Một trong những đặc điểm thú vị của tiếng Việt là sự biến hóa của ngữ nghĩa; cùng một từ có thể có nhiều nghĩa khác nhau, có thể đồng nghĩa hoặc nghịch nghĩa, và nghĩa bóng nghĩa gió đủ thứ... Xin lấy từ "LỪA" làm một ví dụ.
Từ này có hai nghĩa gốc: a) là danh từ gọi tên một loài động vật được nuôi giữ để thồ hàng: con lừa; và b) vừa là danh từ vừa là động từ với nghĩa là lừa lọc, lừa đảo, lừa phĩnh, lừa gạt, đánh lừa (đều có hàm ý xấu, không rõ ràng minh bạch)
Xuất phát từ nghĩa đen (con lừa), còn có thêm những nghĩa bóng ám chỉ sự dốt nát, ù lỳ, chậm hiểu nhưng bảo thủ. Bên cạnh một vài thành ngữ như "đồ con lừa" hay "gìa lừa ưa nặng", còn có ngữ "xứ lừa" để ám chỉ những đất nước mà ở đó tình trạng trì trệ, bảo thủ , chậm tiến luôn ngự trị. Các nghĩa ở b) hoàn toàn không liên quan với nghĩa ở a) và hầu như không có nghĩa bóng nhưng rất thông dụng hàng ngày. Tuy nhiên, với lối "chơi chữ" của người Việt thì các từ, ngữ và nghĩa nói trên có thể vẫn có mối liên quan mật thiết với nhau, đôi khi rất khó dịch ra tiếng nước ngoài sao cho người đọc vừa hiểu đúng nội dung, vừa cảm nhận được cách "chơi chữ" trong tiếng Việt. Ví dụ với đoạn văn này chẳng hạn : "Trong xứ lừa đầy rẫy sự dối trá và lừa lọc, ở đó tầng lớp thống trị lừa dối kẻ bị trị, và người dân lừa gạt lẫn nhau hàng ngày. Rốt cuộc nạn nhân là những người bị lừa, nhưng suy cho cùng ai cũng vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân. Đó là trạng thái đáng buồn của một dân tộc đã lâm vào cảnh tự lừa dối mình trong một thời gian dài ". Đoạn này nếu dịch không khéo, người đọc sẽ không hiểu hoặc chỉ hiểu ý mà không cảm nhận được cái hay của trò chơi chữ.
Đó là xét về mặt ngôn ngữ thuần túy. Nhưng về mặt xã hội học, người ta nói "ngôn ngữ là sinh ngữ" và nó có mối liên quan mật thiết với tính cách và lối sống của chủ nhân của ngôn ngữ đó. Sự hay ho thú vị của tiếng Việt chính là nhờ đặc điểm lỏng lẽo, không tách bạch rõ ràng trong từ vựng, ngữ nghĩa và cú pháp. Và phải chăng điều này có ảnh hưởng đến tính cách và nếp sống cũng như cung cách quản lý xã hội của người Việt vốn được thể hiện khá rõ ở tình trạng mập mờ, thiếu rõ ràng minh bạch trong luật lệ cũng như trong trao đổi thông tin và giao tiếp hàng ngày (?). Đó là lý do tại sao trong xã hội Việt Nam mọi thứ luật lệ và quy định thường chỉ mang tính tạm thời hoặc nhất thời, thiếu rõ ràng minh bạch khiến ai muốn hiểu thế nào cũng được, cấp dưới không nhất thiết hiểu đúng như cấp trên, và người dân có tâm lý không tin tưởng vào sự công minh của pháp luật.
Nếu không phải vậy thì thật khó lý giải tại sao trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập, nền hành chính công của Việt Nam vẫn chậm chạp lê bước trong quá trình được mệnh danh là "cải cách" kéo dài suốt mấy chục năm qua. Tại đất nước này người dân ngày càng khó tiếp cận thông tin cũng như các quy định, luật lệ từ nguồn chính thống- những thứ thường ít khi được soạn thảo một cách ngắn gọn, rõ ràng, đầy đủ. Chúng thường phải được phổ biến với sự giải thích "tam sao thất bản" qua các cấp trung gian mà ngay bản thân họ nhiều khi cũng không hiểu đúng và đầy đủ. Hệ thống các cơ quan hành chính công ở đất nước này thường rất rườm rà, đông nhưng không đủ để đáp ứng các nhu cầu của người dân. Tại đây các nhân viên hành chính vẫn hiểu rằng một khi được tuyển dụng họ sẽ có quyền hành và cơ hội tiến thân hơn là để phục vụ khách hàng. Đó là lý do tại sao họ hay gây phiền hà nhũng nhiễu và vi phạm các hành vi tham ô, lãng phí. Đó cũng là nguyên nhân tại sao có hiện tượng trong khi "người ngay sợ kẻ gian" thì một cô gái trẻ dám thẳng tay tát vào mặt một viên cảnh sát đang thi hành công vụ. Đó là lý do tại sao những người nông dân sau 1/2 thế kỷ cải cách ruộng đất giờ lại trắng tay và phải kéo lên trung ương khiếu kiện. Đó là lý do tại sao hàng loạt những dự án và công trình "thế kỷ" của đất nước bổng chốc trở nên hoang phế hoặc thua lỗ và đứng trước ngu cơ phá sản.Và đó là lý do tại sao người đứng đầu của Đảng phải lên tiếng báo động về " nguy cơ tồn vong của chế độ". Và đó là lý do của rất nhiều điều nghịch lý khác trên đất nước này.
Đúng là không phải vô lý khi người dân tự gọi đất nước mình là "xứ lừa" với đầy đủ mọi ngữ nghĩa vốn có của nó. Nhưng đây không phải là trường hợp để thưởng ngoạn sự thú vị của ngôn ngữ, mà chỉ là cách để lột tã trạng thái tinh thần bức xúc của họ./.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét