Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 29 tháng 10, 2019

Tư liệu:

Bàn về biên giới Việt Nam – Trung Quốc: Vấn đề dữ kiện
Bàn Tân Định
Tailieu GD
Gần đây, dư luận báo chí trong cộng đồng người Việt hải ngoại rất quan tâm đến hiệp ước biên giới đường bộ và hiệp định biên giới đường biển được hai chính phủ Việt Nam và Trung Quốc ký kết vào ngày 30/12/1999 và 25/12/2000 [1]. Đã có nhiều cá nhân và hội đoàn cho rằng qua hiệp ước biên giới đường bộ, Việt Nam đã mất đến 720 cây số vuông; và qua hiệp định biên giới đường biển, Việt Nam đã mất 10,000 cây số vuông. Tuy nhiên không ai biết một cách cụ thể những con số này được tính toán hay ước tính như thế nào.
Có tin khác lại cho biết số đất bị mất còn cao hơn hai con số trên [2]. Hai trong những quan tâm của cộng đồng người Việt trong cũng như ngoài nước là "số phận" của Ải Nam Quan và thác Bản Giốc, hai địa danh nổi tiếng, một mang tính lịch sử và một là thắng cảnh của đất nước. Hầu như tất cả các tin tức lưu truyền ở hải ngoại đều cho rằng hai địa danh này đã mất về phía Trung Quốc. Nhưng dường như những thông tin như thế được cộng đồng người Việt hải ngoại tiếp nhận một cách thụ động, không có chất vấn sự chính xác của chúng, và cũng ít ai kiểm tra nguồn thông tin để xác nhận sự khả tính của chúng ra sao.
Với những tin tức như thế và trong khi Chính phủ Việt Nam lại duy trì một sự im lặng khó hiểu (hay đáng ghét), cho nên không lấy làm ngạc nhiên khi thấy một làn sóng công chúng phản đối dữ dội trước những "mất mát" này. Một loạt những tuyên bố, tuyên cáo, kiến nghị, bản lên tiếng, v.v... được viết ra và gửi đi đến nhiều cơ quan quốc tế, chính phủ một số nước Tây phương và thậm chí Chính phủ Trung Quốc. Những tuyên bố này thường yêu cầu chính phủ các nước và Liên Hiệp Quốc hoặc không công nhận bản hiệp ước, hoặc chỉ trích nhà cầm quyền Việt Nam, hoặc yêu cầu ngưng thi hành bản hiệp ước, hoặc yêu cầu chính phủ các nước Tây phương can thiệp, hoặc đòi "triệu tập Hội nghị Diên Hồng" để giải quyết vấn đề. Ngôn từ dùng trong các bản tuyên cáo (và tin tức) có khi rất cảm tính (như "dâng đất", "bán đất", "ngụy quyền", v.v.). Có khi một bản tuyên bố được viết bằng hai thứ tiếng Anh và Việt, nhưng nội dung của hai bản lại khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau [3], làm cho người đọc không rõ đối tượng của những bản tuyên cáo này là ai.
Dù sao đi nữa, bất kể vì lí do gì và đối tượng là ai, phản ứng của cộng đồng người Việt hải ngoại và trong nước là một biểu hiện lòng yêu nước cao độ và mối quan tâm sâu sắc đến sự vẹn toàn của đất nước, sẵn sàng gạt bỏ những khác biệt chính kiến để đấu tranh với Trung Quốc, giành lại lãnh thổ và lãnh hải. Điều này cũng dễ hiểu, vì tổ tiên chúng ta đã hi sinh biết bao xương máu để có một một dải đất như ngày nay, không có lí do gì để thế hệ sau lại dâng đất cho ngoại bang.
Nhưng bình tĩnh mà suy xét lại, một phần lớn những phản ứng đó chưa dựa vào những sự thật chính xác, mà chỉ dựa vào những tin đồn, hay thông tin thiếu chính xác. Thật vậy, về mặt pháp lí, cho đến nay, chưa có một bằng chứng gì cho thấy những người từng lên tiếng về vấn đề này có trong tay hai bản hiệp ước trên. Đại đa số những bản tin được truyền đi từ trong nước và ở hải ngoại mấy tuần qua đều không có nguồn gốc rõ ràng, hay nguồn gốc rất đáng nghi ngờ, mà có khi lại không đúng sự thật. Cộng vào đó là những thông tin được phóng lên internet mà nguồn gốc của chúng cũng như tác giả đều không rõ ràng [4]. Chính vì thế mà các thông tin cứ được lặp đi lặp lại nhiều lần, có khi mâu thuẫn với nhau, rồi "tam sao thất bổn", về những mẫu chuyện, những con số mà sự chính xác của chúng vẫn còn trong vòng nghi vấn.
Vậy đâu là sự thật? Thứ nhất, không đề cập đến những bản hiệp định / hiệp ước đó thì lịch sử và sự thực về việc phân chia biên giới cũng như vấn đề sở hữu hai địa danh Ải Nam Quan và Thác Bản giốc như thế nào? Thứ hai, có lẽ chúng ta chưa biết được tất cả sự thật đằng sau hai bản hiệp ước biên giới đó. Nhưng một vài dữ kiện mới được tiết lộ gần đây cho thấy một số phán đoán và thông tin hiện đang lưu truyền trong cộng đồng ta có lẽ không chính xác so với thực tế. Cách đây trên dưới hai tuần, ông Lê Công Phụng, Thứ tưởng Bộ ngoại giao và cũng là trưởng phái đoàn đàm phán Việt Nam trong hai hiệp ước về biên giới có trả lời phỏng vấn của một nhà báo Việt Nam về các vấn đề chung quanh hai bản hiệp ước, và bài phỏng vấn này đã được Việt Luận đăng lại khoảng 2 tuần trước đây, nhưng đề sai tên người phỏng vấn [5]. Đọc qua bài phỏng vấn này, tôi thấy những trả lời của ông Lê Công Phụng còn nhiều chỗ chưa minh bạch và lúng túng, nhưng cũng có vài điều ông nói tương đối rõ ràng. Bài viết này thực chất là một bài "đọc báo", nhằm tóm gọn những thông tin mà người viết đã thu thập được, trước hết là nhằm thỏa mãn tính tìm tòi cá nhân, và sau đó là chia sẻ một vài thông tin và nhận xét ban đầu cùng đồng hương trao đổi.
Lịch sử
Phải nói ngay rằng thời thế kỷ 18 và trước đó, Việt Nam và Trung Quốc chỉ có "vùng biên giới" chứ không có lằn ranh biên giới rõ ràng. Chính vì thế mà trong một thời gian dài, qua bao nhiêu triều đại, hai bên cứ tranh dành nhau từng vùng đất. Lịch sử của ta đã ghi lại nhiều tranh chấp như thế. Cho đến cuối cuối thế kỷ 19, biên giới đường bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc mới được quyết định, nhưng người Việt ta không có tiếng nói hay vai trò quan trọng trong quyết định này. Thay mặt Việt Nam, trong thời gian 10 năm (từ 1885 đến 1895), người Pháp kí kết một số hiệp ước với Trung Quốc quyết định biên giới Việt – Trung, trong đó có một số địa điểm Pháp nhân nhượng cho Trung Quốc để đổi lấy quyền lợi kinh tế [6]. Theo sử sách ghi lại, Trung Quốc – sau khoảng ba năm cầm cự và cuối cùng thất bại, cộ⮧ thêm sức ép về mặt quân sự của Pháp – bị Pháp ép buộc ký Qui ước đình chiến tại Paris ngày 4/4/1885. Theo Qui ước này, Trung Quốc phải rút quân khỏi Việt Nam (mà trước đó họ đã chiếm đóng ở miền Bắc Việt Nam), và Pháp sẽ giải tỏa Đài Loan và ngưng các hoạt động quân sự trên đất Trung Quốc.
Chỉ hai tháng sau, vào ngày 9/6/1885, Trung Quốc lại kí với Pháp một hiệp ước mới mang tên là "Hiệp ước hòa bình, hữu nghị và thương mãi" (Traité de Paix, d'Amitié, et de Commerce) tại Thiên Tân. Hoà ước này có 10 điều khoản, mà nội dung có thể tóm gọn như sau: (i) Trung Quốc thừa nhận sự cai trị của Pháp trên Việt Nam; (ii) Trung Quốc phải chấm dứt coi Việt Nam là một thuộc địa của Trung Quốc như trước đây; (iii) Trung Quốc không được đưa quân đội sang Việt Nam; (iv) Trung Quốc không được cản trở công cuộc bình định của Pháp ở Việt Nam; (v) Trung Quốc phải tôn trọng tất cả các bản hiệp ước, qui ước đã có hoặc sẽ ký giữa Pháp và Việt Nam; (vi) Trung Quốc phải giải tán, hoặc trục xuất tất cả những người Việt Nam nào sử dụng đất Trung Quốc để làm căn cứ hoạt động chống Pháp; và (vii) Pháp sẽ rút khỏi Cơ Long sau khi ký kết xong hiệp ước này, và một tháng sau sẽ hoàn toàn giải tỏa Đài Loan. Đặc biệt, điều 3 của bản Hòa ước có nói đến những vấn đề liên hệ đến biên giới Việt Nam – Trung Quốc.
Căn cứ vào điều 3 của Hòa ước Thiên Tân năm 1885, một phái đoàn hoạch định biên giới Việt Nam – Trung Quốc đã được thành lập và đi dọc theo biên giới giữa hai nước để đo đạc và cắm các cột mốc. Nhưng tiến trình cắm các cột mốc đã diễn ra không suông sẻ chút nào, thậm chí có thương vong. Ngày 19/8/1886, khi phái đoàn đi trên đoạn đường từ Tiên Phong tới Long Pô, dọc theo triền sông Hồng thì bị một toán nghĩa quân Việt Nam phục kích, hai sĩ quan Pháp và một số lính bảo vệ bị nghĩa quân giết. Số còn lại phải bỏ chạy về Lào Cai. Ngày 24/11/1886, khi phái đoàn đến khảo sát bán đảo Pac Lung ở Mong Cái lại bị khoảng 1500 nghĩa quân Việt Nam và tổ chức Thiên Địa Hội của Trung Quốc đến bao vây và tấn công. Một số sĩ quan và tùy viên của phái đoàn bị giết tại chỗ. Ông Perrin, tham tá Tòa Công Sứ và ông Haitce, một ủy viên của phái đoàn, đã bị bắt đưa về Mong Cái. Tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng rồi phái đoàn cũng đã cắm được trên 300 cột mốc dọc theo một biên giới dài 1300 cây số (có tài liệu ghi là 1350 cây số) và vẽ lại bản đồ biên giới.
Biên giới đường bộ này là đoạn chiều dài đi xuyên qua bốn tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, và Quảng Yên. Ở mỗi tỉnh có nhiều cổng thông với Trung Quốc, trong đó Ải Nam Quan là cổng được nhiều người nghe/biết đến vì nó được xem là cửa chính. Trong số 1300 cây số này, thì 900 cây số đã được phân định rõ ràng, chỉ còn lại 400 cây số chưa được phân định rõ ràng và là nguồn gốc của tranh chấp cũng như đàm phán. Trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, Trung Quốc luôn đòi phía Việt Nam phải ngồi xuống bàn hội nghị để giải quyết vấn đề biên giới, vì họ cho rằng họ đã ký kết hiệp định biên giới với Pháp ở vị thế yếu và bị mất đất về Việt Nam! Trong khu vực thuộc 400 cây số này, có 164 điểm chênh lệch với tổng diện tích là 227 cây số vuông.
Kể từ năm 1993 cho đến ngày ký kết (1999), Việt Nam và Trung Quốc đã tranh cãi nhau về 227 cây số này. Theo như ông Lê Công Phụng tuyên bố thì qua đàm phán, phía Việt Nam được khoảng 113 km2 và Trung Quốc được chừng 114 km2. Như vậy, nếu phát biểu của ông Lê Công Phụng đúng, không có chuyện Việt Nam mất 720 (hay 789) cây số vuông, mà chỉ điều đình những chỗ ngoằn ngoèo 227 cây số vuông mà thôi. Do đó, thực khó mà nói rằng Việt Nam "bán", "nhượng", hay "dâng" đất cho Trung Quốc, và con số 720 cây số vuông mà có người cho rằng Việt Nam mất về phía Trung Quốc cũng không có cơ sở gì vững vàng.
Ải Nam Quan
Hầu như người Việt nào cũng nghĩ và tin rằng đất nước chúng ta kéo dài từ Ải Nam Quan (ANQ) đến Mũi Cà Mau. Trong văn học, chúng ta cũng có những bài văn và thơ nói như thế [7]. Nhưng trong sách sử thì khác hẳn. Về thời gian xây dựng ải, sách Đại Nam Nhất Thống Chí (do Quốc sử quán triều Nguyễn soạn xong dưới triều vua Tự Đức) không cho biết ải được xây vào năm nào, nhưng theo tài liệu mới thì ải do Trung Quốc xây dựng vào năm 1522, dưới đời vua Minh Thế Tông [8]. Về địa điểm, theo Đại Nam Nhất Thống Chí thì ANQ nằm "cách tỉnh thành [Lạng Sơn] 31 dặm về phía bắc, thuộc châu Văn Uyên, phía bắc giáp châu Bằng Tường tỉnh Quảng Tây nước Thanh, tức là chỗ mà người Thanh gọi Trấn Nam Quan. Cửa nầy dựng từ năm Gia Tĩnh nhà Minh, đến năm Ung Chính thứ 3 (1725) nhà Thanh, án sát tỉnh Quảng Tây là Cam Nhữ Lai tu bổ lại có tên nữa là "Đại Nam Quan", phía đông là một dải núi đất, phía tây là một dải núi đá, đều dựa theo chân núi xây gạch làm tường, gồm 119 trượng, cửa quan đặt ở quãng giữa có biển đề "Trấn Nam Quan", dựng từ năm Ung Chính thứ 6 (1728) triều Thanh, có một cửa, có khóa, chỉ khi nào có công việc của sứ bộ mới mở." [9] Đến thời Mao Trạch Đông, ải được đổi thành tên "Mục Nam Quan". Phía Việt Nam, Hồ Chí Minh gọi là "Hữu Nghị Quan".
Có một điều không rõ ràng trong sử liệu là tác giả viết về "Phía bắc cửa có Chiêu Đức đài, đằng sau đài có Đình tham đường (nhà dừng ngựa) của nước Thanh; phía nam có Ngưỡng Đức đài của nước ta [tôi nhấn mạnh], bên tả bên hữu đài có 2 dãy hành lang, mỗi khi sứ bộ đến cửa quan thì dùng chỗ này làm nơi tạm nghỉ." Cũng có bằng chứng cho thấy triều Lê từng tu sửa Ngưỡng Đức đài [10]. Tuy nhiên, căn cứ vào đoạn văn trên và chú dẫn #10, ta có thể nói phía nam của cửa ải là của Việt Nam, còn phía bắc là của Trung Quốc. Nhưng xét một cách tổng quan, qua Chính Sử của Việt Nam, khó có thể nói toàn bộ Ải Nam Quan là thuộc về Việt Nam. Không có bằng chứng nào cho thấy Việt Nam đã xây ải này. Do đó, dù trong văn học chúng ta có nhắc đến bao nhiêu lần đi nữa, trên phương diện lí thuyết chúng ta khó mà dành quyền sở hữu Ải Nam Quan. Hơn nữa, nói "đất nước ta trải dài từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau" là có thể chỉ nói đến mốc địa giới chứ chưa chắc đề cập đến vấn đề sở hữu bao giờ. Và cũng theo đó, cho rằng Việt Nam mất Ải Nam Quan là không đúng với thực tế và lịch sử.
Thật vậy, điểm quan trọng không phải là Việt Nam "mất Ải Nam Quan", mà ta nên xác định phần đất nào ở phía Nam của Ải là thuộc về sở hữu của Việt Nam. Một số nhân vật li khai trong nước cho rằng cột mốc đánh dấu biên giới Việt – Trung đã dời 4 cây số về phía nam (tức là, nói một cách khác, Ải Nam Quan nằm sâu trong địa phận Trung Quốc 4 cây số). Theo ông Trần Đại Sỹ [2], người được rất nhiều báo chí và giới truyền thông Việt ngữ hải ngoại trích dẫn, qua hiệp ước kí kết năm 1999, Việt Nam đã lùi cột mốc đến 5 cây số về phía nam. Nhưng theo ông Lê Công Phụng, dẫn theo bản đồ mà Pháp và triều Thanh ký năm 1887, thì trụ mốc định ranh giới Việt – Trung cách cửa Ải [về phía Nam] chỉ 200 thước, và khoảng cách này chưa bao giờ được thay đổi. Đó cũng là lằn ranh biên giới mà Việt Nam và Trung Quốc đồng ý ngày nay. Do đó, hiểu theo ông Lê Công Phụng, không có tranh cãi giữa Việt Nam và Trung Quốc về cột mốc này.
Đến đây, người ta phải tự hỏi đâu là sự thật? Chưa ai biết sự thật ra sao, nhưng chúng ta có thể suy luận và dựa vào một vài bằng chứng thực tế. Bên kia Ải Nam Quan là xã Bằng Tường của Trung Quốc; bên này ải là xã Đồng Đăng [11], huyện Yên Lãng (có người viết là Văn Lãng), tỉnh Lạng Sơn. Cửa ải cách thị trần Đồng Đăng 4 cây số. Do đó, nếu quả thật cột mốc biên giới đã dời về phía nam [cách cửa ải] 4 hay 5 cây số thì Đồng Đăng phải thuộc về Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này có thể không đúng với thực tế. Mới đây, có một người đi từ Sài Gòn ra tận vùng biên giới và có chụp ảnh và ghi chép khá rõ ràng về việc này [12]. Vì là một bài viết trên internet, nên nguồn tin của người này (bút hiệu "Văn Khoa") cần phải được kiểm tra và xác nhận thêm, nhưng qua các tấm ảnh mà ông ta gửi kèm theo và mô tả, thì Đồng Đăng vẫn là của Việt Nam, và Ải Nam Quan không lùi sâu về phía Trung Quốc 4 hay 5 cây số bao giờ. Ngoài ra, theo tác giả Bùi Dương Chi, trong một bài viết về đỉnh núi Fansipan (Thế Kỷ 21, 8/2001), thì Đồng Đăng vẫn còn trong lãnh thổ Việt Nam, và việc đi lại giữa hai nước qua biên giới cũng không có gì khó khăn. Như vậy, dựa vào những dữ kiện nêu trên, chúng ta có thể cho rằng những tuyên bố của ông Trần Đại Sỹ và một số nhân vật đối kháng ở trong nước là không chính xác, và trong khi chưa có bản đồ mà Nhà Thanh và Pháp ký trong tay, chúng ta cần phải cẩn thận hơn, hãy cho lời phát biểu của ông Phụng nằm trong vòng nghi vấn, cần phải tìm hiểu sự thực trước khi ra các tuyên bố.
Thác Bản Giốc
Thác Bản Giốc, thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, là một thắng cảnh của Việt Nam. Và cũng như ANQ, thác Bản Giốc đã đi vào sách giáo khoa Việt Nam. Nhưng trong sử sách thì, theo như ông Lê Công Phụng nói, không có ghi rõ ràng Thác Bản Giốc là của ai. Sử sách Trung Quốc cũng không ghi thác Bản Giốc là của Trung Quốc. Tuy nhiên, vẫn theo ông Lê Công Phụng, dựa vào công ước được ký kết giữa Pháp và nhà Thanh, Việt Nam chỉ có quyền làm chủ 1/3 thác Bản Giốc. Nhưng sau khi đàm phán, Việt Nam được 50% và Trung Quốc 50% [13]. Giải thích này của ông Lê Công Phụng tuy rõ ràng, nhưng làm cho người đọc chất vấn cái chi tiết quan trọng là ai đã cắm cột mốc ở giữa thác. Hiện nay, người viết bài này chưa thấy bản đồ mà nhà Thanh và Pháp đã đồng ý với nhau, nên cũng không thể nói phát biểu của ông Phụng là sai hay đúng.
Lãnh hải
Tuần qua, đài RFI (Pháp) có phỏng vấn ông Ramses Amer, Giáo sư chính trị học thuộc Trường đại học Uppsala (Thuỵ điển), và cũng là một chuyên viên nghiên cứ về các vấn đề an ninh, tranh chấp và hợp tác ở Đông Nam Á và Châu Á Thái Bình Dương, tác giả một nghiên cứu về những tranh chấp biên giới (The Sino-Vietnamese Approach to Managing Border Disputes, Maritime Briefing, vol. 3, nồ. 5 (Durham: International Boundaries Research Unit, University of Durham, 2002) sắp được xuất bản. Trong bài trả lời phỏng vấn, ông Ramses nói nhiều về ranh giới trên Vịnh Bắc Bộ và nhấn mạnh rằng Hiệp định Pháp-Thanh cuối thế kỉ 19 về kinh tuyến gần 108ochia đôi Vịnh Bắc Bộ hoàn toàn không có giá trị pháp lí gì về lãnh hải, thềm lục địa và vùng khai thác kinh tế, vì các khái niệm này chưa hề có hồi cuối thể kỉ 19, phải đợi đến nửa sau thế kỉ 20 mới hình thành và qui định trong các văn bản quốc tế. Vẫn theo ông Amer, hiệp định về lãnh hải sẽ giúp cho Việt Nam bảo vệ tài nguyên thủy sản đang bị tàu thuyền đánh cá Trung Quốc lấn áp. Nhận xét này đúng hay sai? Xin nhường cho các chuyên viên về luật quốc tế.
Tóm lại, vấn đề biên giới Việt – Trung chỉ có thể giải quyết bằng công pháp quốc tế, như Qui Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (United Nation Convention on the Law of the Sea) được thông qua vào ngày 10/12/1982. Để đối phó với luật pháp, lí luận và logic là những phương tiện tri thức quan trọng. Theo ông Lê Công Phụng thì khi đàm phán, phía Việt Nam và Trung Quốc đã dựa trên tiêu chuẩn và điều luật của công ước quốc tế để giải quyết những tranh chấp. Có bằng chứng cho thấy những gì ông Phụng phát biểu có thể là đúng với thực tế [14]. Nhưng nếu chúng ta không tin vào khả năng của các chuyên viên trong phái đoàn Việt Nam, hay không tin vào phát biểu của ông Lê Công Phụng, thì việc đầu tiên mà chúng ta cần phải làm là thu thập, càng nhiều càng tốt, những bằng chứng, dữ kiện, thông tin chính xác và khoa học, có nguồn gốc đáng tin cậy. Rồi cần phải điều nghiên những thông tin này một cách cẩn thận trước khi lên tiếng trên các diễn đàn quốc tế. Mọi phản ứng theo cảm tính, hay với những thông tin thiếu nhất quán, khó mà giải quyết được vấn đề, nếu không muốn nói là có nguy cơ làm cho vấn đề trở nên lẫn lộn hơn.
Về phía chính quyền Việt Nam, họ có trách nhiệm phải công bố toàn bộ văn bản và tài liệu liên quan đến hiệp ước biên giới đường bộ và hiệp định biên giới đường biển để cho công chúng có dịp thẩm định. Chỉ có sự thật và logic mới giải phóng người ta khỏi những nô lệ của sự phi lí.
Chú thích:
[1] Tên gọi chính thức của hai bản hiệp ước này là "Hiệp ước biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc", và "Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc."
[2] Tờ Việt Báo (Mỹ) tường thuật: "Theo lời Bác sĩ Trần Đại Sỹ, ‘vụ cắt đất ký ngày 30/12/1999, thì tôi được biết tin chi tiết, do hai ký giả Trung Quốc là bạn với tôi thông báo vào ngày 9/1/2000. Nghĩa là 10 ngày sau. Hai anh thuật theo tinh thần bản hiệp định thì: Việt Nam nhường cho Trung Quốc dọc theo biên giới, 789 cây số vuông (chứ không phải 720 như tin lộ ra trong nước), thuộc hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn’." Vẫn theo Việt Báo: "Lãnh thổ Việt Nam khởi từ cây số không ở phía Bắc." Lý do theo Bác sĩ Sỹ, vì "Cái cây số không đó là cây số 5 cũ đấy. Cột cây số zero bây giờ ở phía Nam cột zero cũ 5 cây số. Từ cây số zero đến cây số 5 nay thuộc về Trung Quốc’." Bài viết "Bí mật vụ hiến đất dâng biển" của Trần Đại Sỹ được lưu truyền trên internat, và có thể truy tìm qua địa chỉ sau đây: http://groups.yahoo.com/group/HoiNghi/message/17582
Trong một bài bình luận trên Việt Báo (19/12/2001), tác giả Vi Anh viết (trích đoạn): "… Gần đây nhứt, CS Hà nội nhượng cho Trung Quốc 1000 cây số vuông ở biên giới phía Bắc. Phía đông nhượng một phần lớn hải đảo Hoàng Sa, Trường Sa," nhưng tác giả không cho biết những con số này xuất phát từ đâu.
[3] Xem bản tuyên bố của các nhà đấu tranh Đoàn Viết Hoạt, Nguyễn Đan Quế, Hoà thượng Thích Tâm Châu, Hội Quốc tế Y sĩ Việt Nam Tự do, v.v. Chẳng hạn như trong bản "Tuyên Cáo Phủ Nhận Thỏa Ước Cắt Đất Nhượng Biển Cho Ngoại Bang" do Hội Quốc tế Y sĩ Việt Nam Tự do công bố bằng hai thứ tiếng (Việt và Anh), có nhiều điểm bất nhất và bất cập. Những câu văn trong bản tiếng Việt không nhất quán với những câu văn trong bản tiếng Anh. Hãy lấy một ví dụ nhỏ như sau. Thứ nhất, tên gọi hai bản hiệp ước không phải là "Phân định biên giới"; tên gọi chính thức được ghi lại trong ghi chú số 1 trên dây. Thứ hai, trong bản tiếng Anh, bản tuyên bố đưa ra ba yêu cầu (một là đòi hỏi Chính phủ Việt Nam không ký hai hiệp ước này, nếu chúng chưa được ký; hai là hủy bỏ các hai hiệp ước này, nếu đã ký; và ba là đòi hỏi Chính phủ Trung Quốc trả lại đất đai và vùng biển cho nhân dân Việt Nam một cách vô điều kiện), nhưng trong bản tiếng Việt, thì bản tuyên bố chỉ đưa ra hai yêu cầu (nguyên văn): "Điều Một: Đình chỉ thi hành các thỏa ước Phân Định Biên Giới Việt Trung nêu trên. Điều Hai: Hoàn trả vô điều kiện toàn thể đất đai và vùng biển bao gồm trong các thỏa ước Phân Định Biên Giới trở lại cho Tổ Quốc và Dân Tộc Việt Nam." Nhưng quan trọng hơn là trong bản tiếng Anh, nội dung rất lủng củng và tự mâu thuẫn với nhau. Ở phần đầu của bản tuyên bố thì xác định rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đã ký kết xong các hiệp ước ("… since the Vietnamese Communist Party has signed them …"), nhưng phía dưới bản tuyên bố thì lại yêu cầu Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam không ký khi các hiệp ước chưa ký ("solemnly requests the Socialist Republic of Vietnam not to sign these treaties when they were not yet signed")! Rõ ràng là một sự mâu thuẫn: đã ký rồi sao lại còn đưa vào kiến nghị/yêu cầu này làm gì? Ngoài ra, bản viết bằng tiếng Anh còn chứa một số lỗi văn phạm đáng tiếc.
[4] Vấn đề lớn nhất liên quan đến các thông tin trên internet là khó có ai có thể kiểm tra nguồn tin tức cũng như tác giả của chúng. Phần lớn người tung tin không nói rõ nguồn gốc những dữ kiện trong bản tin. Ngay cả người đưa tin, vì dùng các địa chỉ điện thư vô danh (hay bí danh), nên không ai kiểm chứng được. Mới đây, có trường hợp một người (bí danh hay bút hiệu là "Diệu Vân") lấy một bản đồ du lịch trên internet, tô vẽ lại bằng những đường mực đỏ, rồi phóng lên internet, và gây ra nhầm lẫn, suy luận sai không ít. Trong trường hợp này có thể kể đến một người có tên là Trần Đại Sỹ, người mà giới truyền thông hải ngoại đề cập là Giáo sư thuộc đại học y khoa ARMA ở Paris (nhưng đại học này không có trong danh bạ các đại học ở Pháp). Tuy nhiên, những bài viết của ông, dù mang tựa đề khoa học như "Thử tìm lại biên giới cổ của Việt Nam bằng cổ sử, bằng triết học, bằng di tích và hệ thống ADN", nhưng đọc kỹ thì lại cực kỳ mơ hồ, mang tính giả sử, và có thể nói là rất "phi khoa học". Do đó, khó mà đặt một trọng lượng nặng vào sự chính xác trong những phát biểu dạng như thế.
[5] Chẳng hạn như trong một số báo hai tuần trước đây, Việt Luận đăng bài phỏng vấn ông Lê Công Phụng (Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam) và đề tên người phỏng vấn là "Diệu Vân" và cho rằng bài phỏng vấn đã bị đục bỏ. Cả hai điều này đều sai sự thật. Sự thật 1: tác giả của bài phỏng vấn đó là Thu Uyên, thuộc công ty VASC Orient (Việt Nam). Sự thật 2: bài phỏng vấn đó vẫn còn trong trang nhà của VASC Orient, địa chỉ tại http://www.vnn.vn/pls/news/VASC_Orient         trong phần "Hồ sơ".
[6] Xem bài viết "Tìm hiểu sự hình thành các vùng biên giới Việt Nam" của tác giả Nguyễn Văn Huy, Tạp chí Thế Kỷ 21, số 149, năm 2001.
[7] Có lẽ không một người Việt nào mà không biết hay nghe qua câu chuyện lịch sử về cuộc chia tay giữa Nguyễn Trãi và cha (tức là Nguyễn Phi Khanh) ở Ải Nam Quan. Theo sách sử còn lưu truyền lại, Nguyễn Ứng Long (tên thật của Nguyễn Phi Khanh) làm quan cho nhà Hồ vào năm 1400, năm mà Nguyễn Trãi đỗ Thái học sinh (tiến sĩ) và cũng phục vụ cho nhà Hồ với chức vụ Ngự sử đài chánh trưởng. Năm 1407, khi nhà Hồ bị nhà Minh đánh bại, Nguyễn Phi Khanh và cha con Hồ Quí Ly bị bắt và đày sang Trung Quốc. Nguyễn Trãi và em là Nguyễn Phi Hùng theo cha đến tận ải Nam Quan và định đi theo cha, nhưng Nguyễn Phi Khanh khuyên ông nên trở về lo "báo thù cha, rữa hận nước." Tương truyền ba cha con khóc nhiều đến nổi nước mắt biến thành cái giếng!
[8] Trích theo tác giả Tú Gàn (báo Sài Gòn Nhỏ, 8/2/2002): "Tài liệu ngày nay xác định rằng cửa ải Nam Quan do Tàu xây vào năm Gia Tĩnh thứ nhất, tức năm 1522, dưới đời vua Minh Thế Tông. Ở Việt Nam, lúc đó là đời vua Lê Cung Hoàng."
[9] Sách "Đại Nam nhất thống chí" (tức chính sử của ta) chép: "Tỉnh Lạng Sơn, đông tây cách nhau 171 dặm, nam bắc cách nhau 86 dặm, phía đông đến địa giới núi đất Tha Lạn châu Tiên Yên, tỉnh Quảng Yên 90 dặm, phía tây đến địa giới núi Xa Thông huyện Vũ Nhai tỉnh Thái Nguyên 81 dặm, phía nam đến địa giới núi đất đèo Bà huyện Hữu Lũng tỉnh Bắc Ninh 56 dặm, phía bắc đến giáp giới Nam Quan thuộc châu Bằng Tường tỉnh Quảng Tây Yên và Hải Dương 118 dặm, phía tây nam đến địa giới huyện Hữu Lũng tỉnh Bắc Ninh 66 dặm, phía đông bắc đến địa giới tỉnh Quảng Yên và địa giới nước Thanh 45 dặm, phía tây bắc đến địa giới các tỉnh Thái Nguyên và Cao Bằng 145 dặm, từ tỉnh lị đi về phía nam đến Kinh Thành 1756 dặm.
Cửa Nam Giao: cách tỉnh thành 31 dặm về phía bắc, ở địa phận 2 xã Đồng Đăng và Bảo Lâm thuộc châu Văn Uyên, phía bắc giáp địa giới châu Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây nước Thanh, tức là chỗ mà người Thanh gọi Trấn Nam Quan. Cửa này dựng năm Gia Tĩnh nhà Minh, đến năm Ung Chính thứ 3 nhà Thanh, án sát tỉnh Quảng Tây là Cam Nhữ Lai tu bổ lại; có tên nữa là "Đại Nam Quan", phía đông là một dải núi đất, phía tây là một dải núi đất, đều dựa vào chân núi xây gạch làm tường gồm 119 trượng, cửa quan đặt ở quãng giữa, có biển đề ba chữ "Trấn Nam quan", dựng từ năm Ung Chính thứ 6 triều Thanh, có một cửa khóa, chỉ khi nào có công việc của sứ bộ mới mở. Bên trên cửa có trùng đài, biển đề 4 chữ "Trung ngoại nhất gia", dựng từ năm Tân sửu đời Càn Long nhà Thanh. Phía bắc cửa có Chiêu Đức đài, đằng sau đài có Đình tham đường (nhà dừng ngựa) của nước Thanh; phía nam có Ngưỡng Đức đài của nước ta, bên tả bên hữu đài có 2 dãy hành lang, mỗi khi sứ bộ đến cửa quan thì dùng chỗ này làm nơi tạm nghỉ.
Xét: Trấn Nam quan không rõ bắt đầu từ triều đại nào, trong Nam sử và Bắc sử đều không có minh văn. Khoảng đời Lê Cảnh Hưng, đốc trấn Lạng Sơn Nguyễn Trọng Đang sửa lại Ngưỡng Đức đài, lập bia ghi việc, đại lược nói: "Nước Việt ta có Ngũ Linh, quan ải trước ở đâu không rõ, là vì diên cách thế nào không ghi đủ. Gần đây lấy địa giới châu Văn Uyên trấn Lạng Sơn làm cửa quan, cửa quan có Ngưỡng Đức đài không rõ dựng từ năm nào, có lẽ bắt đầu từ đời Gia Tĩnh nhà Minh". Văn bia ấy nay vẫn còn.
Lại xét: Niên hiệu Gia Tĩnh (1522 – 1566) ngang với niên hiệu Nguyên Hòa (1533 – 1566) nhà Lê (Trang Tông), văn bia cũng nói có lẽ thôi. Sử chép: năm Nguyên Hòa thứ 8 Mặc Đăng Dung cùng bầy với bầy tôi là bọn Nguyễn Như Khuê dâng biểu xin hàng" Đến Đây mới thấy Sử chép tên Trấn Nam quan."
[10] Trong "Phương Đình Dư Địa Chí" của Nguyễn Văn Siêu, quyển 5, mô tả Ải Nam Quan như sau:
"Cửa quan có ải Nam Quan: Ở địa phận hai xã Đồng Đăng và Bảo Lâm, châu Văn Uyên, phía bắc giáp địa giới châu Bằng Tường tỉnh Quảng Tây Trung Quốc, hai bên tả hữu núi đá cao ngất, ở giữa mở một cửa quan, có cánh cửa có khóa, chỉ khi có việc sứ mới mở, tên là cửa Nam Quan (một tên là Đại Nam Quan, một tên là Trấn Di Quan, lại có tên là Trấn Nam Quan. Sử ký chép: Năm thứ 8 niên hiệu Nguyên Hòa nhà Lê, Mạc Đăng Dung cùng với bầy tôi là lũ Nguyễn Như Quế qua cửa Trấn Nam Quan đến Mạc phủ nhà Minh dâng biểu xin hàng, cái tên Trấn Nam Quan mới thấy từ đây), có Ngưỡng Đức Đài, khi trước lợp cỏ, năm thứ 34 niên hiệu Cảnh Hưng, quan đốc trấn là Nguyễn Trọng Đang sửa lại, có văn bia như sau:
’Khi nước ta có cả đất Ngũ Linh, cửa quan ở nơi nào không xét vào đâu được, sau này thay đổi thế nào không rõ, gần đây lại lấy châu Văn Uyên trấn Lạng Sơn làm cửa quan, có đài gọi là Vọng Đức, không biết dựng từ năm nào, hình như mới có từ khoảng niên hiệu Gia Tĩnh nhà Minh (ngang với khoảng niên hiệu Nguyên Hòa nhà Lê nước ta). Đài có quán hai bên tả hữu lợp bằng cỏ, sửa chửa qua loa, vẫn theo như cũ. Nhà Lê ta trung hưng đời thứ 14, vua ta kỷ nguyên năm thứ 41 là năm Canh Tý, ngang với năm thứ 44 niên hiệu Càn Long nhà Thanh. Đang tôi làm giữ chức Đốc trấn qua 5 năm là năm Giáp Thìn, sửa chữa lại, đổi dùng gạch ngói, đài mới có vẽ hoành tráng...’"
[11] Thực ra, theo như sử gia Nguyễn Văn Siêu, Đồng Đăng từng là đất của Trung Quốc! Trong "Phương Đình Dư Địa Chí", Nguyễn Văn Siêu viết: "Năm thứ 29 niên hiệu Hồng Võ, Thổ tri phủ Tư Minh là Hoàng Quảng Thành tâu phủ ấy từ nhà Minh đặt lộ Tư Minh, châu huyện động trại trong hạt, phía đông đến châu Thượng Tư, phía nam đến Đồng Trụ, quân nhà Nguyên đánh nước Giao Chỉ, cách Đồng Trụ 100 dặm, đặt trại Vĩnh Bình, để quân đóng giữ, bắt người Giao Chỉ phải cung quân lương. Cuối nhà Nguyên rối loạn, người Giao Chỉ đem quân đánh phá trại Vĩnh Bình, vượt qua Đồng Trụ hơn 300 dặm, xâm chiếm nhiều đất thuộc lộ Tư Minh, như 5 huyện Khâu Ôn, Như Ngạo, Khánh Viễn, Uyên Thoát... bắt dân làng theo, vì thế thuế hàng năm của 5 huyện do Thổ quan nộp thay. Lại Đồng Đăng thực là đất của Tư Minh, mà người Giao Chỉ nói là Đồng Trụ dựng ở nơi ấy, xin ban sắc cho An Nam phải trả lại đất cũ để bờ cõi được đúng. Vua Minh Thái Tổ sai chức Hành nhân là Trần Thành Lã Nhượng sang dụ, bàn cãi đi lại, mãi vẫn không quyết, việc dần thôi."
[12] Trong một thư đăng trên một diễn đàn sinh viên Việt Nam (địa chỉ: http://www.topica.com/lists/vnsa/read/message.html?mid=801962288&sort=d&start=29986
được gửi đi từ Việt Nam, tác giả "Văn Khoa" (bút hiệu) viết như sau (trích đoạn, T là người hướng dẫn):
"Con đường cao tốc 1A đưa chúng tôi vượt qua thị trần Đồng Đăng và tiến về biên giới. T. liên tục giới thiệu về cảnh quan, con người xứ Lạng. Em nhớ được rất nhiều con số trong đầu. Giỏi thật. Qua một trạm gác biên phòng xe đưa chúng tô i đến Tòa nhà Xuất Nhập cảnh (Immigration) của cảnh sát biên phòng. Tôi thấy lòng hồi hộp. Biên giới đây rồi. Cảm giác đầu tiên là toà nhà rất đẹp, cảnh sát ăn mặt lịch sự. Có một nhóm chừng mười em sinh viên Hà nội vừa làm thủ tục vừa đùa giỡn với các anh cảnh sát. Chúng tô i phải làm thêm thủ tục kiểm dịch quốc tế, đóng lệ phí và thủ tục Hải Quan, rất nhanh. Để xe lại bên này biên giới T. dẫn tô i đi ra khỏi tòa nhà và bước qua trạm gác cuối cùng của phía Việt Nam.
Đi bộ thêm gần 100m, T. đưa tay chỉ một cây cổ thụ lớn nằm chắn ra một phần đường ‘Đây là loại cây si do thủ tướng Phạm Văn Đồng trồng năm 1965, đánh dấu cột mốc số 0 biên giới.’ Dưới chân cây cổ thụ là cột mốc số 0, quốc lộ 1A. T. chỉ cho tôi nền đường khác nhau giữa hai phía VN và TQ. Đường cao tốc 1A VN làm bằng công nghệ bê tông nhựa nóng, đường TQ [Trung Quốc – ghi chú của tôi] làm bằng bê tông đúc sẵn. Ngay bên cột mốc, T chỉ một khu đất cao và giới thiệu đây là di tích Giếng Phi Khanh. Giọng em hùng hồn kể chuyện truyền thuyết về 3 cha con Phi Khanh, Phi Hùng và Nguyễn Trãi đã khóc như thế nào và nước mắt họ nhiều đến nỗi tạo thành cả một cái giếng nhỏ.
Tôi hồi hộp hỏi:
- Thế Ải Nam Quan đâu ?
T đưa tay chỉ cho tôi chiếc cửa ải phía sau Tòa nhà Xuất nhập cảnh của TQ. Tôi thở phào. Như bao nhiêu người VN yêu mến đất nước mình, tôi thở phào khi thấy ải Nam quan vẫn còn đây. Tôi hỏi T. ‘anh nghe đồn rằng Ải Nam Quan đã lùi sâu vào biên giới TQ đến vài cây số.’ T. phá lên cười lớn ‘làm gì có chuyện đó. Tuần nào em chẳng đi qua đây. Từ nào tới giờ cũng vậy mà.’
Chúng tôi tiến vào Toà nhà Xuất Nhập Cảnh phía TQ. Ấn tượng đầu tiên là cái bục tròn cho nhân viên đứng lên chào trông có vẻ rất Tàu. T. giỏi tiếng Hoa nhưng em kiên quyết nói tiếng Việt với cảnh sát Tàu. T. nói tụi nó phải học tiếng Việt để làm việc với mình. Mình qua đây đem lại quyền lợi cho tụi nó. Tụi nhân viên TQ có vẻ rất khó khăn khi nghe và trả lời bằng tiếng Việt. Đến cái đoạn thu lệ phí thì thật buồn cười. Chúng tôi phải trả giá với cảnh sát TQ, họ thu quá tùy tiện. Muốn thu bao nhiêu thì thu và chẳng có một chứng từ – phiếu thu tiền gì cả. Rõ ràng đây là kiểu lập quỹ đen của cảnh sát TQ (phía VN thu tiền có biên nhận của bộ Tài Chánh – Thuế phát hành).
Ra khỏi Tòa Nhà là cửa Ải Nam Quan đồ sộ. T. chỉ chữ Hữu Nghị Quan bằng chữ Hán do phó thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao Trần Nghị của TQ cho người khắc nói về tình hữu nghị Việt Trung. Cửa ải thật đẹp nhưng kiến trúc đậm nét quân sự kiểu Tàu. Tôi có chụp khoảng 50 tấm hình digital. "
[13] Nguyên văn trả lời của ông Lê Công Phụng: "Về thác Bản Giốc, thì đây là điều rất phức tạp. Chúng tôi cũng rất lấy làm lạ là trong sách sử của chúng ta và Trung Quốc từ năm 1960 đến nay, không ai nói thác Bản Giốc có phần là của Trung Quốc. Ngay Trung Quốc cũng không nói đấy là của Trung Quốc. Còn đối với chúng ta, thác này đã đi vào sử sách, nhất là sách giáo khoa của học sinh, thành di tích, điểm du lịch được nhiều người ưa chuộng. Đây là điều mà chúng tôi rất khó hiểu, bởi lẽ trong công ước giữa nhà Thanh và Pháp, thác Bản Giốc chỉ thuộc về chúng ta có 1/3 thôi; và theo thực trạng cột mốc được cắm từ thời nhà Thanh, thì chúng ta cũng chỉ được 1/3 thác.
Theo qui định quốc tế khi phân giới cắm mốc thì thác được coi như một dòng sông, một dòng suối. Đã là sông suối thì đường biên giới đi qua luồng chính, tức là chỗ tàu thuyền đi lại được. Còn đối với sông suối nơi tàu thuyền không đi lại được, thì đường biên giới phải đi theo rãnh sâu nhất.
Khi chúng tôi khảo sát thì mới thấy cột mốc nằm trên một cồn nhỏ ở giữa suối, cách đấy khoảng mấy trăm mét. Vì vậy nên cũng không mấy ai quan tâm đến cột mốc ở thác Bản Giốc. Trước tình hình như vậy, chúng tôi nghĩ rằng trong đàm phán phải hợp lí, thỏa đáng phù hợp với mặt pháp lí. Chúng ta phải căn cứ vào những thỏa thuận pháp lí Thanh – Pháp, căn cứ vào biểu đồ, căn cứ vào cột mốc hiện có mà dân địa phương nói là cột mốc đó từ xưa đến nay chưa ai thay đổi cả. Cuối cùng lãnh đạo chúng ta cũng nhất trí trong tất cả các điều kiện á6y, không thể đòi hỏi thác Bản Giốc phải là của chúng ta hoàn toàn được. Lẽ ra theo thực tiễn thì chúng ta chỉ được 1/3. Nhưng sau đàm phán, chúng ta và bạn đã thỏa thuận thác Bản Giốc được chia đôi, mỗi bên được 50%. Hiện nay cả hai bên đang tiến hàng khai th1c du lịch phía bên mình."
[14] Trên tờ Diễn Đàn (Paris), số tháng 3 năm 2002, tác giả Nguyễn Ngọc Giao viết, trích đoạn, "Tướng Trần Độ, trong cuộc nói chuyện qua điện thoại sáng ngày 22/2/2002, cho chúng tôi biết: cuối tháng 12/2001, ông đã kí bản kiến nghị (nói ở đầu bài) sau khi nghe truyền miệng những thông tin về đất đai và vùng biển bị mất, song từ đó đến nay, ông đã kiểm tra lại, thấy đó là những thông tin sai lệch. Căn cứ vào những thông tin đã kiểm tra, tướng Trần Độ cho rằng những điểm cụ thể mà ông Lê Công Phụng nói là đúng.

Chúng tôi hỏi ông dựa trên nguồn tin mới nào, tướng Trần Độ dơn cử Đại tá Lê Minh Nghĩa, nguyên trưởng ban biên giới, là người đã tham gia tất cả các vòng đàm phán. Đại tá Nghĩa, theo lời tướng Trần Độ, xác nhận con số 227 km2 đất đai tranh chấp và phân chia mà ông Phụng tuyên bố. Chúng tôi đã có dịp gặp Đại tá Nghĩa tại New York mùa hè năm 1998 nhân dịp Hội thảo về Biển Đông tại trường NYU và hỏi chuyện ông nhiều lần trong một tuần lễ ở đó. Ông đã bị bắt giam không xét xử 6 năm và quản chế 3 năm (1967 – 1976) trong vụ "Xét lại chống đảng". "Tôi bây giờ tâm niệm không muốn nghĩ đến điều gì khác, chỉ tâm niệm một điều là : gìn giữ từng tấc đất tấc biển của Tổ quốc," tôi còn nhớ rõ lời tâm sự đó của ông. Đối với tôi, Lê Minh Nghĩa là một chứng nhân đáng tin: nói như Malraux, đó là một chứng nhân đã bị "cắt cổ"."

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: