Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 18 tháng 2, 2019

Những nhà văn cầm súng lên chốt năm 1979



Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc tháng 2/1979 chỉ diễn ra trong một tháng từ ngày 17/2/1979 đến ngày 16/3/1979 thì Trung Quốc tuyên bố rút quân sau khi đã “Dạy cho Việt Nam một bài học” như lời Đặng Tiểu Bình đã nói khi phát động cuộc chiến tranh. Nhưng xung đột vũ trang thì kéo dài suốt 10 năm, mãi tới năm 1990 mới thật sự chấm dứt. Tôi nhiều năm công tác với những nhà văn trên mặt trận Hoàng Liên Sơn, đó là các tác giả Bùi Nguyên Khiết, Ngọc Bái, Lò Ngân Sủn, Mã A Lềnh, Dương Soái, Pờ Sảo Mìn, Phạm Tuất, Xuân Nguyên…Trong số họ một vài người đã mất, người còn sống đều đã trên dưới 70 tuổi, nói về cuộc chiến tranh thì ai cũng rưng rưng không thể nào quên cuộc chiến tranh ác liệt và tàn khốc sau năm 1975. 
 
Những nhà văn cầm súng lên chốt năm 1979

THÁI SINH

Bùi Nguyên Khiết - Nhà văn, chiến sĩ
Năm 1978, tôi đang là giáo viên “tập tọe” viết văn, sau khi đọc tập truyện ngắn "Dáng núi" của nhà văn Bùi Nguyên Khiết, biết anh xuất thân từ giáo viên chuyển sang làm báo, nhân một chuyến ra Lào Cai, tôi đến tòa soạn báo Hoàng Liên Sơn đóng gần cầu Cốc Lếu, lúc đó anh đang sửa soạn đi công tác nên chỉ đứng nói chuyện với tôi dăm mười phút, anh thành thật: Tiếc quá! Bây giờ mình phải đi công tác, hẹn gặp bạn dịp khác nhé…
Tình hình biên giới trở nên căng thẳng, cuộc chiến bùng nổ vào rạng sáng 17/2/1979, Trung Quốc xua 60 vạn quân đồng loạt đánh phá 6 tỉnh miền núi phía Bắc. Ít ngày sau tôi bàng hoàng nghe tin Bùi Nguyên Khiết đã anh dũng hy sinh trên chốt xã Tả Ngải Chồ, huyện Mường Khương. Tôi tìm đọc tất cả những tác phẩm của anh, nhất là khi tôi trở thành phóng viên báo Lào Cai tháng 4/1994, qua những người bạn từng làm báo với anh, tôi vô cùng cảm phục con người anh, một người bình dị, sống chân thành với bạn bè và đồng nghiệp nhưng dám đương đầu với cái chết. Ngày 5/2/1979 anh cùng Phạm Văn Mạc lên huyện Mường Khương công tác, anh đi qua nhiều chốt dọc tuyến biên giới viết bài gửi về tòa soạn rồi lên đồn biên phòng Pha Long.
Thời gian làm phóng viên báo Lào Cai, tôi đã vài lần lên đồn Pha Long, sống với những chiến sĩ tại đây. Mặc dù cuộc chiến đấu đã qua hơn 10 năm, những cán bộ và chiến sĩ đồn Pha Long vẫn nhớ và kể về anh với sự cảm phục. Ngày 15/2, quan sát thấy phía bên kia biên giới có việc di chuyển quân bất thường và linh cảm cuộc chiến sẽ bùng nổ bất cứ lúc nào, mọi người khuyên anh trở lại phía sau, nhưng anh đã từ chối, cùng các chiến sĩ biên phòng khoác súng cùng chiếc máy ảnh, cuốn sổ phóng viên lên chốt.
Rạng sáng 17/2 với chiến thuật biển người sau khi bắn hàng loạt pháo dọn đường lính Trung Quốc hò nhau xông lên các điểm chốt của ta, chúng bắn như vãi đạn vào các chiến hào. Bùi Nguyên Khiết xách súng lao ra khỏi công sự xả từng băng đạn vào đám giặc đang hò nhau xông lên. Quân giặc ngã rạp nhưng đám phía sau vẫn đạp qua các xác chết lao lên. Bắn hết đạn, Bùi Nguyên Khiết dùng lựu đạn rồi vớ lấy khẩu súng cối của chiến sĩ đã hy sinh tiếp tục bắn vào lũ giặc. Do quá chênh lệch về tương quan lực lượng, Bùi Nguyên Khiết anh dũng hy sinh ngay trên chốt như một chiến sĩ trưa ngày 17/2/1979.  
Dương Soái - Gửi em ở cuối sông Hồng
Tôi biết Dương Soái sau khi anh dàn dựng phát sóng câu chuyện truyền thanh chuyển thể từ truyện ngắn “Đồng đội của anh” tôi viết và đăng trên tuần báo Văn nghệ năm 1981. Tháng 12/1984 tôi được nhận về Hội Văn nghệ Hoàng Liên Sơn thì tôi trở thành bạn văn của anh. Khi đó, anh đang là trưởng phòng Văn nghệ đài phát thanh Hoàng Liên Sơn, sau này lên Phó giám đốc đài phát thanh truyền hình Yên Bái, rồi làm Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật, năm 2010 anh nghỉ hưu. Sáng 16/2/2019 tôi tới thăm anh, nhắc lại cuộc chiến tranh biên giới tháng 2/1979, anh lặng đi một lúc, gương mặt đầy xúc động khi nhớ lại cuộc chiến cách nay 40 năm.
Anh kể: Sáng 17/2/1979 sau khi nghe tin cuộc chiến tranh biên giới nổ ra, tôi được cử lên thị xã Cam Đường tháo dỡ các thiết bị trạm phát sóng của đài phát thanh Hoàng Liên Sơn và đưa tin về cuộc chiến đấu bảo vệ tổ quốc của quân và dân ta. Chiều 18/2 chúng tôi lên tới Cam Đường, buổi phát sóng cuối cùng vào thời gian 17 - 18 giờ, trên đỉnh đài phát sóng nhấp nháy đèn tín hiệu chúng nã pháo cấp tập vào đó, chúng tôi phải nấp vào các hầm trú ẩn thời chống Mỹ.
Sáng hôm sau tôi được lệnh lên tận mặt trận để đưa tin trực tiếp về cuộc chiến. Từng đoàn người dân lũ lượt chạy giặc từ thị xã Lào Cai xuống, còn tôi khoác máy ghi âm và cuốn sổ tay phóng viên ngược lên. Pháo giặc bắn xối xả vào thị xã Lào Cai và dọc con đường lên thị xã, chúng tôi phải nhảy xuống rãnh đường ẩn nấp, ngớt tiếng pháo lại vùng dậy đi tiếp, nhiều người dân bị pháo bắn chết và bị thương dọc con đường chạy loạn.
Khi lên tới Vĩ Kim thì tôi bị các chiến sĩ bộ đội chặn lại, vì cuộc chiến đang diễn ra ác liệt phía bên kia cầu Cốc Lếu. Khi xem giấy tờ, biết tôi là phóng viên nhưng họ vẫn yêu cầu quay trở lại Bộ Tư lệnh tiền phương đóng ở phía sau. Cuộc chiến diễn ra quá bất ngờ, mặc dù ta đã dự liệu từ trước, nhưng với chiến thuật biển người, nhiều chốt bắn hết đạn bộ đội ta phải lui về phía sau. Gặp những người lính quần áo bê bết bùn đất và máu sung sướng ôm lấy nhau khi biết đồng đội còn sống.
Biết tôi là phóng viên, nhiều người xé vội sổ tay viết thư về gia đình nhờ tôi chuyển giúp. Nhìn những dòng địa chỉ mà các chiến sĩ gửi về, lòng tôi trào lên một cảm xúc khó tả, tứ thơ "Gửi em ở cuối sông Hồng" ùa đến không thể kìm nén nổi, bài thơ ấy tôi viết ngay ở mặt trận dưới những làn đạn pháo rền vang của quân xâm lược…
Ngọc Bái - Đá mồ côi
Tôi biết nhà thơ Ngọc Bái ở hội nghị báo Chiến sĩ Tây Bắc, bởi tôi có nhiều bài thơ in ở đó, lúc bấy giờ anh đang là trợ lý tuyên huấn Quân khu II, sau làm Chủ nhiệm Nhà văn hóa quân khu. Năm 1988 anh trúng cử chức Chủ tịch Hội Văn nghệ Hoàng Liên Sơn, khi đó anh mới cởi áo lính về cơ quan dân sự. Tôi trở thành bạn tri âm, tri kỷ với anh từ đó đến nay. Chuyện về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc anh đã viết trong ngót 10 tập sách đủ thể loại: Thơ, ký sự, truyện ngắn. Hôm nay kể lại cuộc chiến sau 40 năm, anh vẫn còn nhớ như in lần lên cao điểm 812 xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.
Chuyện anh kể dài lắm, tôi chỉ lược ghi ra đây một đoạn mà lính Trung Quốc đã quá chán ngán cuộc chiến hao người tốn của và phi nghĩa của họ: Ngày 1/8/1986 tôi lên cao điểm, sư trưởng 356 Nguyễn Văn Được chỉ thị cho trung đoàn 876 cử trinh sát dẫn tôi lên vị trí H3, H5 còn H1 địch chiếm giữa, khoảng cách vị trí H1 với H3 chừng 3 - 5m. Cách đó 6 tháng một chiến sĩ của ta nhô lên sửa hầm chiến đấu thì bắt gặp một lính Trung Quốc cũng vừa nhô lên khỏi hầm phía bên kia, mặt mũi nhem nhuốc đất cát, anh ta vội vã xua tay ra hiệu đừng bắn. Từ đó hai bên không bắn nhau nữa, bộ đội bên ta quăng sang họ cá hộp Ô-đét-xa, lính bên họ quăng sang bên ta bia Vạn Lực và thuốc lá... Tất cả sự trao đổi đều bằng các ám hiệu, khi lính họ muốn ăn cá hộp thì gõ vào vỏ lon cá…Tôi bảo Thanh người phiên dịch tiếng Trung Quốc đi cùng viết mấy chữ vào một mẩu giấy ném sang phía họ “Chào các bạn! Hôm nay là ngày Bát Nhất, các bạn có biết mình đang đóng quân trên đất Việt Nam không?” Khoảng một tiếng sau, họ vứt sang một mẩu giấy trả lời “Chừng nào quân của Việt Nam rút khỏi Campuchia thì chúng tôi rút khỏi Việt Nam”. Sáng hôm sau tôi lại bảo Thanh viết mấy dòng đề nghị họ gỡ quả mìn định hướng chĩa sang phía Việt Nam, họ viết đáp lại: Chúng tôi không thể gỡ được, vì sợ chỉ huy, nên chỉ hướng quả mìn chếch lên trời thôi…
Từ những điều nhìn thấy trên chiến trường, Ngọc Bái báo cáo với thiếu tướng Lê Duy Mật, Phó tư lệnh Quân khu II, Tư lệnh mặt trận Hà Giang và thiếu tướng Văn Duy, Cục trưởng Cục tuyên truyền đặc biệt, các tướng đều hoan nghênh ý kiến của anh. Trầm tư một lát anh bảo: Không có chuyện thỏa hiệp gì ở đây, những người lính hai bên đã nhận ra, nếu tiếp tục bắn nhau thì cả hai bên đều chết… Năm sau thì có chỉ thị của cấp trên, xung đột giảm dần và biên giới lắng dịu. Tập truyện ngắn "Đá mồ côi" bắt nguồn sau lần lên cao điểm …
Tôi đọc câu thơ “Lào Cai không bỏ quên dù cỏ” của anh, lặng đi hồi lâu anh gật đầu: Chúng ta không được phép quên cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới tháng 2/1979 mặc dù đã 40 năm trôi qua, sẽ vô cùng bất nhẫn với những người đã ngã xuống vì mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc…


Nguồn: báo Nông Nghiệp VN


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: