Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 9 tháng 7, 2019

“Đi tắt đón đầu” hay rước toàn của ôi phế thải?


Việc sản xuất năng lượng tái sinh ở Việt Nam bắt đầu khởi sắc cũng là một tín hiệu đáng mừng cho môi trường, dù lúc khởi đầu tất nhiên có những bước đi không đồng bộ như báo VnExpress đã đề cập đến trong bài ” Ồ ạt đầu tư điện mặt trời khiến lưới điện quá tải”[1]
Đọc xong bài báo trên VnExpress, tôi đi tìm hiểu một ít về tình hình quang điện trên thế giới. Ở Đức, Luật Năng lượng Tái sinh đã ra đời từ năm 2000. Trước đó, ngay từ năm 1991 đã có đạo luật quy định về hòa điện năng lượng tái sinh vào mạng lưới chung (Stromeinspeisungsgesetz).  Tức là về mặt tạo khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy phát triển năng lượng tái sinh, nước Đức đi trước Việt Nam nhiều chục năm. Nhà máy quang điện đầu tiên ở Đức bắt đầu hoạt động vào ngày 12 tháng 7 năm 1983[2] trước nhà máy quang điện đầu tiên của Việt Nam (ở Mộ Đức, Quảng Ngãi)  hơn 35 năm.
Một góc nhà máy điện mặt trời TTC Phong Điền - HuếMột góc nhà máy điện mặt trời TTC Phong Điền – Huế
Mexico lắp đặt 5,4 MW quang điện đầu tiên năm 1992, từ đó tới nay tuy không có những dự án khổng lồ nhưng liên tục năm nào cũng lắp đặt mới. Số liệu mới nhất có được cho Mexico là năm 2016, với công suất lắp đặt mới là 390 MW. Mexico đi trước Việt Nam hơn 25 năm.[3]
Cũng theo số liệu đã dẫn ở phía trên, 2,9 MW quang điện đầu tiên của Thái Lan được lắp đặt năm 2002. Cũng như Mexico, Thái Lan liên tục lắp đặt mới, năm 2016 là 2450 MW.
Trung Quốc hiện giờ là nước dẫn đầu thế giới về xây dựng nhà máy quang điện. Nước này khởi đầu với 80 MW khiêm tốn năm 2006. Không chỉ lắp đặt đơn giản, chỉ trong vòng mười mấy năm, công nghệ quang điện của Trung Quốc từ con số không đã vươn lên cùng đứng hàng đầu thế giới, đè bẹp cả ngành quang điện ở Đức.
Việt Nam đã làm gì trong mấy chục năm qua? “Quả đấm thép” Vinashin muốn mang công nghệ đóng tàu đã quá lỗi thời của thế kỷ trước về VN. Dù là lỗi thời nhưng rồi cũng không thành công. Sau đó là đến các dự án bô xít hủy hoại môi trường, phá hủy văn hóa trên Tây Nguyên. Rồi Formosa phá tan hoang vùng biển Việt Nam. Công nghệ luyện kim là một công nghệ đã lỗi thời nhưng vẫn nhất quyết mang về Việt Nam.
Đó là chưa kể đến những nhà máy giấy và những nhà máy điện than cũ kỹ, cũng là những thứ phế thải của thế giới.
Mới đây nhất là ô tô. Khi công nghệ ô tô chạy bằng xăng/diesel đã dường như bắt đầu đi đến kết thúc ở châu Âu thì Việt Nam lại mang cái cũ, cái lỗi thời, cái người ta không xài đến nữa của ngành công nghiệp bắt đầu kết thúc đó về Việt Nam.
Ở đây, Trung Quốc đã có một tầm nhìn rất xa. Biết rằng sẽ không thể đuổi kịp Âu-Mỹ ở công nghệ ô tô thông thường nên ngay từ đầu Trung Quốc đã đặt trọng tâm phát triển vào các lựa chọn khác. Do đã đi trước một bước ở công nghệ pin nên việc phát triển xe chạy bằng điện ở Trung Quốc chỉ là bước đi lô gíc tiếp theo. Hiện giờ ở Trung Quốc đã có 30 triệu chiếc xe hai bánh chạy điện, hơn 400.000 chiếc buýt chạy điện. Năm 2017, Thành phố Thâm Quyến là thành phố đầu tiên trên thế giới đã đổi toàn bộ 16.00 chiếc xe buýt sang loại chạy điện. Năm nay là đến 21.000 chiếc taxi.[4] Trong khi cái dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông xây mãi không xong thì Trung Quốc đã thực nghiệm những dự án giao thông mới, ví dụ như tàu điện không cầy đường ray mà dùng bánh xe chạy trên đường ray ảo.[5]
Nhà nước Việt Nam, cùng một thể chế cộng sản với Trung Quốc, muốn phát triển theo cùng một mô hình chủ nghĩa tư bản nhà nước, mấy mươi năm qua tuy lúc nào cũng nói “đi tắt đón đầu” nhưng thực chất là chỉ rước những thứ phế thải, những của ôi không nước nào muốn về nước. Thế giới, kể cả Trung Quốc cộng sản, đang bước những bước thật nhanh vào một kỷ nguyên mới. Trong khi đó, chính quyền Việt Nam chỉ biết hành hạ những tù nhân lương tâm, trả thù một cách nhỏ mọn và hèn hạ! Tôi  không nghĩ những con người có tâm trạng nhỏ mọn như vậy có được một tầm nhìn xa cho một đất nước 100 triệu người. Thật là buồn cho đất nước tôi!
Phan Ba



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: