Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 30 tháng 1, 2013

Tết này tết trước có gì khác nhau?

Tết con Rồng đi tìm tác giả
               
                                     Ghi chép

Ông Đ không phải tuýp người tò mò muốn biết nhà văn ăn gì? Làm gì? Sinh sống ra làm sao? Nghĩ gì trong đầu mà chưa tiện, hoặc chưa muốn viết ra thành sách?
Ông cũng không phải nhà phê bình quan tâm đến tác phẩm, tác giả để viết chân dung văn học, hay các vấn đề thời sự văn học mình đang quan tâm. ( Hiện đang rộ lên thể loại “chân dung văn học” rất nhiều người viết. Nói về tác phẩm và bản thân nhà văn thì ít, chủ yếu là PR, lăng xê  các tác giả, mục đích của nó nằm ngoài văn chương, học thuật. Có khi lại là chuyện khẳng định chí khí, ý tưởng của mình. Tự đề cao vị thế của mình theo lối ăn theo các tác phẩm may mắn được công chúng chú trọng. Thể loại này dễ mà khó, xin bàn ở một bài viết khác, kẻo lan man ).
Ông cũng không phải bà con họ mạc xa, gần, lâu ngày không gặp. Ông hẹn hò với tôi mấy bận : “Kiểu gì cũng phải giúp” ông được vinh hạnh, trực tiếp, diện kiến ông “ma xó”. Nếu được gặp nhà văn vào dịp tết nguyên đán này thì không gì bằng!
Ông chỉ là người dưng, khác quê, khác quán với ông ấy. Một kiểu tình yêu đơn phương, ông nghĩ về ông ấy mà ông ấy hoàn toàn chưa biết gì về tình cảm quý báu hiếm có này.
Thấy vậy tôi ghi địa chỉ, song ông một mực không nghe. Cứ muốn tôi thân chinh đưa đến ra mắt nhà văn đang được công chúng ngưỡng mộ. Nhất là sau cuốn tiểu thuyết viết về quân tình nguyện Việt sang Campodia  giúp bạn được giải thưởng “Sông Mê Kông”. Hai lần ông “ma xó” tặng sách tôi, ông D đều mượn mang về nói là “cho các cháu đọc vì tác giả của sách là đồng đội cùng đơn vị” của ông. Tính hiếu sách của ông D từ lâu tôi đã biết, nên không lấy gì làm lạ. Nhưng sự nhiệt tình hơi khác thường của ông khiến tôi chú ý.
Thực ra tiểu thuyết  “Ma xó” gây được sự chú ý của công chúng một phần nhờ công sức của đạo diễn, nhà văn Nguyễn Hữu Tài, nhà biên kịch, nhà văn Phạm Ngọc Điên. Điện ảnh hơn bao giờ, có sức quảng bá giá trị văn chương vô cùng lợi hại. Có những cuốn sách nằm mốc meo trong thư viện hàng chục năm trời, ít người chú ý, bỗng chốc qua tay các bác ấy phù phép, thổi sinh khí vào, bỗng nhiên như mọc cánh bay lên, chói lọi văn đàn. Còn việc cơ cấu giải thưởng ngày nay là điều ai ai cũng biết,  thiết nghĩ không cần bàn cãi.
(Tất nhiên giá trị văn học của tác phẩm phải có chút nào đó mới lọt vào mắt xanh của nhà làm phim, hoặc giả giá trị tuyên truyền, ý đồ chính trị cần truyền tải tới công chúng. Thiếu một trong ba cái đó khó được chấp nhận. Đó là hiện trạng có thật của văn học và điện ảnh Việt ngày nay ở trong nước). Điều đó cắt nghĩa tại sao nhiều tác phẩm của một số nhà văn  thực sự có giá trị, đậm tính nhân văn, sâu sắc và thấu đáo tình đời lại bị anh hàng xóm là “Nghệ thuật thứ bảy” làm lơ, không nhòm ngó đến, trong lúc người ta luôn kêu thiếu kịch bản văn học ra hồn để có phim hay!
Một bộ phim tốt, hay, trước hết phải có kịch bản văn học hay cái đã. Điều này rất tiếc là chưa được quan tâm.. Lại là một câu chuyện khác, chỉ nên bàn sơ qua như vậy.
Tôi cũng không dám nói điều gì với ông D. Một người tốt, khái tính, có phần nóng nảy, có tính bản vị, không khéo gây ra sự hiểu lầm. Ngày nay có được người bạn biết đến mình, chia sẻ với mình, không thể vì chuyện “Con cá dưới sông” mà mất lòng người ta. Trong lúc mà hầu như toàn xã hội hăng say lao vào “Kinh tế thị trường theo cách quái đản” với đủ các thói quen và nếp sống thực dụng, có được người bạn trọng văn chương, chữ nghĩa như ông D quả là phúc đức lắm rồi, còn dám đòi hỏi gì hơn?

**
Sáng hai mươi bảy tết, trời rét kinh khủng. Nghe nói trên Sa Pa có tuyết, lạnh dưới bảy tám độ, có nơi trâu bò đã chết. Nhà đài khuyến cáo người dân chống rét cho gia súc, gia cầm. Trời mưa phùn gió bấc. Lâu lắm rồi mới lại có khung cảnh như thế. Trước mặt sau lưng mờ mờ ảo ảo trong cái lạnh run người. Cây đào năm ngoái hoa sai, đỏ rực góc vườn là thế, năm nay tịnh không có lấy một chiếc nụ nào. Tháng chạp thiếu, ngày hai mươi bảy đã là hai mươi tám tết rồi. Tiết trời như vậy lẽ ra nên ngồi nhà lo nồi bánh chưng là vừa. Nhưng vì có hẹn với A Hoa, nữ nhân vật trong truyện ngắn năm nào, tôi phải sửa soạn ra đường để lên Khuổi Đào, một bản người H’Mông  gần sát đỉnh Mười. Cô bảo năm nay hai vợ chồng làm ăn khấm khá, thu được gần trăm tấn ngô, nuôi được đàn lợn tên lửa. Tết này sẽ mổ một con mời tôi lên ngày này cùng dự tất niên với gia đình. Đây là cái tình của nhân vật đối với tác giả. Cô nói nhờ có tôi mà hai người nên vợ nên chồng, rồi lại được lên báo, cả tỉnh cả nước biết đến. Chẳng là truyện ngắn ấy được phát trên đài buổi đọc truyện đêm khuya cách đây mấy năm. Nếu không người yêu của cô đã bỏ vào Đắc Nông, chưa chắc có ngày hôm nay. Phần nữa không hiểu tại sao, vườn đào nhà cô năm nay rất sai nụ, bắt đầu có hoa. Có lẽ giống đào phai bền bỉ, có sức chịu đựng hơn cây đào bích nhà tôi? Thôi thì một công đôi việc. Vừa không phụ lòng người, vừa có cành đào ngày xuân. Tết nhất ăn to, ăn nhỏ không cần biết, nhất thiết trong nhà phải có cành đào. Hạng người hâm hâm chập chập như tôi, coi cái ăn nhẹ tựa lông hồng, nhưng lại hay ưa màu mè hình thức một tý cho có vẻ con người có chút văn hóa mỗi khi tết đến xuân về!
Đang đi trên đường, có chuông điện thoại đổ dồn. Tuy là vùng núi cao nhưng sóng di động khá tốt.
Lại là ông D bảo tôi có việc rất gấp phải về? Hỏi chuyện gì nhất định không nói. Ông ấy là bưu tá, chắc có cái công văn khẩn nào chăng? Thư chuyển tiền hay có ai bị tai nạn giao thông?  Tôi định cứ đi đã, chiều về sớm. Chuông lại đổ đồn, gấp lần nữa, áy náy quá, tôi đành quay về, bỏ lỡ cuộc hẹn với vợ chồng A Hoa, bỏ lỡ cành đào đón tết cô đã hẹn “dành cành đào đẹp nhất” cho tôi!
Đứng bên này sông, đã nhìn thấy ngôi nhà hai tầng của ông thấp thoáng sau vườn nhãn gần mé nước. Ngôi nhà ít có ai làm được như vậy ở vùng này. Vừa nuôi hai đứa con học đại học ở Hà Nội, vừa tự đóng gạch, tự xây lấy trong ba năm trời mới hoàn thành. Con ra trường cũng là lúc ông D vào áo, trang trí nội thất và ăn về nhà mới! Có lời đồn: “Suốt ba năm ấy, cứ hai tháng một kỳ ông về quê, đến bệnh viện cho máu, được bao nhiêu gửi quỹ tín dụng, dành tiền xây nhà”. Tôi không tin chuyện này lắm. Người như ông D chỉ có thể hiến máu nhân đạo chứ không bán máu xây nhà. Mới biết miệng lưỡi thế gian quả là ghê gớm. Người ta dù ở tốt đến đâu vẫn không tránh khỏi điều ra tiếng vào. Chừng nào còn mặc cảm tự ty, ghen ghét đố kỵ, chừng ấy còn điều tiếng thị phi. Ông D xây được nhà là do cố gắng bản thân, làm ngày làm đêm với sức dẻo dai khó có ai theo được. Có lẽ những năm ở đơn vị đặc công nước cực kỳ gian khổ đã tạo thành bản lĩnh này cho ông. Một người khi còn trẻ ôm mộng thành nhà văn, cuộc chiến đưa đẩy, về với đời thường làm kinh tế với sự cố gắng khác thường. Đấy cũng là một lý do vì sao ông ngưỡng mộ và quý trọng ông “ ma xó”
Quan khách nhà ông D hôm nay có hai vị rất đặc biệt. Một ông cao to, đi đứng nói năng rất nghệ sĩ, có nét hao hao ông Quang Dũng một thời tôi gặp ở phố Hàm Long Hà Nội. Một ông nữa là bạn cùng đơn vị với ông anh trai ông D, liệt sĩ mà gia đình ông bao công tìm kiếm phần mộ chưa thấy. Tháng trước ông D vào Sa Mát Tây Ninh theo chỉ dẫn của
“Nhà ngoại cảm” tìm mộ phần ông anh mất cả tháng trời. Chuyến đó tốn hơn chục triệu đồng mà không vẫn hoàn không! ( Ngay cả văn hóa tâm linh bây giờ cũng nhiều kẻ lạm dụng, làm điều giả dối, mặc dù nó đã được chứng minh không còn là chuyện dị đoan ).
Hôm xem tàng hình vô tình ông được biết  ông khách này cùng đơn vị với anh trai mình. Đó là buổi trao tặng giải thưởng báo chí cả nước, “viết về công cuộc đổi mới” 
Ông khách này là nhà báo tôi có quen nhưng không thân lắm. Ông D nhờ tôi cho số điện thoại, hai người kết nối, nên mới có cuộc gặp mặt cuối năm này.
Sự có mặt của ông nhà báo H này chính là nguyên nhân ông D kêu tôi về bằng được. Vậy cũng tốt, khi tôi được chứng kiến ông D nói “ Sự có mặt của bác H đây như thể anh T nhà tôi hiện diện về ăn tết cùng với gia đình. Thật cảm động, chẳng còn lý do gì để lăn tăn việc bỏ lỡ chuyến đi lên Khuổi Đào, cho dù có hẹn.
Ngày xuân còn dài, còn nhiều cơ hội. Hơn nữa cũng không phải chuyện gấp..
Một lần nữa, ông D nhắc lại ý định tết này phải đến  tác giả “Ma xó” bằng được.
Ông H cũng là người quen biết ông V. Nghe nói vậy nét mặt không tỏ ý hưởng ứng. Điều này làm tôi băn khoăn.
Ra đến bến đò, tự dưng ông ông H bảo: “ Chả biết mày thế nào, tao không thích tính thằng ấy lắm. Tết năm nào tao cũng đến thăm mẹ nó, mà nó chẳng đến mẹ tao được lấy một lần”! Thì ra chuyện là thế. “Có đi có lại” là lẽ thông thường. Nhưng không lẽ ông H không biết ông bạn mình không chạy được xe máy? Nhà văn tiếng nổi như cồn nhưng đi đâu phải có người đưa đi. Biết đâu đó là lý do để ông không đến được? Không chắc lắm lý do này nên tôi chưa tìm được câu thanh minh hộ cho ông V, vừa lúc đó thuyền cập bến, không tiện nói chỗ đông người, chúng tôi xuống đò. Lặng thinh.
Có thể tết này ông H không cùng đi, nhưng ông D chắc chắn là giữ lời hẹn.
***
Mồng một tết tự nhiên tạnh ráo, nhưng không có nắng, chỉ có gió bấc thổi ào ạt, lạnh cóng chân tay. Tám chín giờ ngoài đường mới lác đác người đi viếng chùa, đi chúc tụng năm mới. Dù lạnh thế, lạnh nữa vẫn cứ đi mà không ai bó buộc.
Nhoàng một cái đã hết ngày mồng hai. Tôi hầu như chưa đi được tới đâu.
Sáng mồng ba trời có vẻ như càng lúc càng lạnh hơn. Tôi đoán chắc rét mướt thế này chắc ông D bỏ cuộc. Chả tội vạ gì, cả đi cả về hàng chục cây số chỉ làm mỗi một việc giới thiệu ông D với ông V! Nếu nắng ráo, đầu xuân năm mới đi chơi một chuyến, tiện thể xem hội đua thuyền cũng hay. Rét mướt thế này, đi đâu là chuyện bần cùng. Lại không có “xế hộp” như người ta, không khéo cảm lạnh thì khốn!
Vừa nghĩ như vậy xong thì chiếc xe Way anpha của ông D xuất hiện. Hình như ông chả bao giờ lau chùi cái xe đen nhẻm của mình. Ngày nào cũng như ngày nào, chuyển phát công văn, giấy tờ, thư tín ông đi chẳng thiếu đâu. Người còn hốc hác, da mặt sát xương, hàm răng về hưu sớm mất vài cái, da xạm nắng, thì xe dính bùn đất là cái gì? Lạ một nỗi D lúc nào cũng cười. Gặp nhau, thấy mặt là cười. Cười hồn nhiên, cười vô tư như chẳng còn chút khó nhọc nào trên đời! Lại rất sốt sắng với tin tức văn đàn kể cũng lạ, vì nó hầu như chẳng dính dáng gì đến cá nhân ông. Quả thật con người này thần kinh bằng thép, tâm hồn bằng  lửa mới có cái cười bền vững đến như vậy.
Tôi cho ông hay, hôm gặp mặt cuối năm rồi, ông V có nói như thể thông báo cho mọi người là ông tết này“Về quê ăn tết”. Nhưng ông D nhất quyết không tin. Còn nói “ Ai chứ ông ấy không thể làm thế được. Cả năm có ba ngày tết, còn bạn bè, con cháu đến chơi, có phải khó khăn như người ta đâu mà tết phải đi trốn khách?” Một mực yêu cầu tôi cùng đi, kẻo năm mới xuất hành dở chừng xúi quẩy!
Đành là có bao nhiêu áo ấm mặc cả vào người, găng tay, khẩu trang áo đi mưa xùm sụp như quân khủng bố, lên đường.
Q. thực ra mới chỉ có cái tên, chưa đủ diện mạo, bề thế để gọi rằng thành phố. Trừ một vài khu có công trình công cộng, khu buôn bán, khu nhà đại gia, còn lại nhà cửa vẫn còn rất khiêm tốn, nếu không nói là sơ sài.
Ông V được số sang, nhà ở ngay giữa khu nhà quy hoạch mới. Từ ngày được liền mấy cái giải thưởng, ông tu tạo, nâng cấp bây giờ nhà ông đã là nhà cấp một. ( Chẳng biết ai ra cái quy định ngược đời, cấp càng nhỏ, nhà càng giá trị cao! )
Tiếng đồn “ở Việt nam nhà văn đi xe hơi, ở nhà lầu” có thể đúng một phần nào! Theo chỗ tôi biết, họa may cả nước có vài chục nhà văn có điều kiện sống như thế. Các bác ấy tiếng là nhà văn nhưng ít nhiều có tí chức sắc.  Phần đông chỉ có nhà cấp ba, cấp bốn. Xe hơi tuyệt đối là không anh nào có.
Có người bảo: “ Ta đang học tập xây dựng chủ nghĩa xã hội  theo mô hình Trung quốc”
Nhưng tôi nghĩ chưa chắc phải. Các bộ phận khác của xã hội như thế nào chưa nói đến, riêng cách đối xử với nhà văn ta với ông bạn phức tạp này còn khác nhau nhiều lắm. Chính tai tôi được nghe ở hội nghị khi có một quan chức của hội nói rằng: “ Ở Trung Quốc nhà văn được đối xử như một bí thư huyện, hoặc thành ủy. Được tham dự, bàn bạc những công việc chung và nhất là được hưởng chế độ sinh hoạt như các chức vụ ấy”. Chả trách họ có Tôn Hành Kiện, Giả Bình Ao, Mạc Ngôn..! Nói gì thì nói, có thực mới vực được đạo. Không thể toàn tâm toàn ý cống hiến cho văn học nước nhà khi hàng ngày vẫn phải mưu sinh bằng đủ loại công việc, nghề ngỗng chả dính gì đến văn chương. Viết xong tác phẩm lại lo bỏ tiền túi ra in sách, để không biết đến bao giờ thu hồi lại vốn cho việc “tái sản xuất”
Vì bán sách là việc tìm đường lên trời với hầu hết người cầm bút!
Tôi vừa chạy xe vừa nghĩ lẩn thẩn mấy chuyện như thế, nhà ông V đã hiện ra trước mắt..
***
Mấy hôm trước tết, có cô giáo trẻ khoe với tôi về chuyện hàng xóm nhà cô sắm tết với lòng đầy ngưỡng mộ. Chủ nhà là một trong những đại gia có “máu” ở thành phố này. Lão bỏ ra năm mươi triệu đồng để thuê một cành mai từ Sài Gòn ra chơi mấy ngày tết. Tết xong, lại thuê trực thăng chở vào vì thời tiết ngoài này lạnh giá, không hợp với mai. Có lẽ là cô nói quá chuyện máy bay, máy bò. Chả cần cầu kỳ đến thế, nếu có nhu cầu người ta làm dịch vụ này thiếu gì phương tiện? Đi máy bay làm gì cho tốn kém? Gáo không  nặng bằng chuôi?
Nhưng chuyện ăn chơi ngày nay ngất trời là có thật. Số tiền năm mươi triệu kia đã lấy gì làm to? Khi người ta bỏ ra hàng tỷ bạc để mua một cây si xanh làm cảnh, với mục đích duy nhất là thể hiện đẳng cấp của mình. Khi người ta chơi một ván cờ tướng cỡ năm tỷ!
Nghĩ mà áy náy, mà cảm thông cho tính kì kèo của anh giáo làng. Chiều ba mươi tết rồi, mua cành đào ngoài chợ hoa giá có ba trăm ngàn bạc, mặt nghệt ra, rồi hoang mang như vừa bị mất tiền, bị lừa vì không biết giá. Ngay ông D đi cùng với tôi đây, dũng sĩ diệt mỹ, lính đặc công cực kỳ dũng cảm, có tiếng là sởi lởi..Thế mà mấy ngày tết trong nhà chỉ có duy nhất cành đào lên mãi gần đỉnh mười xin về. Cành lá lòe xòe độc nhất hoa một bông, lưa thưa vài ba cái nụ..
Lúc này vẻ mặt ông có vẻ thất vọng khi nhìn vào cổng nhà văn ngưỡng vọng cửa đóng then cài..
Đã bảo nhà văn là người sống nội tâm, ít ưa ồn ã, hình thức. Tết nhất nhà các bác ấy thường là vắng vẻ hơn ngày dưng mà ông có chịu nghe đâu?
Nhà các đại gia lúc này xe lớn xe nhỏ đậu từng dãy dài. Trong nhà ồn ào như đang có đám. Ai cũng muốn nhân cơ hội này để tỏ tấm tình. Còn mong thăng chức, lên lương. Nhân việc đi tết sếp, lúc này, không cơ hội nào bằng. Các bà các cô son phấn mỹ miều, hương thơm xực nức. Các ông, các cậu comlet đắt tiền, cười nói hoan hỉ.. Nhà cửa lộng lẫy, rực rỡ như nhà hàng khách sạn
Nhà văn, nhà vắng như chùa bà Đanh. Nghĩ mà thương cho văn nhân nước mình. Lao tâm khổ tứ, đày thân, vắt não mà thu nhập không bằng một ả ca sĩ, một cầu thủ loại xoàng. Thua cả anh giáo làng gõ đầu trẻ con. Đấy là còn có thu nhập. Nhiều ông còn chẳng kiếm được đồng nào nếu không biết xu phụ, không biết lách, biết luồn. Chưa bao giờ cái danh nhà văn lại hão huyền, vô vị như lúc này..
Tôi chỉ nghĩ thầm trong lòng như thế, tuyệt đối không thổ lộ ra ngoài. Tôi không muốn sự ngưỡng mộ của ông với nhà văn bị tổn thất. Nhớ là hình như có lần ông hỏi tôi thu nhập hàng tháng bao nhiêu? Tôi chỉ nói dấm dớ là “Tương đối”! Bố thằng tây nào biết tương đối là bao nhiêu? Nghe xong ông cười hì hì : “ Tôi cũng không tò mò lắm về chuyện này. Nhưng có đứa cháu làm phóng viên nó bảo lương “cứng” nó hơn chục triệu, nhuận bút nhuận biếc hơn tưng ấy nữa. Chắc nhà văn là phải hơn”. Tôi chỉ biết ầm ừ, chuyển qua chuyện khác.
Nước mình nó thế. Anh nhà báo biên chế như thể con đẻ, nhà văn chỉ là con nuôi, con kết nghĩa, bổng lộc dĩ nhiên phải khác nhau rồi.
May mà văn chương nghệ thuật một khi đã nghiền, còn hơn thuốc phiện. Ma túy có lợi lộc gì đâu mà đánh chết cũng khó bỏ? Tuy rằng tính chất và mục đích của hai thứ đó hoàn toàn khác nhau. Ví von như thế nghe chừng khập khiễng, không ổn lắm, nhưng tìm cách khác để so sánh khó lắm các bác ạ!
Bởi thế cho nên, vẫn nhiều anh mon men, muốn lao vào như thiêu thân dù biết chắc bản thân chịu thiệt thòi. Riêng tôi thì nghĩ, trước khi làm nhà văn, các pan hâm mộ này hãy đi học võ cái đã. Viết là chuyện dễ mất lòng người, nhóm “nguy cơ cao”. Có anh đọc sách xong thấy nhân vật phản diện hao hao giống mình, tức khí, cho là nhà văn có ý xỏ xiên, thề rằng gặp đâu đánh đó. Nếu nó đánh thật còn biết đường mà đỡ, không thì nguy. Võ ở đây không hẳn là võ thuật. Còn là “võ” làm kinh tế. Hết cơm, hết gạo thì đừng bàn đến chuyện gì, chưa nói đến chuyện văn chương. Chuyện này, ngoài cơm gạo ra còn cần nhiều thứ lắm. Cái thời kẻ sĩ vui bước tang bồng đã chấm dứt từ lâu lắm rồi. Nếu Võ Trọng Phụng còn sống đến hôm nay cũng chẳng có ai cưu mang ông như thời trước nữa!
Các bác nhà văn chả bác nào xui dại nhà em kêu khổ hộ các bác đâu. Nhà văn vốn cao thượng, coi vật chất là cái “thường”, chả quan trọng gì. Nhưng nhân chuyện tào lao này em nói dùm các bác nghe chơi thôi. Nghe xong bỏ đó. Chả hay gì kêu khổ, kêu nhục. Mà có kêu nào đã có ai thương? Thế giới tiêu dùng, điên khùng này, bây giờ chuộng của, chuộng công. Văn vẻ của các bác chả là cái đinh gì cả nhé!
May mà ông D không biết tôi nghĩ gì trong đầu. Tôi lấy vẻ thản nhiên rủ ông tới thăm một ông nhà văn khác. Ông này về già mới viết văn. Lúc trẻ  cũng làm một chức kha khá. Tài năng và tiếng tăm của ông đương nhiên là không bằng ông vừa rồi, nhưng kinh tài lại rất khớ. Định bụng muốn để  ông D không coi thường văn nhân, thi sĩ.
Giời ạ, nhà ông H cũng cửa đóng then cài! Ông không về quê ăn tết, gọi điện thoại báo ngoài vùng phủ sóng. Tuy đã quen biết các bác ấy từ lâu, tôi thật sự không khỏi hoang mang. Hình như các bác ấy ngầm thỏa thuận với nhau hay sao ấy. Có thể các bác ấy đi thăm bà con nghèo như mấy vị lãnh đạo? Hay lên chỗ sơn cùng thủy tận để lắng nghe hồn thiêng sống núi? Chịu. Không biết đâu mà lần..
Đầu năm xuất hành, thế là chẳng may rồi.
Đang định quay xe về thì ông D có điện thoại. Nghe xong ông quay sang bảo tôi vào chơi một người bạn. Ông này xưa cùng đơn vị, bây giờ mở ba toa chuyên cung cấp thịt các loại cho các nhà hàng thành phố này.
Rượu say tưng bừng. Bao nhiêu là món.. Mà tết nhất no xôi, chán chè kể chuyện ăn uống ra làm gì nhỉ?
Ông D có vẻ hãnh diện về người bạn của ông lắm, nhưng vẫn bảo:
-   Không gặp lần này, ta tổ chức đi lần khác nhé. Không gặp nhà văn nhớn, tôi cứ thấy áy náy thế nào ấy!
Tôi chỉ còn biết nhăn răng ra mà cười!

Không có nhận xét nào: