(PL)- Lâu nay một số học giả cho rằng Mỹ và phương Tây chưa thực sự hiểu về Trung Quốc. Điều đó khiến các động thái chống lại sự bành trướng của Bắc Kinh tại biển Đông trở nên thiếu hiệu quả.
Hôm 23-10, phát biểu tại Viện Brookings, Bộ trưởng Hải quân Mỹ Richard Spencer cảnh báo Mỹ đang gặp phải một đối thủ “không cần phân biệt đâu là nguồn lực dân sự và nguồn lực quân sự”. Đó chính là Trung Quốc (TQ). Cụ thể, TQ sẵn sàng huy động toàn bộ sức mạnh từ khu vực công đến khu vực tư để đối đầu với Mỹ. Bộ trưởng Spencer gọi là “cách tiếp cận toàn bộ chính phủ”.
Ông Spencer đã nhận diện chính xác những gì TQ đã triển khai trong hầu hết mặt trận chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội trong nước lẫn nước ngoài. Đặc biệt rõ thấy nhất chính là biển Đông. Bắc Kinh đầu tư không chỉ vào lực lượng hải quân mà ngay cả các lực lượng tàu hải cảnh, dân quân biển nhằm triển khai chiến thuật “tằm ăn dâu”, “cắt lát salami” hay “vùng xám”. Thực tế, các lớp tàu dân quân biển được hộ tống và bảo vệ bởi các lớp tàu hải cảnh, tàu chiến của TQ đã ngang ngược tham gia nhiều hoạt động gây hấn, đe dọa, khảo sát địa chất và tài nguyên, thậm chí là dùng vũ lực chiếm đóng các thực thể ở biển Đông một cách trái phép.
Mặt khác, nhiều chuyên gia nhận thấy TQ khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp nước này tham gia quá trình tiếp cận, đánh cắp công nghệ, trong đó có công nghệ vũ khí để nâng cao năng lực ngành công nghiệp quốc phòng, cạnh tranh lại các loại vũ khí tối tân của Mỹ ở biển lẫn trên không.
X
Trong khi đó, Mỹ và nhiều nước phương Tây lâu nay tiếp cận biển Đông chủ yếu bằng các giải pháp quân sự. Điều này không khó lý giải. Thứ nhất, các báo cáo của Lầu Năm Góc về năng lực quốc phòng và sự hiện diện quân sự của TQ tại khu vực Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương cho thấy quân đội TQ đang mạnh lên đến mức nguy hiểm. Kèm theo đó là các động thái ngang ngược của Bắc Kinh, vốn bị Mỹ điểm mặt đặt tên là “dọa nạt, ăn hiếp” các nước khác. Hai là dường như người Mỹ rất rạch ròi giữa quân sự và dân sự khi tiếp cận TQ. Điều đó khiến họ chưa hình dung hết các chiêu trò và ý đồ “không đánh mà thắng” trong tư duy của người TQ. Vậy nên dù liên tục tăng cường tập trận và tuần tra tự do hàng hải, Washington dường như chưa thể “ghè chân” được Bắc Kinh.
Bình luận về sự kiện TQ hung hăng cử đội tàu Địa chất hải dương 8 xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam từ hồi tháng 7 vừa qua, chuyên gia Gregory Poling, Giám đốc Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI), nhận định: “Cả chính quyền Tổng thống Donald Trump và người tiền nhiệm Barack Obama đều không có giải pháp đối phó chiến lược lấn biển của TQ một cách hiệu quả. Cả hai tổng thống Mỹ đã phụ thuộc quá nhiều vào Bộ Quốc phòng, tức là các giải pháp quân sự. Trong khi đó, vấn đề cốt lõi tại biển Đông vốn không chỉ là vấn đề quân sự và không thể giải quyết bằng quân đội, khí tài. Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao đang thiếu những nỗ lực cấp cao, đó mới chính là giải pháp cần thiết cho biển Đông.
Trong bối cảnh đó, cảnh báo của Bộ trưởng Hải quân Mỹ Richard Spencer hôm 23-10 và kèm theo đề xuất rất đáng chú ý: Bộ Quốc phòng Mỹ chống lại TQ bằng cách tiếp cận tương tự TQ đã làm. Cụ thể, Lầu Năm Góc cần huy động và phối hợp với nhiều cơ quan chính phủ dân sự khác như Bộ Thương mại, Bộ Tài chính hay Bộ Nông nghiệp. Cách tiếp cận này dường như đã bắt đầu được Mỹ áp dụng: (i) Cuộc chiến thương mại chống lại TQ, trong đó có mục tiêu xóa nạn đánh cắp công nghệ; (ii) Hạ viện và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tiến hành mở rộng quyền giám sát của Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS), trong đó có mục tiêu quản lý việc các công ty TQ đang mua rất nhiều tài sản ở Mỹ; (iii) Tổ chức các đơn vị giám sát đặc biệt TQ,…
Cách tiếp cận mới này nếu được hỗ trợ bằng nhiều động thái cụ thể, quyết liệt hơn nữa thì chắc chắn TQ sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện mưu đồ biến biển Đôngthành “ao nhà”.
ĐỖ THIỆN
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét