Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 16 tháng 7, 2019

Hữu Nghĩa: Dựng kịch ngày càng khó, lo chẳng còn ai xem


16/07/2019 08:52

(NLĐO) - Sau một tháng tạm ngưng sửa chữa, củng cố đội ngũ diễn viên, sân khấu Kịch Sài Gòn đã nỗ lực tái hoạt động. Là một trong những nghệ sĩ trụ cột của sàn diễn này, danh hài Hữu Nghĩa trải lòng khi nghĩ về diện mạo kịch nói TP HCM hôm nay.

Hữu Nghĩa: Dựng kịch ngày càng khó, lo chẳng còn ai xem - Ảnh 1.
NS Hữu Nghĩa và khán giả của sân khấu kịch Sài Gòn
Không còn mỗi tháng mỗi ra mắt vở mới như cách đây 2 năm, làng kịch TP HCM theo nhận định của danh hài Hữu Nghĩa vẫn thiếu nhiều vở diễn hay, do nguồn kịch bản không đáp ứng hai yêu cầu: Doanh thu và nghệ thuật. 
"Sân khấu kịch xã hội hóa tại TP HCM đang chựng lại khi ngày càng ít tác phẩm đọng trong lòng công chúng yêu kịch. Hệ lụy trước hết chính là sự bùng phát một thời các sân khấu kịch ồ ạt ra đời, trong khi đó đội ngũ sáng tác, đạo diễn chưa đủ độ chín để tạo bước đột phá. Thế là bung ra rồi lại co cụm lại, một số sân khấu phải đóng cửa như "Nụ cười mới", "Kịch Rubiz"… Tôi cho rằng không nên đổ lỗi hết cho game show, truyền hình thực tế, vì mỗi loại hình có đối tượng khán giả riêng. Vấn đề là tìm kiếm kịch bản và thủ pháp dàn dựng với hình thức đổi mới thì sẽ tìm được khán giả" - danh hài Hữu Nghĩa phân tích.
Hữu Nghĩa: Dựng kịch ngày càng khó, lo chẳng còn ai xem - Ảnh 2.
NS Hữu Nghĩa và Kim Huyền
Danh hài Hữu Nghĩa cho rằng nhiều đạo diễn trẻ đã nỗ lực khẳng định tên tuổi qua nhiều vở diễn hay, nổi lên tại sân khấu Kịch Phú Nhuận có hai gương mặt đình đám là: Đức Thịnh và Thái Hòa. Sau này có thêm Chánh Trực, Vũ Minh, Đình Toàn, Ngọc Duyên, Ngọc Hùng, Cao Tấn Lộc, Xuân Trang, Diệp Tiên… Tuy nhiên, do thiếu kịch bản hay nên đến nay khó tìm được vở thu hút số đông khán giả.
"Một số em còn bị chi phối bởi quá nhiều phim truyền hình, kịch tivi, show sự kiện, quảng cáo…Dù xem sân khấu là thánh đường nhưng lại hời hợt, không chăm chút nên kịch ra đời không có tuổi thọ" – Hữu Nghĩa nhấn mạnh.
Hữu Nghĩa: Dựng kịch ngày càng khó, lo chẳng còn ai xem - Ảnh 3.
Danh hài Hữu Nghĩa
Các nhà chuyên môn cũng đánh giá đây chính là hệ lụy khiến việc dựng kịch ngày càng khó. Bởi đâu phải thời nào cũng có kịch bản hay. Chính công tác biên tập và sự đầu tư tâm huyết sẽ giúp cho các đạo diễn làm ra vở diễn hay, sau đó chính họ gia cố để làm nên tác phẩm bán dược vé.
"Đơn cử kịch bản "Dạ cổ hoài lang" của cố tác giả Thanh Hoàng viết cho phong trào kịch nói quần chúng của TTVH quận Phú Nhuận, đến khi được chọn vào trại sáng tác, anh gia cố thêm và dành hết tâm huyết để vở diễn được xem là đỉnh cao của 5B cho đến hôm nay vẫn còn đông khán giả đến xem" - Hữu Nghĩa dẫn chứng.
Bên cạnh đó, danh hài Hữu Nghĩa phân tích kịch bản yếu nên các sàn diễn phải cố gắng hình thành phong cách và đã qua rồi "cơn bão" kịch kinh dị, hồn ma, quỷ ám,... khiến người xem không còn thích thú. Không ít các suất diễn kịch dài của một số sân khấu lâu nay được xem là "bất khả… trả vé" cũng phải làm công việc cáo lỗi khán giả vì diễn viên "kẹt show phim truyền hình" hoặc các ca sĩ ngôi sao được mời vào đóng kịch nhưng lỡ nhận show lưu diễn, đành... trả vé.
Hữu Nghĩa: Dựng kịch ngày càng khó, lo chẳng còn ai xem - Ảnh 4.
Dành hài Hữu Nghĩa trên sân khấu kịch Sài Gòn
Danh hài Hữu Nghĩa nhận xét kịch bản ngày nay càng khó dựng khi không dám đụng đến những vấn đề thời sự nóng bỏng. Trên thực tế, những vấn đề thời sự được đưa vào kịch phải được tiêu hóa và hư cấu thật nhuần nhuyễn mới mong thuyết phục khán giả. Các vở diễn hiện nay nếu không ma, đồng tính thì cười cợt cho vui vẻ, không có sự đối thoại với khán giả nên người xem chỉ tìm thấy sự giải trí mà không được nhận lại những điều đáng suy gẫm cho cuộc sống chung quanh mình. 
Theo danh hài Hữu Nghĩa, báo chí, truyền thông hiện nay rất nhanh nhạy. Những vấn đề thời sự nóng bỏng diễn ra liên tục. Sân khấu đương đại nếu không cập nhật kịp sẽ khó mà tạo được sự đối thoại với khán giả. "Nếu không nhận ra điều này, vài năm nữa không ai còn đến xem kịch" - Hữu Nghĩa cảnh báo.
Thanh Hiệp

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: