Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 17 tháng 10, 2019

Một tổn thất cho văn hóa và văn học VN..


Hay tin muộn quá. Thương tiếc vô vàn. Một tổn thất cho văn hóa và văn học VN.
'Vẫy gọi nhau làm người", tôi thích cuốn này nhất của Anh. Nồng nhiệt, say đắm, dấn thân, sang trọng. Người trong nước đã được đọc đâu, vì có cho in đâu mà đọc? Anh cũng là những Việt kiều ở Pháp vì yêu nước nên kiến nghị nhà nước VN phải thế nọ thế kia, thế là bị dọa đừng có về nghen, sẽ bị làm phiền. Thế là mấy chục năm anh không về, sau này có được khều, cũng không muốn về và...đã không thể về nữa rồi.
Bìa sách tôi post cùng ở đây là tập truyện Anh dịch cho 14 tác giả in ở Pháp 1997: Ng Huy Thiệp, Ng Q Thân, Ng Thị Ấm, Tạ Duy Anh, Tr Trung Chính, Đỗ Phước Tiến, Xuân Đài, Dương Thanh Vũ, Tr Thùy Mai, D Thu Hương, Lại Văn Long, Nguyễn Bản, Bảo Ninh, Trần Vũ.
Anh cũng là người dịch sang tiếng Pháp và in ở Paris 16 đầu sách khác của nhiều tác giả VN quan trọng.
Một nén nhang từ xa cho Anh, bạn quý của chúng tôi. Gặp anh Thân và lại đùa nhau trên ấy rồi, anh nhỉ? Yêu anh nhiều lắm.
(Bài viết về NQT và tôi đã in vào Di cảo nă 2017)
Nguyễn Quang Thân
nhà văn trung thực với chữ nghĩa của mình
Phan Huy Đường
Tôi biết Nguyễn Quang Thân qua tiểu thuyết Ngoài khơi miền đất hứa. Đọc nó, tôi xúc động, sững sờ. Ở Việt Nam "xã hội chủ nghĩa" mà có tác giả hành văn dựng truyện mới lạ, hiện đại đến thế ! Lúc ấy anh Minh đang thèm dịch văn chương Việt Nam sang tiếng Pháp. Tôi bảo: thèm dịch văn thì cứ dịch, nhưng không dịch thử chơi chơi một truyện ngắn xem sao, mà dịch hẳn một tiểu thuyết với mục đích xuất bản, nếu đồng ý, tôi giới thiệu.Thế là anh Minh lao vào dịch Ngoài khơi miền đất hứa.
Kể cũng liều: anh Minh còn trẻ, chưa hề viết văn, dịch văn. Nhưng biết làm sao giờ? Tôi muốn thành lập một bộ sách văn chương Việt Nam ở một nhà xuất bản Pháp. Để độc giả Pháp, khi cần, biết tìm văn chương Việt Nam ở đâu. Bộ sách ấy sẽ làm bàn đạp cho văn chương Việt Nam đi vào văn học Pháp, nhà văn vào trước mở đường cho nhà văn tới sau. Chuyện ấy, một mình tôi không thể làm được. Ngoài Kim Lefevre, tôi không quen ai có thể hợp tác. Đành "đào tạo" dịch giả trẻ.
Thử nghiệm đầu tiên với một cậu sinh viên rất mê dịch văn và đầy tin tưởng ở mình, tôi vỡ mặt. Nhưng chưa nản chí. Anh Minh dịch xong chương nào, gửi cho tôi bản thảo, hỏi OK?. Tôi yên tâm: đừng lo người nhạy cảm văn chương. Đó là điều cơ bản, không ai dạy ai được, không ai học ai được. Mọi chuyện còn lại, học được hết. Quả nhiên, tác phẩm mới vừa xuất bản, liền được tuyển dự một giải văn chương của đài Radio France International và vào chung kết.
Tôi gặp Nguyễn Quang Thân khi chàng được thành phố Bordeaux mời làm khách cư ngụ văn chưong (residence litteraire) trong một tháng. Lúc ấy tôi được mời tham dự với sinh hoạt văn chương văn hoá ở Bordeaux. Phòng tôi ngay cạnh căn hộ của chàng. Sáng sáng, tôi tới chàng uống trà. Chàng uống trà kiểu truyền thống, ấm đất nung màu nâu nhỏ xíu, nửa trà nửa nước. Chén trà chỉ một hớp là cạn, nhưng chàng nhâm nhi có thể nửa giờ chưa hết. Chỉ ở dịp này tôi mới được uống trà kiểu ấy.
Ngày ngày, hai đứa lang thang trong thành phố thi vị này. Lúc ấy, Unesco đã ghi danh Bordeaux là di sản của nhân loại. Bordeaux đang được cải tạo. Có những khu phố lộng lẫy hiện đại. Có những khu phố nghèo xác xơ, nhưng rất đẹp và, đặc biệt có sinh hoạt văn hoá văn nghệ cởi mở, dồn dập. Có một tiệm ăn trứ danh, bán một món ăn duy nhất : "L'Entrecote". Muốn ăn, chỉ có một cách: đến sớm sắp hàng vào cửa, tiệm không nhận giữ chỗ cho bất cứ ai. Và, thú vị hơn cả, có hai người bạn hợp tính hợp gu đi dạo, tán gẫu trời biển với nhau. Đặc biệt, chuyện gì đi nữa, nghiêm trọng đến mấy, như chuyện đấu đá giữa Tố Hữu và phe nhân văn đòi đổi mới chẳng hạn, qua mắt Nguyễn Quang Thân đều thấm vẻ hài hước.
Một lần, bước vào một phố cổ nhỏ, thấy phố mang tên L'Esprit des Lois (Tinh Thần Pháp Luật, tác phầm lừng danh của Montesquieu, nền tảng của thể chế tam phápn quyền đời nay), tôi buồn buồn nghĩ : ngày nào ở Hà Nội mới có một con đường mệnh danh Bình Ngô Đại Cáo ? Vài phút sau, trong một phố khác, khắc trên mặt đường, một câu văn của Montaigne. Tôi bùi ngùi. Đúng, Bordeaux có quyền tự hào là nôi của tư duy về pháp luật. Đúng, Bordeaux có quyền tự hào là quê hương của một trong những ngòi bút đã sáng tạo ra tiếng Pháp hiện đại mà Thân và tôi đang đứng.
Bữa đó, chẳng biết tán gẫu với nhau thế nào mà khiến chàng nói : Tôi là nhà văn coi như nếu tôi đã viết một câu văn tồi, thì toàn bộ tác phẩm của tôi đáng vứt vào sọt rác. Tôi hiểu liền, ớn ớn. Hay cũng tốt, dở chẳng sao, đúng thì mừng, sai thì nhận, có sao đâu. Nhưng, viết tồi thì không viết. Lạ thật, có lẽ chỉ riêng với chàng, câu nói ấy không khiến tôi bật cười. Tôi chỉ nghĩ : ông anh thức thách ở mức cao đấy. Từ đó, mỗi khi có dịp đọc hay đọc lại một tác phẩm của chàng, tôi chờ xem xem có câu văn tồi nào chăng. "Đành" công nhận: Nguyễn Quang Thân là nhà văn không có khả năng viết một câu văn tồi.
Tôi cũng viết lăng nhăng đủ thứ văn phong trong đủ thứ lĩnh vực, tiếng Việt, tiếng Pháp. Tôi cũng mong được như Nguyễn Quang Thân, sẽ không bao giờ viết một câu văn tồi hay đểu. Khó quá. Để xem sao.
P.H.Đ

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: