Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 23 tháng 10, 2019

TẦM NHÌN


(Trích Lê Vĩnh Triển/ motthegioi.vn/)
Tác giả cho rằng các bước đi hiện tại của lãnh đạo quốc gia nên được đặt trong một tầm nhìn dài hạn, chủ động hướng đến một di sản gồm một ý thức dân tộc độc lập, một non sông phát triển vững bền, một Việt Nam cường thịnh đủ sức răn đe đối với bất cứ thế lực bành trướng nào, đặc biệt từ Trung Quốc.
….. Lãnh đạo quốc gia KHÔNG ĐƯỢC THIẾU TẦM NHÌN, vì nếu thế sẽ làm bại hoại cả một dân tộc. Không thể như cá nhân hay gia đình bị cái khó bó cái khôn, nghèo hèn, quốc gia có thể có những lúc nghèo nhưng không thể hèn, TRÍ THỨC (nghĩa rộng - dân) và CHÍNH QUYỀN CỦA QUỐC GIA ĐÓ KHÔNG ĐƯỢC HÈN KÉM (tâm thế kém cỏi) mới mong có một tầm nhìn dài hạn, đi trước và chủ động trước các thay đổi của thế giới và khu vực, không đợi đến khi thay đổi diễn ra rồi thụ động đối phó và lệ thuộc.
…Gần đây, có một số trí thức cho rằng nước ta nghèo nên phải nhịn nhục, đồng thời diễn dịch lịch sử Việt Nam theo hướng này. Rằng Việt Nam nên học theo cha ông ta đã nhịn Trung Quốc như từ bao đời phong kiến. Họ dẫn chứng về việc xin phong vương của các vua Việt Nam và việc triều cống của các triều đình Việt Nam với các triều đình Trung Quốc.
…Họ còn cho rằng Việt Nam là nước nhỏ và yếu hơn Trung Quốc nên phải nhịn nhục, chấp nhận thân phận nhược tiểu. Với những lý lẽ này, họ biện minh cho mọi cách thức nhường nhịn và bằng mọi giá tránh gây phiền phức cho Trung Quốc…
…Thật đáng buồn cho tâm thế hèn kém xuất phát từ sự đánh giá tình trạng đất nước như thế này. Có thể thấy những trí thức với tâm thế như vậy sẽ không trình bày được một tầm nhìn nào cho tương lai và triển vọng của đất nước, có thể nói họ lo sợ sự trả đũa của Trung Quốc đến tê liệt và không đưa ra được một giải pháp nào để đối phó.
… Mong muốn hòa bình nhưng không bao giờ nhân nhượng khi một tấc đất cương thổ bị xâm hại. Ông cha ta chấp nhận là nước nhỏ (tiểu), cần giữ hòa khí để phát triển chứ không hề yếu (nhược). Nguyễn Trãi đã rất dõng dạc “Dẫu cường nhược có lúc khác nhau/Song hào kiệt đời nào cũng có”…. Ngay trong hoàn cảnh các triều đại Trung Hoa hùng mạnh, thậm chí hung tợn, hừng hực khí thế, tràn sang xâm chiếm nước ta thì cũng thường bị đánh tơi bời…
… Đó là chưa bàn đến khía cạnh ngụy biện về bối cảnh. Thế giới ngày nay là toàn cầu hóa chứ không phải thời quan hệ “cá lớn nuốt cá bé” giữa các nước như thời trung cổ. Các quốc gia ngày nay hành xử với nhau còn phải tuân thủ theo luật pháp quốc tế, các quốc gia lớn ngày nay không thể hành xử bạo ngược như thời phong kiến.
Nếu nước lớn có tâm thế bạo ngược, bất tuân luật pháp quốc tế và CÁC NƯỚC NHỎ NẾU CỨ DUY TRÌ TÂM THẾ HÈN KÉM VÀ KHÔNG TIN VÀO LUẬT PHÁP QUỐC TẾ thì chính bản thân các nước nhỏ đã tự đặt mình vào thế áp đặt của chính các nước lớn, và tự đánh mất sức mạnh của thời đại mà mình đang dự phần. Hay có thể nói…tâm thế như thế đã chấp nhận sự bất tuân luật pháp quốc tế của các nước lớn.
…Nếu không có tâm thế và tầm nhìn… Lý Quang Diệu đã không thể để lại một di sản là một Singapore nhỏ bé mà vững vàng và được tôn trọng. Nếu không có tâm thế và tầm nhìn…, lãnh đạo các quốc gia như Nhật Bản khi canh tân đất nước thế kỷ 19 và sau thế chiến II đã không thể biến nước Nhật thành siêu cường khiến Trung Quốc không thể đe dọa (nếu không nói là ngược lại).
Tương tự như vậy, nếu các lãnh đạo không có tầm nhìn để thấy được yêu cầu dân chủ hóa đất nước trong thập niên 1970, 1980 thì các nước như Đài Loan và Hàn Quốc đã không có được sự tin tưởng ủng hộ từ các nền dân chủ phương Tây, không có được sự bứt phá về kinh tế và ý thức hệ so với Trung Quốc, để đưa đất nước thoát bẫy thu nhập trung bình, tiến lên mạnh mẽ và hạn chế những đe dọa thôn tính từ Trung Quốc.
… Như vậy, Việt Nam đã luôn thường trực đối mặt với sự bạo ngược của Trung Quốc, luôn chịu ảnh hưởng tiêu cực và trực tiếp bởi tầm nhìn của lãnh đạo Trung Quốc. Trong hoàn cảnh như vậy, nếu trí thức và lãnh đạo Việt Nam không cảnh giác với tâm thế nhu nhược vốn dĩ là rào cản cho một tầm nhìn xa rộng; không sở hữu một tầm nhìn xa rộng, đoán định được những thay đổi và cơ hội của thời cuộc mà cứ lay hoay hỏi, bàn và giải quyết hậu quả của các vấn đề trong nước và các biến động địa chính trị một cách bị động, họ sẽ để lại một di sản nhãn tiền là MỘT ĐẤT NƯỚC “KHÔNG MUỐN PHÁT TRIỂN”, doanh giới thiếu động cơ vươn lên, một giới trí thức lười suy nghĩ, một chính quyền ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc vốn là nước luôn xuất hiện những lãnh đạo với tâm thế bạo ngược và tầm nhìn thôn tính thiên hạ…
....Việc Trung Quốc leo thang các hoạt động quấy phá ở Biển Đông, đặc biệt sự kiện bãi Tư Chính, đã bộc lộ rõ tham vọng của chính quyền Trung Quốc trong việc độc chiếm Biển Đông. VIỆT NAM CẦN THỂ HIỆN RẰNG CÁC VẤN ĐỀ VỀ BIÊN GIỚI LÃNH THỔ LÀ KHÔNG THỂ BỊ RÀNG BUỘC BỚI BẤT CỨ THỨ RÀO CẢN Ý THỨC HỆ NÀO, dù có ngụy trang bằng “TẦM NHÌN CHUNG”, NHẰM TRÓI TAY VIỆT NAM TRONG VIỆC LÊN TIẾNG BẢO VỆ LÃNH THỔ CỦA MÌNH. Việt Nam cần cẩn trọng đối với cái gọi là “tầm nhìn chung” mang màu sắc ý thức hệ này, nó có thể khiến chúng ta mất đi sự ủng hộ mạnh mẽ của các quốc gia khác.
Bài học các nước Đông Á nêu ở trên trải qua hai thế kỷ đã chỉ rõ: độc lập tư duy, độc lập về tầm nhìn riêng của dân tộc là khởi đầu của tự cường và thịnh vượng!
Theo Lê Vĩnh Triển

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: