Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 22 tháng 1, 2013

Những bài học cuộc sống:

 Ovid, ông là ai? 20. 05. 12 - 5:19 am

Pha Lê dịch


.

Tuy rất muốn tiếp tục bài học về các tiên nữ, nhưng hôm nay mời mọi người dùng một món lạ cho nó đổi vị: bài viết về ảnh hưởng của nhà thơ La Mã (chuyên viết tích) tên Ovid lên Nghệ thuật Châu Âu của báo Guardian. Qua đó mọi người sẽ hiểu thêm về nhà thơ Ovid nổi tiếng – tác giả quan trọng của văn học La Mã cổ. Sách của ông may mắn được giữ gìn gần như toàn vẹn cho đến hôm nay, và rất nhiều họa sĩ đã lấy chúng làm cảm hứng. Mời mọi người đọc bài trên tờ Guardian:
Gallery Quốc gia (National gallery) của xứ sương mù từng tổ chức một triển lãm về tầm ảnh hưởng của Kinh Tân Uớc (đạo Thiên Chúa) lên nghệ thuật phương Tây. Bài viết Seeing Salvation(Chiêm ngưỡng đấng cứu thế) tranh luận rằng nếu bạn không đọc về cuộc đời của Chúa trong sách kinh, bạn chẳng thể nào hiểu nổi những tác phẩm như bức Noli Me Tangere của Titian. Nhưng mùa hè này Gallery Quốc gia tổ chức một triển lãm khác về một cuốn sách khác, nó cũng đã mang lại một ảnh hưởng lớn đến nghệ thuật Châu Âu – cuốn Metamorphoses (Biến hoá) của nhà thơ Ovid.

Tác phẩm “Noli me tangere”, Titian, 1512. Họa sĩ vẽ cảnh Chúa Jesus hiện ra trước Magdalen để an ủi nàng gái điếm sau khi ngài phục sinh.

Ông viết Metamorphoses bằng tiếng Latin vào thời đại của hoàng đế La Mã Augustus, nhưng cũng chính Augustus là người trục xuất Ovid vì tác phẩm của ông bị gán mác ‘tục tĩu’. Tập thơ thiên anh hùng ca của Ovid chủ yếu kể lại các truyền thuyết Hy Lạp cổ, nhưng biến chúng thành những câu chuyện phù hợp với sự tinh tế của dân La Mã; cơ bản thì hai đế chế có chung thần thánh, dù Rome có cải tên của mấy vị thần này sang tiếng Latin (Zeus thành Jupiter hoặc Jove, Aphrodite thành Venus). Dưới tay những nhà thơ La Mã (Ovid, Virgil…), mấy trò lố của các vị thần trở nên tục hơn, sốc hơn, hài hước và bi tráng hơn.
Ovid kể chuyện theo từng đoạn thơ, đa phần là về cuộc đời tình ái của ông Jupiter – vị thần chuyên hành động theo ham muốn, biến thành bòthành mâythành đống vàng để đánh lừa và cám dỗ các cô tiên/thiếu nữ xinh xắn. Ông kể vể lòng dũng cảm của Perseus, dũng sĩ giết Medusa; và sự dại dột của Phaethon, người ráng lái xe ngựa chariot để kéo mặt trời lên. Ovid là tác giả thần thoại cổ mà những họa sĩ thuộc thời thế kỷ 16 và 17 rất yêu thích, đọc sách của ông cho bạn cảm giác như thể bạn đang lật các trang miêu tả những bức tranh nổi tiếng, quả thực thơ của Ovid liên tục được lôi ra để vẽ ‘minh họa’.
Gallery Quốc gia tổ chức triển lãm Metamorphosis để chào mừng hai tác phẩm lớn của Titian mà nó vừa mua bằng tiền góp vốn từ Gallery Quốc gia Scotland: Diana (Artemis) và Callisto cũng như Diana và Actaeon; hai bức này đều vẽ theo các tình tiết trong cuốn Metamorphoses.

Tác phẩm “Diana và Callisto”, 1559, Titans, vẽ cảnh Artemis phát hiện Callisto đang có thai. Tranh đã đăng trong bài “Artemis, giới tính gì thì cũng gây nhiều đau khổ”.


Tác phẩm “Actaeon và Diana”, Titian, 1559. Actaeon là chàng trai đeo cung tên, còn Diana đội vương miện mặt trăng, xung quanh nữ thần là các nàng tiên theo hầu (không hiểu sao có một nô lệ da đen ở đây?). Con chó săn của Actaeon thì giống chó săn, còn con cún đứng cạnh nữ thần săn bắn trông như cún kiểng, chả giống chó săn gì hết. Chúng ta sẽ học về tích này trong tương lai, mọi người kiên nhẫn chờ nhé.

Nhưng dù Titian là nhà minh họa tuyệt vời nhất cho những câu chuyện mà Ovid kể, ông cũng có rất nhiều đối thủ cạnh tranh. Công chúng trầm trồ trước tính mỹ thuật của những tác phẩm như Jupiter và Io (Correggio), Cú ngã của Phaethon (Michelangelo), Medusa (Carravaggio); tất cả những tác phẩm này đều ‘lấy lửa’ từ sức sáng tạo cháy bỏng của Ovid.

Tác phẩm “Io và Jupiter”, Antonio Allegri Correggio, 1532, vẽ cảnh Zeus biến thành mây để hiếp Io.


Tác phẩm “Medusa” của Correggio, 1590. Nữ quái đầu rắn (bị Perseus chém chết trong bài “Perseus giết Medusa”) nổi tiếng của tích Hy Lạp này không phải là đề tài yêu thích của nhiều họa sĩ, và thường thì hay được vẽ chung với Perseus, tại ít người nào muốn mua một cái đầu Medusa về treo trong nhà.


Tác phẩm “Cú ngã của Phaethon”, Michelangelo, 1533, vẽ bằng than chì. Zeus đứng ở trên cao, dùng sét đánh chết Phaeton, khiến cậu rơi từ trên xe ngựa xuống. Các chị gái của Phaethon khóc thương em trai và biến thành cây bạch dương. Tích này đã kể trong bài “Các tiên rừng và một chàng ngốc”.

Cùng với các buổi hòa nhạc opera, triển lãm Metamorphosis cũng là một phần trong những chương trình đặc biệt dành riêng cho mùa Olympic London 2012. Gallery còn xuất bản nhiều bài thơ mới, viết theo cuốn Metamorphoses, một trong các tác giả của những bài thơ này là ông Seamus Heaney – nhà văn đoạt giải Nobel.
Nhưng tại sao lại phải chờ (đến khi xem triển lãm)? Hôm trước tôi vừa dịch một đoạn thơ ngắn của Metamorphoses. Trong đoạn thơ này, Ovid giúp chúng ta hiểu rõ hơn về bức Diana và Callisto – tác phẩm mới tại Gallery Quốc gia. Trong tranh, nữ thần Diana (Artemis) phát hiện rằng một trong những nàng tiên theo hầu mình đang mang thai. Đoạn thơ dưới đây kể về những gì đã diễn ra. Vị thần Jupiter (Zeus) chết mê chết mệt Callisto, nên biến thành Diana để lừa nàng tiên vào bẫy cũng như để che mắt bà vợ Juno (Hera) đa nghi:
Hẳn là mụ hoàng hậu sẽ không biết gì về trò lừa này”, ngài nói,
“Nếu mụ biết, nó vẫn đáng làm, ôi đúng thế!”
Ngay lập tức ngài mang vẻ mặt và hình dáng của Diana 
rồi nói: “Ôi nữ tùy tùng ta yêu nhất, người hầu của ta,
hôm nay nàng đi săn ở chốn nào?” Từ nơi mình đang nằm, nàng hầu 
đứng dậy nói “Thưa nữ thần – người theo ý nô tỳ – 
mặc cho ngài ấy có nghe được hay không, tuyệt hơn cả Jove.” Ngài nghe và cười 
và thích thú khi thấy mình bị chê, và hôn nàng,
một nụ hôn bất khiêm tốn và không phù hợp với cung cách của một vị thần đáng ra phải là trinh nữ. *


Mời mọi người xem lại bức “Jupiter và Callisto” do Rubens vẽ năm 1613, đã đăng trong bài “Artemis, giới tính gì thì cũng gây nhiều đau khổ”. Đọc tích rồi thì ngắm tranh sẽ thích hơn, đúng không nào?

Triển lãm Metamorphoses sẽ diễn ra từ 11. 7. 2012 đến 23. 9. 2012.
*
Chú thích
Đây là một trong vài bản Metamorphoses của Ovid. Nên nhớ rằng vào thời La Mã người ta vẫn còn giữ tục lệ kể tích theo dạng truyền miệng (dù có ghi chép, sách vở), nên ngay cả “Metamorphoses” cũng có vài bản khác nhau. Nhìn chung thì bản này không khác bản kia mấy.
*
Soi: mời mọi người đọc phần tư liệu bổ sung của họa sĩ Nguyễn Đình Đăng:
Lý do hoàng đế La Mã Augustus trục xuất Ovid từ La Mã (Rome) sang Tomis (tức Constanta – thuộc Romania ngày nay) vào năm thứ 8 (sau CN) thật ra sâu xa hơn nhiều. Ovid là nhà thơ nổi tiếng nhất La Mã, được coi sánh ngang với Virgile (70 tr CN – 19 tr CN) và Horace (65 tr CN – 8 tr CN). Augustus (63 tr CN – 13), tức Octavian, là hoàng đế đầu tiên của đế quốc La Mã. Ông là cháu của Julius Caesar, nối dõi Caesar sau khi Caesar bị ám sát vào năm 43 tr CN. Ovid nói ông bị trục xuất vì một bài thơ và vì lỗi lầm, nhưng không ai biết đó là lỗi gì. Sau 21 thế kỷ nghiên cứu, các học giả đã tổng kết các lý so sau đây về việc tại sao Ovid bị Augustus trục xuất:
1 – Ovid có tham gia vào một số nhóm bí mật chống lại chế độ Augustus.
2 – Ovid đã làm thơ chế nhạo Augustus rồi lại phát tán thơ đó trong các “tổ chức phản động âm mưu lật đổ chính quyền”của Augustus.
3 – Ovid là người phát hiện ra việc hoàng đế Augustus thông dâm với chính con gái mình là Julia, trong khi Augustus muốn thiết lập một xã hội sống trong đạo đức, một vợ một chồng, v.v.
4 – Ovid là người chứng kiến việc con gái Julia của hoàng đế Augustus phản bội chồng.
5 – Ovid là một trong những học giả chống đối lại chế độ độc tài toàn trị.
Cứ đọc một đoạn thơ sau đây trong Amores của Ovid sẽ rõ (dịch nghĩa):
Phần đầu của Amores III:8
Ngày nay liệu có ai vẫn còn nghĩ rằng nghệ thuật kiệt xuất và thơ ca tinh tế là đủ để chinh phục được người mình yêu?

Đã có thời thiên tài được coi là quý hơn vàng, nhưng ngày nay man rợ tràn lan không còn coi thiên tài ra gì nữa.

Đã có thời các tập thơ xuất sắc bé nhỏ của tôi làm người tình của tôi hài lòng, nhưng ngày nay tôi không còn có thể đi đến nơi cuốn sách của tôi đã tới. Đã có thời nàng khen ngợi tôi, nhưng bây giờ các cánh cửa nhà nàng đã khép kín trước sự ca ngợi của tôi. Nàng đã tống khứ thiên tài của tôi.
Hãy nhìn kìa, một đại gia mới nổi, hắn đã giành được sự giàu có của mình bằng giết chóc, hắn nguyên là một lính viễn chinh uống máu cho đến khi được tấn phong thành hiệp sĩ. Ngày nay hắn được trọng thị hơn tôi.

Không có nhận xét nào: