1.Chiều hôm qua sếp tôi duyệt hai tập đầu của phim tài liệu "STARTUP". Trong phần tựa phim, đạo diễn cho xuất hiện bản đồ Việt Nam như hình tôi post dưới đây, chỉ vài giây thôi mà sếp bắt tua đi tua lại nhiều lần, căng mắt ra coi có thấy Trường Sa, Hoàng Sa không?
Đạo diễn trả lời là có, vì anh và họa sĩ đồ họa rất ý thức chuyện này. Nhưng sếp nói, các quần đảo tô màu xanh đang bị các chùm chấm xanh kỹ xảo trùng màu che mất, phải sửa lại, phải cho hai quần đảo này hiện ra rõ ràng.
Đạo diễn méo mặt, vì cứ đụng vào 3D Effect là sửa và render mất 6 ngày, trong khi lịch phát sóng dí sát nút. Mà đã sửa kỹ xảo thì cả ê-kíp hậu kỳ phải chỉnh, render, xuất file lại, khá mất thời gian, nhưng phải làm thôi. Mặc dù chỉ vài giây thoáng qua ở tựa phim nhưng phải cho thấy rõ hai quần đảo này không chỉ là trách nhiệm nghề nghiệp mà còn là trách nhiệm công dân.
2. Chiều tối, trên đường về nhà, vào Facebook, đọc thấy dân mạng xôn xao chuyện chị Ngát nói "chỉ vài giây"... Tôi cầu mong là báo chí viết nhầm, trích nhầm ý chị, chứ ai làm nghề đều hiểu rất rõ, phim được tích hợp chi li tới từng frame, vài giây nhưng có khi cả ê-kip cày cả tuần nên tôi dám chắc rằng vài giây đó không hề vô tâm, nó chính là dã tâm bành trướng. Chợt thấy chuyện nhích từng centimet giữa chốn kẹt xe chả nghĩa lý gì.
3. Tối, đọc báo, thấy phim "Ròm" được giải thưởng Liên hoan phim Busan thì bị phạt và lệnh hủy phim vì không xin phép mà tự ý đi thi, thấy vừa buồn cười, vừa thương cho cơ chế nước mình. Buồn cười vì phim xuất file, chứa trong ổ cứng, nộp cho Ban tổ chức roài, chừ hủy mần răng? Có công văn đính kèm hướng dẫn cách hủy không chứ tôi thiệt tình là không biết làm sao? Hay phim xuất ra bản nhựa nhỉ?
[Nghe đồn hồi thập niên 80, Đặng Thái Sơn đi thi piano Quốc tế ở Ba Lan cũng không được cấp phép, phải đi thi bằng giấy phép của Liên Xô, không nhớ hồi đó ông có bị phạt và bị yêu cầu hủy gì không nhỉ?]
Thế kỷ 21 rồi, kết nối thế giới rồi, nghệ thuật mình đi sau người ta cả thế kỷ, tác phẩm nào được giải là cả một sự tự thân cố gắng rất dài. Giỏi thì khen, sai thì phạt, đâu ra đó thì mới được lòng dân và khuyến khích nghệ thuật. Sao chỉ vì việc vi phạm hành chính mà tước bỏ giải thưởng, tước bỏ sự tồn tại của phim, không công nhận giá trị nghệ thuật và thông điệp sâu sắc mà phim mang lại cho cộng đồng.
4. Nhớ lại buổi sáng lên lớp, tôi chia sẻ với sinh viên về vai trò của Nghệ sĩ với cộng đồng, với đất nước, về vai trò của nghệ thuật trong chiến lược dùng "Văn hóa đại chúng" để thúc đầy phát triển kinh tế, mở rộng thị trường. Với ví dụ xa là Mỹ, ví dụ rất gần là Hàn Quốc, từ năm 1994, dùng phim truyền hình làm ngọn cờ đầu, khéo léo xây dựng xu hướng tiêu dùng mới, kéo theo cuộc tấn công ồ ạt của hàng hóa vào Saigon. Chỉ 2- 3 năm thôi, đã lật đổ thói quen dùng hàng Thái Lan của dân Việt lúc bấy giờ, tạo trào lưu môi trầm và mê Hàn của giới trẻ...bla bla bla.
Giờ nhìn lại coi, riêng ngành điện ảnh thôi, chủ các rạp chiếu phim bây giờ là ai? Người Việt được mấy người? Vì sao vậy?
Quy luật cạnh tranh là đương nhiên, nhưng nền tảng chính sách, pháp lý và ứng xử của các nhà quản lý nhà nước rất quan trọng trong việc góp phần hỗ trợ hay dập tắt doanh nghiệp. Chưa kể, các vị cần thấu hiểu vai trò truyền cảm hứng của mình trong việc khuyến khích phát triển nghệ thuật và kinh tế.
Lẽ nào tới hôm nay mãi vẫn không làm được điều Hàn Quốc đã từng làm trên đất nước mình gần ba thập niên trước, chưa kể còn Nhật Bản và nhiều nước khác nữa. Chả lẽ thế hệ sau cứ mãi đi làm thuê cho các ông chủ nước ngoài trên chính quê hương mình?
Đau !
NGUYỄNMỸ KHANH 15.10.2019
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét