Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2013

Tin Văn

Nhà văn và giải thưởng

2013-01-19
Sau sự kiện nghệ sĩ Kim Chi từ chối có chữ ký của Thủ tướng xuất hiện trên bằng khen trong nhà đến lượt hai nhà văn Y Ban và Phạm Ngọc Cảnh Nam cùng từ chối không nhận bằng khen đối với tác phẩm của họ do Hội Nhà Văn Việt Nam cấp.
Riêng nhà văn Y Ban là một thành viên trong hội đồng giám khảo, chị đã tỏ ra bất bình trước những điều sai quấy mà chị cho là không xứng đáng đối với một nhà văn chân chính khi chấm giải văn chương nhưng lại không đọc tác phẩm mình chấm.
Mặc Lâm có cuộc phỏng vấn nhà văn Y Ban để làm rõ thêm vụ việc này.

Từ chức

y-ban-200.jpg
Nhà văn Y Ban. Photo courtesy of Tạp chí của Hội Nhà Văn VN.
Mặc Lâm: Trong thời gian chị ngồi ghế giám khảo chị nhận thấy Ban Giám Khảo đã thực hành đúng chức năng của họ hay không? Và những cách giải quyết hay quyết định giải thưởng theo chị có công bằng, đúng theo tinh thần, chủ trương của hội Hội Nhà Văn Việt Nam hay không, thưa chị?
Nhà văn Y Ban: Tôi ngồi ở Hội Đồng Văn Xuôi và chúng tôi trong Ban Sơ khảo, tức là hàng năm chúng tôi sẽ phải đọc, ví dụ như giải năm nay thì chúng tôi đã đọc khoảng một trăm tác phẩm của các nhà văn và các nhà xuất bản người ta gửi đến để dự giải.
Hội đồng chúng tôi gồm có 9 người, và chúng tôi chia nhau đọc. Nếu theo thông lệ trước khi bỏ một lá phiếu thì 9 vị giám khảo đó phải đọc hết cả một trăm cuốn sách đó. Thế nhưng thực chất khi ngồi đấy ngay cả bản thân tôi thì tôi cũng phải nhận rằng tôi không đọc đủ được gần một trăm cuốn đó. Tôi phải thú nhận một điều như thế.
Chúng tôi đã không đủ thời gian để đọc được hết cho nên đã chia nhóm ra để cùng đọc và sau đó chúng tôi thảo luận. Đấy là cách làm của hội đồng văn xuôi chúng tôi. Chính vì thế mà tôi nghĩ rằng tôi đã không làm đầy đủ được cái chức trách của một người gọi là “cầm cân nẩy mực”, cái chức trách buộc tôi phải đọc - nếu tôi đã nhận cái nhiệm vụ đó thì nó buộc tôi phải đọc - dù tôi có kiêm nhiệm đến đâu thì tôi cũng phải đọc.
vì bản thân tôi tôi thấy rằng mình không đủ trách nhiệm đối với người cầm bút tức là những người đã gửi tác phẩm đến cho chúng tôi, cho nên tôi đã không còn ngồi ở cái ghế hội đồng nữa.
Nhà văn Y Ban
Nhưng tôi đã không làm được đầy đủ cái công việc đó. Đấy, cho nên tôi đã từ bỏ, tôi đã xin thôi không làm nữa. Đó cũng nhân việc tôi phản đối Ban Giám khảo mà người ta chấm giải thì nó như một giọt nước tràn ly, vì bản thân tôi tôi thấy rằng mình không đủ trách nhiệm đối với người cầm bút tức là những người đã gửi tác phẩm đến cho chúng tôi, cho nên tôi đã không còn ngồi ở cái ghế hội đồng nữa.
Mặc Lâm: Ngoại trừ không có thời gian để đọc toàn bộ tác phẩm được giao trước khi chấm giải, xin chị cho biết còn những quy định hay thái độ tiêu cực nào khác hay không?
Nhà văn Y Ban: Vâng, trong quá trình ấy chúng tôi cũng thấy một điều rất bất cập là các quy định không rõ ràng, cho nên chính bản thân tác giả, tuy là người chấm giải cũng được gửi tác phẩm tới dự giải hàng năm.
Thế cho nên ở đây từ người mới viết, hoặc là người lần đầu tiên viết, cho tới những người đã viết từ lâu cùng tới tấp gửi bản thảo đến, nếu mà họ đủ tự tin, họ không biết mình là ai, họ cứ gửi bản thảo đến. Cho nên thực ra trong một trăm cuốn đấy thì rất nhiều cuốn yếu, có thể nói là đến ¾ trong đó yếu, dưới mức trung bình.
Nếu tôi nói điều này thì có vẻ rất mâu thuẫn, là tại sao sách được in ra mà lại dưới trung bình? Ở đây nó liên quan đến vấn đề in ấn. Tác giả tự bỏ tiền ra và họ chỉ cần xin giấy phép. Cho nên những tác phẩm nào cứ “thường thường bậc trung” nhất, trung bình non nhất thì dễ được cấp phép nhất. Đấy là vấn đề chúng ta phải đề cập đến việc một tác phẩm văn học xuất hiện trên thị trường Việt Nam.

Trò Chơi Hủy Diệt Cảm Xúc

tro-choi-huy-diet-cam-xuc-200.jpg
Bìa sách 'Trò Chơi Hủy Diệt Cảm Xúc'.
Mặc Lâm: Quay lại với câu chuyện của chị, mới đây chúng tôi thấy chị có cuốn “Trò Chơi Hủy Diệt Cảm Xúc” cũng đã tham gia giải thưởng năm nay. Chị có thể cho biết sơ lược về nội dung tác phẩm này.
Nhà văn Y Ban: Tác phẩm đó của tôi là cuốn tiểu thuyết thứ ba. “Trò Chơi Hủy Diệt Cảm Xúc” được tôi viết hoàn toàn mới. Tôi có thể khẳng định rằng tôi không biết xu hướng thế giới như thế nào. Tôi cũng có theo dõi và tôi có thể khẳng định rằng cuốn tiểu thuyết của tôi là một cuốn tiểu thuyết viết theo lối mới.
Nó không phải là chương hồi. Nó không có một nhân vật điển hình. Nó cũng không có từng cặp nhân vật đối lập mà ở đây tôi dùng cái lối “hủy”. Mỗi chương tiểu thuyết của tôi hầu như một truyện ngắn độc lập. Nếu chúng ta tách rời nó ra thì có thể coi như một truyện ngắn độc lập nhưng sau đó tôi kết cấu và đến chương cuối cùng thì mọi người biết rằng “À, đây là một cuốn tiểu thuyết”.
Chương đầu tiên là “Trò chơi” Câu chuyện có nội dung: Chúng tôi cần một người đàn bà trong một trò chơi Online có tên là “Trò chơi hủy diệt cảm xúc”. Chỉ cần viết thư cho một người đàn ông. Chúng tôi đưa địa chỉ một người đàn ông mà người này đã có một cuộc tình Online 5 năm với một người đàn bà đẹp như mơ. Chị cần phải viết và chị diễn tả lại cảm xúc này và đẩy nó tới tận cùng và kết cục là hủy diệt hoàn toàn cảm xúc đó.
Người đàn bà tên là Kim đã Online với một người đàn ông tên là Kát ở Ấn Độ. Với người đàn ông này, cô Kim có cảm giác như là một người tình trong mơ của cô ấy. Tất cả mọi vấn đề cô ấy có thể nói được với Kát, và Kát cũng đã nói với cô ấy tất cả mọi vấn đề. Tình yêu của họ đẹp như mơ, và họ cũng ghen tuông đủ mọi thứ. Cuối cùng kết thúc là Kim đã tìm thấy tình yêu đích thực của đời mình.
Nhưng cái “game” nói cô phải chấm dứt với trò chơi này, cô phải viết một bức thư để hủy diệt và cô đã viết một bức thư hủy diệt. Nhưng sau khi cô viết xong bức thư đó cô không nhận được thư của Kát nữa thì cô có cảm giác là cô đã chết, không còn cảm xúc nào nữa.
Rồi cuối cùng trò chơi kết thúc, chúng tôi chúc mừng cô, cô đã chiến thắng trong trò chơi này. Một trăm ngàn đô la Mỹ đã thuộc về cô. Nhưng còn một điều vui hơn là chúng tôi làm ra trò chơi này ở năm mươi quốc gia và cô là người đàn bà chiến thắng tuyệt đối chỉ vì bức thư của cô hay vô cùng.
Kát là một con robot và chúng tôi đã mã hóa nó để nó chuyên viết thư cho những người đàn bà. Những bức thư của cô đã cực kỳ hay và đã trở thành dữ liệu cho Kát để Kát chuyên viết thư cho những người đàn bà Việt Nam. Vậy cô có đồng ý làm đại diện cho Kát ở Việt Nam hay không?
Google là một ông kễnh khổng lồ, trong tương lai Kát cũng sẽ là một ông kễnh khổng lồ. Đấy là một cách kích thích, một tiểu thuyết của tôi.
Mặc Lâm: Vâng. Nghe qua nội dung mà chị mới vừa diễn tả thì đúng là nó có một kết cấu rất hiện đại, nó cập nhật vấn đề đang xảy ra chung quanh chúng ta. Thưa chị, chị có thể cho biết thêm tác phẩm này khi tham gia giải thưởng năm nay có gì xảy ra với nó hay không? Và diễn tiến trong việc bình chọn nó như thế nào, chị có là một trong ban giám khảo chấm cho tác phẩm của mình không, thưa chị?
Nhà văn Y Ban: Thực ra là tôi ngồi trong hội đồng và tôi muốn nói vài điều ở ngoài lề: Đó là thế hệ chúng tôi là thế hệ gạch nối, tức là bây giờ ở Hội Nhà Văn nó có 4 thế hệ chứ không phải 5 thế hệ như trước, mà thế hệ chống Mỹ là lớp cha anh chúng tôi, còn thế hệ chống Pháp hình như các cụ đã mất hết rồi, chỉ còn vài người thôi, vậy thì thế hệ chống Mỹ là nhiều nhất.
Chúng tôi là thế hệ gạch nối. Chúng tôi sinh ra trong cuộc chiến tranh chứ không phải chúng tôi trải qua trong cuộc chiến tranh. Chúng tôi xuất hiện sau năm 1975 và chúng tôi nằm trong khu vực “Đổi Mới” sau đó là những bạn trẻ.
Chúng tôi chính là thế hệ gạch nối. Khi năm nay duyệt xét lại thì tôi đã giới thiệu 6 cuốn của những người thuộc thế hệ tôi, và tôi có nói với hội đồng rằng: “Tôi năn nỉ, tôi rất muốn các anh các chị hãy đọc thế hệ gạch nối của chúng tôi đi, mặc dù tên tuổi chúng tôi xuất hiện có thể là mọi người luôn nhắc đến Y Ban, Tạ Duy Anh, Võ Thị Xuân Hà, Nguyễn Thị Thu Huệ, Võ Thị Hảo… nhưng chưa chắc mọi người đã đọc họ. Và bây giờ tôi năn nỉ mọi người hãy đọc họ đi, và hãy nói với chúng tôi những điều rất tâm huyết để cho chúng tôi không ảo tưởng”.
Có người cười vào tôi và nói rằng “Năm mươi tuổi còn ảo tưởng gì!” – Không. Năm mươi tuổi chúng tôi vẫn ảo tưởng vì người viết luôn ảo tưởng, và chúng tôi muốn anh chị và các bậc cha chú hãy nói với chúng tôi là chúng tôi như thế nào.”
Đấy, chính đó là vấn đề mà tôi từ chối ban giám khảo này. Họ không dám đương đầu với cuốn tiểu thuyết của tôi.
Nhà văn Y Ban
Tôi đã giới thiệu 6 cuốn, trong đó tôi tự yêu mình cho nên tôi giới thiệu cuốn đầu tiên là “Trò chơi hủy diệt cảm xúc”. Tất nhiên là có người đã giới thiệu trước rồi; Hai, “Thành phố đi vắng” của Nguyễn Thị Thu Huệ; Ba là cuốn của nhà văn Tạ Duy Anh; Bốn là: “Dấu về gió xóa” tiểu thuyết của Hồ Anh Thái; Năm, một cuốn của chị Võ Thị Xuân Hà; Sáu là của chị Phong Điệp. Và cuối cùng sau khi mọi người họp lại về cuốn của anh Tạ Duy Anh thì nó ra không đúng thời điểm tức là chỉ chọn từ tháng 9 năm trước đến bây giờ. Cuốn của Tạ Duy Anh xuất bản từ trước nữa. Và một cuốn khác thì cũng xuất bản từ trước nữa nên loại ra.
Cuối cùng bỏ phiếu thì chỉ còn hai cuốn trong số mà tôi giới thiệu, đó là Nguyễn Thị Thu Huệ và cuốn của Y Ban là được chọn để bỏ phiếu. Nhưng vì tôi là một người có mặt trong hội đồng mà tham dự giải cho nên tôi không được ngồi bỏ phiếu, tôi đã đi ra ngoài. Cuối cùng mọi người bỏ phiếu qua Hội Đồng Văn Xuôi thì cuốn của tôi được 5/7 phiếu. Vì ở hai hội đồng chúng tôi đều có tham dự giải cho nên chúng tôi loại ra cho nên còn 7 người. Tôi được 5/7 phiếu, còn “Thành phố đi vắng” của chị Thu Huệ được 6/7 phiếu, và cuốn “Một thế kỷ bị mất” của anh Phạm Ngọc Cảnh Nam được 6/7 là một tiểu thuyết lịch sử. Và cuối cũng là đưa vào chung khảo.
Ở chung khảo phải nói thật là tôi không được dự chung khảo, và tôi chỉ được nghe lại là cuốn của tôi được bằng khen. Có 9 người ở trong Ban chung khảo thì 4 phiếu đoạt giải, 3 phiếu được bằng khen, và 2 phiếu bỏ phiếu trắng. Trong cuộc bỏ phiếu ấy chỉ là “được giải” hay “không được giải” đánh dấu vào và ghi chú, nhưng họ đã từ chối, họ không bỏ cho tôi “được giải” hay “không được giải” và cũng không ghi chú gì, tôi coi đó là phiếu trắng.
Đấy, chính đó là vấn đề mà tôi từ chối ban giám khảo này. Họ không dám đương đầu với cuốn tiểu thuyết của tôi.
Mặc Lâm: Chị có thể nói rõ hơn tại sao họ không dám đương đầu? Cái ý nghĩa thật sự nó là như thế nào?
Nhà văn Y Ban: Nếu anh đọc cái thư ngỏ của tôi thì trong đấy tôi đã nói rất rõ. Một người ở trong Ban Giám khảo thì phải đủ tâm, đủ tầm và đủ tài. Họ đối diện với tác phẩm chứ họ không thể đối diện với cái tên, mà ở đây thì tôi muốn nói là người ta đã không đọc. Người ta đã không chịu đối diện với tác phẩm, người ta không biết cái hay cái dở của tác phẩm mà người ta chỉ bỏ phiếu cho cái tên, cái tên mà người ta yêu quý.
Một cái tên cùng nhóm với họ thì họ bỏ cho, còn một cái tên cho dù là một nhà văn có nổi tiếng, có tiếng tăm thế nào thì họ cũng không cần biết. Đấy, họ tự cho phép họ có cái quyền như vậy cho nên tôi đã phản đối, tôi đã nói. Thực ra việc tôi nói như thế này cũng vô cùng đau lòng vì tôi đã cùng ngồi với họ cơ mà. Tôi ngồi cùng chiếu, cùng hội, cùng thuyền với họ, nhưng cuối cùng lại “vạch áo cho người xem lưng”. Nhưng tôi đã chọn, như tôi đã nói trong thư ngỏ là tôi đã chọn con đường rất dại. Đó là những điều tôi cần nói. Vậy thôi.

Làm Theo Lương Tâm

0000046029-Cd-KC-01bb-250
Nữ nghệ sĩ Kim Chi khi còn trẻ, hình do nghệ sĩ Kim Chi cung cấp.
Mặc Lâm: Thưa chị, xin hỏi chị một câu cuối cùng có liên quan đến bức thư ngỏ chị từ chối “bằng khen” và tuyên bố rút khỏi Hội Đồng Văn Xuôi của Hội Nhà Văn Việt Nam. Chị cũng biết vừa rồi xảy ra vụ nghệ sĩ Kim Chi đã từ chối chữ ký của thủ tướng, vậy liệu chị có sợ dư luận nói chị đang đi theo vết xe của chị Kim Chi hay không?
Nhà văn Y Ban: Dạ. Thực ra tôi không được biết chị Kim Chi là đã từ chối, tôi chưa được đọc. Mặc dù cách đây 2 năm tôi đã đăng một bài khi tôi đang làm ở báo Giáo Dục và Thời Đại. Tôi làm phóng viên, biên tập viên ở đó.
Tôi đã từng đăng bài viết “Tại sao đến bây giờ chị Kim Chi vẫn không được một danh hiệu nào cả mặc dù chị đã cống hiến cho đất nước từ những năm còn chiến tranh”, thế mà tôi chưa kịp biết chuyện chị rút ra gì đấy, cho nên có thể nếu tôi đọc được rồi thì tôi lại làm ngược lại chăng?
Chính vì vậy mà tôi đã làm như vậy, tôi làm theo lương tâm của tôi và trên hết tôi làm bằng sự tử tế vì tôi là một nhà văn.
Nhà văn Y Ban
Nhưng thực lòng ở đây tôi chỉ làm đúng với suy nghĩ, với lương tâm của mình. Tôi đã nói rằng vì là người cầm bút tôi phải trung thực với chính bản ngã của mình trước đã. Tôi không thể để một điều mà tôi ấm ức trong lòng bằng một sự giả dối. Tôi muốn sự minh bạch. Tôi muốn tất cả mọi điều cùng với ánh sáng mặt trời chứ nó không lẩn khuất trước một điều gì đấy. Chính vì vậy mà tôi đã làm như vậy, tôi làm theo lương tâm của tôi và trên hết tôi làm bằng sự tử tế vì tôi là một nhà văn.
Nhưng nếu gặp việc thì tôi cũng biết tôi sẽ phải đương đầu vì tôi đã nhận tôi là người dại rồi. Tôi tự nhận tôi là người đi trên con đường dại bởi vì tất cả những tác phẩm của tôi đều vô cùng chông chênh. Anh đọc anh cũng biết, hai tác phẩm bị tịch thu, giải thưởng bị rút. Mọi thứ thiếu điều dư luận họ đã đập tôi rất nhiều. Nếu tôi không có bản lĩnh thì chắc tôi phải bỏ bút từ lâu, hoặc là tôi đã không thể sống nổi. Nhưng tôi nghĩ rằng tôi đủ dũng cảm, tôi đủ tư chất, đủ tài năng để chịu đựng được tất cả những điều đấy.

Không có nhận xét nào: