Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 9 tháng 7, 2019

Bắt Lê Tấn Hùng: 'Thành trì 'đệ nhất gia tộc' ở Sài Gòn đã lung lay

Gia tộc Lê Thanh Hải, một thành trì bất khả xâm phạm mấy chục năm qua, trở thành biểu tượng "Nam phương bất bại"... Nhưng nay nhờ có câu "Lò nóng lên thì củi tươi cũng cháy" của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, nên "Muỗi đã đốt thủng inox". Rất tuyệt vời. Dân chúng cám ơn bác Trọng và đang nóng nòng chờ ngày top các gia tộc tham nhũng lớn nhất VN trong 2 thập kỷ qua phải vào lò.


Hoàng Trúc, gửi tới BBC News Tiếng Việt từ TPHCM
9 tháng 7 2019 - Ý kiến nói vụ bắt ông Lê Tấn Hùng diễn ra trong bối cảnh nhiều năm qua, mọi cuộc điều tra hướng tới gia tộc họ Lê "đều đi tới ngõ cụt hoặc có kết thúc như hài kịch". Cafe Vườn Hồng của khách sạn Rex, nơi lui tới của giới quý tộc mới, người có quyền lực và doanh nhân đã rúng động với tin bắt ông Lê Tấn Hùng. Họ không quan trọng ông Lê Tấn Hùng vi phạm như thế nào mà vì đây là em ruột Lê Thanh Hải, cựu Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, chỉ dấu của việc thành trì của 'đệ nhất gia tộc' ở đô thị này đã lung lay. Nhiều gương mặt lo lắng, có ông còn ví von rằng vụ này giống như "muỗi đã đốt thủng inox".

Nhà chức trách khám xét trụ sở 
Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri)
'Đồng tình mạnh mẽ'
Chỉ mới đây thôi, hôm 29/6 ông Lê Thanh Hải đã có tham luận đọc vang giữa hội trường uy nghiêm nhất thành phố về phẩm chất cán bộ Đảng viên, nêu cao tinh thần chống tham nhũng, tự chuyển hóa... Ngay sau đó, em ruột của ông là Lê Tấn Hùng đã bị bắt và di lý cấp tốc ra Hà Nội vì nhóm hành vi liên quan đến tham nhũng và chức vụ quyền hạn. Mạng xã hội tràn ngập những status "vui mừng". Hiếm có một hành động nào từ cơ quan pháp luật được sự đồng tình mạnh mẽ như vậy.

Facebooker Võ Đức Phúc nêu: "Sai phạm như thế nhưng việc xử lý ông Lê Tấn Hùng không phải dễ dàng, kéo dài cả 2 năm."

Giờ con ngựa thành Troy đã đến chân tường của đế chế thái thượng hoàng đất Sài thành. Người dân mất đất, mất nhà ở Thủ Thiêm giờ thêm mất ngủ chỉ để hóng chuyện."

Ông Lê Thanh Hải trong sự kiện kỷ niệm 50 năm vụ Mậu Thân

Từ nhiều năm qua, mọi cuộc điều tra hướng tới gia tộc họ Lê đều đi tới ngõ cụt hoặc có kết thúc như hài kịch. Trong các nhiệm kỳ của ông Lê Thanh Hải, nhiều thành viên trong gia đình có quan lộ thần tốc.

Nhưng dường như thời thế nay đã khác.

Hồi cuối tháng 5/2019, Sở Nội Vụ TP Hồ Chí Minh ra thông báo phát hiện ông Lê Tấn Hùng có rất nhiều vi phạm và cuối cùng đề nghị "hạ bậc lương" đối với ông này, một quyết định như giỡn chơi, theo kiểu muỗi đốt inox.

Chỉ dấu về sự suy yếu và hướng điều tra về gia tộc này đã có từ lâu, nói theo thuyết âm mưu hay đúng hơn thì chính hành vi sa sút phẩm chất của họ đã sớm được nhận ra.

Khá bất ngờ danh sách thành ủy viên 2015-2020 không có tên ai trong gia tộc họ Lê mặc dù ứng cử viên sáng giá là ông Lê Trương Hải Hiếu, con ruột ông Lê Thanh Hải và ông Lê Tấn Hùng, em ruột ông Hải cũng chịu chung số phận.

Tháng 8/2015, Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh để ông Lê Trương Hải Hiếu thôi giữ chức phó bí thư thường trực quận ủy, phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận 1 để về giữ chức Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận 12 kiêm Phó Bí thư quận ủy nhiệm kỳ 2015-2020.

Với việc bổ nhiệm này, ông Hải Hiếu trở thành lãnh đạo quận trẻ nhất TP Hồ Chí Minh.

Từ đây mới có câu "muỗi đốt inox" mà 'cư dân" Vườn Hồng xem như một slogan khi nói về gia đình Lê Thanh Hải, một thành trì bất khả xâm phạm, "Nam phương bất bại".

Nhưng có một slogan mới, uy lực hơn được cán bộ Đảng viên và người dân đồng tình đó là "Lò nóng lên thì củi tươi cũng cháy" từ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Nhiều cuộc kiểm tra tư cách Đảng viên, thanh kiểm tra đã mở ra với nhiều cơ quan có dấu hiệu vi phạm ở TP Hồ Chí Minh và nhiều cán bộ bị đặt nghi vấn về tư cách Đảng viên, hành vi hình sự là người nhà của ông Lê Thanh Hải.

Và trong diễn biến bất ngờ về đồn đoán nhưng không bất ngờ về bản chất hình sự, cơ quan điều tra đã bắt ông Hùng.

Người dân vẫn đang trông đợi việc quy trách nhiệm cho các cựu chủ tịch, bí thư ở TP.Hồ Chí Minh trong vụ khu đô thị mới Thủ Thiêm
Tiếp theo sẽ là gì?

Việc ông Hùng bị bắt cho thấy quyết tâm đưa những kẻ tham ô, phá hoại đất nước ra trước pháp luật của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tổng công ty Sagri nơi ông Lê Tấn Hùng làm tổng giám đốc là một doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh. Trong suốt nhiều năm, từ 2004 đến 2017, có tới 18 lãnh đạo chủ chốt của đơn vị này dính tới tham ô tài sản và cố ý làm trái, từ Hội đồng Thành viên cho đến Ban tổng giám đốc, kế toán trưởng và thậm chí kiểm soát viên. Kết quả thanh tra cho biết hầu hết các hoạt động của đơn vị này "đều có sai phạm".

Trước đó, công ty Tân Thuận bị phát hiện có nhiều sai phạm là một đơn vị kinh tế của Thành Ủy TP Hồ Chí Minh thì giờ đây chúng ta thấy một Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn là một đơn vị kinh tế của Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh.

Cả nước hiện có khoảng 500 đơn vị kinh tế 100% vốn nhà nước có địa vị pháp lý tương tự, trong đó có những đơn vị khổng lồ như Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Than - khoáng sản… và các đơn vị trung bình như Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Công ty Tân Thuận… Các đơn vị này hiện đang nắm giữ khoảng 75% tài sản của quốc gia.

Khó có thể tìm thấy lợi ích của các công ty với xã hội nhưng rất dễ để chỉ ra tác hại với nền kinh tế.

Cho nên việc thanh tra, kỷ luật ông Lê Tấn Hùng và trước đó là nhiều doanh nghiệp nhà nước cho thấy chính quyền trung ương không nhắm vào cá nhân, gia tộc nào mà muốn giải phẫu khối bệnh tật gây nguy hiểm cho sức khỏe kinh tế quốc gia, cũng là lộ trình định hình cho những hình thức kinh tế mới, hợp quy luật.

Tại Hội nghị Trung ương 10 hôm 16/5, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu quan trọng, nhấn mạnh:

"Bây giờ kinh tế tư nhân đang phát triển rất tốt. Đừng có kỳ thị với kinh tế tư nhân, phải công bằng, tôi đề nghị sắp tới nơi nào làm tốt phải biểu dương, khen thưởng, thậm chí phong danh hiệu anh hùng cho doanh nghiệp tư nhân. Không kỳ thị, nhưng đồng thời anh nào có sai thì yêu cầu họ sửa.

Nhà nước cũng thế, không phải nhà nước tất cả cái gì đều tốt. Kinh tế nhà nước có mặt tốt, nhưng vừa qua có rất nhiều thất thoát. Nhưng từ chỗ thất thoát như thế mà dẫn đến coi nhẹ kinh tế nhà nước, chuyển tất cả sang tư nhân thì có đúng không?...

Tôi nói ví dụ những vấn đề như vậy có cần bàn không? Lần này tôi nói mang tầm chiến lược là như thế..."


Tháng 6/2019 cũng bất ngờ với báo chí khi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra về các sai phạm trong dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Về luật học, bản kết luận cáo buộc rất khéo với chi tiết khi quy trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân trong việc quy hoạch dự án Thủ Thiêm, làm thất thoát ngân sách Nhà nước, phá vỡ quy hoạch chung theo Quyết định 367, thu hồi tiền của các dự án về cho nhà nước…

Tuy văn bản không nêu cái tên nào cụ thể nhưng trách nhiệm thì rất rõ ràng.

Vấn đề là họ sẽ được xử lý như thế nào thì dư luận còn phải chờ đợi thêm một thời gian.

Bài thể hiện quan điểm và cách hành văn của tác giả, một nhà báo tại TP.Hồ Chí Minh.



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: