Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 18 tháng 2, 2019

Tại sao Tập Cận Bình muốn phục hồi Khổng Tử? – Phần cuối


Nguyễn Hải Hoành
….
Phản ứng của dư luận
Người Trung Quốc có truyền thống “sùng thánh”, bởi vậy khi CT Tập muốn phục hồi Khổng Tử thì truyền thông chính thống cả nước liền nhiệt liệt hưởng ứng. Cơn sốt Khổng Tử nóng trở lại. Cán bộ Đảng và chính quyền thi nhau phát biểu ý kiến giải thích và chứng minh quan điểm của CT Tập là hợp lý nhất. Các đài truyền hình làm chương trình Giảng đường trăm nhà để các học giả giảng giải đạo Khổng. Bà Vu Đan (tháng 11/2012 bị sinh viên ĐH Bắc Kinh la hét phải rời diễn đàn) ngày 8/12/2015 lại ra mắt công chúng để quảng bá Khổng Tử. Chính phủ bỏ tiền tỷ đẩy mạnh xây dựng các Học viện Khổng Tử trên toàn cầu…
Giới học giả hăng hái nói về các ưu điểm của Nho giáo. Dương Triều Minh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Khổng Tử, nói: 2000 năm qua trên thế giới chưa ai được quan tâm và bị đánh giá mâu thuẫn nhiều như Khổng Tử. Thời cận đại, người Trung Quốc cho rằng muốn thoát khổ thì phải vứt bỏ văn hóa truyền thống với hạt nhân là Nho giáo. Mới đây, sau 30 năm nghiên cứu, giới học giả Trung Quốc phát hiện Nho giáo ban đầu (thời Tiên Tần) có “sắc thái tính đạo đức” rõ rệt, còn Nho giáo sau đời Hán thì có “sắc thái quyền uy” rõ rệt. Nho giáo ban đầu với đại diện là Khổng Tử nhấn mạnh “chính danh”, chủ trương “Tu dĩ an nhân” và “nhân chính”, “đức trị” – là các giá trị quan cốt lõi của Khổng Tử thật. Nho giáo sau đời Hán thì thích ứng nhu cầu chế độ chuyên chế phong kiến, phiến diện nhấn mạnh quân quyền, phụ quyền, phu quyền. Nho giáo suy thoái dần, có đặc điểm “thiếu ý thức bình đẳng và ý tưởng tự do”, không thích hợp với xã hội hiện đại. Đó là giá trị quan của Khổng Tử giả. Nay mọi người nên nhận thức được tinh thần chân chính của Nho giáo nguyên thủy, nên phục hồi các giá trị quan của Khổng Tử thật.
GS Vương Kiệt ở Trường Đảng Trung ương nhấn mạnh: kể từ phong trào Dương Vụ đời Thanh, cách mạng tư sản của Tôn Trung Sơn cho tới việc ĐCSTQ thời kỳ đầu đi theo chủ nghĩa Mác, Trung Quốc đã du nhập không ít học thuyết của phương Tây nhưng thực tế chứng minh đều không thành công. ĐCSTQ dần dần nhận ra giá trị to lớn của văn hóa truyền thống Trung Quốc, hiểu rằng chỉ có kiên trì chủ nghĩa Mác, kế thừa có phê phán nền văn hóa truyền thống Trung Quốc, kiên trì nguyên tắc “cổ vi kim dụng”, “dương vi trung dụng” thì mới có thể vứt bỏ cái vỏ bọc cũ rích của truyền thống Trung Quốc, kế thừa nội hàm tinh thần và linh hồn sống động của văn hóa truyền thống ưu tú, qua đó thực hiện sự phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa. CT Tập đã tổng kết sơ bộ tác dụng của việc kế thừa Văn hóa truyền thống ưu tú của Trung Quốc đối với sự phục hưng đó, thống nhất được hai mặt phát triển cá nhân và quốc gia giàu mạnh. Sức mạnh cứng rất quan trọng, nhưng sức mạnh mềm, như văn hóa, đạo đức, tín ngưỡng, tinh thần, giá trị quan… cũng rất quan trọng.
GS Diêu Trung Thu nói: Việc kỷ niệm Khổng Tử với sự có mặt của lãnh đạo tối cao cho thấy Trung Quốc phải dựa vào tư tưởng Khổng Tử để đạt được sự đồng thuận. Tư tưởng này không giải quyết được mọi vấn đề nhưng có lợi cho việc giải quyết vấn đề cơ bản nhất là lòng người, là giá trị quan của quốc dân, là cơ sở tinh thần của đất nước. Ở tầng nấc đời sống cá nhân, Khổng Tử đề xuất phải “tu thân”, ở tầng nấc quản trị nhà nước, Khổng Tử đề xuất phải “Chính giả chính dã政者正也” (người làm chính trị phải chính trực công bằng), rất coi trọng xã hội tự trị. Ý tưởng Giấc mơ Trung Quốc thể hiện hình ảnh của tư tưởng Nho giáo. Hội nghị TƯ 3 khóa 18 ĐCSTQ nêu ra “đẩy mạnh hiện đại hóa hệ thống trị lý nhà nước và năng lực trị lý”, trong đó trị lý (cai trị, quản lý) là một khái niệm kiểu Nho giáo. Nho giáo coi trọng việc đào tạo người lãnh đạo xã hội, tức đào tạo sĩ quân tử 士君子.
Sử gia Chương Lập Phàm cho rằng phục hưng Nho giáo bắt nguồn từ một vấn đề vô cùng quan trọng là xã hội Trung Quốc hiện nay chịu ảnh hưởng nặng của tư tưởng chủ nghĩa vật chất, cần phải lấp đầy khoảng trống về ý thức hệ.
Triết gia Lê Minh nói toàn bộ văn nhân Khổng-Nho đều là lũ ngốc; sau hơn 2000 năm ngụp đầu trong cái hũ tương văn hóa Khổng-Nho người Trung Quốc đã đánh mất toàn bộ cái “tôi”, vì thế không thể xây dựng được triết học của Trung Quốc; tội ác hơn 2000 năm qua đều tập trung ở một chữ Lễ, tức chế độ mọi người mãi mãi không bình đẳng (Lễ chế).
Nhà Trung Quốc học người Đức Michael Schuman nói ĐCSTQ cần tới sự ủng hộ của Nho giáo, nhưng đề cao Nho giáo cũng có rủi ro, vì Khổng Tử bảo vệ chế độ đẳng cấp xã hội, chủ trương xã hội hài hòa và phản đối nổi loạn nhưng cũng yêu cầu chính quyền phải công bằng chính trực, minh bạch, suốt đời Khổng Tử phê phán quyền lực.
Báo Le Figaro (Pháp) phân tích: với việc khôi phục Khổng Tử, Nho giáo sẽ trở thành một công cụ hữu ích để Tập Cận Bình kiểm soát chặt xã hội và bóp nghẹt nguyện vọng dân chủ. Nhưng có thể lợi bất cập hại: chưa chắc sẽ làm nhụt được nguyện vọng dân chủ của dân mà ngược lại CT Tập có thể sẽ lấy làm tiếc là đã khôi phục đức Khổng, nếu người dân đòi hỏi ĐCSTQ phải trung thực và làm gương như Khổng Tử đã dạy.
Roderick MacFarquhar, GS ĐH Harvard và là nhà Trung Quốc học nổi tiếng nhận xét: Từ thời Mao đến nay, chưa một lãnh đạo Trung Quốc nào đẩy mạnh một chương trình trọn vẹn phục hồi các giá trị cũ và sức mạnh thô bạo của ĐCSTQ như Tập Cận Bình đang làm.
Rõ ràng việc CT Tập cố phục hồi Nho giáo dưới chiêu bài phục hồi Văn hóa truyền thống cho thấy ông đang muốn sử dụng Nho giáo để siết chặt quyền lực của mình, trấn áp mọi sự phản kháng từ những người đòi dân chủ, các phái đối lập, làn sóng phản kháng này đang dâng lên.
Đầu năm 2016, Trung Quốc ra luật mới về xuất bản. Sau đó blog của Nhiệm Chí Cường, một tiếng nói đòi dân chủ được gọi là Nhiệm đại pháo, bị cấm. Mới đây La Vũ, con của cố Đại tướng La Thụy Khanh viết thư cho bạn cũ là Tập Cận Bình, yêu cầu chấm dứt chế độ độc tài, chuyển Trung Quốc thành quốc gia dân chủ. Trước đó La Vũ còn công khai đòi giải tán ĐCSTQ.
Vài nhận xét bước đầu
Có thể thấy chiến dịch phục hồi Khổng Tử của CT Tập chưa đạt hiệu quả mong muốn. Tuy bộ máy Đảng và chính quyền ra sức hưởng ứng nhưng dân vẫn thờ ơ. Nguyên nhân sâu xa là do họ đã quá chán ngán với học thuyết của Khổng Tử và văn hóa truyền thống Trung Quốc. Dù có được tô son điểm phấn thế nào, Nho giáo vẫn bị coi là hệ tư tưởng của chế độ phong kiến độc tài chuyên chế và việc CT Tập viện đến Nho giáo để củng cố sự lãnh đạo của ĐCSTQ chỉ có thể gây phản cảm. Dư luận nước ngoài cho rằng việc lợi dụng chiến dịch chống tham nhũng để thanh trừng một loạt cán bộ tay chân của lãnh đạo tiền nhiệm đã làm tê liệt bộ máy ĐCSTQ, chiến dịch đàn áp làn sóng đòi dân chủ đã làm tăng sự bất đồng trong Đảng.
Trung Quốc hiện đã lớn mạnh nhiều về kinh tế, khoa học kỹ thuật, quân sự, sức mạnh cứng rất lớn, nhưng sức mạnh mềm thì vẫn còn quá yếu. Hơn 100 năm nay Khổng Tử bị chính người Trung Quốc vùi dập tới mức khó có thể sống lại. Văn hóa truyền thống Trung Quốc chẳng có gì để quá tự hào. Mao Trạch Đông nhận định văn hóa truyền thống Trung Quốc có tính chất phong kiến và phản động, cần loại bỏ. Suốt mấy chục năm qua, giới học giả Trung Quốc vẫn chưa phản bác được nhận định của bà Thatcher “100 năm nữa người Trung Quốc cũng không có tư tưởng mới nào”. Một nhà văn Trung Quốc nhận xét câu này điểm trúng huyệt của Trung Quốc, một triết gia Trung Quốc cảm ơn bà Thatcher đã nói như vậy. Lưu Á Châu nói Trung Quốc chưa hề có nhà tư tưởng. Cũng thế, giới nhà văn Trung Quốc chưa phản bác được ý kiến “Văn học đương đại Trung Quốc là rác rưởi” do một nhà Hán học người Đức nêu ra năm 2006.
Năm 2013, nhà văn nổi tiếng Trương Hiền Lượng nói hiện nay người Trung Quốc thiếu nơi quy y (ý nói thiếu niềm tin): chủ nghĩa cộng sản chỉ là lý tưởng chứ không phải là niềm tin; Trung Quốc  cần xây dựng tín ngưỡng và giá trị quan của mình, nếu không thì chẳng thể trở thành nước lớn, điều mà CT Tập mong ước hơn ai hết.
Xã hội Trung Quốc đang khủng hoảng đức tin, đời sống tinh thần và tâm linh trống rỗng, cần chấn chỉnh. Nhưng dựng dậy cái thây ma Khổng Tử sẽ chẳng giúp gì cho việc ấy, ngược lại có lẽ Tập Cận Bình sẽ chỉ càng ngày càng lúng túng hơn./.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: