Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2013

CHUYỆN Ở LÀNG ÉO
            Ghi chép của Hồng Giang

Tay ấy bảo:
- Tôi sang ông lần này là lần thứ bốn rồi, giờ mới gặp..
Mình mời uống nước, hỏi có chuyện gì không?
Tay nói:
- Chuyện vui thôi mà. Hôm này tôi cưới con, thằng cả ấy mà. Nhờ ông sang giúp tí việc.
Vậy là hiểu. Không chụp ảnh cũng là quay phim, toàn những việc quen tay của mình. Nhưng thú thật mình chưa nhớ tay là ai, ở đâu? Những người như này mình gặp hơi bị nhiều. Có khi người nọ nhớ sang người kia. Làm cái anh phó nháy như mình có một thói quen xấu là hay bị nhầm người. Chỉ toàn để ý đến cái “bố cục” bên ngoài, có mấy khi chú ý đến cái nội tâm, cá tính “nhân vật” đâu mà nhớ được lâu?
 “Phàm đã là con người” cái nhớ bên trong mới được lâu. Bên ngoài rất dễ bị nhầm, bị quên. Tất nhiên không phải “phó nháy” nào cũng như vậy, có những ông nhớ rất dai.. Giả dụ như ông X, ông I cờ lếch, mấy ông này trí nhớ đến như ông Ma Núi, đạo diễn điện ảnh lừng danh có trí nhớ nổi tiếng cũng còn phải gọi “bằng anh”. Nói là nói cái chung, cái phần đa, trong đó có mình..
Mình giả bộ lóng ngóng pha trà thật lâu.. Không cái tệ nào bằng cái tệ đối diện với nhau mà lại quên cả tên gọi của người ta! Thật may, mình nhớ ra rồi. Tay này mình gặp ở các đám cưới ít nhất là ba bốn lần. Tên là Thanh hay là Thành gì đấy. Tay ấy khi thì làm “quan lang”, khi làm đại diện nhà trai, có khi đại diện nhà gái, hoặc trưởng ban tổ chức. Đại loại thế. Nhưng nhà ở đâu? Chịu. Mình vẫn chưa kịp lần ra?
Mình làm như quen lắm, nhớ lắm rồi, ( Cái nghề của mình nó thế, đôi khi phải giả vờ, giả tảng sợ người ta mếch lòng. Làm như thân lắm rồi, gần gũi lắm rồi.. Sự giả tạo này xem ra mục đích vốn tốt, chả hại đến ai. Có khi còn có giá trị củng cố tình cảm ).
- À Thành này, đường đi bên đó bây giờ tốt chứ hả? ( Thực ra còn chưa biết là đi đâu?)
- Quá tuyệt vời luôn. Tuy chưa bằng Éo con bên này, nhưng đường bên Éo lớn bây giờ vô tư đi. Khỏi phải nghĩ. Cứ xe máy tênh tênh ông chạy, không phải đi bộ đâu mà lo. Sang khỏi đò đã là đường bê tông rồi. Nhớ đừng để nhỡ chuyện hạnh phúc trăm năm của các cháu..
- Yên Tâm đi, tôi không làm nhỡ ông là được chứ gì?
Hỏi chụp ảnh hay quay phim? Thành bảo:
- Ông buồn cười, chơi hẳn “công nghệ cao”, quay phim luôn. Chụp ảnh bây giờ xã hội hóa rồi, còn là cái gì? Nhưng cũng chụp một tí làm kỷ niệm..
Ái dà. Cái tay người Dao này cũng chịu chơi đấy chứ, lại nói năng chặt chẽ, kỹ càng về công việc vốn dĩ là nghệ thuật, xa lạ đời sống hàng ngày của đồng bào vùng sâu vùng xa như thế này!
 Cũng phải thôi, trong mấy chục dân tộc, bây giờ có lẽ người Mông và người Dao là giữ được bản sắc văn hóa tương đối nhiều nhất. Người Dao vốn chuộng nghệ thuật, màu sắc từ trang phục đến lễ nghi cưới hỏi..
Mình còn nhớ, lâu rồi, ngày còn chụp ảnh bằng công nghệ cũ, tráng phim in ảnh bằng đèn dầu ở các bản người Dao. Chụp mỏi hết cả tay, hết cuộn phim này đến cuộn phim khác, vẫn chưa hết người. Đi hết làng Dao này đến làng Dao khác vẫn chưa kết thúc chuyến đi.. Bấy giờ công nghệ không như bây giờ, khá vất vả. Đời sống người dân bấy giờ còn khó khăn, đồng bào còn mến mộ nghề ảnh đến thế, huống hồ bây giờ?
Của đáng tội, trong lòng vẫn còn chút e ngại, về con đường từ đây sang đấy..
**
Không thiếu gì tên. Nơi gọi An Lạc, nơi Đức Ninh, nơi Hồng Đức.. Có kém văn hoa một tí nữa gọi Ao Dăm, hay Đồng Rôm, chả hay mấy, nhưng vẫn còn dễ gọi, còn hay hay.
Ai lại là Éo lớn, Éo con? Chẳng biết ai đặt tên làng từ đời nào? Éo là éo le, là trắc trở, và là gì gì nữa? Vì sao đến giờ vẫn chưa thay đổi, vẫn địa danh cũ? Mình đứng chờ đò ở bến sông, nghĩ ngợi linh tinh như thế.
Quãng này là phía trên gềnh Éo một chút. Khi xưa hai bên bờ sông lau sậy um tùm, san sát, khó len được bàn chân. Đường chỉ là đường mòn, trèo lên, tụt xuống rất khó đi. Qua sông chỉ có cái mảng ngóc làm bằng mấy cây tre mai, hay bằng cốn nứa. Cũng phải thành thục lắm mới dám bơi mảng ngang qua khúc sông này. Phía dưới một chút nước cuộn ào ào như có hàng trăm con thuồng luồng đang đợi sẵn sàng nuốt chừng cả mảng lẫn người. Đó là nơi có cái ghềnh đá vô vàn hiểm trở. Dòng nước bị xé vụn ra thành các con xoáy khủng khiếp. Mảng và người chẳng may lọt vào chỗ ấy, khó thoát được ra ngoài. Chỉ còn lại hình thù biến dạng, kỳ quái ở phía hạ lưu.
Mãi tới khi khôi phục lại đường thủy, phải mất hàng trăm tấn thuốc nổ, hàng nghìn giờ của máy khoan, máy đào, cái ghềnh ghê gớm ấy mới bị xóa sổ. Tuy vậy vào mùa nước cạn, nó vẫn gợn lên, thuyền trọng tải lớn vẫn khó đi.
Có lẽ vì những lí do đó mà làng người Dao này đặt tên làng mình là Éo? Non nửa bên này sông đi lại còn đỡ. Già nửa bên kia khá vất vả. Đó là mảnh đất hình cái móng ngựa, ôm quanh dãy núi cao, bị chia cắt bởi hai con sông gặp nhau ở quãng này. Mảnh đất có hình hài kì dị ấy, nhiều năm về trước đi lại cực kì khó khăn. Cầu phà không có, ngay đến đường đi xe đạp cũng không có luôn.
Nó như một người tình lành hiền, chất phác, bị bỏ quên bên bờ sông Gâm. Là nơi những kẻ chuột chạy cùng sào, trốn nợ, hảo hán và cả lưu manh, đĩ bợm chọn làm chốn dung thân. Cờ bạc, trộm cắp là cái xảy ra như cơm bữa. Chỉ nghe đến người ta đã không mấy cảm tình. Người làm ăn đàng hoàng, người tử tế ngại đến.
Mà thực ra người dân sở tại lành hiền, có phần rụt rè, nhút nhát, rất quý trọng tình nghĩa. Rất trọng lời hứa, bạn chơi thủy chung như nhất.
Chẳng qua chỗ đất khó, như dòng sông vướng ghềnh, nên rều rác, bọt bèo tụ lại..
Đó là chuyện của ngày xưa, còn giờ mọi cái đã khác.
**
Hình như năm nay, đám cưới thưa hơn năm ngoái. Dân ở đây chẳng hão huyền ba cái chuyện ngày tận thế theo lịch này, lịch nọ như ở nơi khác. Cũng không hẳn do kinh tế thoái trào mà ít làm đám. Có chiến tranh, hỏa hoạn hay thiên tai gì gì đi nữa người ta vẫn phải yêu, vẫn phải lấy nhau, vẫn phải làm đám cưới như thường. Chỉ có điều thuận lợi khá giả thì làm rộng rãi, rôm rả, sang trọng. Khó khăn, tiềm tiệm chút ít đi cũng xong.
Mình nghĩ cái này có lẽ do kinh nghiệm dân gian, theo mười hai con giáp. Sang năm là năm con Tỵ rồi, nên có phần e ngại ở một số người. Hình tượng con rắn đối với nhiều người không hấp dẫn lắm. Lấy vợ lấy chồng năm nay, sinh con tuổi Tỵ, sợ con sau này vất vả..
Có lẽ vì thế mà đám cưới người ta làm ít đi chăng? Chả bù với năm ngoái. Làng nào xã nào cũng đám cưới rộn ràng để năm sau sinh quý tử tuổi con rồng. Khắp thiên hạ đám cưới, “đại hỷ hội” tưng bừng. Đó là theo ý chủ quan chủ mình. “Thực ra tuổi tỵ là Sa trung kim, vàng trong cát, khối người giàu có quyền thế. Người tuổi ấy thường đứng đắn, đàng hoàng”. Đó là sách vở vỉa hè nói như thế. Thực ra tuổi nào chả có người sang hay kẻ hèn? Chẳng có người ăn không hết, người lần không ra? Mấy vị cao tuổi trong làng đang nói chuyện này có vẻ rôm rả.
Ngại phức tạp, mình không tham gia. Mình ra ngoài rạp tranh thủ quay cảnh cái phông và ảnh cô dâu chú dể làm đầu đề của phim.
Đang mùa gió heo may, lại ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, cái phông cứ như bị rét run bần bật. Tấm ảnh cỡ lớn của dâu dể cứ đưa qua đưa lại. “Quay cảnh này có mà vứt”. Định nhờ mấy cậu choai choai giữ hộ, lại chẳng cậu nào rảnh. Đứa thì bưng mâm, đứa dọn bàn, thuốc nước. Đang lúng túng có tiếng phía sau:
- Này anh nhà báo ơi, đề nghị anh đeo thẻ vào nhớ.
Mình không quay lại, nói với:
- Đám cưới việc gì phải thẻ? Có ai quy định thế đâu? Nhà em “được làm dững cái pháp luật không cấm” mà? Quy định như ngày xưa bỏ lâu rồi!
- Nhầm đấy, bỏ là bỏ thế nào? Yêu cầu đeo vào thì cứ đeo vào!
Ai mà gay go thế nhỉ? Mình quay lại. Hóa ra là tay Mã người làng này, ngày xưa chở đò dọc chạy thuyền máy, quen gọi bằng thuyền Cole. Từ ngày có đường quốc lộ hai xê, tuyến đường thủy ít khách. Mã lên bờ, bán thuyền, từ biệt dòng sông. Anh ta chán nản cờ bạc, thuốc phiện một dạo. Có lần mình gặp trong “đội lao động” làm đường, Mã môi khô, da sạm, chả thấy thần khí, thần hồn đâu..
Hôm nay gặp lại, béo tốt, đỏ da, ăn vận đàng hoàng thế kia chắc bỏ được tệ cũ rồi?  Mã cười:
- Trêu ông tí thế thôi, xong đám sang bên nhà chơi nhá. Cái nhà đang đổ mái chỗ đầu lối rẽ vào ấy.
Mình ừ. Biết là chàng khoe khéo đây. Nhưng cũng mừng cho tay ấy. Người như thế, tuy có vấp váp rồi cũng nên người. Biết làm, biết ăn lại không biết sống hay sao?
Chợt buồn cái hồi nảo hồi nao, chưa xa là mấy đâu. Ngày đấy đi chụp ảnh cứ như làm việc gì vụng trộm, lén lút. Giấy má nọ kia quá là cầu kì.Mà giấy nào cũng chỉ cho phép ngắn hạn. Bị hỏi, bị thu máy là cái không phaỉ ngạc nhiên, hay lấy làm lạ. May mà ngày đấy qua rồi.
Cái đùa vô tình của Mã làm mình thoáng chột dạ. Thói quen, bản năng sinh tồn của một thời chưa mấy là xa..
***
Tay ấy trách sao không sang từ sáng? Mình nói bận tí việc. Đằng nào theo phong tục hai, ba giờ mới đi “ngủ dể” kia mà? Hắn bảo không, vì xa nên hôm nay đi sớm hơn. Hỏi ăn gì chưa? Ngồi vào mâm tí ? Mình cảm ơn. Ăn rồi. Nghỉ tí rồi đi. Nhà đám, bận bao nhiêu việc, bày vẽ ăn uống cho một mình làm gì? Tay cười, vậy tùy ông nha! Mình ngồi xem bên ngoài pha thịt ngựa, thịt trâu. Toàn dân lành nghề cả, làm cỗ đâu có kém ở phố?
Hai giờ bắt đầu đi. Hai quan lang, một dể phụ ra trước. Tiếp đến chú dể một mình một xe. Cuối cùng một cua dơ chở mình, vừa đi vừa quay dọc đường.  Hai lão quan lang đi cùng lần này lù văn lì, ít nói cực kỳ. Ai hỏi gì cũng nhen nhen cười, chỉ được mỗi cái tốt tính chứ xem ra lễ lạt, cách thức không được như những cặp quan lang khác. Chính yếu điểm này, đêm đó mình một phen buộc bụng. Số là ông cả, quan lang tương đương trưởng đoàn không bao quát quân số. Nhà gái sắp ai, mời ai ông ta mặc. mình với cua dơ kia đứng ngoài sân, nhà gái không biết ai nên mặc. Lúc trở về bên “nhà trọ” lại còn thông cảm với mình, lúc ấy mình rất ghét. Cho là lão xỏ mình. Dưng mà nghĩ lại, lão làm “ông cả” áp lực nghi lễ nặng nề. Truyền thống văn hóa từ ngàn năm, lão đang gắng sức làm cho được. Thể hiện cái bản sắc văn hóa sâu xa. Lại còn phải xem í tứ hai ông quan lang bên nhà gái thế nào? Có quên mình cũng không nên trách. Với lại nhà đám, thường tùy nghi mà ngồi vào mâm. Khách khí gì? Lại còn trách?
Làm xong thủ tục, trừ chú dể ngủ lại nhà cô dâu, cả bọn về nhà “ông giữa” tức là nhà trọ đã nói ở trên. Sau hành trình mấy chục cây số, căng mắt, mỏi tay quay với chả dựng, lúc này mình mệt rã người, chỉ muốn  lăn ra ngủ. Nhà gái cách đấy không xa, loa đài vẫn oang oang. Lạ thay, đám cưới mà mở toàn nhạc tiền chiến? Toàn bài “chia li” với “thất vọng”, “Tình sầu” cái quái gì đấy. Toan chạy sang góp í. Nghĩ lại thôi. ờ thì phụ thuộc cái anh cho mướn phông bạt. Nó có đĩa nào mở đĩa ấy. Xem ra thằng cha này văn hóa lùn, hay nhà chủ thất cách thế nào đó, nó phật ý, nó mới mở như vậy.
Đang mơ mơ được lúc, có chó sủa rộ. Người Dao nuôi chứ không ăn thịt chó nên nhà nào thường cũng nhiều chó.
Lại bốn bà “bắc cầu giải yếm” hát đối lúc chiều ngoài ngõ nhà gái. Là mình phỏng đoán thế, chứ sợi dây chăng ngang đường chờ đối đáp hình như là bằng cái bao lưng hay dây vải thêu gì đấy chứ không phải “cầu giải yếm” như mình phóng tác ra.
Hát chán bên nhà gái mấy canh giờ, bây giờ lại theo về “ nhà trọ” của “ông giữa” A..Ố..À ê ..đến hai giờ sáng mới ngừng.  Đúng là cơ hội thuận lợi để ghi âm loại bài hát giao duyên đối đáp cổ. Nhưng không mang máy ghi âm. Điện thoại lại hết pin rồi chẳng biết làm thế nào? Mình vừa mất ngủ, vừa tiếc hùi hụi cơ hội vàng!

Buổi sáng hôm sau nghi thức đơn giản hơn. Chú dể mò sang nhà trọ thăm cả bọn từ sáng sớm, đồ rằng lo mọi người ngủ dậy muộn. Mặt chú tươi hơn hớn. Từ nay biết mùi đời, làm người lớn rồi ai không phấn khởi?
Cả bọn lại lúc túc kéo nhau sang nhà gái. Chợt nhớ mình hỏi anh cua dơ chở mình sao không thấy thằng em chú dể hôm ở nhà nhỉ. Cua ấy bảo : Nó “đi vàng” ở bên Lào. Cái công ty gì đó, tháng trả sáu triệu. Có sòng phẳng không? Cua bảo công ty ấy nghiêm chỉnh không kém gì nhà nước. Cũng giờ giấc, lương tháng đàng hoàng.  Chính Cua cũng vừa bên ấy về xong. Chỉ mỗi cái khổ xa chỗ có dân và ăn cơm nếp nóng hết cả ruột. Thì chỗ nào làm vàng mà chả xa khu dân cư? Nếp hay tẻ ăn mãi rồi cũng quen mà. Cua ấy kể “Thằng em chú rể vừa gửi về cho bố ba mươi triệu. Có thế mới xổng tay thuê nhạc sống, thuê nhà quay phim là ông đấy”. Cái tay này chỉ được cái thật thà. Một quãng đường ngắn từ “Nhà trọ” đến nhà gái mà tiết lộ với mình bao nhiêu là chuyện hay. Tay này làm văn công văn nghệ thì được, làm an ninh nghe chừng không ổn. Bất chợt có tiếng điện thoại. Cua dơ đang chuyện dở với mình, vội cầm máy nghe. Một lúc quay sang bảo mình: “Nhà trai bổ sung người xuống đón dâu, đến đầu làng Đặng rồi!”. Đây là làng Cháy, từ Đặng vào đây đường bê tông có bao nhiêu đâu?
Các lễ đã hoàn chỉnh từ tối hôm trước rồi. Sáng nay chỉ việc uống rượu, đón dâu là về.
Vì ở xa, hai bên thương lượng trước với nhau về nhà trai uống rượu một thể. Nếu không phải làm các động tác theo thủ tục có lẽ về nhà trai còn sớm hơn. Cô dâu vừa rời nhà mình ra ngõ, đã có người trải chiếu, chải tóc thay áo quần một lượt, khăn mặt cầm tay, có người che ô mới lên đường. Dể chính cô dâu chính, dể phụ dâu phụ, bốn người một xe. Các xe tùy tòng chở xoong nồi, ấm chén, phích phung, va li chăn màn.. Của hồi môn, cô dâu chất đầy mấy xe.  Lo được đám cười trầm trồ như thế này quả là không đơn giản!
Nắng tháng mười đường quê trải lụa. Non xanh núi thắm một màu. Đường nhựa, đường bê tông xe cứ vun vút, còi inh ỏi. Nói cười, chả nghe rõ là những gì? Nửa tiếng phổ thông, nửa tiếng trong làng, cứ như đi trẩy hội.Mình cũng thấy vui lây. Ngày nao đường qua Tân Tiến lên đỉnh Mười có mười mấy cái cầu, không nhớ bao nhiêu suối? Có đi nhanh cũng phải từ sáng tới tối, nhà gái mới về đến nhà trai. Bây giờ đã là đường cấp tỉnh, trải nhựa, đi như đi chơi. Có chậm cũng không tới hai giờ đồng hồ
Tới bến đò đã nghe nhạc sống từ nhà trai vọng sang. Hình như ca sĩ không chuyên, hay chỉ chuyên đám cưới đang ca bài gì có câu: “ Hãy tin lấy ngươi..Hãy yêu lấy người, giọt mồ hôi trên đất cằn sỏi đá”. Bài này còn được, hợp với ngày vui.
Đến ngõ, chiếu lại trải. Cô dâu lại sửa lại áo quần, vấn khăn, thát bao lưng.. Người đứng xem chật ních xung quanh. Nhà trên, nhà dưới cỗ bày hai hai dãy, không biết là bao nhiêu người?
Tranh thủ lúc ấy, anh chàng Mã chạy thuyền chiều hôm qua tóm được cô bạn quen bảo mình chụp cho một kiểu. Cô kia đỏ mặt tía tai cố giằng ra. Sau rồi nghe khích, cô tặc lưỡi : “Đã chụp, chụp luôn bốn năm kiểu” Mình bảo sợ gì? Mã nhăn nhở : “Có phim không đấy?” Lại là đùa tếu táo, phim nào bây giờ. Người ta kỹ thuật số từ lâu rồi, ở đấy mà hỏi phim!
Nhạc cung đình không có lời tấu lên. MC dẫn chương trình. Thầy cả trong nhà sắp lễ, lẩm nhẩm ngồi trên nền nhà cúng bái. Thầy đang trình bày, cầu khẩn với vua Bàn Vương che chở, nâng đỡ cho lứa đôi đang chầm chậm bước tới trước bức tranh thờ trình ngài.
Tiếng con dao cuối cùng “keng” một cái, cô dâu tiền đưa, hậu ủng, khăn tay che mặt bước vào nhà..

Tay chủ nhà bấy giờ mới chạy lại bắt tay, cảm ơn mình rối rít. “Ơn iếc gì, cũng là công việc nhà nghề phải làm thôi. Có gì thiếu sót thông cảm cho tôi nhá. Các cháu thành công, đám vui là được rồi!”
Tay ấy bảo:
- Ấy, đừng nói thế. Không có dân làng, bà con giúp, mình có tiền tấn cũng chẳng làm được. Nghe thằng cháu chạy xe chở ông về nói, tôi ân hận quá. Ai lại nhịn đói một đêm thế bao giờ? Cũng tại tôi thiếu sót, quên dặn ông “quan lang” mà ông ấy lại thật thà quá..Thôi lát nữa tôi thân chinh ngồi với ông, ta uống rượu bù?

Giời ạ, bù gì chứ bù rượu có mà.. Mình chẳng dám nói hết câu. Đang là ngày vui, đại hỉ của người ta, nói năng gì cũng phải đắn đo, ý tứ chứ? Hơn nữa cũng chỉ là chuyện nhỏ như con thỏ, có gì đáng nói đâu?

********

Không có nhận xét nào: