(China’s its own worst enemy in regional relations)
Thitinan Pongsudhirak – Bình Yên Đông lược dịch
Đảo Phú Lâm trong Quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông
Thái độ ứng xử của Trung Hoa trong khu vực càng ngày càng tập chú trong thời gian gần đây. Họ ít chú trọng đến việc duy trì “nguyên trạng”, và chú trọng nhiều hơn đến việc sửa lại động lực và tình huống trong khu vực theo ý họ. Chủ thuyết sửa đổi nầy có lẽ là căn nguyên chính yếu của những căng thẳng và tiềm năng xung đột ở Đông Nam Á (ĐNA).
Không nơi nào mà những người sửa đổi Trung Hoa nhắm đến rõ ràng hơn Biển Đông và thượng nguồn Sông Mekong, chảy qua miền nam Trung Hoa, Myanmar, Thái Lan, Lào, Cambodia và Việt Nam.
Ở Biển Đông, căng thẳng đang lên cao vì Bắc Kinh công bố chủ quyền trên nhiều đảo san hô, đá ngầm và vùng đánh cá ở gần Philippines, Việt Nam và Indonesia hơn lục địa Trung Hoa. Trung Hoa đã xây cất những đảo nhân tạo trên đá ngầm, trang bị khí cụ quân sự và sử dụng chúng cho các chuyến bay dân sự như một cách để củng cố chủ quyền.
Philippines đã công khai chống lại Bắc Kinh, nhưng Việt Nam vẫn không chạm trán vì Hà Nội lệ thuộc nặng nề vào Trung Hoa về mậu dịch, đầu tư và phát triển kinh tế. Những quốc gia còn lại trong Biển Đông – Đài Loan, Brunei và Indonesia – hầu hết đều tránh đụng chạm trực tiếp với Trung Hoa.
Nhưng Indonesia không còn đứng ngoài vòng xung đột. Vào ngày 19 và 20 tháng 3, lực lượng Indonesia bắt giữ 1 tàu đánh cá và 8 thủy thủ Trung Hoa vì vi phạm đặc khu kinh tế của Indonesia ở phía nam quần đảo Natuna. Để đáp lại, Tuần duyên Trung Hoa đã can thiệp và đâm vào tàu của Indonesia để cứu tàu đánh cá. Tai nạn đã gây công phẩn ngoại giao từ Jakarta, làm mất mặt người Trung Hoa.
Tai nạn là một phần của chiều hướng gia tăng chiến tranh của Trung Hoa được biểu lộ bởi thái độ không muốn tham dự vào việc soạn thảo Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (Code of Conduct in the South China Sea) giữa ASEAN [Association of Southeast Asian Nations (Hiệp hội các Quốc gia ĐNA)] và Trung Hoa.
Ở khu vực Mekong của lục địa ĐNA, Trung Hoa cũng tự đơn phương trao uy quyền chánh trị cho mình bằng cách uốn nắn các thủy lộ thiên nhiên qua việc xây cất một loạt đập ở thượng nguồn.
Khi các quốc gia Hạ lưu Mekong bị thiệt hai vì trận hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập niên, Trung Hoa đã xả nước từ đập Cảnh Hồng gần 1 tháng từ 15 tháng 3 như là một hành động nhân từ. Nhưng quyết định nầy có toan tính, ít nhất là một phần, để bôi trơn lễ khai mạc thượng đỉnh Hợp tác Lancang-Mekong (Lancang-Mekong Cooperation (LMC)) của 6 lãnh đạo quốc gia Đại Phân vùng Mekong.
Mặc dù việc xả nước của Trung Hoa tạm thời giúp cho các nước ở hạ lưu, nó cho thấy khu vực hạ lưu Mekong đã trở nên lệ thuộc vào thiện chí và lòng rộng lượng của Trung Hoa.
Sông Mekong, người Trung Hoa gọi là Lancang (Lạn Thương), là con sông dài nhất ĐNA. Nó là mạch sống và nơi cư trú của các cộng đồng và đời sống hoang dã ven sông với hơn 60 triệu người trong các quốc gia Mekong.
Việc xây đập của Trung Hoa ở thượng lưu Mekong từ lâu đã được xem là một nguy cơ địa chánh trị đối với các quốc gia ở hạ lưu và là tiềm năng cho xung đột cho toàn Đại Phân vùng Mekong. Nguy cơ nầy trở nên nghiêm trọng vì thay đổi khí hậu và sự phát triển nhanh chóng của vùng Mekong đòi hỏi nhiều nước hơn bao giờ.
Với ưu thế đối với các quốc gia ở hạ lưu, Trung Hoa đã hăm hở triệu tập thượng đỉnh LMC ở Tam Á, Hải Nam (Sayna, Hainan). Bắc Kinh công bố một tổ hợp nợ và tín dụng lên đến 11,5 tỉ USD cho các dự án phát triển trong khu vực Mekong từ đường sắt đến khu kỹ nghệ. Bắc Kinh cũng thiết lập một trung tâm thủy lợi và tài trợ các dự án xóa đói giảm nghèo trị giá 200 triệu USD, với 300 triệu USD khác cho việc hợp tác khu vực trong 5 năm tới.
Thủ tướng Trung Hoa Lý Khắc Cường (Li Keqiang) nói rằng các kế hoạch nầy là một phần của chiến lược phát triển Vành đai và Con đường (Belt and Road Initiative (BRI)), và kêu gọi tăng cường niềm tin giữa Trung Hoa và các nước hạ lưu Mekong.
Cái quan trọng ở đây là thượng đỉnh LMC đã gạt qua một bên Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)) đã có từ lâu. MRC được thành lập bởi Cambodia, Lào, Thái Lan và Việt Nam vào năm 1995, với chuyên môn và tài trợ quốc tế, để quản lý nguồn nước dựa trên các quy ước quốc tế và thủ tục quản lý các dòng sông toàn cầu. Myanmar và Trung Hoa là đối tác đối thoại của MRC nhưng Bắc Kinh đã cố tình gạt ra ngoài lề và chỉ chú trọng đến phiên bản LMC của họ.
Với tầm cở và vị trí ở bên trên cửa sông, Trung Hoa có thể ngăn chận thủy lộ Mekong theo ý muốn. Trung Hoa đã hoàn tất 6 trong số 15 đập dự trù. Các chánh phủ ở hạ lưu, đặc biệt là Cambodia và Việt Nam, hoặc phải chịu ơn hay lệ thuộc vào lòng rộng lượng và chánh sách của Bắc Kinh để không phản đối. Dĩ nhiên, các quốc gia khác kể cả Lào, cũng xây đập trên sông Mekong. Đập Mekong không chỉ đơn thuần là việc Trung Hoa áp đặt thế lực lên các quốc gia còn lại.
Nhưng với sự lệ thuộc kinh tế ngày càng tăng của Lào vào Trung Hoa, và chánh phủ quân sự Thái có cử chỉ thân Bắc Kinh, Trung Hoa đã trở thành một thứ ông trùm trong khu vực Mekong. Tương tự, Cambodia tùy thuộc vào Trung Hoa về viện trợ phát triển và đầu tư nước ngoài. Riêng Việt Nam vẫn giữ im lặng về Biển Đông lẫn Mekong.
Myanmar là một nhịp cầu trong thiết kế Mekong của Bắc Kinh. Dưới chánh phủ dân cử mới được bầu cử, lãnh đạo bởi Aung San Suu Kyi, chánh quyền ở Naypyitaw dường như chưa sẵn sàng.
Mặc dù khó để phủ nhận rằng lục địa Mekong quả thật là sân sau của Trung Hoa, tình thế có thể thay đổi nếu Thái Lan dân chủ trở lại và hợp tác với Myanmar.
Với thái độ gây hấn ở cả lục địa Mekong và Biển Đông, Trung Hoa có thể bắt buộc các quốc gia nhỏ hơn mốn tránh xung đột kết hợp thành một đồng minh khu vực để chống lại họ. Để tránh kích động sự chống đối của láng giềng đoàn kết, Bắc Kinh phải đóng một vai trò quan trọng trong việc thiết lập quy tắc và tổ chức trong sự hòa hợp với các quốc gia khác trong khu vực.
Sơ lược về tác giả
Thitinan Pongsudhirak là Phụ giảng và Giám đốc Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc tế, Khoa Khoa học Chánh trị, Đại học Chulalongkorn.
.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét