.
Trong cuốn sách mỏng Việt Nam văn hóa sử đại cương học giả Đào Duy Anh viết hồi 1950 khi đang kháng chiến chống Pháp và hiện nay vẫn còn lưu ở thư viện Khoa học xã hội tôi có chú ý riêng tới những luận điểm của ông về tình trạng Hán hóa là điều chúng ta còn đang tranh cãi và nhiều phần hiểu chưa đúng. Xin trích lại dưới đây. Cuối đoạn trích sẽ có thêm phần phụ lục.
GIỚI HẠN CỦA SỰ HÁN HÓA
Việt Nam văn hóa sử đại cương
Việt Nam văn hóa sử đại cương
MỤC LỤC
Thay tựa
CHƯƠNG I. – Thời kỳ Lạc Việt.
1 – Nguồn gốc truyền kỳ.
2 – Người Lạc Việt.
3 – Văn hóa Lạc Việt.
CHƯƠNG II. – Thời kỳ Bắc thuộc.
1 – Cuộc Bắc thuộc và sự kinh lý của Mã Viện.
2 – Hán hóa về chính trị và xã hội.
3 – Hán hóa về sinh hoạt vật chất.
4 – Hán hóa về sinh hoạt tinh thần.
CHƯƠNG III. – Thời kỳ Tự chủ.
1 – Cuộc giải phóng dân tộc.
2 – Sự kiến thiết quốc gia và xã hội phong kiến.
3 – Sự phát triển về sinh hoạt xã hội.
4 – Sự phát triển về sinh hoạt vật chất.
5 – Sự phát triển về sinh hoạt tinh thần.
6 – Giới hạn của sự hán hóa.
CHƯƠNG IV. – Thời kỳ Pháp thuộc.
1 – Sự sụp đổ của quốc gia phong kiến.
2 – Những biến chuyển về chính trị.
3 – Những biến chuyển về kinh tế và xã hội.
4 – Những biến chuyển về văn hóa.
5 – Tương lai văn hóa Việt nam với cuộc dân tộc giải phóng.
Cuộc Hán hóa của dân tộc Việt nam tuy là rất sâu xa, nhưng xét kỹ về mọi phương diện, thì ảnh hưởng của văn hóa Hán tộc phần nhiều chỉ là thóp vào cái gốc mà thành ngành ngọn, hay là chỉ trùm phủ làm da thịt ở ngoài, còn cái căn bản cái cốt cách thì vẫn là đặc biệt Việt nam. Cái căn bản hay cốt cách ấy, chúng ta có thể nhận thấy ở trong những phong tục, những tín ngưỡng của dân chúng, phần nhiều là những thói quen và những nếp nghĩ tổ tiên xa của ta vốn có từ đời thượng cổ, đã do những phong tục, những tín ngưỡng của người Trung hoa (đạo giáo và phật giáo) làm thành phức tạp và có vẻ tinh vi hơn. Ví như tục chôn người chết, vốn xưa là chôn xác những đồ minh khí bằng đất bằng đồng, từ thời Hán hóa thì những đồ minh khí biến thành đồ giấy người ta đốt ở trên mộ và đốt trong những ngày giỗ tết, và ngày rằm tháng bẩy là ngày xá tội vong nhân. Lại như tiếng nói là cái gương phản chiếu tính tình và tư tưởng của một dân tộc, chúng ta thấy có lẽ tiếng Việt nam đã mượn đến hơn một nửa của tiếng tàu và chữ hán, song chúng ta mượn tiếng mượn lời mà vẫn nói theo giọng của ta, vẫn xếp đặt theo cú pháp của ta, khiến ngôn ngữ ta vẫn giữ hoàn toàn tinh thần cố hữu của nó.
Lại xem âm nhạc và các lối hát chúng ta đã theo người Hán tộc nhiều, nhưng lối ca dao và lối hát bình dân khác mà dân chúng bao nhiêu đời đã ký thác tư tưởng và tâm tình vào, thì chúng ta thấy nó vẫn chan chứa một cái hồn riêng của dân tộc. Suy rộng ra tất cả các phương diện văn hóa khác, chúng ta có thể nói rằng trong cuộc hán hóa, tổ tiên chúng ta đã biết lấy cái căn bản, cái cốt cách cố hữu mà dung hòa những yếu tố văn hóa ngoại lai.
Nhưng dân tộc ta là một dân tộc nhỏ, mà vận mệnh lịch sử bắt phải sống ngay bên cạnh và giữa đường phát triển của một dân tộc rất mạnh là Hán tộc, lại phải sống ở một mảnh đất, tuy phì nhiêu nhưng chật hẹp và luôn luôn bị thiên tai hoành hành, cho nên cuộc sống khó khăn vất vả hàng ngày đã rèn luyện cho dân tộc một cái năng lực thích ứng để có thể sống còn, năng lực ấy đã gây cho văn hóa của ta những tính chất đặc biệt.
Tuy dân tộc ta đã tự chủ về chính trị mà uy quyền của văn hóa Trung quốc còn mạnh mẽ hơn mười phần. Về học thuật, trong các học thuyết tư tưởng của thánh hiền, các thời Tam đại và Hán Đường Tông, kẻ sĩ nước ta có thể tìm đủ lợi khí tinh thần để sửa mình và làm chính trị, họ không thấy cái cần thiết phải tìm kiếm đường nào khác nữa. Cũng có lẽ vì dân tộc ta là một dân tộc nhỏ, cái khuôn khổ sinh hoạt của chúng ta so với Trung quốc rất là chật hẹp, cho nên vô luận là vấn đề gì về quốc kế hay dân sinh, cũng như về luân lý hay triết lý, kẻ sĩ nước ta đều thấy các “thánh hiền” Trung quốc giải quyết sẵn cả cho mình rồi, cái công phu của mình chỉ là thuật lại để thực hành cho xứng đáng, chứ không cần sửa chữa thêm thắt chút gì. Trái lại, cái gì của Trung quốc có vẻ vĩ đại hay cao siêu quá, thì chúng ta lại phải hãm lại, co lại cho vừa với kích thước khuôn khổ chật hẹp của chúng ta, cho nên kẻ sĩ của ta có học cao lắm thì cũng chỉ là học những điều thực tiễn về luân lý và chính trị trong tư tưởng học thuyết của nho gia thôi. Câu nói của La sơn phu tử là một kẻ sĩ có tiếng bực nhất ở thời Lê mạt : “Cái đạo học của thánh môn thì đã có sách của Liêm Khê, Minh Đạo, Y Xuyên, Hoành Cừ, Khang Tiết và Chu Văn công, bác học ước lễ, không thiếu điều gì nữa, người sinh ra sau những bậc ấy, chỉ lo cái đạo không thi hành ra, chứ không lo cái đạo không sáng” [1], có thể tiêu biểu cho cái cao vọng của cả giai cấp nho sĩ thuở xưa là chỉ lo thi hành cái đạo của thánh hiền mà thôi. Bởi thế, chính trong thời toàn thịnh của nho học nước ta, người ta thấy có những bực nhà nho kinh luân như Tô Hiến Thành, nhà nho anh hùng như Trần Quốc Tuấn, nhà nho cao khiết như Chu An, nhà nho khảng khái như Nguyễn Trãi, mà tuyệt nhiên không thấy được một nhà tư tưởng, một nhà triết học nào. Chúng ta chỉ có những nhà nho lao tâm khổ tứ để bắt chước thánh hiền mà cư xử và hành động cho hợp với đạo lý, chứ không có nhà nho nào dám hoài nghi bất mãn đạo lý xưa mà băn khoăn, khao khát đi tìm đạo lý mới.
Có những người, sau khi làm tròn phận sự một người quân tử ở đời thì “rũ sạch nợ trần” đi tìm nhàn hạ ở nơi thôn dã, hay có người bất bình với thời thế khiến mình không thể làm trọn phận sự được mà đi tìm an ủi ở sơn lâm, nhưng thảy đều là những người chỉ cần tự nhiên cấp cho những thú thanh cao để di dưỡng tính tình mệt mỏi, hay để khuây khỏa cuộc đời ô trọc, chứ không ai dám đem tâm trí mà tìm tòi, mà tra hỏi tự nhiên.
Xét rộng ra, chúng ta cũng thấy rằng tất cả các phương diện của văn hóa Việt nam đều chỉ phát triển ở trong vòng ảnh hưởng của văn hóa Hán tộc. Về nghệ thuật văn học, cũng như về các phương diện khác, người mình đều có cái khuynh hướng thu nhỏ qui mô bắt chước của Trung quốc để cho hợp với cái khuôn khổ sinh hoạt nhỏ bé của mình. Vì thế mà người ta nhận thấy ở trong tất cả các môn bộ của văn hóa Việt nam một cái tính chất chung, một cái tính chất rất tầm thường, mà lại rất là quí báu cho ta, có lẽ nhờ nó mà một dân tộc nhỏ bé như ta, phải sống ở bên cạnh một dân tộc đông đúc mạnh khỏe là Hán tộc, lại sống ở trong một miếng đất chật hẹp luôn luôn bị tai trời vạ đất, thế mà vẫn sống còn, vẫn phát triển, đó là cái tính chất thiết thực rất chắc chắn. Chúng ta không có những nhà tư tưởng xây dựng được những công trình huy hoàng phong phú như những lâu đài Ả rập và Ba tư, những công trình cao vót như các giáo đường gô tích, các bảo tháp Ấn độ, hoặc những công trình đồ sộ như Kim tự tháp, Vạn lý trường thành, đến Đế thiên Đế thích. Chúng ta chỉ cốt sống được thôi, và trong địa hạt sinh hoạt vật chất cũng như trong địa hạt tư tưởng nghệ thuật, chỉ nghĩ đến cái gì có thể giúp cho mình thích ứng với hoàn cảnh ác liệt để theo đuổi một cuộc sống tầm thường, kín đáo mà thôi. Bởi thế, thỉnh thoảng, nếu có được một người nào có khí độ phóng khoáng, không chịu ép mình làm nô lệ thánh hiền mà vượt ra ngoài vòng lề lối – chưa nói rằng vượt ra ngoài mà đã xây dựng được cái gì mới chưa – thì xã hội đã xem là quái vật mà không dung, hoặc giả khi có nhà nghệ thuật thực hiện được một cái gì to lớn phi thường, như pho tượng thánh Trấn Vũ ở Hà nội chẳng hạn thì cái mái nhà nặng nề sầm sập của ngôi đền lại đè bẹp nó xuống ở trong bóng tối mò của gian chính tẩm. Những cái thái độ và quan niệm xuất kỳ ấy thường bị cái tính thiết thực của dân tộc kìm hãm hay bài xích ngay.
Cái tính thiết thực ấy, chúng ta cũng thấy rất rõ ràng trong phần văn hóa bình dân vốn phát triển ở ngoài phạm vi ảnh hưởng trực tiếp của văn hóa Trung quốc, trong những câu tục ngữ, những câu ca dao, là văn chương truyền khẩu phản chiếu cái tâm hồn chất phác mộc mạc của kẻ dân thường. Hình như sống ở dưới bóng của cái khối văn hóa Trung quốc, sừng sững ỏ bên mình như cả núi Thái sơn, văn hóa chúng ta, cho đến cả văn hóa bình dân không sống hẳn ở trong vòng bóng ấy, chỉ cố sức để man diên ở trên mặt đất chứ không có cái khuynh hướng trổ vọt lên trời. Để sống còn, chúng ta chỉ cốt bám chặt lấy đất như bám lấy cái nguồn sinh khí, cho nên chúng ta không có cái vinh dự có những tổ tiên chọc trời khuấy nước, làm chấn động thế giới bằng tư tưởng hay hành động của mình, nhưng chúng ta lại đã may mắn có được những tổ tiên cần cù, kiên nhẫn, biết sống thiết thực và biết tổ chức cuộc sống một cách thích đáng để đối phó với vận mệnh khắc nghiệt của mình. Nói một cách khác, một dân tộc có cái vận mệnh tàn khốc như dân tộc ta, chính nhờ cái tính chất thiết thực chắc chắn ấy mà đã sống dai được và đã tránh được sự thôn tính của dân tộc Trung hoa, để có thể mở rộng phạm vi sinh hoạt vào đất Chiêm thành và Chân lạp. Đối với thiên hạ thì có lẽ văn hóa thực tiễn ấy chưa có cái giá trị gì đáng tự phụ, đáng khoe khoang, nhưng đối với chúng ta thì nó đã có cái giá trị vô cùng là đã tranh đấu được cho chúng ta sống đến ngày nay để còn tranh đấu nữa.
Cái giá trị tranh đấu chúng ta nhận thấy trong cái tính chất thiết thực ấy lại tuồng như chỉ là tiêu cực. Ngay trong văn hóa bình dân, cái văn hóa phát triển ở ngoài phạm vi ảnh hưởng trực tiếp của Hán hóa – trong những câu tục ngữ, câu hát ví, những câu chuyện khôi hài, những câu chuyện tiếu lâm, những bức tranh Tết – tuy có lộ rõ cái tinh thần chống đối luân lý lễ giáo của nhà nho, thế mà cũng chỉ là sự chống đối tiêu cực của kẻ yếu mà thôi.
Tuy nhiên, trong những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, mỗi khi vấn đề sinh tử tồn vong của dân tộc bị đặt ra một cách khẩn thiết, ví như khi phải đối phó với cái họa bị Hán tộc thôn tính, và khi phải tìm đường sống mới ở đất Chiêm thành và Chân lạp, thì chúng ta tất phải biết rằng nếu không tranh đấu tích cực thì đến phải nguy vong.
PHỤ LỤC
GIỚI THIỆU MỘT CUỐN SÁCH NHỎ CỦA ĐÀO DUY ANH
Việt Nam văn hóa sử cương (1938) là cuốn nghiên cứu văn hóa nổi tiếng của Đào Duy Anh và tới nay vẫn được sử dụng rộng rãi. Nhưng trong thời gian sống ở Thanh Hóa thời kỳ kháng chiến chống Pháp ông còn viết một cuốn sách nhỏ nữa mang tên Việt Nam văn hóa sử đại cương. Cuốn sách sau này được viết trong một hoàn cảnh khó khăn nên chỉ phác ra một cái khung lớn mà chưa triển khai đầy đủ, nhưng trong đó có một tư tưởng mới mẻ, khiến cho chúng ta phải đặc biệt chú ý và tiếc là tác giả đã không có điều kiện để đi đến cùng. Sau khi tìm thấy sách ở thư viện khoa học xã hội, khoảng những năm 80 thế kỷ trước, tôi đã chuyển tài liệu này tới nhà nghiên cứu Đào Hùng là thứ nam của cụ Đào Duy Anh, nhưng một thời gian sau vẫn không thấy anh Đào Hùng nói gì. Lúc đó tôi chưa thật hiểu, nhưng nay sau 40 năm đọc lại mới vỡ lẽ ra rằng sở dĩ anh Hùng làm vậy vì tập sách biểu hiện một tư tưởng nhiều phần ngược lại với quan niệm chính thống đương thời về mối quan hệ lịch sử và văn hóa giữa Việt Nam và Trung Hoa.
Tuy vậy tôi thấy vẫn cần phải giới thiệu ra đây.
Thứ nhất là về phương diện lịch sử.
Chúng ta đều biết hiện tượng Hùng Vương được miêu tả trong các tài liệu sử học chính thức như là một hiện tượng bản địa. Nhưng trong cuốn sách trên, hiện tượng Hùng Vương cũng như hiện tượng An Dương Vương đều có nguồn gốc phương Bắc.
Theo cách trình bày của Đào Duy Anh, thì người Lạc Việt chính là người Trung Quốc chuyển dịch dần về phương Nam, họ sẽ kết hợp với người Anh – đô – nê ở bản địa mà cụ Đào thường gọi là người thổ trước để làm nên thời kỳ đầu trong lịch sử tức thời Hùng Vương vừa nói. Do bộ phận Lạc Việt này cùng chia sẻ nền văn hóa Giang – Hoài của Trung Quốc, nên họ đã mang tới mảnh đất này nền văn hóa Đông Sơn.
Kế đó Thục Phán tức An Dương Vương chắc cũng là từ phương Bắc xuống đánh thắng Hùng Vương lập nên một triều đại mới, rồi An Dương Vương lại bị Triệu Đà đánh bại, sự kiện này còn được ghi nhận bằng câu chuyện Mỵ Châu Trọng Thủy.
Trong khoa sử học Việt Nam hiện nay, vẫn còn tồn tại cuộc tranh luận xem Triệu Đà có phải là một ông vua nước Việt đương thời hay không. Nhưng từ 1948, trong cuốn này, Đào Duy Anh đã cho rằng thật ra lúc đó nhà Triệu đang tranh tài với nhà Hán và như vậy thì hiện tượng Triệu Đà không thể thuộc về lịch sử Việt Nam được.
Sử cũ thường cho cuộc ngoại thuộc Trung quốc bắt đầu từ cuộc chinh phục của Lộ Bác Đức nhưng thực ra thì nó đã bắt đầu từ Triệu Đà
Từ thời các bộ lạc Lạc Việt qua hiện tượng Thục Phán rồi tiếp đến hiện tượng nhà Triệu, trước sau mảnh đất Bắc Bộ chỉ là vùng tranh chấp của các thế lực địa phương Trung Quốc muốn đối lập với Bắc Kinh. Nhưng đến lần thứ tư, tức là khi quân Mã Viện của nhà Hán sang thu phục mảnh đất cuối cùng của nhà Triệu, thì lúc này cái ý thức về một vùng đất Việt độc lập mới nảy sinh rõ rệt trong đầu óc cả người bản địa, lẫn người mới đến lập nghiệp. Xin nhắc lại theo cách trình bày của cụ Đào mà tôi hiểu thì Việt Nam luôn luôn là một mảnh đất để những người Trung Quốc phương Nam muốn ly khai khỏi trung ương tìm cách tự khẳng định. Từ một gốc chung họ muốn lập ra một xứ riêng. Trong khi nhiều dân tộc khác chung quanh dân tộc Hán bị Hán hóa, thì bộ phận Trung - Việt (= hỗn hợp giữa người ly khai và người bản địa) tại nơi cực nam này (so với Trung quốc) vẫn mãi mãi sống sót và làm nên một nước Việt Nam vươn mãi về phương Nam.
Thứ hai là về phương diện văn hóa
Các tài liệu chính thống hiện nay đều nói rằng người bản địa khi bị xâm lược – trong thực tế là tập hợp Trung Việt qua nhiều giai đoạn thăng trầm như trên nói - đã tồn tại trên cơ sở giữ lấy bản sắc riêng và không chịu Hán hóa.
Nhưng trong cuốn sách nhỏ và viết vội mà chúng tôi nói ở đây, Đào Duy Anh nói rất rõ là từ khi Mã Viện sang, công cuộc Hán hóa đã được triển khai hết sức quy mô, bao gồm từ thời các thái thú Tích Quang, Nhâm Diên, rồi đến Sĩ Nhiếp, chẳng qua là sự Hán hóa đó không đạt tới khả năng là biến người dân trên đất Việt thành người Trung Quốc mà chỉ mang lại cho người bản địa những mẫu mực để noi theo trong việc tổ chức quốc gia cũng như xây dựng một nền văn hóa cần thiết. Về trình độ tổ chức quốc gia cũng như xây dựng nền văn hóa con người ở đây đã đạt tới trình độ nào là việc chúng ta cần phải nghiên cứu, nhưng rõ ràng là vẫn có một quốc gia riêng một nền văn hóa riêng, và nước Việt cùng lắm chỉ có thể gọi là một “thành viên” của THẾ GIỚI TRUNG HOA chứ không thể và không bao giờ gọi là một thành phần hữu cơ của quốc gia Trung Hoa.
Vì trình độ có hạn chúng tôi chưa thể hiểu hết và trình bày ra đây những quan niệm chi phối Đào Duy Anh, nhưng chúng tôi cảm thấy rõ là ông có nhiều cái khác biệt với quan niệm chính thống đương thời (và đây có lẽ chính là lý do khiến cho anh Đào Hùng không muốn công bố cuốn sách này). Rất nhiều lần trong cuốn sách chúng tôi thấy hai chữ Hán hóa được lặp đi lặp lại và rõ ràng là có sự phân biệt giữa việc lấy văn minh Trung Hoa làm mẫu mực để xây dựng văn hóa bản địa và việc đưa nước Việt Nam thành một tỉnh của nước Trung Quốc tập quyền đã thất bại. Nhưng mặt khác logic của tư tưởng mà Đào Duy Anh theo đuổi vẫn chính là nước Trung Hoa là một điểm đối chiếu rất quan trọng của quốc gia Việt, và trong sự hình thành và phát triển của văn hóa Việt Nam, thì các yếu tố văn hóa Trung Hoa vẫn là yếu tố nguồn cũng giống như văn hóa la-tinh đã là nguồn gốc của văn hóa Anh, Pháp, Ý, v...v...
Cách giải thích của Đào Duy Anh trong cuốn sách còn viết rất sơ lược này mở ra nhiều hướng để nghiên cứu tiếp. Riêng trong lĩnh vực ngôn ngữ, việc những danh xưng như Hùng Vương, An Dương Vương... lâu nay đối với chúng tôi vẫn là một hiện tượng khó hiểu – tại sao có những cái tên đặc Tầu như vậy -- thì nhờ có cách cắt nghĩa về Lạc Việt và Triệu Đà như đã nói ở trên khiến cho dễ hiểu phần nào.
Trích lời "Thay tựa" của tác giả
Quyển VIỆT NAM VĂN HÓA SỬ ĐẠI CƯƠNG này không phải là bản tóm tắt của quyển VIỆT NAM VĂN HÓA SỬ CƯƠNG mà chúng tôi đã viết và xuất bản hồi năm 1938. Kể về nội dung, quyển trước chỉ là một mớ tài liệu bề bộn chúng tôi đã sưu tập vội vàng, theo một trật tự thuận tiện. Tuy gọi là sử, nhưng vì tài liệu thiếu sót nhiều, chúng tôi không thể chép theo diên cách: về bố cục thì chúng tôi đã phải chia tổng thể văn hóa ra từng môn bộ và theo phương pháp phân tích để trần thuật về mỗi môn bộ.
Một tác phẩm sơ sài, nhiều khuyết điểm như thế, không thể nào đem toát yếu lại được. Tóm tắt hay trích lược, thì nó chẳng còn giá trị gì, đến cái giá trị sưu tập tài liệu nó cũng không còn nữa.
Bởi thế nên khi viết quyển sách nhỏ này để đáp lại sự yêu cầu của Nha B. D. H. V., chúng tôi phải dùng phương pháp khác. Về khuôn khổ quyển sách chật hẹp quá nên chúng tôi không thể dùng những phương pháp phân tích mà đi vào chi tiết, cho nên về bố cục, chúng tôi đã chia ra thời kỳ để trần thuật theo con đường diên cách của tổng thể văn hóa; ở mỗi thời kỳ, thì chúng tôi lại theo lối phân tích mà thuật riêng về các bộ môn lớn. Phương pháp dùng trong quyển sách này có thể xem là trái ngược với phương pháp dùng trong quyển sách trước. Nếu ở quyển trước, chúng tôi đã phân tích nhiều hơn tổng hợp, thì có thể nói rằng ở quyển này, chúng tôi đã tổng hợp nhiều hơn là phân tích.
....
Ở phần cuối bài này tác giả còn trình bày ngắn gọn quan điểm của ông về văn hóa chúng tôi xin phép để lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét