên sách, tên tác giả, tên nhà xuất bản, suy đoán cuốn sách viết gì. Cửa Đá, một cái tên lạ hoắc, lì lợm, chắc nịch, cao to như trái núi, có phải thế không? Người đời tò mò, tìm cái nút bí hiểm, ấn ngón tay vào đó, cánh cửa im lìm từ từ mở, một thế giới kỳ lạ hiện ra. Từ ngàn xưa, ngày nay và ngàn sau, con người đều bất lực trước tấm cửa đá ấy, không sao tìm ra cái nút kỳ diệu để chỉ việc ấn ngón tay vào, cho hiện ra những điều mình đang tìm kiếm, có phải vậy không? Tôi đã bắt hình dong như thế, trước khi mở sách ra đọc. Trang đầu, Lời tác giả, viết: “Mười sáu chương và lời chót trong cuốn tiểu thuyết này, đều đặt đề từ, được khai thác qua Đại Việt sử ký toàn thư, với mục đích làm cho tác phẩm có nhiều lớp lang, phong phú hơn, mà không cần phải lý giải dài dòng, tựa hồ như cái cánh gà, tạo không gian sana khấu vậy”. Chả có chút gợi mở nào liên quan đến tên sách Cửa Đá cả.
Mười sáu chương chia thành 5 phần, mỗi phần một cái tên.
Phần một: Bọc trứng rồng ngũ sắc, gồm 2 chương;
Phần hai: Viên tướng đội mũ sắt nhọn, gồm 2 chương;
Phần ba: Hợp tác xã là nhà, gồm 4 chương;
Phần bốn: Chuyên viên Thủy Văn Mộc, gồm 5 chương;
Phần Năm: Bầy rồng lại tái hiện, gồm 3 chương.
Các chương không đánh số thứ tự từ 1 đến 16, mà theo thứ tự từng phần, cứ như mỗi chương là một tiểu thuyết cực ngắn vậy. Mở đầu là “Bọc trứng rồng ngũ sắc”, một huyền thoại đã đi vào thế giới tâm linh của người Việt Nam, để luôn tự hào là con Rồng cháu Tiên. Phần cuối: “Bầy rồng lại tái hiện”, thời đại này lại xuất hiện bầy rồng. Vậy chỉ là huyền thoại thôi sao!
Một người bạn, vào loại mọt sách đến gặp tôi, nói:
- Đọc xong cuốn sách này, tôi cứ thấy mênh mang, hư hư thực thực…
- Cái hay của tiểu thuyết là ở chỗ đó, - tôi nói, - chủ đề, cách viết đều rất mới lạ. Ông quen đọc sách theo lối truyền thống, có kết cấu rõ ràng theo trình tự, có tuyến nhân vật chính, phụ, diễn biến theo thời gian, không gian của sự việc… Do vậy, nên đọc Cửa Đá thấy lạ là phải.
Suy cho cùng, trong cõi người ta, cái gì là thật, cái gì là giả đây? Tất cả nháo nhào như trong cõi hỗn mang vậy. Hiện thực trong văn chương, với hiện thực ngoài đời không bao giờ đồng nhất. Cái gọi là hiện thực trong văn chương đã được hình tượng hóa, nghệ thuật hóa theo cảm nhận của nhà văn. Nhà văn miêu tả cuộc sống con người, cảnh vật để nói đến ý tưởng, cảm nhận sâu xa hơn; người ta thường gọi là mạch ngầm văn bản. Thưởng thức một tác phẩm văn học chính là tìm ra cái mạch ngầm ấy, không dễ đâu!
Tiểu thuyết Cửa Đá là cảm nhận của nhà văn theo suốt chiều dài đằng đẵng của lịch sử, từ thuở bình minh của muôn loài; trong đó, con người là nhân vật chính. Ngay chính cõi đang sống đây, chúng ta đã không hiểu hết những gì đang diễn ra, nói gì đến cái thuở hoang sơ sâu thẳm của con người. Cảm nhận cái thời xa mờ, theo cách ăn ốc nói mò thôi, là thật ư? Làm gì có cái thật trong huyền thoại, một thế giới theo tưởng tượng của con người. Nhà văn cảm nhận những huyền thoại ấy theo cõi tâm linh, bằng cách riêng của mình, không độc đáo sao!
Đã có bao nhiêu người ăn ốc nói mò, về quá trình hình thành trái đất và muôn loài. Nhà văn thì nói ngắn gọn thế này: “Quả đất hao hao gióng củ khoai tây, móm méo. Có một điểm đánh dấu đỏ, chú tên: “Thoạt kỳ thủy”… Khu vực đắc địa ấy, phía trên, hai quả đồi chon von và ở giữa là thung lũng, đột ngột lồi lên một cái hang, có vách núi dựng thành vại, phía dưới có khe nước trong mát. Tất cả chỉ có thế. Người đời giải thích, hai quả đồi chính là bầu vú của người mẹ vĩ đại. Thung lũng nứt nẻ, chính là cái bụng bị rạn của người mẹ sau lần mang thai. Cái hang lồi trên núi mang tên nôm là Rốn. Vách núi hiện lên Cửa Đá huyền bí. Nguồn nước trào ra từ khe đá, là nơi bà mẹ nhận phần dương khí của đất trời, rồi sinh ra đàn đàn lũ lũ rặt những người là người. Khe nước đó là khởi nguồn của suối Mẹ Tiên”.
“Một ngày đẹp trời, bầy rồng ngũ sắc bay qua vùng đất linh thiêng này, thấy cảnh thanh bình, cây cối tốt tươi, nước mát trong lành, bèn rủ nhau sà xuống. Đầu tiên là Hắc Long, rồi đến Bạch Long, Hoàng Long, Xích Long, cuối cùng là Xích Giả Long. Bầy rồng uống nước suối Mẹ Tiên, nhả ngọc ngũ sắc vào khe đá ấy. Sau chín tháng mười ngày, khe nước đùn ra năm bọc trứng ngũ sắc, mỗi bọc năm mươi quả. Một tiếng nổ lớn, đất đai vỡ ra thành năm mảnh lớn, trôi dạt trên đại dương. Mỗi mảng lục địa mang theo một bọc trứng, rồi nở thành người mang theo mầu da của từng con rồng: đen, trắng, vàng, đỏ, nâu. Trên vách hang Thạch Đỗ, có cái Cửa Đá hình tròn, nom như mặt trăng, to đến mức con tàu vũ trụ có thể bay vào được, và tự ngàn đời không biết sau Cửa Đá là gì. Cửa Đá huyền bí, vĩ đại, không biết do ai tạo lập, từ đời nào, để làm gì? “Cứ trăm năm, bầy rồng ngũ sắc lại lại về Cửa Đá một lần, báo hiệu sự biến động dữ dội của trời đất”.
Theo cảm nhận của nhà văn, muôn loài, trong đó có con người, đều chung một nguồn cội, do bà mẹ trái đất “móm méo như củ khoai tây” sinh ra. Con người và muôn loài đã chứa biết bao huyền thoại, có phải vậy mà thế giới này luôn ẩn chứa những điều khó hiểu và đầy bí hiểm nữa. Ví như ngay từ buổi còn ăn lông ở lỗ, trưởng bản chết, đám trẻ con nhìn cái xác cháy dở, thèm thuồng, nuốt nước dãi, hỏi: “Không được ăn à?”. Thằng Lừ khỏe mạnh: “Nó ăn không biết no, làm không biết mệt. Bọn con gái bản mê nó nhất. Một đêm nó có thể phủ tất cả con gái bản Hang và trại Suối. Cô nào có chửa đều muốn đẻ con giống nó”. Hoang dã đến độ. Đội quân của “Viên tướng đội mũ sắt nhọn” đến đánh bản Hang, cuộc chém giết ghê người. Bắt được đàn ông, viên tướng đội mũ sắt nhọn hét lên: cung hình (thiến)! “Tức thì bọn lính quỳ xuống, nhất loạt vung lẹm hóp, thiến dái đàn ông… Viên tướng hả hê cười, ra lệnh cho quân lính nhặt cà, ngâm vào bình rượu. Còn đàn bà, “những cô bụng mang dạ chửa, bọn lĩnh đạp cho phọt thai ra. Những cô vú nở, bụng thon, bọn lính vật ngửa ra sân, đồng loạt hiếp”.
Ngay từ thuở hồng hoang, con người đã đã hung dữ dến vậy sao? Cùng một nguồn cội, mà lòng người chất chứa bao nhiêu thù hận, trà đạp tàn bạo lên đồng loại, để thỏa cái chất cầm thú trong mình. Kẻ mạnh đàn áp kẻ yếu, cá lớn nuốt cá bé đã là bản tính của con người.
*
Cửa Đá, viết theo dòng chảy của suối Mẫu Tuyền, dòng chảy thời gian. Tác giả chọn từng chặng để viết, từ quá khứ đến hiện tại, mầu văn đượm chất huyền thoại, thực đấy, giả đấy, khó nắm bắt là phải. Đang ở đoạn gươm khua giáo gãy, “quân chết như ngả rạ một lượt. Bọn Thổ lệnh cho quân sĩ sẻo dái tù binh, mỗi tên một hòn, rồi cho vào chum làm mắm, khiêng về nước”. Rồi nhà văn giả bắt ngay sang phần ba: Hợp tác xã là nhà, sang cái thời của những con người mông muội đi lên chủ nghĩa xã hội. Thế mà ông Tố Hữu, từng viết:
“ Dân có ruộng dập dìu hợp tác
Lúa mượt đồng ấm áp làng quê
Chiêm mùa cờ đỏ ven đê
Sớm khuya tiếng trống đi về trong thôn”.
Một bức tranh làng quê thật đẹp, một câu chuyện thần thoại trong thời đại mới. Những con người sau trận “Táo đổ chôn mâm”, rồi “Trí, phú, địa,  hào đào tận gốc, trốc tận rễ”, khiến bao người thác oan… Những người không một ngày cắp sách đến trường, chưa viết nổi cái tên mình, mới viết được từ số không đến số chín, mà lên làm chủ tịch xã. Ông bí thư đảng ủy xã nói: “Trước đây, tôi đi học kinh tế học một tuần”, về giảng với dân làng: “Nền kinh tế xã hội chủ nghĩa là một nền kinh tế có kế hoạch hóa cao độ.
- Giời ạ, lý luận kiểu ấy, chỉ đẻ ra thói quan liêu thôi.
Môn đập bàn quát:
- Đồng chí chống đối phải không? Dân quân đâu? Gô cổ lại cho tôi”.
Mới chỉ có một mớ lý thuyết, chưa được kiểm nghiệm đã bắt tay vào xây dựng một thiên đường hạnh phúc. Công việc đầu tiên của ban chủ nhiệm hợp tác xã phải làm là: “Viết khẩu hiệu rõ to, mỗi nét chữ phải to bằng thân người, để ở xa hàng chục cây số cũng nhìn thấy: “Hợp tác xã là nhà, xã viên là chủ”, lồ lộ trên Cửa Đá, nhưng không ăn. Viết bằng vôi không bám, viết bằng bột mầu pha nước cơm cũng tuột đi. Cuối cùng, tính lấy chét đục vào cũng không sầy vẩy”. Tạo hóa đã không chấp nhận việc làm hão huyền của con người. Đền Lừ vốn là chốn linh thiêng thờ người có công đức với bản, biến thành kho chứa phân.
Những ai từng sống thời đó, mới hiểu cách viết của nhà văn rất chân thực. Cái gọi là “Hợp tác xã là nhà, xã viên là chủ”, chỉ là khẩu hiệu thôi, cho nó ra vẻ xã hội chủ nghĩa. Khác chăng, ngày trước, mình cày, cuốc trên mảnh đất riêng của mình, nay mảnh đất ấy là của hợp tác xã, chỉ có điều, nồi cơm ngày càng vơi dần. Lão Hượm nói với con là Ngần:
- Thày mới đi đo đọ sổ điểm về. Ban quản trị cân đối thu, chi, mỗi công được ba lạng thóc. Nhà ta được hai gánh, có nhà chỉ được ba thúng.
- Lại kém năm ngoái, năm ngoái kém năm kia. Củ mài ăn xuống.
Ngôi nhà chung ấy chỉ tồn tại trên danh nghĩa, chả mấy ai quan tâm. Lão Hượm thấy Ngần tiếc con gà nhép bị diều hâu bắt, nói với con gái:
- Một con gà nhép thì tiếc, một cơ đồ thì dửng dưng.
- Tuy là gà nhép nhưng là của mình, còn cơ đồ là của thiên hạ.
Sống chung trong một ngôi nhà, mà không ai quan tâm đến ai, thì làm sao thành ngôi nhà chung được. Chủ nghĩa xã hội là thứ viển vông, cũng như cải khẩu hiệu kia vậy.
Một cách viết chân thực, về một thời đại dài tới nửa thế kỷ, từ lúc gióng trống khua chiêng , bắt người nông dân đưa ruộng đất, trâu bò, nông cụ vào mái nhà hợp tác xã, đến khi nó cáo chung, người ta mới ngộ ra, không thể đem thứ học thuyết mới có trên sách vở, chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của con người, dùng sức mạnh tàn bạo của chính quyền áp đặt vào cuộc sống, để biến nó thành hiện thực…
Làm sao, chỉ bằng hô khẩu hiệu, mệnh lệnh, bằng lời nói giáo điều là có ngay một xã hội công bằng, dân chủ và có ngay một đồng lúa bội thu? Người ta chẳng từng mơ hợp tác xã xây “cái sân gạch” rộng bát ngát, để phơi những “vụ lúa chiêm” bội thu. Lúa nhiều đến mức, gà  không thèm ăn, bới lúa tìm sâu.
“Muốn có chủ nghĩa xã hội, phải có con người xã hội chủ nghĩa”. Những con người chân lấm tay bùn, chỉ biết bới đất lật cỏ kiếm sống, thì biết gì về chủ nghĩa xã hội  mà xây dựng với dựng xây! Nhà văn viết những mẩu chuyện gần gũi, chân thực, đan chen trong thế giới cuộc sống của người lao động, ở ngôi nhà hợp tác xã.
Người ta định kẻ khẩu hiệu thật to trên Cửa Đá. Cây sồi thần không cất lên tiếng hát. Chủ nhiệm Môn phá đền Lừ, khi ngồi dưới gốc cây sồi bị cành cộc rơi trúng đầu, tóe máu. Con gà trống dùng hòn- sỏi- tình- yêu để mồi chài gà mái. Chim diều hâu bắt gà con, bố con Ngàn nói chuyện với nhau. Vợ Môn lén đến Cửa Đá, đèn Lừ làm lễ. Môn phục thiện. Ngàn đau đẻ, sinh con gái. Câu cá trộm ao hợp tác. Trai gái đùa bỡn trong đêm chiếu phim. Thín, Lừ thành quỷ ma, thánh thần  mà vẫn quấn quít lấy nhau. Chuyện đẵn cây sồi thần. Hợp tác xã cũng chỉ như toán thợ góp gạo thổi cơm chung. Dân bản bàn nhau về chuyện tiến lên nông trang tập thể. Pháo đài cấp huyện. Tinh thần quốc tế vô sản. Cái áo ba-đờ-xuy. Liên Xô đổ quân vào Tiệp Khắc. Trên đưa đoàn về điều tra chuyện nghe đài địch. Trang ăn phải ếch thần, hóa điên, khác nào nhiễm chất độc màu da cam.  Biện lễ xin suối Mẹ Tiên, bện Sồi, thánh Lừ giải hạn. vv… Một lớp người với cuộc sống, cách nghĩ quanh quẩn, tù túng, cạn hiểu như thế đang là chủ nhân  đích thực để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Người ta đang rất tự hào: bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội. Một quyết tâm sắt đá! Giọng bí thư Môn sang sảng:
- Lưu ý, đảng bộ đã quyết rồi, trên chỉ đạo xuống là phải làm, chứ không được bàn dùn, không ai được đi trái chủ trương, chính sách.
- Tuyên bố như thế cần gì phải bàn. Nên nhớ, dân không phải là vật thí nghiệm đâu nhá. Đừng có bầy ra kiểu này, trò nọ, rồi khi thất bại lại phủi tay, để dân è cổ gánh chịu hậu quả.
- Phản đối sao? Dân quân đâu? Gô cổ lại cho tôi”.
Như thế là dân chủ, là văn minh, là hợp tác xã là nhà xã viên là chủ sao? Bao nhiêu là hoang đường trong cuộc sống đời thường. Người ta quay về với Cửa Đá, suối Mẹ Tiên, đền Lừ, gốc sồi thần để xin phù trợ là phải, không còn biết đặt niềm tin vào đâu nữa. Nền tảng để làm nên xã hội là nhân dân, “dân vi bản”, nhưng lại ngăn cấm cả quyền ăn nói, quyền tranh cãi, bắt tất cả phải tuân theo khuôn phép là dân chủ, tự do sao?
Nhà văn khi chiêm nghiệm, phản ánh hiện thực cuộc sống vào tác phẩm văn học đều có thủ pháp nghệ thuật riêng, rung cảm riêng, hướng tới người đọc bằng những điều mà nhà văn muốn bầy tỏ. Tiểu thuyết Cửa Đá của nhà văn Vũ Xuân Tửu, dường như không có nhân vật nào là chính cả. Có chăng, chuyên viên Thủy Văn Mộc là trọn vẹn hơn cả. Một người có nguồn gốc chân đất mắt toét, mà được ăn học tử tế ngành triết học, chăm chỉ chịu khó hơn kẻ khác, học theo lối vẹt, ghi chép lại lời thầy cho thuộc. Thủy Văn Mộc vùi đầu vào đọc sách. “Mộc cứ lầm lũi đọc cho kỳ hết năm mươi tập Lê-nin toàn tập, rồi chuyển sang sách của Xta-lin”. Thu gom vào trong đầu bao nhiêu là học thuyết, trở thành chuyên viên uốn ba tấc lưỡi, với ngòi bút kiếm ăn. Về làng, gặp lão Côn bán thịt chó. Tiếp chuyện với lão, Thủy Văn Mộc mới ngộ ra, những gì mình thu nhập được cũng chỉ là mớ lý thuyết suông. Nhớ lời bàn của lão Côn, Mộc giật mình, một tay chủ quán ở xó chợ mà tinh thông đến vậy!
Mộc được “các cụ” giao cho viết bài về kinh tế thị trường. Mộc cãi lại:
- Nhưng bọn em học trong trường, các thầy giảng, thị trường là của bọn tư bản lũng đoạn. Kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin đã nêu, buôn bán nhỏ hàng ngày, hàng giờ đẻ ra chủ nghĩa tư bản.
Trưởng ban thở dài, phẩy tay nói: “Thế nhé”. Mộc hiểu cái phẩy tay là gì rồi. Người ta nói: “Giai cấp công nhân là người đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản”. Ai chôn ai đã rõ như ban ngày.
Mộc đã thấm, mọi thứ học thuyết, bất biết đúng hay sai, suy cho cùng nó là thứ công cụ trong tay gia cấp thống trị, dùng để mê hoặc dân, sao cho mình có phần lợi nhất. Không thể tranh cãi khi những người như Mộc “chỉ là cái lưỡi của bề trên”. Chiêu độc nhất là dối lừa, áp đặt, mệnh lệnh. Chủ nghĩa xã hội là thiên đường, không thể và chẳng bao giờ trở thành hiện thực. Người ta vẫn không chịu buông tha, lại còn nói, định hướng xã hội chủ nghĩa. Cái hướng đó là gì, lại còn hướng đến chỗ không thể có nữa sao?
Phía dưới Cửa Đá là dòng suối Mẹ Tiên, nơi khởi thủy để sinh ra muôn loài; trong đó, có loài người. Xem ra, tất cả những đứa con của bà mẹ trái đất đều bất hiếu, chúng dùng đủ mọi thủ đoạn, mánh khóe, dối lừa, tàn bạo, nhẫn tâm, độc ác để thỏa mãn tham vọng khôn cùng của mình. Chúng chia nhau từng vùng lãnh thổ, phân thành nhiều quốc gia, hoạch định biên giới, tranh nhau cả vùng nước mênh mông ngoài biển khơi, nói chuyện với nhau bằng sức mạnh bom đạn và sự hủy diệt. Con người với con người chỉ là lang sói. Miệng nở nụ cười, nhưng trong bụng chứa một bồ dao găm. Ngay Cửa Đá, bàn tay của tạo hóa đã xếp đặt cũng bị đốt, đập, đục và còn dùng cả bộc phá hòng mở cửa. Lợi dụng Cửa Đá, suối Mẹ Tiên, đền thánh Lừ, để làm chốn di tích lịch sử, cách mạng, văn hóa, sinh thái để hái ra tiền.
Người ta tìm gì phía sau Cửa Đá ấy? Phải chăng là tìm kho báu vô cùng tận? Biết đâu phía sau cửa Đá là thế giới đại đồng, con người và muôn loài sống với nhau không có cuồng vọng, không có hằn thù, tất cả là bạn? Một thế giới tràn ngập ánh sáng, lúc nào cũng rộn tiếng chim ca, muôn vàn bông hoa đua nở? “Cứ một trăm năm bầy rồng ngũ sắc lại về Cửa Đá một lần, và thường báo hiệu sự biến động dữ dội của trời đất”. Lại đến một trăm năm, lần này, bầy rồng báo hiệu: suối Mẹ Tiên cạn kiệt, đồi Hai Đụn phồng to, hang Rốn rộng huếch, Cửa Đá rung rinh, đền Lừ lắc lư, và hàng sư đoàn người tháo chạy toán loạn như gà nhép gặp diều hâu. Nơi khởi thủy sinh ra không còn nữa, con người trôi về đâu đây?
*
Người viết bài này, xin nói lời cuối cùng:
- Hãy làm đứa con hiểu thảo của mẹ trái đất. Nếu không làm được, thì cũng đừng gây khó dễ cho những đứa con đã sống như thế!
Tháng 1/ 2013
         THV

Không có nhận xét nào: