Trong số 4 yếu tố cản trở sự phát triển của ngành bán lẻ ở Việt Nam thì có tới 3 yếu tố là do thói quen của người Việt.
Báo cáo của Omnichannel cho biết, hiện tại tốc độ tăng trưởng của ngành bán lẻ hiện đại ở Việt Nam là 5,4%. Con số này cao hơn nhiều so với mức trung bình thế giới 1,9%, và cũng cao hơn mức 4,3% trung bình châu Á.
Nhưng trên thực tế, so với các quốc gia Đông Nam Á khác, Việt Nam là quốc gia có ngành bán lẻ truyền thống nhất với tỷ lệ hiện đại hóa và điện tử hóa thương mại vẫn nhỏ hơn hai đến ba lần so với các quốc gia khác trong khu vực như Philippines và Thái Lan. Trung bình cứ 100 USD tiêu dùng thì có tới 81,8 USD được chi trả cho các hàng hóa mua tại chợ truyền thống. Nhưng điều đó không hẳn tiêu cực hoàn toàn. Thậm chí nó còn mở ra cơ hội cho các công ty bán lẻ đa quốc gia.
Tất cả các nhà đầu tư nước ngoài vào mạng lưới bán lẻ Việt Nam đã nhận thấy tiềm năng từ những dấu hiệu tăng trưởng tích cực. Nền kinh tế Việt Nam năm vừa qua có tăng trưởng kỷ lục 7,08%. Dân số tăng trưởng 1%, tương đương 1 triệu người mỗi năm. Mức độ đô thị hóa của Việt Nam cũng rất cao, ước tính đến năm 2040, một nửa dân số sẽ sống ở khu vực thành thị (33,1% vào năm 2014).
Hiện nay, Việt Nam đang đứng thứ 6 trên thế giới và thứ 4 châu Á về Chỉ số Phát triển bán lẻ toàn cầu GRDI (Global Retail Development Idex). Trong những năm gần đây, nhiều hãng bán lẻ lớn trên thế giới đã trở nên quá quen thuộc với người tiêu dùng như: Aeon, Lotte, Circle K,... Và thậm chí nhà bán lẻ hàng đầu thế giới Walmart vào năm 2016, 2017 từng nhiều lần bày tỏ ý định thâm nhập thị trường Việt Nam: "Walmart sẵn sàng mở cửa hàng tại Việt Nam nếu khách hàng Việt có nhu cầu"- tỷ phú Scott Price khẳng định tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2017.
Thế nhưng, những lý do sau đã cản trở Walmart, cũng như các nhà bán lẻ quốc tế khác, khiến họ khó có thể dễ dàng gia nhập và hoạt động tốt tại thị trường Việt Nam.
Trước tiên là về vị trí xây dựng. Giá bất động sản ở trung tâm thành phố quá đắt, nên các siêu thị và trung tâm thương mại lớn thường bị đẩy ra khu vực ngoại thành. Điều đó làm giảm sức hút của các trung tâm mua sắm này cũng như lượng khách vãng lai của họ.
Thứ hai, người Việt vẫn đánh giá cao sự tiện lợi. Hình thức chợ truyền thống và chợ tạm đã quá phổ biến tại Việt Nam trong khi vẫn chưa có cách nào để quy hoạch một cách tập trung. Hầu hết người Việt vẫn thích đi chợ truyền thống thay vì đến các trung tâm lớn, với tâm lý mua được đồ tươi hơn, gần hơn, lựa chọn thoải mái hơn và quan trọng là dễ "mặc cả".
Thứ ba, đối với việc đi siêu thị hay trung tâm thương mại mua sắm, người Việt vẫn thường đi xe máy. Việc di chuyển bằng xe máy hạn chế khả năng chở đồ, dẫn đến việc mua đồ cũng ít hơn. Tuy hầu hết các siêu thị giờ đây đều có dịch vụ chuyển đồ đến tận nhà nhưng với tâm lý thích "miễn phí" thì hầu hết mọi người vẫn sẽ lựa chọn tự mang đồ về nhà thay vì thuê dịch vụ chuyển phát.
Cuối cùng là một yếu tố liên quan nhiều đến tâm lý. Cuộc sống đô thị giờ đây ngày càng trở nên căng thẳng, người dân nhiều khi cần giải tỏa áp lực bằng cách mua sắm. Ai cũng hiểu rằng việc đến một siêu thị hay một trung tâm thương mại lớn sẽ dễ làm họ rơi vào tiêu dùng quá mức hơn, nên sự lựa chọn cuối cùng vẫn thường là các cửa hàng nhỏ và những nơi quen thuộc mà họ tin tưởng.
Với những lý do trên, thật dễ hiểu lý do tại sao thương mại truyền thống lại đang cản trở thương mại hiện đại nhiều như vậy.
|
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét