Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 21 tháng 2, 2019

Chúng ta không hề sợ Trung Quốc, dù họ đông, họ mạnh hơn

Hồ Bất Khuất: CUỘC CHIẾN CHỐNG TRUNG QUỐC XÂM LƯỢC SUÝT CÒN ĐẪM MÁU HƠN !


 TBT Ngày 17/2/2019, kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đẫm máu với người láng giềng Trung Quốc, nhà báo Hồ Bất Khuất kể lại chuyện tai nghe, mắt thấy về trận chiến đẫm máu này…
https://kimdunghn.wordpress.com/2019/02/21/cuoc-chien-tranh-chong-trung-quoc-xam-luoc-da-rat-dam-mau-suyt-con-dam-mau-hon/
https://baotiengdan.com/2019/02/16/cuoc-chien-tranh-chong-trung-quoc-xam-luoc-da-rat-dam-mau-suyt-con-dam-mau-hon/
 Nay, kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đẫm máu với người láng giềng Trung Quốc, tôi kể lại chuyện được nghe để thấy chúng ta không hề sợ Trung Quốc, dù họ đông, họ mạnh hơn.

Kỷ niệm 10 năm cuộc chiến vệ quốc 1979, tôi được cử lên Lạng Sơn 1 tháng. Ở đó tôi nghe được những câu chuyện mà báo chí chưa bao giờ viết. Xin kể lại để chúng ta biết và suy ngẫm.
 Tháng 12/1988, tôi được báo là chuẩn bị đi công tác Lạng Sơn. Trước ngày lên đường, lại được báo là cần gặp ông Đinh Nho Liêm – Ủy viên trung ương Đảng, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao.
 Tôi đến nhà ông ấy ở số 3 Cao Bá Quát (Ba Đình, Hà Nội). Nhìn thấy tôi, ông Đinh Nho Liêm thất vọng (hay ít ra cũng không hài lòng) nhưng rồi ông vẫn mời tôi vào nhà. Khi đã ngồi xuống ghế, ông Đinh Nho Liêm hỏi tôi: “Cậu làm việc ở Tạp chí Cộng sản được bao lâu rồi?”/ “Dạ, 6 năm ạ.”/ “Học ở đâu ra?”/ “Ở Liên Xô về ạ”/ “Quê ở đâu?”/ “ Quỳnh Lưu, Nghệ An ạ”…
 Sau khi “hỏi ngắn, đáp gọn” như vậy, ông Đinh Nho Liêm có vẻ vui tươi hơn một chút nhưng lại hỏi rất nghiêm trang: “Cậu biết rõ nhiệm vụ đi Lạng Sơn của mình lần này rồi chứ?”/ “Dạ, việc của nhà báo thì chỉ viết thôi chứ còn làm gì nữa ạ?!”/ “Đúng là viết nhưng không phải viết bình thường, mà cậu chắp bút cho Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn La Thăng (1922 -2014) một để bài kỷ niệm 10 năm chiến tranh biên giới với Trung Quốc để đăng vào số tháng 2/1989 của Tạp chí Cộng sản. Tinh thần là kỷ niệm 10 năm cuộc chiến đẫm máu nhưng không phải gây thù hận, mà là bắt tay giảng hòa. Chắc cậu hiểu rõ ý nghĩa của việc này rồi…”.
 Sau đó, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Đinh Nho Liêm nói về sự cần thiết phải bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc; sự lắt léo, khó khăn, phức tạp của việc này. Tôi ngồi nghe chăm chú nhưng chưa hình dung được mình sẽ viết ra sao, mặc dù việc chắp bút (viết cho người khác đứng tên) tôi cũng đã làm khá nhiều.
 Đoàn công tác của Tạp chí Cộng sản do Vụ trưởng Vụ Quốc tế Nguyễn Trọng Thụ dẫn đầu được Tỉnh ủy Lạng Sơn tiếp đón rất trọng thị. Bí thư La Thăng tin tưởng là sắp tới, quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ có bước chuyển biến tích cực. Sau 5 ngày, đoàn trở về Hà Nội, riêng tôi ở lại. Nhiệm vụ của tôi là trong một tháng phải viết xong bài báo dài cỡ 3 – 4 ngàn chữ để kỷ niệm 10 năm cuộc chiến với Trung Quốc trên biên giới phía Bắc với tinh thần hòa giải.
 Để nắm được tình hình cuộc chiến 10 năm về trước, tôi được tiếp cận với mọi tài liệu mật, được lên các đồn biên phòng, được hỏi Bí thư La Thăng. Tuy nhiên, người luôn luôn trò chuyện với tôi, cung cấp nhiều thông tin và nhiều nhận định có giá trị là ông Trần Rỹ – Trưởng Ban Tuyên huấn (ngày đó chưa gọi là Tuyên giáo) Tỉnh ủy Lạng Sơn. Ông Trần Rỹ người Hà Tây, trong chiến tranh biên giới 10 năm về trước, ông mang quân hàm đại tá và giữ chức Phó Tư lệnh mặt trận Lạng Sơn.
 Sau khi bài báo đã được hình thành, chỉ chờ Ban thường vụ Tỉnh ủy có ý kiến, Bí thư chỉnh sửa nữa là xong; ông Trần Rỹ nói với tôi: “Tớ kể chuyện này cho cậu, nghe để biết thôi chứ không phải để viết báo đâu nhé!”. Tôi hứa với ông là sẽ không viết báo về chuyện này trong thời gian sắp tới. Nếu chúng ta có luật giải mật, chuyện ông Rỹ kể chắc cũng được giải mật rồi. Hơn nữa, đây không phải là viết báo, mà chỉ viết trên facebook – “nhà” của tôi.
 Theo ông Trần Rỹ, khi chiến tranh xẩy ra, trên mặt trận Lạng Sơn, phía ta có khoảng 50.000 quân, kể cả bộ đội địa phương. Trung Quốc dồn vào hướng Lạng Sơn tới 180.000 quân. Vì vậy, dù chiến đấu rất dũng cảm nhưng quân ta vẫn phải vừa đánh, vừa rút lui và chịu tổn thất khá nặng. Trước tình thế khó khăn, ngày 24/2/1979, Quân khu I quyết định thành lập Mặt Trận Lạng Sơn do Thiếu tướng Hoàng Đan làm Tư lệnh. Ông từ Hà Nội lên nhận nhiệm vụ và ra chiến trường khảo sát ngay. Không may, chiếc xe bọc thép ông đi bị trúng đạn, nổ tung. Tất cả những người trong xe đều hi sinh, riêng ông Hoàng Đan không hề hấn gì. Tuy nhiên, ông biết rằng quân ta sẽ không thể giữ được thị xã Lạng Sơn. Đồng Bành (cách thị xã Lạng Sơn khoảng 18 km) được chọn làm “Đại bản doanh” của quân ta để củng cố lực lượng và chờ cơ hội phản công.
 Đúng như nhận định của Thiếu tướng Hoàng Đan, ngày 3/3/1979, quân Trung Quốc chiếm được Lạng Sơn. Ngay trong đêm hôm đó, Tổng Bí thư Lê Duẩn có mặt ở Đồng Bành, ông tỏ ra rất tức giận vì mất Lạng Sơn, đến nỗi ông văng tục: “Các cậu đánh đấm như con c.., mất mẹ nó Lạng Sơn!”. Ông họp với Bộ Tư lệnh Mặt trận Lạng Sơn và đưa ra một quyết định ghê gớm: Phải san phẳng thành phố Bằng Tường để trả đũa việc Trung Quốc chiếm thị xã Lạng Sơn.
 Lúc này, với sự trợ giúp về vận tải của Liên Xô, quân chính quy của chúng ta đã có mặt ở Bắc Giang với nhiều vũ khí, khí tài hiện đại. Thực hiện chỉ đạo của Tổng bí thư Lê Duẩn, dưới sự chỉ huy của Tướng Hoàng Đan, chỉ trong một thời gian ngắn (chủ yếu là đêm ngày 4/3/1979), ta đã đưa vào vị trí chiến đấu hàng chục dàn hỏa tiễn “Cachiusa”. Đây là loại vũ khí nhiều nòng có thể bắn hàng loạt đạn tới thành phố Bằng Tường của Trung Quốc; chỉ còn chờ lệnh khai hỏa là thành phố này bị xóa sổ. Tướng Hoàng Đan là người chủ trương “đánh cho Trung Quốc hiểu rằng, họ sẽ phải trả giá không chịu đựng nổi” nên chuyện ta phản công mạnh mẽ là điều không tránh khỏi. (Nghe đến đây, tôi dựng tóc gáy vì năm 1976, tôi qua lại thành phố Bằng Tường 3 lần và biết đây là thành phố xinh đẹp, đông dân, có đường sắt hữu nghị Hà Nội – Bắc Kinh chạy qua. Nếu ta trang bằng thành phố này, Trung Quốc sẽ không ngồi im. Và thế là cuộc chiến tranh càng đẫm máu thêm).
 Nhưng sáng ngày 5/3/1979, Trung Quốc bất ngờ tuyên bố rút quân. Nhận được tin này, Bộ Tư lệnh Mặt trận Lạng Sơn hội ý và thảo luận là có phản công và “san phẳng” thành phố Bằng Tường nữa hay không? Tất cả nhất trí là phải hỏi ý kiến Tổng bí thư Lê Duẩn vì chính ông ra lệnh san phẳng Bằng Tường để trả đũa việc Trung Quốc chiếm và tàn phá thị xã Lạng Sơn. Dù là người chủ trương “san phẳng” Bằng Tường nhưng khi Trung Quốc tuyên bố rút quân, ông Lê Duẩn cũng nguôi giận và cho rằng, không cần phải đổ máu thêm nữa.
  Tướng Hoàng Đan tuy tiếc công đã đưa được vũ khí, khí tài vào vị trí chiến đấu rồi nhưng vẫn đồng tình với chủ trương không phản công, không truy kích khi Trung Quốc rút quân.
  Nếu Trung Quốc không tuyên bố rút quân vào ngày 5/3/1979 thì trên mặt trận Lạng Sơn chắc chắn hai bên sẽ còn mất nhiều sinh mạng hơn nữa, thù hận sẽ còn sâu sắc hơn nữa. Nay, kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đẫm máu với người láng giềng Trung Quốc, tôi kể lại chuyện được nghe để thấy chúng ta không hề sợ Trung Quốc, dù họ đông, họ mạnh hơn. 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: