Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 22 tháng 10, 2019

CHẤT THẢI CAO SU NGẤM VÀO NHÀ MÁY NƯỚC SÔNG ĐÀ ĐỐC NHƯ THẾ NÀO ?


Trao đổi với chuyên gia hóa học, chế tạo, (xin giấu tên, vì anh quen biết và tư vấn cho đến 90% các cơ sở nhiệt phân cao su ở Việt Nam), anh này nói như sau: Mấy năm nay, nở rộ các xưởng nhiệt phân rác thải cao su, nhựa, lốp xe... ở Việt Nam, bằng công nghệ Tàu, để thu dầu FO làm chất đốt.
Theo anh, người đầu tiên ở Việt Nam sáng chế hệ thống nhiệt phân cao su là ông Nguyễn Hồng Khánh ở Hải Phòng (ông này tôi từng viết mấy bài trên VTC). Tuy nhiên, hệ thống chế tạo của ông Khánh thô sơ, nên hiệu quả không cao, nên các cá nhân, doanh nghiệp nhập hệ thống nhiệt phân của Tàu, vừa rẻ lại hiệu quả kinh tế.
Theo anh này tiết lộ, Công ty gạch men Thanh Hà ở Phú Thọ chính là một trong số nhiều đầu sỏ sử dụng hệ thống nhiệt phân rác thải cao su. Nguồn thải từ công ty này đã đổ ra đầu nguồn nhà máy nước sông Đà.
Ngay ở Hòa Bình, cũng có vài cơ sở nhiệt phân cao su, xăm lốp. Vì nó rất nguy hại, có thể phát thải độc, nên họ đều làm ở nơi hẻo lánh, bí mật, để ít người để ý, ít ảnh hưởng đến người dân.
Có một vài công ty lớn ở Việt Nam cũng tham gia công cuộc nhiệt phân lốp cao su, rác thải nhựa để thu lời.
Đây là lĩnh vực âm thầm, nhưng lợi nhuận rất cao. Ví dụ: Một kg cao su săm lốp mua với giá 1-2 ngàn đồng, nhưng chế biến thu hoạch dầu FO (được 40% chẳng hạn, đại khái thế), bán giá 14-15 ngàn đồng. Mỗi ngày nhiệt phân trăm tấn lốp xe, rác thải nhựa là bỏ túi hàng trăm triệu đồng.
Đây là lời cảnh báo khủng khiếp, bởi Việt Nam sẽ có nguy cơ biến thành nơi nhập rác thải nhựa, cao su từ khắp thế giới. Với lợi nhuận “cắt cổ” thế này, mà không ngăn chặn ngay, thì có thể sẽ có những con tàu chở hàng vạn container rác thải xăm lốp, nhựa nguy hại vào Việt Nam.
Đọc phân tích của anh bạn kỹ sư hóa chất, thì quy trình nhiệt phân rất lằng nhằng với các thông số hóa học nhức cả óc. Nhưng đại loại, quá trình nhiệt phân từ các cơ sở sẽ ảnh hưởng đến môi trường như sau:
- Khói do đốt khí GAS: Thường các dây truyền trên thực tế cắt bớt các khâu xử lý khói nên khí thải ra chứa nhiều hợp chất Hydrocacbon chưa oxy hóa hết, gây ảnh hưởng môi trường.
- Than: Là loại than được cho vào trong quá trình chế tạo Cao su, sau khi nhiệt phân được hoàn nguyên, than này nhiễm dầu nên nếu không làm nhiên liệu đốt đưa vào các ứng dụng khác bị phát tán ra môi trường cũng rất nguy hại.
- Phần cặn, nước nhiễm dầu (thứ đổ ra đầu nguồn nhà máy nước sông Đà): Đây là kinh khủng nhất. Trên sơ đồ công nghệ của hệ thống nhiệt phân, thì nó là Dầu nặng (Havy oil tank), thiết bị số 5 trên sơ đồ mô tả thiết bị, là loại độc hại nhất.
Loại chất thải đổ ra nhà máy nước sông Đà, ngoài các hợp chất phức tạp như: Metyl benzen, Xylen, Xiclo octatetraen, 4-metyl xiclohexen-1, Hexanenitrile, Trans 3,5-dimetyl octatrien, 1,3,7-octatrien-5-dien, 1-metyl-4-isopropyl benzen... (rất nhiều thành phần không xác định được nữa), thì còn lại phần lớn là các Hydrocacbon mạch vòng, khối lượng phân tử lớn, các hợp chất của của lưu huỳnh, các phức kim loại: Sắt, Nhôm, Kẽm, Chì... Các muối Can xi, Silic, Magie... .
Điều đáng nói, là chất nhiễm dầu và cặn này không thể cháy, cực bền hóa học, mùi hôi đặc trưng (tiếp xúc qua bay hơi cũng có thể gây nôn mửa, dị ứng, rất nguy hiểm).
Theo lời anh bạn, thì hai ông vùi đầu trong xưởng, nghiên cứu xử lý loại chất thải này, đã bị dị ứng, lở loét toàn thân, chữa trị tốn kém cả trăm triệu đồng.
Điều đáng nói, như lời anh bạn, thì ngay ở Hòa Bình cũng có mấy cơ sở nhiệt phân cao su, lốp xe, và anh khẳng định, khó có chuyện họ thuê đơn vị nào đó xử lý, vì sợ tốn kém, mất sạch lợi nhuận. Theo cách thông thường, họ sẽ chôn lấp, đổ ở chỗ nào đó bí mật, kín đáo, để thấm vào lòng đất.
Một số công ty đã thử xử lý loại này bằng nhiệt, với chi phí 7-8 triệu/mét khối. Tuy nhiên, những loại hóa chất này khi bốc hơi, đã làm mài mòn ống khói, có nguy cơ gây thiệt hại vài tỷ đồng vì phải thay ống khói khẩn cấp.
Một số công ty lớn, thì chưa có hướng xử lý chất thải, nhưng họ không đổ ra môi trường, vì họ ý thức được sức tàn phá khủng khiếp với loài người. Do đó, hiện họ lưu trữ trong các bể lớn, chờ đợi các phương pháp xử lý hiệu quả.
Kịch bản xấu nhất như sau: Các cơ sở nhỏ lẻ đã tẩu tán nhiều năm ở khu vực Kỳ Sơn, quanh nhà máy nước sông Đà, và chất thải đã ngấm vào lòng đất rất sâu, rồi ngấm dần ra hồ. Vụ đổ trộm vừa rồi, bị phát giác, có thể là do trời mưa đột ngột khi chúng mới đổ, làm chất thải tràn trên mặt, nên mới bị phát hiện.
Hy vọng, đó chỉ là vụ đổ trộm đầu tiên và bị phát giác ngay.
Theo anh, cần phải khoanh vùng điều tra thật kỹ. Nếu có chuyện đổ trộm từ lâu, thì phải múc hết đất đổ đi chỗ khác. Sau đó, thau rửa hồ Đồng Bài nhiều lần, thậm chí múc cả bùn đáy đi, mới hy vọng sạch được các chất thải.
Còn, việc dùng các tấm lọc, với than hoạt tính, theo anh, là trò mèo, vì không có ý nghĩa gì trong việc xử lý các "Hydrocacbon mạch vòng, khối lượng phân tử lớn, các hợp chất của của lưu huỳnh, các phức kim loại Sắt, Nhôm, Kẽm, Chì... Các muối Can xi, Silic, Magie...".
Và, anh cũng lưu ý, với trẻ con, thì phải tránh xa khẩn cấp với các loại nước, không khí nhiễm chất thải từ nhiệt phân lốp, rác thải nhựa.
Lưu ý:
Bài viết không mang tính dọa dẫm ai cả. Nó là phân tích khoa học của một chuyên gia. Là lời cảnh báo cho tình trạng đổ trộm chất thải sau nhiệt phân, để cơ quan quản lý lưu ý. Ngoài ra, nếu hồ Đồng Bài không bị nhiễm quá nặng, xử lý kịp thời, thì là điều rất tốt.
FB Phạm Dương Ngọc

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: