Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 3 tháng 10, 2019

Báo Phụ Nữ TPHCM đang bị vây khốn, sau khi tấn công Sun Group












Báo chí bây giờ đã khác, phần lớn tòa soạn cần những kẻ tinh khôn biết cách kiếm tiền mang về cho cơ quan, chứ không mấy cần những cây bút có bản sắc. Báo chí bây giờ chỉ muốn nói đến những sự thật nằm cách xa cái... dạ dày của mình, càng xa càng tốt, càng xa càng khoái! Khi báo Phụ Nữ TPHCM lên tiếng về Sun Group, cả làng báo Việt Nam bỗng dưng im lặng đáng sợ. Vì vậy, sức mạnh trong tay tài phiệt tiếp tục phát huy giá trị để quật lại báo Phụ Nữ TPHCM cô đơn trên trận chiến ngăn chặn lợi ích nhóm tàn phá đất nước! Ông Trương Quang Vĩnh - nguyên Phó Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ cũng ngậm ngùi kêu lên: “Báo Phụ Nữ TPHCM như đang tứ bề thọ địch!”



BÁO PHỤ NỮ TPHCM NHƯ ĐANG TỨ BỀ THỌ ĐỊCH!

TRƯƠNG QUANG VĨNH


Lần thứ 2 tôi làm cái tựa trên như để góp ý lại anh em, đồng nghiệp về nghề nghiệp!
- Sau loạt bài về Sungroup (sau đây gọi tắt là Sun), ngày 30/09/19 đã có cái đơn tố cáo gửi Bí thư, Chủ tịch và một số cơ quan chức năng TP Hà Nội, liên quan đến em Thu Trang (là PV chính của loạt bài trên). Thư có đề tên (tên thật hay giả, tôi chưa có điều kiện kiểm tra).
- Ngày 01/10/19, Sun đã có đơn khiếu nại gửi lên Cục Báo chí cho rằng B.PN “thông tin sai sự thật”. Đơn kèm tập tài liệu 252 trang.
- Ngày 01/10/19, Sở Thông tin truyền thông Đà Nẵng cũng khiếu nại lên Cục Báo chí cho rằng B.PN vi phạm Luật báo chí.
- Hôm qua, ngày 02/10/19, đã có 3 cơ quan báo chí đã lên tiếng phê phán cái quán của em Thu Trang (nội dung đúng-sai xin miễn bàn ở đây). Nhưng tôi đọc, nội dung đã cũ, không có tính thời sự nên xuất hiện ngay lúc này là hơi bất thường!
- Trên FB, cũng có 2 thái độ phản ứng khác nhau-đồng ý hoặc không đồng ý.
Bên cạnh những lời khen, những lời chúc tụng, động viên-chủ yếu trên FB. B.PN và em PV đang phải chịu áp lực rất lớn-từ dư luận cho đến các yếu tố pháp lý cần giải quyết.
Tôi không có ý định tham gia cùng các em B.PN để giải quyết những vấn đề trên, vì rất nhiều chuyện tôi chưa rõ đúng-sai. Tôi viết bài này vì lời hứa trước đây liên quan đến nghiệp vụ nhưng tôi đã ẩn bài viết trong lúc “dầu sôi lửa có thể bỏng”. Hôm nay xuất hiện lại và có bổ sung.
VÌ SAO ĐỤNG ĐẾN SUN LẠI TẠO DƯ LUẬN LỚN ĐẾN VẬY?
Nhiều người, đặc biệt trong anh em báo giới cho rằng Vin, Sun- trong nhiều năm nay là những thành trì “bất khả xâm phạm”. Anh em nói, báo chí gần như không ai dám nói về họ, ngoại trừ các tin, bài ca ngợi họ!
Sau khi nghe giải thích thì tôi hiểu, không hẳn Ban Tuyên Giáo hay Bộ 4T lúc nào cũng chỉ đạo, mà nó “bất khả” hay “không bất khả” là do các BBT, BGĐ đài vì các “hợp đồng truyền thông”.
Với hầu hết các báo, đài tự chủ tài chính thì nguồn nuôi chính từ trước đến giờ vẫn là quảng cáo. Nhưng thời trước, với lý tưởng nghề nghiệp, và thời của các DN ăn nên làm ra nên các báo có thể chọn quảng cáo cho đơn vị A hay B mà nó vẫn đảm bảo vừa có cái ăn cái mặc vừa giữ được bút sáng lòng trong.
Thời gian sau này, cái lý tưởng ấy bị nhạt dần vì nhiều lý do, trong đó có trách nhiệm của các cơ quan quản lý báo chí; đồng thời các DN làm ăn ngày càng khó khăn, do vậy tình hình kinh tế báo chí thật sự khó khăn. Nhiều cơ quan báo chí không còn khả năng chọn lựa quảng cáo như trước; đôi lúc đôi nơi phải lệ thuộc nội dung vào các tập đoàn, các DN như một điều kiện để có cơm ăn áo mặc cho anh em.
Trên FB cá nhân, không ít lần tôi đã thống kê và phân tích, có những sự kiện như sự cố cháy nhà khi thi công hoặc ngộ độc thực thẩm ở một trường tiểu học của một tập đoàn nhưng không báo nào thông tin- cả báo lớn đến báo nhỏ, cả báo Đảng đến báo của hội, đoàn (chính xác là có 2-3 cơ quan báo thông tin).
Báo chí bây giờ, ngoài chức năng làm công cụ cho Đảng, Nhà nước; đôi lúc đôi nơi còn phải làm “công cụ” cho các tập đoàn, cho các DN. Do vậy Báo Phụ Nữ dám đụng đến Sun chưa phải là chuyện long trời lở đất.
Nhưng đây là bản tuyên bố: Từ nay, Sun, Vin hoặc các tập đoàn khác không phải là nơi bất khả xâm phạm!
Chúng ta nên quý trọng các em tinh thần ấy!
Vậy anh chị em B.PN chỉ làm mà không ăn ư?
B.PN là báo của giới- chị em rất quan tâm với hôn nhân, gia đình, con cái; là nơi chị em có thể nhỏ to tâm sự; là nơi chị em tìm bí quyết, tìm thời trang, tìm hóa mỹ phẩm để làm đẹp…Do vậy, theo tôi, so với một số báo khác, B.PN có nhiều khả năng chọn lựa hơn- không bị lệ thuộc vào các “hợp đồng truyền thông” có điều kiện!
BÁO PHỤ NỮ ĐÃ “ĐỤNG” ĐẾN SUN NHƯ THẾ NÀO?
Trong tình hình báo chí nói trên, một tiếng nói phản biện, một bài phóng sự hay phóng sự điều tra của các nhà báo để ngăn chặn bớt những hành động coi thường lợi ích chung là rất đáng hoan nghênh. Nhưng “đụng” đến ai thì phải biết họ là ai?!
Theo lý thuyết, nền kinh tế nước ta đang vận hành theo cơ chế thị trường; trong cơ chế vận hành đó, các quyết định đầu tư và phân bổ nguồn lực quốc gia phải mang lại giá trị sử dụng cao nhất. Làm được điều này không hề dễ bởi các quy luật thị trường ràng buộc và năng lực hạn chế của nhà đầu tư. Trong hoàn cảnh khó khăn đó rất tự nhiên, sẽ xuất hiện những nhóm lợi ích lựa chọn con đường ngắn nhất, dễ nhất, ít rủi ro nhất để giải bài toán phân bổ nguồn lực.
Còn con đường nào khác ngoài việc các nhóm thân hữu phải liên kết với các quan chức chính quyền? Và khi đụng đến các nhóm thân hữu thì luôn nhớ quy luật “hòn tuyết lăn”- khi cơ quan quản lý tìm cách tăng cường quyền lực để can thiệp và kiểm soát, thì các nhóm lợi ích lại càng tập trung thêm nguồn lực khổng lồ để lobby chính sách. Các nghiên cứu cho thấy, quá trình này cứ tiếp diễn sẽ hình thành quy luật “hòn tuyết lăn”!
Trở lại với Sun, một mình Sun có phá nát môi trường sinh thái từ núi Bà Nà đến Vườn quốc gia Tam Đảo và nhiều hơn thế được không? Tôi tin là không thể!
Ở ta may ra xây vội cái mồ giả trong đêm (để lấy thêm tiền đùn bù- giải tỏa) là có thể chứ ngay những người nhập cư không có tiền, xây đại cái nhà nhỏ trên đất ruộng để trú mưa thì chính quyền địa phương đều biết nhưng để đó, khi nào cần đập thì đập!
Do vậy nếu B.PN cần phải “đụng”- có thể chỉ ở một khu vực nhỏ, một dự án nhỏ- thì phải tính toán “tóm gọn”. Tách Sun và chỉ nói về Sun chắc chắn không thể có câu trả lời thỏa đáng! Đó là cái không đúng từ đầu về định hướng đề tài.
Về tác nghiệp của các PV:
Trong các tin, bài điều tra của các báo; bên cạnh việc tìm kiếm tư liệu từ các cơ quan chức năng, các nhà báo phải “nhập vai” nhằm tìm kiếm tư liệu cho bài điều tra nhưng vai nhập nào cũng đến giới hạn của nó:
- Để chứng minh việc người đi xe ngược chiều nhưng CSGT không thổi phạt: Nhà báo không thể đóng vai là người đi xe ngược chiều. Hành vi đó trái luật.
- Để thực hiện loạt bài điều tra về nghề mại dâm, nhà báo không thể nhập vai làm “gái mại dâm” vì đó là hành vi trái với đạo đức xã hội. Chưa nói với vai đó đó, buộc các nhà báo phải gợi ý, tác động, thúc đẩy sự việc diễn ra theo ý chí chủ quan của mình. Từ đó thông tin phản ánh cũng sẽ bị méo mó.
- Để chứng minh cho được hành vi nhận hối lộ hoặc đưa hối lộ của cán bộ nào đó, nhà báo không thể vào vai người “đưa hối lộ” hoặc “nhận hối lộ” được. Nếu khởi tố vụ án đưa và nhận hối lộ thì nhà báo cũng phải bị buội tội “đưa hối lộ” hoặc “nhận hối lộ”. Trừ khi, cơ quan báo và các nhà báo báo cáo với cơ quan chức năng và được họ đồng ý trước khi tiến hành…
Tóm lại, PV có thể đóng các vai miễn là không trái luật, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và các hoạt động của tôn giáo; không trái với đạo đức và dư luận xã hội.
Để điều tra Sun, PV đã nhập vai là một nữ đại gia ở nước ngoài mới về, muốn đầu tư bất động sản ở Tam Đảo. Vì cần có thông tin việc phá rừng Tam Đảo nên PV phải làm việc với sư chùa. Và sau đó là tiếp cận với Sun và cô làm PR cho Sun. Gặp ông sư và cô làm PR không mang lại nhiều thông tin cho tuyến bài điều tra, đặc biệt những chứng cứ chứng minh sai phạm của Sun. Khi không nhằm cho tuyến bài điều tra thì có cần ghi chép, phản ánh về “ông sư gạ tình” làm lệch hướng dư luận không?
Với Sun, Vin hay nhiều DN khác khi đến bữa mời khách một bữa cơm và tặng quà là điều bình thường. Nếu TS và PV cho rằng có dấu hiệu lo lót và mang nó lên bài thì càng làm cho người đọc thấy lo lắng về chứng cứ điều tra cho loạt bài.
Nhiều anh em phản biện, rằng vì là nữ nên các em cũng thể hiện từ ngữ hơi “nữ tính”. Tôi chưa bàn đến thể loại hay từ ngữ nhưng dù là PV nam hay nữ thì cũng phải cung cấp cho người đọc những chứng cứ khách quan. Chứng cứ khách quan là những chứng cứ không tùy thuộc vào giới, vào cảm xúc và hiểu biết của nhà báo.
Nhiều bài sau đó không rõ ràng về chứng cứ điều tra (tôi phân tích những gì xuất hiện trên mặt báo). Cách điều tra này hơi giống bài điều tra về Asanzo trên B.PN ngày 21/06/19: Công ty 'ma' nhập hàng Trung Quốc cho thương hiệu Việt 'chất lượng cao'.
Một số bài sau đó là các chuyên gia phân tích về rừng quốc gia, về luật…Bài xin gặp các Sở nhưng chỉ qua chỉ lại; đặc biệt là văn bản của BBT báo đề nghị Bộ TNMT cung cấp văn bản đánh giá tác động môi trường, không lấy được ta lại viết thêm một bài. Nó phản ánh dấu hiệu đuối sức của loạt bài!
Chỉ là vài lời góp ý vì thiện cảm với các nhà báo dám làm.
Các em à, dù sao thì cây vẫn phải nở hoa, mặt trời vẫn phải mọc và nếu sống thì phải sống vui vẻ và hạnh phúc!


Nguồn: Facebook Trương Quang Vĩnh

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: