Nhìn lại Lịch sử giữ nước của Dân tộc ta, từ em bé đến cụ già, có ai không hiểu những bài học sơ đẳng vẫn còn nguyên giá trị. Nhiều lắm. Tôi chỉ xin viết ra vài mẩu ấn tượng.
1.Thời Nhà Trần chống quân Nguyên Mông.
Tháng 2/ 1282, khi bị đe dọa chủ quyền, Thượng Hoàng Trần Thánh Tông cùng Vua Trần Nhân Tông đã triệu tập Hội nghị Bình Than gồm các vương hầu và trăm quan, những người nắm giữ trọng trách lãnh đạo sự nghiệp giữ nước. Hội nghị chỉ bàn hai vấn đề thiết yếu nhất là, xác định phương hướng chiến lược chống xâm lăng và tổ chức bộ máy chỉ huy.
Tại Hội nghị, Vua và Thượng Hoàng đã “chọn mặt gửi vàng”, quyết định trao quyền Tổng chỉ huy Quân đội cho Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn và Phó đô tướng quân cho Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư. Đây là quyết định sáng suốt đầu tiên. Nói dại, nếu Thái Thượng Hoàng và nhà vua trao nhầm cho Trần Ích Tắc, chắc Lịch sử đã rẽ sang một ngả khác, chưa biết sẽ đi đâu, về đâu.
Ở Hội nghị này, Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản cũng thuộc thành phần Vương hầu, nhưng không được dự vì Vua nghĩ rằng, Trần Quốc Toản còn “trẻ con” (mới 16 tuổi), nên chỉ cho một quả cam rồi đuổi về. Cậu thiếu niên Trần Quốc Toản một mặt căm hận quân xâm lược, mặt khác uất ức vì nhà vua không cho bàn việc nước, nên đã bóp nát quả cam trong tay ngay trên bến Bình Than mà không hay biết.
Khi trở về, với gia thế vương hầu, Trần Quốc Toản đã tự chiêu mộ hơn một nghìn trai tráng làm quân lính, tự may cờ tướng thêu sáu chữ vàng “Phá cường địch, báo Hoàng ân”. Rất may, việc đó Quốc Toản không bị triều đình cản trở. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông oai hùng đó, Quốc Toản đã cống hiến biết bao tâm huyết để giữ gìn non sông. Và anh đã hy sinh anh dũng trong trận chiến Sông Như Nguyệt đúng lúc vừa tròn 18 xuân xanh.
Một câu chuyện nữa như huyền thoại: Phạm Ngũ Lão, một nông dân thành phần “tiểu nhân” ngồi đan sọt bên đường, không chịu tránh đường cho Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Khi binh sĩ lấy giáo nhọn đâm vào đùi, ông vẫn ngồi như tượng đất, bởi trong đầu người nông dân ấy đang có mối bận tâm rất lớn, nỗi trăn trở trước họa ngoại xâm, khiến quên cả nỗi đau da thịt. Là bậc trí giả am hiểu vận nước & sức mạnh Nhân dân, Trần Quốc Tuấn đã “đối thoại” với Phạm Ngũ Lão và ông đã hiểu ngọn ngành… Phạm Ngũ Lão được tuyển vào Quân đội. Ông trở thành Thượng tướng quân tài giỏi, từng tạo nên những chiến công hiển hách trong hai cuộc xâm lăng của quân Nguyên Mông, 1282 và 1288.
Năm 1284, trước sức ép của Hốt Tất Liệt, hoàng đế Đại Nguyên, đã nhiều lần ra yêu sách đòi các vua Trần sang chầu. Mặc dù nước nhỏ, thế yếu… nhưng các vua Trần đều cự tuyệt, quyết không chịu làm tay sai cho giặc. Cũng trong thời đại này, khi Trần Bình Trọng bị giặc bắt, trước lưỡi gươm của kẻ thù, ông đã để lại câu nói nổi tiếng trong lịch sử dân tộc: “Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc!”.
Trong bối cảnh đó, Thượng Hoàng Trần Thánh Tông đã triệu tập Hội nghị Diên Hồng, gồm đại biểu các bô lão trong nước, lúc đó là thành phần đại diện cho cả Dân tộc. Hội nghị được thông báo âm mưu và tình hình quân giặc: nhà Nguyên điều 50 vạn quân từ phương Bắc tràn xuống; kết hợp với gần 10 vạn quân của Toa Đô từ phía Nam (Champa) đánh lên; chúng tin rằng với sức mạnh đó, sẽ nhanh chóng bóp nát nước Đại Việt.
Đối phó với đạo quân hùng mạnh như vậy, nhà Trần đã ý thức được rằng, muốn chiến thắng đội quân khổng lồ ấy thì nhất thiết cần có sự tham gia của toàn dân Đại Việt… Khi Triều đình KHÔNG COI THƯỜNG LÒNG YÊU NƯỚC CỦA MỌI NGƯỜI, cả từ một nông dân tri điền đến một thiếu niên non nớt, thì sức mạnh Dân tộc sẽ được khai thác triệt để.
Cũng lạ, những câu chuyện như thế lại xuất hiện ở ngay cái thời “tư duy Phong kiến” nặng nề với ý thức hệ Nho giáo, coi thường lớp trẻ, đàn bà và tiểu nhân. Và cũng lạ, trong thể chế Quân chủ, lại có hành động Dân chủ, khi Thái Thượng Hoàng, nhà vua và Triều đình mở hội nghị Diên Hồng để hỏi ý kiến các bô lão, như một hình thức trưng cầu dân ý thời hiện đại. Đó là cách nghĩ và cách làm sáng tạo, rất khác với bản chất thể chế chính trị đương thời. Đó phải chăng cũng là vận nước?
2.Trong thời đại Hồ chí Minh đã xảy ra 3 cuộc kháng chiến oanh liệt để bảo vệ Tổ quốc như mọi người đã biết. Dù còn nghèo khó, nhưng Đảng, Nhà nước lúc đó đã dựa hẳn vào sự đóng góp về trí tuệ, của cải và sự hy sinh xương máu của toàn dân… (tất nhiên có sự ủng hộ không hẳn vô tư của LX, TQ), vì thế đã viết nên những trang sử hào hùng.
Trả lời phỏng vấn báo Văn hóa Nghệ An hôm 15/10: Làm thế nào để cản phá “mục tiêu điên cuồng” của Trung Quốc ở Bãi Tư Chính, có lẽ am hiểu sâu sắc lịch sử, T.S Nguyễn Ngọc Chu khẳng định:
“Chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc là muôn đời thiêng liêng. Khi chủ quyền bị xâm phạm thì trách nhiệm không chỉ ở người cầm quyền, mà là TRÁCH NHIỆM CỦA TOÀN DÂN. Chỉ toàn dân mới có đủ trí tuệ và lực lượng để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc…Vì thế, ai nói rằng đã có Bộ Chính trị, Đảng và Nhà nước lo thì đó chính là kẻ trốn tránh trách nhiệm”.
Bài học PHẢI TIN DÂN như một hằng số lịch sử. Nó tạo ra khối ĐOÀN KẾT THỰC SỰ CỦA TOÀN DÂN TỘC, để có sức mạnh và là SỨC MẠNH VÔ ĐỊCH. Lịch sử toàn nhân loại cũng cho thấy, bất kỳ một triều đại nào khi đã coi thường quần chúng, phản bội lại nhân dân, thì trước sau cũng không đứng vững được, nhất là trước họa xâm lăng.
18/10/2019
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét