Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2019

THIÊN ĐƯỜNG HAY ĐỊA NGỤC?


16 THÁNG HAI, 2019 - Mai An Nguyễn Anh Tuấn
Cách đây hơn 10 năm, sau khi nhà tư vấn Belt Collin Hawaii Ltd., xây dựng phương án “Cầu nối trời và đất” cho tỉnh Vĩnh Phúc – tức là những con đường được mở dẫn lên Tam Đảo 2 (vùng lõi Tam Đảo) – kèm theo ba phương án biến Tam Đảo 2 thành “Thiên đường”, dư luận xã hội đã có nhiều tiếng nói phản kháng dữ dội. Sự việc tạm chìm đi một thời gian, để giờ đây lại xuất hiện một dự án xây dựng quy mô lớn đang được khởi công ngay giữa vùng lõi của vườn Quốc gia Tam Đảo (Vĩnh Phúc), nguy cơ hàng ngàn cây rừng cổ thụ nguyên sinh bị chặt hạ, đất đá bị đào bới, nguồn nước tự nhiên bị cạn kiệt, thảm họa lũ bùn, lũ đá rình rập phá hoại nhiều di tích văn hóa lịch sử quý giá và cuộc sống của hàng ngàn hộ dân sống dưới chân núi, “lá phổi” của miền Bắc sẽ bị xâm hại nặng nề… Nhiều tiếng nói phản kháng lại xuất hiện, tiêu biểu như: “Sun Group lại muốn biến Tam Đảo thành đặc khu như đã làm với Bà Nà?” Bauxite.net). Bài viết này nhằm tiếp lửa cho những tiếng nói phản kháng việc hủy hoại thiên nhiên và môi trường sinh thái khủng khiếp đang diễn ra nhằm biến vùng lõi Tam Đảo thành địa ngục.
Vượt qua một đoạn sập núi
Có lần đi trong Thiền viện Tây Thiên, ngẩng nhìn khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, tôi thoáng mơ ước được lên tới đỉnh Tam Đảo. Không ngờ, chỉ mấy tháng sau đó, tôi lại là nhà báo đầu tiên có cơ hội đặt chân đến nơi xa nhất, cao nhất và hoang lạnh nhất của núi rừng Tam Đảo… Sáng sớm ngày 2/3/2007, một đoàn công tác 14 người – gồm ba nhà báo, người dẫn đường, cùng cán bộ tỉnh, kiểm lâm, và lực lượng quân sự được cử đi theo để giúp đỡ, bảo vệ (và giám sát) các nhà báo tác nghiệp – đã xuất phát từ một khách sạn của khu Tam Đảo I….

Những ánh đèn pin chọc sương mù dày đặc. Tiếng chậm rãi gọi bộ đàm báo cáo. Tiếng bước chân nặng trịch của đoàn người trĩu vai súng đạn, tăng võng, nồi niêu, gạo muối, máy quay, v.v. Đoạn đường đất 3km từ Tam Đảo I vào cửa rừng bị sụt lở nham nhở, và tới một chỗ, con đường biến mất, đất đá chình ình! Chúng tôi đã phải bám vào một cành cây để đu sang hòn đá tảng nằm chơi vơi trên vực thẳm, rồi thận trọng leo xuống. Hú vía!

Cửa rừng đã hiện ra. Người địa phương gọi đó là ngã ba Rùng Rình…Từ đây, lộ trình của cả đoàn chỉ có thể đếm từng bước chân qua một lối mòn mờ nhoà, trơn tuột, vắt qua những sườn đá cheo leo, và có lúc mất hút. Đây đó, thấp thoáng những viên đá lát trải ngót thế kỷ vốn dành riêng cho người tuần rừng. Nhiều chỗ phải chui qua, hoặc trèo lên một thân cây lớn ngã gục giữa đường. Những thanh gỗ mục bắc qua hẻm… Người dẫn đường vừa cầm dao phạt dây leo, vừa xác định lại phương hướng. Chưa được một phần tư đường, ai nấy mồ hôi trộn nước mưa nhoè nhoẹt. Nhà báo Bùi Viên người Hải Phòng (vốn là nhà quay phim điện ảnh đã về hưu) mấy lần chuội chân suýt ngã xuống dốc. Ông ngồi mệt nhoài, tay ôm ngực. Cả đoàn hội ý, rồi cử một anh lính đưa ông quay ra.

Vậy là, giờ chỉ còn tôi và nhà báo trẻ Trọng Khả (báo Phú Thọ) – hai “gã nghều” tác nghiệp… Chúng tôi ở ba cơ quan truyền thông khác nhau, cùng tình nguyện nhận một nhiệm vụ của Diễn đàn Nhà báo Môi trường (VFEJ): cung cấp những tư liệu thực tế để góp phần phản biện công trình: “Xác định cơ sở khoa học để đánh giá tác động môi trường phục vụ dự án xây dựng khu du lịch sinh thái bền vững Tam Đảo 2” của trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại Học Quốc gia Hà Nội) và Ban QLDATĐ 2 được làm theo “hợp đồng có định hướng” của UBND tỉnh Vĩnh Phúc – mà trên cơ sở đó, tỉnh sẽ triển khai các bước tiếp theo nhằm thu hút 380 triệu USD cho một dự án xây dựng khu vui chơi giải trí cao cấp – gồm khách sạn, sòng bạc, sân golf, chuồng ngựa… ngay trong vùng lõi của một Vườn Quốc gia nổi tiếng! Chúng tôi đã được thông báo kỹ lưỡng trước khi khởi hành: rừng Tam Đảo không còn gì đáng để bảo tồn, không còn cây lớn nào mà chỉ toàn rừng cây lúp xúp, dứa ma và tre trúc, các loài thú quý hiếm không còn! Thấy tôi chăm chú ghi hình những thân cây lớn bị chặt đốn ngổn ngang còn in vết rìu, anh kiểm lâm đi theo vội giải thích: đó là do chúng tự hoại, tự đổ, vì trên cao gió to, lại không có ai bảo vệ…

Đường hẹp và trơn nhẫy, dốc đứng, may mà có những bụi cây rễ cây để bám, nếu không, sau mấy lần trượt chân tôi đã quăng mình lẫn đồ nghề xuống chân núi hoặc đáy vực! Chưa được nửa chặng đường, đế giày của tôi đã bật tung. Nguy quá, tôi đành “phanh thây” vỏ chân máy quay để buộc quanh giày đi tạm.

Cả đoàn nghỉ ăn trưa bên một đoạn thác hoang vu. Từ đây nhìn xuống là rừng thăm thẳm ôm đất Phật Tây Thiên và một vùng trung du chìm trong mây lẫn sương mù trắng đục…

Anh cán bộ tỉnh bước tới cạnh tôi, say sưa kể lại chuyện: năm trước, một kỹ sư lâm nghiệp người Úc, vì mải say mê khám phá sự phong phú của tài nguyên rừng và hệ sinh thái rừng Tam Đảo mà ông ta đã bị lạc bốn ngày trong rừng, suýt chết !… Những điều viết trong công trình khoa học nói trên không dám phủ nhận sự phong phú của hệ sinh thái rừng Tam Đảo, nhưng đã nhấn mạnh rằng, chúng đã bị hủy diệt gần hết, giờ chỉ còn là rừng tái sinh, cây dại, và đất thì đã hoang hóa, cằn cỗi, chỉ có thể dùng làm vào việc khác “có ích” hơn! Cái Tâm và cái Tầm tri thức của những nhà khoa học Việt Nam trong công trình được gọi là “khoa học” đó sao mà thảm hại so với ông kỹ sư lâm nghiệp người Úc kia!

Tới suối Bòn Bọt, có hai lán hoang. Đích thị là lán lâm tặc!… Ống kính máy quay của tôi may mắn “bắt” được những vạt rừng già nguyên sinh còn sót lại, những thân cổ thụ hai ba người ôm không xuể! Những “di chứng” của rừng như thế hiện đang nằm trong kế hoạch chặt phá với danh nghĩa là “phát triển khu du lịch sinh thái để gây dựng, phục hồi rừng”!? Tôi đã được nghe kể về ý tưởng “nối Mặt đất với Thiên đường” của Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, và được Nhà tư vấn Belt Collin Hawaii Ltd., được cụ thể hóa bằng phương án có tên gọi là “Cầu nối trời và đất” – tức là những con đường được mở dẫn lên Tam Đảo 2 – kèm theo ba phương án biến vùng lõi Tam Đảo 2 thành “Thiên đường”…

4 giờ 30 phút chiều, đoàn mới lên tới đỉnh Tam Đảo II – đó là một khu đất bằng phẳng, từng là bãi đáp máy bay trực thăng đưa lãnh đạo tỉnh và các nhà khoa học tới Tam Đảo…

Cả đoàn hạ trại. Nhóm thì nổi lửa nấu cơm, nhóm thì dựng lán căng lều bạt… Hai nhà báo tận dụng ánh sáng trời. Mục đích lớn nhất của chúng tôi trong chuyến đi này là phải ghi bằng được hình ảnh về Rừng Lùn – như một bằng chứng hùng hồn về sự đa dạng sinh học của Tam Đảo! Chúng nằm ở vùng đất ướt vắt trên sống của dãy Tam Đảo, là một loại rừng đặc thù của vùng mưa ẩm Á nhiệt đới sống ở trên cao mưa nhiều gió lớn, tồn tại một cách phi thường theo kiểu rừng kín, xanh tốt quanh năm, và đã được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam. Nhưng cán bộ tỉnh đi theo quả quyết: rừng Lùn không còn nữa, và các nhà báo lần đầu tiên đã được đi tới nơi xa nhất của Tam Đảo 2!

Đúng là xa nhất, nhưng cũng xa hẳn rừng Lùn – theo “định hướng”!

Sập tối. Cả đoàn run rẩy vây quanh đống lửa lớn… Sau bữa cơm bày trên mảnh ni lông, vừa ăn vừa hớp nước mưa, chúng tôi chui vào những lều bạt, lán nứa dựng tạm.

Qua một ngày ròng leo núi vượt rừng nguy hiểm, đầy bất trắc, ngay cả những anh lính trẻ cũng lăn ra ngủ như chết. Còn tôi, toàn thân đau nhức, không sao ngủ được, lại thêm nỗi thao thức giữa rừng hoang lạnh trước tương lai thê thảm nhỡn tiền của Tam Đảo… Tôi nhìn ra màn đêm, chợt hình dung ra cảnh những đống đất đá khổng lồ, những dòng lũ bùn lũ rác trôi từ đỉnh Tam Đảo này xuống chôn vùi, phá huỷ bao thôn xóm và 79 di tích đền chùa dưới chân Tam Đảo – một khi “Thiên đường” được tạo nên bằng mọi giá!… Ba Vì, Tam Đảo là những ngọn núi linh thiêng của người Việt tự cổ xưa. Và trước khi dời Hoa Lư ra Thăng Long, vua Lý Công Uẩn viết Chiếu dời Đô, có câu: Tiện hình thế nhìn sông tựa núi (sơn xuyên hướng bội chi nghi…). Thăng Long- Hà Nội nhìn ra sông Cái (Nhị Hà) và tựa vào hai dãy núi linh thiêng của người Việt cổ là Ba Vì – Tam Đảo. Vua Lý Công Uẩn hẳn đã nhận thấy Kinh đô mới nhìn ra sông Cái và dựa vào hai dãy núi này… 


Mệt quá, tôi thiếp đi trong một cơn ác mộng hãi hùng chưa từng thấy trong đời: Những dòng lũ bùn, lũ đá, lũ rác cuốn trôi ào ạt, đè ập xuống, làm đứt phựt tiếng hát ngây ngô của con gái tôi: Cọ xoè ô che nắng/ Thơm mát đường… Dốc Rùng Rình chợt chao đảo, suối Bòn Bọt bỗng thở dài não nuột và cất tiếng khóc ai oán hơn cả tiếng khóc đại tang… Những dòng lũ rác lũ bùn làm màu mây trắng thần thoại Tây Thiên thành xám xịt; tượng Phật, tượng La Hán chảy máu mắt ròng ròng trước cảnh chùa tan hoang, ngập bùn, núi thiêng nham nhở, trọc lốc… Thú lớn thú nhỏ chạy tan tác khi những vòng quay sòng bạc xoay tít toé máu ra khắp hướng… Những vó ngựa đua dẫm nát cánh bướm rừng… Những sân golf mười tám lỗ, ba sáu lỗ như những lỗ đen trên thiên hà đang há toác miệng nuốt chửng mọi thứ… Khách sạn, nhà hàng chăng đầy da thú hiếm như triển lãm, vây quanh là những khuôn mặt tự mãn no nê đỏ phừng phừng mở miệng lè ra rắn rết, rồi ném ra ngoài thành những con khủng long tiền sử đột biến gien có khả năng đớp, ngoạm tất cả! Một vị tiên ông khoác hoàng bào xuất hiện, thét vào mặt tôi: Này, đây là nơi mà cơ nghiệp muôn đời đế vương xưa tựa vào, và đang là chỗ dựa cho muôn đời con cháu, các ngươi hiểu chưa? Rồi một nhà khoa học nước ngoài thẫn thờ ôm mặt khóc, mọc đôi cánh thiên thần và lặng lẽ bay đi…

Quá nửa đêm, tôi bật choàng tỉnh dậy, sờ tay lên người, cả một tảng máu đã khô cứng lẫn máu tươi đang ri rỉ bởi một con vắt chui vào nách tự lúc nào! Nhưng điều này còn dễ chịu hơn gấp trăm lần so với những cơn ác mộng vừa qua… Sương mỗi lúc một nặng hạt rơi trên nóc lán bạt. Tôi lại quay nhìn sang mấy anh lính trẻ đang ngủ vùi mê mệt sau những chặng dốc cao, vực thẳm hun hút, lối mòn chênh vênh trơn tuột trong gió lạnh, mưa phùn. Có thể, các anh cũng đang trải qua những giấc mơ hãi hùng như tôi? Và chúng sẽ không còn là giấc mơ nữa, khi dự án “nối mặt đất với thiên đường” trở thành hiện thực, mở lối dẫn vào Chín tầng Địa ngục của thi hào Ý Dante *!

Lượt trở về cũng gian nan nguy hiểm không kém… Tôi lại tiếp tục quay được thêm những thân cổ thụ bị chặt và đổ gục thương tâm, những lán lâm tặc, những bụi dứa ma xơ xác, những con vắt nghển cổ ngạo mạn… Tôi chưa kịp tìm thấy Rừng Lùn cùng những con thú được ghi trong sách Đỏ… Nhưng, ngót hai mươi phút hình ảnh có máu, mồ hôi, nước mắt, và cả tính mạng của chúng tôi “đánh cược” ở đó cũng cho thấy sự phong phú đa dạng của hệ sinh thái rừng Tam Đảo, những chứng cứ hiển nhiên của rừng nguyên sinh – chúng chưa hề bị biến mất như trong các báo cáo “khoa học” – dù phải trải qua biết bao sự khai thác tận diệt, sự ngang nhiên phá rừng của những kẻ vô lương tâm và dốt nát. Và điều đó đã giúp rất nhiều cho “Khoá đào tạo các nhà báo quan tâm đến môi trường ba miền” do VFEJ (Diễn đàn Nhà báo Môi trường) tổ chức (với sự tài trợ của Mạng lưới Báo chí Trái đất – EJN), theo chủ đề: Bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam. 

Lớp tập huấn này được tổ chức ngay sau cuộc hành trình dã ngoại của chúng tôi một tuần tại Tam Đảo I, các nhà báo trẻ toàn quốc đã được xem những hình ảnh sống động, chân thực chưa từng có về Tam Đảo II; cũng từ đây, nhiều tiếng nói gay gắt bộc trực của các nhà báo trẻ đã gây sốc cho công luận về cái ý định xẻ thịt vùng lõi Vườn Quốc Gia Tam Đảo, phá đi lá phổi miền Bắc! Và, rất tự nhiên, như một phản ứng dây chuyền, cuối tháng 9-2007, tại Hà Nội, một cuộc Hội thảo quy mô đã diễn ra: “Các vấn đề môi trường liên quan đến dự án Tam Đảo 2”. Cho đến tận hôm nay, những vấn đề được nêu lên từ Hội thảo đó vẫn còn nguyên tính thời sự làm nóng bỏng lương tri xã hội.

Chuyến đi đặc biệt ấy đã không đưa tôi đến “Thiên đường” nhưng đã giúp tôi cùng nhiều nhà báo trẻ – ít nhất là như thế – bước đầu hiểu thế nào là Địa ngục, nếu cái “Thiên đường” kia vì một lý do nào đó lại trở thành hiện thực…
__________________

* Trong tác phẩm Thần khúc (Divina Commedia) của nhà thơ Ý vĩ đại Dante Alighieri (1265-1321).



Chú thích ảnh (chụp lại từ tư liệu quay)



1. Một trong những cổ thụ trên đỉnh Tam Đảo do lâm tặc chặt



2. Đoàn hành trình ở bên suối Bòn Bọt



3. Vượt qua một đoạn sập núi



4. Vắt rừng Tam Đảo



5. Sinh hoạt của đoàn trong rừng

http://vanviet.info/van/thin-duong-hay-dia-nguc/ đêm đỉnh Tam Đảo

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: