Sau nhiều thập kỷ làm ngơ trước các chiến dịch tình báo quy mô lớn của Trung Quốc, chính phủ Mỹ cuối cùng cũng phát động chiến dịch triệt phá hành động đánh cắp công nghệ của Mỹ.
Gần như định kỳ hàng tháng, Bộ Tư pháp Mỹ lại đưa ra thông báo bắt giữ nhiều người đối mặt với các cáo buộc khác nhau liên quan đến việc đánh cắp các bí mật công nghệ của Mỹ hoặc các hành động gián điệp tương tự.
Tháng trước, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã tiến hành bắt giữ quan chức chính phủ Trung Quốc Zhongsan Liu với cáo buộc gian lận visa nhằm che đậy vai trò của ông này trong việc điều hành một chiến dịch lớn của chính phủ Trung Quốc với mục đích thu thập công nghệ của Mỹ thông qua việc tuyển mộ các chuyên gia từ các trường đại học chuyên về công nghệ cao.
Ông Liu là người đứng đầu một tổ chức do Bắc Kinh lập ra làm bình phong tại thành phố New Jersey với tên gọi Hiệp hội Trung Quốc về Trao đổi Nhân sự Quốc tế (CAIEP).
Theo cáo trạng của tòa, từ năm 2017, ông Liu đã tiến hành việc gian lận để xin visa Mỹ cho các quan chức Trung Quốc với sự giúp sức của ít nhất 6 trường đại học ở Massachusetts, Georgia, New Jersey và những thành phố khác hiện vẫn chưa xác định được danh tính.
Chương trình Ngàn Nhân tài
Mục đích thực sự của tổ chức bình phong CAIEP nói trên là tuyển mộ những người Mỹ làm việc trong các dự án công nghệ cao nhằm hỗ trợ cho các chương trình tương tự của chính phủ Trung Quốc.
Kế hoạch này là một phần trong Chương trình Ngàn Nhân tài của Trung Quốc nhằm tuyển mộ những người Mỹ gốc Hoa và những cá nhân khác để hỗ trợ cho các nghiên cứu công nghệ cao của Bắc Kinh. Chương trình này được cho là có liên kết với Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc.
Báo cáo thường niên mới nhất của Lầu Năm Góc về sức mạnh quân sự Trung Quốc cho rằng Chương trình Ngàn Tài năng không chỉ nhằm mục đích thương mại mà còn nhằm hỗ trợ cho việc xây dựng tiềm lực quân sự ở quy mô lớn của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).
Ảnh minh họa: CNN
Báo cáo cho biết, những gì thu được từ Chương trình Ngàn Tài năng được sử dụng vào các nghiên cứu chiến lược và nhằm bù đắp những thiếu hụt về hiểu biết công nghệ.
Chương trình này "ưu tiên việc tuyển dụng những người có gốc gác Trung Quốc hoặc những người Trung Quốc mới di cư đến Mỹ mà chính phủ Trung Quốc thấy cần phải tuyển mộ để đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa khoa học và công nghệ của nước này, đặc biệt là trong lĩnh vực quốc phòng", báo cáo nói thêm.
Trợ lý Tổng chưởng lý John C. Demers, Trưởng Bộ phận An ninh Quốc gia, đã nói về trường hợp bắt giữ ông Liu "Chúng ta sẽ tiếp tục phải đối mặt với những nỗ lực của chính phủ Trung Quốc trong việc vi phạm luật pháp Mỹ nhằm thu được lợi ích từ việc chuyển các nghiên cứu và tiến bộ kỹ thuật từ Mỹ về Trung Quốc."
Trong cùng ngày việc bắt giữ ông Liu được thông báo, cựu sỹ quan Cục Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) Ron R. Hansen bị tuyên án 10 năm tù vì làm gián điệp cho Trung Quốc.
Hansen là một trong ba cựu sỹ quan tình báo Mỹ bị bắt vì tội làm gián điệp cho Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc (MSS) trong vòng ba năm qua và là vụ án lớn đầu tiên về hoạt động tình báo được đưa ra xét xử tại Mỹ trong hơn một thập kỷ qua.
Hai trường hợp còn lại là cựu sỹ quan CIA Kevin Mallory, người bị kết án 20 năm vì chuyển giao nhiều bí mật cho Trung Quốc và Jerry Chung Shin Lee, người đã được phía Trung Quốc trả hàng ngàn USD cho việc tiết lộ danh tính của rất nhiều nguồn tin đã được CIA tuyển mộ.
Các đặc vụ CIA: Bị bắt giam hoặc bị giết
Đã có khoảng 30 đặc vụ mà CIA tuyển mộ tại Trung Quốc bị bắt giam hoặc tử hình kể từ năm 2010, đây được coi là một trong những tổn thất nặng nề nhất cho cơ quan này kể từ sau khi CIA mất toàn bộ các điệp viên tại Nga trong những năm 1980 và 1990.
Sỹ quan phản gián của CIA Mark Kelton gọi hành động lật tẩy những người Mỹ làm gián điệp cho Trung Quốc là sự kiện chưa từng có tiền lệ.
"Mưu kế của Tôn Tử cho rằng ‘hiểu biết về lực lượng của kẻ địch chỉ có thể thu được với sự tiếp tay của gián điệp’ đang được áp dụng trong thời đại kỹ thuật số ngày nay," viên sỹ quan này nói. "Trung Quốc đã phát động một đợt tấn công ngầm nhắm vào toàn bộ các hoạt động tình báo của Mỹ."
Ảnh minh họa: Londonist
Những thiệt hại mà Mỹ phải gánh chịu bao gồm việc mất cắp các bí mật nhạy cảm liên quan đến thông tin về chính phủ, giao dịch thương mại và các ngành công nghiệp của nước này trước hàng chục ngàn cuộc tấn công qua không gian mạng từ phía Trung Quốc, chủ yếu được tiến hành bởi Cục 3 Quân Giải phóng Nhân dân (3PLA) nhắm vào các mục tiêu cả nhà nước lẫn tư nhân tại Mỹ.
Trong khi đó, các hoạt động thu thập thông tin tình báo truyền thống vẫn được tiến hành một cách nhanh chóng thông qua các sỹ quan tình báo Trung Quốc và cả đội ngũ gián điệp nằm trong những du khách và khách tham quan Trung Quốc. Đồng thời, phía Trung Quốc cũng cố gắng tìm cách tuyển mộ những người Mỹ có thể tiếp cận với các loại bí mật khác nhau.
"Mối đe dọa từ tình báo Trung Quốc mới chỉ bắt đầu được chú ý đúng mức," Kelton nói.
Trung Quốc cố gắng tránh để lực lượng phản gián Mỹ chú tâm tới họ bằng cách sử dụng các phương pháp có vỏ bọc ít gây nguy hiểm và cố gắng tránh các vụ việc có thể dẫn tới mức độ cảnh giác cao hơn từ phía Mỹ, họ đặc biệt chú trọng vào việc sử dụng các điệp viên không chuyên, Kelton cho biết thêm.
Các chiến dịch thầm lặng
Trong giai đoạn ngay sau Chiến tranh Lạnh, Trung Quốc cũng cố gắng tiến hành các chiến dịch thận trọng và kín đáo nhằm vào các đối thủ của chính quyền Bắc Kinh. Chúng phản ánh những giới hạn về năng lực của tình báo Trung Quốc trong việc triển khai các chiến dịch ở nước ngoài.
"Ngược lại, tình báo Trung Quốc ngày nay đã có thể với tay đến hầu khắp các quốc gia nhằm đáp ứng cho giấc mơ toàn cầu của nước này," Kelton nói.
Một lí do khác cho việc Mỹ thiếu sự tập trung cần thiết vào các chiến dịch tình báo của Trung Quốc là do ngành phản gián nước này quá tập trung vào các chiến dịch tương tự của người Nga.
Trong khi đó, Trung Quốc lại được coi là một địch thủ ít nguy hiểm hơn so với nước Nga của Tổng thống Putin.
Đặc vụ FBI tuyên bố cáo trạng nhằm vào một tội phạm tình báo với tội danh đem thông tin mật của Mỹ cho Bộ Quốc phòng Trung Quốc. Ảnh AFP/Justin Sullivan/Getty Images
Có nhiều dấu hiệu khác cho thấy Trung Quốc đang gia tăng các hoạt động tình báo ở nước ngoài, bao gồm việc nước này sử dụng cả một quan chức Bộ Công an, người này bị bắt hồi tháng 2/2019 khi đang do thám một căn cứ Hải quân Mỹ ở Key West, Florida.
Zhao Qianli đã bị bắt khi đang chụp ảnh các ăng-ten tại căn cứ nói trên và sau đó, FBI đã xác định được người này làm việc Bộ Công an Trung Quốc, cơ quan này vốn chưa từng được biết đến với các hoạt động tình báo ở hải ngoại.
Cuối tháng trước, cảnh sát California đã tiến hành một cuộc điều tra sau khi một người đàn ông châu Á bị bắt vì mạo danh một sỹ quan cảnh sát Trung Quốc. Người đàn ông này bị bắt khi đang lái một chiếc Audi có dán dòng chữ "Cảnh sát Vũ trang Trung Quốc" (PAP) bằng tiếng Trung.
Một nghi phạm mạo danh PAP khác cũng đang bị truy lùng. Các chuyên gia phản gián cho rằng viên cảnh sát này có thể là một phần trong các chiến dịch hải ngoại của Trung Quốc nhằm đe dọa hoặc ép buộc các thành phần chống đối người Hoa đang sống ở nước ngoài bị coi là đối thủ của chế độ Bắc Kinh.
Cuộc chiến dài hơi
Chiến dịch của Mỹ nhằm vào các hoạt động do thám của Trung Quốc chưa hề có dấu hiệu chững lại và được cho là sẽ còn tiếp tục với các chính sách ngày càng cứng rắn của Tổng thống D. Trump nhằm vào Trung Quốc.
Mới đây nhất, ngày 16/10, đến lượt Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố áp dụng các quy định mới lên hoạt động của các nhà ngoại giao Trung Quốc đang có mặt tại nước này. Theo đó, các nhà ngoại giao Trung Quốc cần thông báo cho phía Mỹ trước khi tiến hành bất cứ cuộc gặp chính thức nào với các quan chức ngoại giao Mỹ, hoặc các quan chức chính quyền địa phương và trước khi đến thăm bất cứ trường đại học hay viện nghiên cứu nào.
Một quan chức ngoại giao Mỹ giấu tên cho biết đây được coi là "sự đáp trả" của phía Mỹ trước những hạn chế mà phía Trung Quốc áp đặt lên các nhà ngoại giao Mỹ đang hoạt động tại nước này, đồng thời nhấn mạnh các nhà ngoại giao Mỹ phải "xin phép" phía Trung Quốc cho các hành động tương tự và họ thường bị từ chối, trong khi các đồng nghiệp Trung Quốc của họ tại Mỹ chỉ phải "thông báo trước" cho giới chức Mỹ.
Trên khía cạnh kinh tế, năm ngoái, Nhà Trắng đã đưa ra một bản báo cáo về "Tham vọng kinh tế của Trung Quốc" trong đó ước tính việc đánh cắp công nghệ của Trung Quốc tại Mỹ đã làm nước này thiệt hại khoảng 600 tỷ USD hàng năm chỉ tính riêng về sở hữu trí tuệ.
Tổng thống Trump đang đi theo một chiến lược đã được sử dụng trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, đó là ngăn cản Liên Xô tiếp cận được với khoa học công nghệ của Mỹ và các nước phương Tây, điều này được cho là góp phần vào sự sụp đổ của Liên Xô và khối Soviet năm 1991.
Ông Trump đang thử thách Trung Quốc để xem liệu phép màu kinh tế kéo dài 30 năm qua của nước này có thể tiếp tục mà không cần sự tiếp sức của công nghệ Mỹ hay không.
theo Trí Thức Trẻ
|
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét