Vài ngày sau khi Trung Quốc ủng hộ Pakistan và thúc giục Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc thảo luận không chính thức về việc New Delhi chấm dứt quy chế tự trị của vùng Kashmir và Jammu, cơn giận dữ đang bùng lên trong dư luận Ấn Độ.
Một chiến dịch đang được triển khai để kêu gọi tẩy chay kinh tế và đánh thuế thật nặng lên hàng hóa Trung Quốc, cho dù kinh tế Ấn Độ đang khó khăn và trải qua cuộc khủng hoảng việc làm chưa từng thấy.
SJM, một chi nhánh của tổ chức RSS - tổ chức khởi nguồn của đảng BJP cầm quyền, vừa triển khai chiến dịch trên cả nước nhằm kêu gọi người dân quay lưng với hàng Trung Quốc.
Liên minh các thương nhân Ấn Độ (CAIT), một có với hơn 70 triệu doanh nhân là thành viên, đã hưởng ứng. Nhóm này kêu gọi Thủ tướng Narendra Modi tăng thuế lên 500%, và đề xuất đó được ủng hộ mạnh mẽ trên mạng xã hội.
Ý của họ là Trung Quốc, một gã khổng lồ về kinh tế, cần bị trừng phạt, và câu trả lời là đánh Bắc Kinh vào chỗ họ biết đau.
Những ý tưởng đó không mới. Tháng 2 năm nay, sau vụ đánh bom tự sát nhằm vào đoàn xe bán quân sự của Ấn Độ khiến hơn 40 người thiệt mạng, đã có những lời kêu gọi tẩy chay tương tự. Lý do là sức mạnh kinh tế của Trung Quốc đang giúp Pakitan có tiền tài trợ cho các tay súng ở Pakistan tấn công Ấn Độ.
Nhưng khi chính phủ của ông Modi theo đuổi chương trình nghị sị quyết liệt và mang tính dân tộc chủ nghĩa nhiều hơn, nhiều người Ấn Độ, bao gồm cả lực lượng ủng hộ cốt lõi của thủ tướng, tin rằng đã đến lúc phải trả đũa Trung Quốc về kinh tế.
Nhưng lời nói luôn dễ hơn hành động. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Ấn Độ, và quan hệ thương mại song phương đang trong tình trạng mất cân đối, nghiêng về Bắc Kinh. Hơn 13% hàng nhập khẩu của Ấn Độ đến từ Trung Quốc, nhưng Ấn Độ chỉ có thể xuất 5% hàng của mình sang nước láng giềng phía bắc. Thâm hụt thương mại giữa hai nước đang ở mức hơn 57 tỷ USD, chiếm đến gần 40% tổng thâm hụt thương mại của Ấn Độ.
Báo cáo chính thức của Ấn Độ đưa ra năm ngoái cho thấy hàng nhập từ Trung Quốc chiếm hơn 90% dược phẩm của Ấn Độ. Hơn 80% trang thiết bị và linh kiện mà chính phủ Ấn Độ mua để khuyến khích sử dụng năng lượng mặt trời cũng đến từ Trung Quốc.
Giờ đây, nhiều người muốn chấm dứt tình trạng phụ thuộc đó. SJM tin rằng họ có thể xoay sở với việc tẩy chay và kêu gọi cần có những thay đổi chính sách bền vững.
Trong tuần tới, SJM sẽ tỏa ra hơn 500 trong tổng số hơn 725 quận huyện của khắp đất nước để huy động và khuyến khích người dân gửi thư kiến nghị lên Thủ tướng Modi.
Phát ngôn viên SJM, ông Deepak Sharma, nói rằng thời gian đã quá gấp gáp.
“Trung Quốc đang bị thương rồi. Đã có báo cáo mới cho thấy họ nợ rất lớn và nền kinh tế đang phát triển chậm lại. Đó là một con tàu đang chìm vì chính sức nặng của mình”, ông Sharma nói.
Ông cho rằng Ấn Độ phải cùng chung sức với Mỹ trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
“Ấn Độ, cùng với Mỹ, tạo thành một phần rất lớn trong thương mại của Trung Quốc. Nếu chúng ta hợp tác, chắc chắn sẽ khiến kinh tế Trung Quốc sứt mẻ”, ông nói.
SJM cũng lên tiếng phản đối cho phép hãng viễn thông Trung Quốc Huawei tham gia phát triển mạng 5G của Ấn Độ.
“Trung Quốc là mối đe dọa với Ấn Độ mỗi ngày, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế và an ninh quốc gia. Vì thế, Huawei phải bị cấm hoàn toàn”, ông Sharma nói. Ông cho biết SJM đã tham vấn các hãng viễn thông trong nước trước khi đưa ra quan điểm này.
Tổ chức CAIT cho rằng chiến dịch tẩy chay sẽ hiệu quả, để trừng phạt cả Trung Quốc và Pakistan.
“Cho đến khi chúng ta khiến Trung Quốc bị thương về kinh tế, họ sẽ không thể bước đi ngay ngắn được nữa. Khi chúng ta tẩy chay và tăng thuế cao lên hàng nhập khẩu, Trung Quốc sẽ không có lựa chọn nào khác mà phải bảo Pakistan thay đổi và thôi khủng bố”, ông Kirti Rana, phó chủ tịch CAIT, nói.
Ông Rana nói thêm rằng thành công của phong trào lần này phụ thuộc vào ủng hộ của người dân.
Nhưng không phải ai cũng lạc quan như vậy. Tại Mumbai, trung tâm tài chính của đất nước, đang có những lo ngại thực sự về hiệu quả và thời điểm của chiến dịch.
Tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ đang chậm lại, đạt mức 5,8% trong quý 1 năm nay. Sản lượng bán ô tô giảm 31%, và tỷ lệ nhà chưa bán được tăng 7%, cho thấy lượng cầu đi xuống. Thị trường việc làm cũng gặp rắc rối, riêng ngành công nghiệp ô-tô đã mất 350.000 việc làm kể từ tháng 4 năm nay.
“Những lời kêu gọi tẩy chay chủ yếu mang ý nghĩa chính trị, đặc biệt khi chúng ta đang ở trong tình trạng kinh tế như thế này”, Viren Shah, một thương nhân ngành may mặc và là Chủ tịch Hiệp hội phúc lợi thương mại bán lẻ Mumbai, nói.
Nhóm này có hơn 200.000 thành viên là các nhà bán lẻ. Họ nói rằng tình trạng Ấn Độ phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc như hiện nay khiến chiến dịch tẩy chay không khả thi.
Bình Giang
theo Reuters
theo Reuters
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét