Tôi biết về ông Hoàng Ngọc Hiến cũng khá muộn. Tôi nhớ câu nói, sẽ là bất hủ của ông: “Cái nước mình nó thế”. Tôi cũng biết đến một câu khác, cũng sẽ là bất hủ về một “nền văn học phải đạo”.
Tôi may mắn được dự một số buổi nói chuyện hoặc phát biểu của ông Hoàng Ngọc Hiến ở 53 Nguyễn Du (Trung tâm Minh triết Việt, và Quỹ Phan Chu Trinh) rồi cả ở buổi giới thiệu sách “Thực thể Việt nhìn từ các tọa độ chữ” của Trần Ngọc Vương ở 36 Điện Biên Phủ nữa.
Nhưng dịp được gần gũi ông nhiều nhất, hóa ra lại là hôm 25-12 mới rồi. Tôi được đi theo nhóm Minh Triết Việt đi thăm Đền Sóc và dự một bữa cơm ở nhà một ông giáo ở Đông Anh. Bữa ấy có nhiều nhà khoa học, nhân sĩ, trí thức, chính khách danh giá: các giáo sư Trần Nghĩa, Vũ Ngọc Khánh, Trần Thị Băng Thanh, ông Nguyễn Đình Lộc (nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp), ông Nguyễn Khắc Mai (nguyên Vụ trưởng Vụ nghiên cứu và TBT Tạp chí Dân Vận, Ban Dân vận Trung ương)...
Các ông lên trước. Tôi cùng anh bạn lên sau. Gặp nhau ở một gia đình tại Mê Linh rồi cả đoàn kéo nhau đi thăm Đền Sóc. Vào trong đền, tôi tranh thủ nói với các cụ về “Tứ Bất tử” trong thần điện Việt Nam, rằng Tứ bất tử là những ai và có tự bao giờ, và rằng “tứ bất tử” của Việt Nam đuợc người Tàu phải thừa nhận. Ông Hoàng Ngọc Hiến lắng nghe chăm chú lắm. Ông bảo: Hay quá, hay quá! Tôi bảo: Việc thờ phụng Tứ Bất tử của Việt Nam, GS. Nguyễn Văn Huyên, từ trước năm 1945, coi là một trong những biểu tượng của minh triết Việt.
Rồi khi tôi nói xong, thì mỗi ông đi một đằng. Riêng ông Hoàng Ngọc Hiến và tôi thì còn đi bên nhau, vì khi ấy tôi nói với ông về vấn đề tinh thần Minh triết Việt trong ẩm thực.
Tôi nói với ông rằng: Người Tàu lúc nào cũng có mưu đồ đồng hóa ta. Điển chế, lễ nghi, âm nhạc, thơ văn... đều ít nhiều chịu ảnh hưởng của Hán học. Nhưng riêng có ẩm thực, từ ngàn năm nay, người Tàu khó có thể đồng hóa được. Ấy là vì, quần áo, mũ mão, hia hài... thì có thể mang sang mà bắt người ta mang vận trên người, nhưng đồ ăn thì không thể chở từ bên Tàu sang được. Sự ẩm thực nó gắn với con người vật thể, gắn với cái căn bản của nòi giống, của sinh hóa nên không thể nào áp đặt cho đuợc. Hơn nữa, đồ ăn thức uống đều phải chế biến từ các nguyên liệu ở xung quanh ta. Mà khí hậu, thổ ngơi, thổ sản thì Nam - Bắc hai đàng đều khác, cõi bờ phong tục đã riêng. Ấy thế là ẩm thực ta, ta vẫn là ta, anh Tàu không thể đồng hóa được. Minh triết Việt cần được xem xét cả ở khía cạnh này nữa....
Ông lắng nghe thật sự chăm chú và luôn thốt lên: Hay lắm! Hay lắm! - có phải ông luôn nói “hay lắm, hay lắm” với bất cứ ai và bất cứ chuyện gì? Thế rồi, tôi với ông cứ xoắn lấy nhau từ đó. Khi ra xe, ông Nguyễn Khắc Mai bảo tôi phải đưa ông Hiến về tận nhà. Tôi vâng lời.
Dọc đường, trên xe, ông Hoàng Ngọc Hiến biết tôi làm việc ở Viện Hán Nôm, ý chừng là cũng biết về chữ nghĩa nên muốn hỏi tôi về hai chữ “Đa nguyên” trong minh triết và văn hóa Việt. Ông nói, ông không thích dùng chữ “Đa nguyên” nhưng chưa chọn được chữ nào khác. Ông bảo ông loay hoay hàng nửa năm trời nay mà chưa tìm được chữ nào thay được chữ "đa nguyên". Thế rồi, ông bất chợt hỏi: Thế “đa nguyên” có dùng chữ “đa nguồn” được không? Một Nho một Việt vậy có được không? Có từ nào tương tự như vậy không?
Tôi thưa với ông: Đúng là “Đa nguyên” thì dịch ra là “Đa nguồn”. Dùng thông nhau đuợc. “Đa nguồn” thì “Đa” là chữ Hán, nhưng “Nguồn” lại là tiếng Việt. Ấy thế nhưng mà dùng được và ai cũng hiểu, lại tránh được chữ “Đa nguyên” dễ bị quy chụp hoặc suy diễn này nọ. Ông bảo tôi tìm có chữ nào tương tự một Hán một Việt như vậy không. Tôi nói: Thưa bác, có chữ “Đa chiều”. Ông bảo: Oh, hay lắm! Thế thì tôi dùng chữ “đa nguồn”. Minh triết Việt là một nền minh triết đa nguồn!
Rồi tôi bảo ông: Thưa bác Hoàng Ngọc Hiến, rồi một mai người ta không ai còn nhớ điều gì về Hoàng Ngọc Hiến, thì người ta không thể nào mà quên nổi cái câu: “Cái nước mình nó thế!”. Vì cái nước mình nó thế bác ạ!
Ông bảo, trong chữ Nho, cái chữ “tự nhiên” nó hay lắm đấy anh ạ! “Tự nhiên” là tự nó là như thế! Thật quá hay!
Rồi tôi hỏi ông về chuyện của ông. Rằng ông là một nhà văn hóa lớn, lớn lắm. Nhưng ông khác với các cái cây cổ thụ cô đơn trên trời cao vì xung quanh ông có nhiều bè bạn, học trò. Họ gần gũi ông, không xa cách với ông. Ông vừa là bạn, vừa là thầy của họ. Họ kính trọng ông mà gần ông. Ông thật hạnh phúc! Ông chỉ cười. Ông bảo ông sẽ đưa cho tôi bản thảo cuốn sách “Minh triết và Minh triết Việt” mà ông đã sửa đi sửa lại bản thảo đến cả gần chục lần, đề nghị tôi đọc và góp ý cho ông, nhất là về khu vực phương Đông.
Ông Hoàng Ngọc Hiến là tiến sĩ. Ông không phải là giáo sư - ông đã nói với tôi như thế. Mà ông cũng chưa đảm nhận công việc chức vụ gì nhớn bao giờ. Vậy mà ông được bạn bè, học giả, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ khắp nơi mến mộ, muốn kết làm bạn tâm giao.
Xe đưa về đến đầu ngõ, ông bảo tôi vào nhà chơi để tặng bản thảo cuốn sách. Ông hỏi tên vợ tôi để đề tặng cuốn sách cho cả hai vợ chồng. Ông đề tặng TTH trước tên tôi, đúng phong cách lịch sự của phương Tây. Rồi ông đề ngày tháng và ký chữ ký của ông.
Nay, Hoàng Ngọc Hiến đã hóa thân vào cõi vĩnh hằng. Nhưng, cũng như ông Phan Hồng Giang đã nói, và tôi cũng tin như ông rằng: Hoàng Ngọc Hiến ra đi là sự khởi đầu một cuộc sống mới của những giá trị tinh thần quý báu mà ông đã hào phóng để lại cho chúng ta hôm nay.
(...)
(...)
12h, ngày 27-01-2011
N.X.D
N.X.D
Gs. Hoàng Ngọc Hiến bàn về hai chữ “đa nguyên” (trích) - in trong sách Hoàng Ngọc Hiến trong lòng bè bạn, Nxb Hội Nhà văn, H, 2011, trang 303 - 307.
Xin đa tạ Nhà văn Văn Giá đã đưa bài này vào sách, và Nhà văn Tạ Duy Anh đã gửi lại bản word bài viết này, mà tác giả cũng không còn giữ được sau 9 năm.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét