Hình minh họa: Bà Nguyễn Thị Bình (Chủ tịch Quỹ Văn Hóa Phan Châu Trinh)và chủ tịch Hội Hữu Nghị Pháp-Việt, tháng 1 2015. Ảnh: AFP
Nguyễn Trang Nhung
23-02-2019
Thứ Bảy, ngày 23/2, mạng xã hội Facebook lan truyền một thông báo được cho là của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh về việc Quỹ này chấm dứt hoạt động.
Thông báo được đề ngày 20/2 với chữ ký của bà Nguyễn Thị Bình, chủ tịch của Quỹ, nguyên Phó Chủ tịch nước.
Trong số các trang lan truyền thông báo này có trang cá nhân của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên[1] và fanpage Salon Văn hóa Cà phê thứ Bảy.[2]
Điều lạ thường là một thông báo như vậy lại chưa được công bố trên website của Quỹ (quyphanchautrinh.org), tính đến 6 giờ tối ngày 23/2.
Truy nguyên nguồn gốc của thông báo, người viết thấy rằng nơi đăng tải thông báo sớm nhất có lẽ là trang viet-studies.net của TS. Trần Hữu Dũng (ngày 22/2).[3]
Dù thông báo chưa được công bố trên website của Quỹ, song theo một số nguồn đáng tin cậy, thông báo cũng như việc Quỹ chấm dứt hoạt động là có thật. Điều này càng được khẳng định khi Tuổi Trẻ và sau đó là nhiều báo khác đưa tin, tuy muộn hơn mạng xã hội.[4]
Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh là một tổ chức phi chính phủ và vô vị lợi ra đời vào năm 2008, mà tiền thân là Quỹ Dịch thuật Phan Châu Trinh, ra đời vào năm 2006.[5]
Sứ mệnh của Quỹ là "góp phần phục hưng, du nhập, khởi phát, gìn giữ và lan tỏa những giá trị tinh hoa văn hóa nhằm phục vụ công cuộc canh tân văn hóa Việt Nam trong thế kỷ 21",[5] xuất phát từ con đường "Khai Dân trí – Chấn Dân khí – Hậu Dân sinh" mà nhà yêu nước, nhà cách mạng Phan Châu Trinh đã đưa ra cách đây hơn một thế kỷ.
Thông báo ghi rằng qua 11 năm hoạt động, Quỹ đã luôn trung thành với sứ mệnh trên đây, đã giới thiệu nhiều tác phẩm tinh hoa của văn hóa thế giới, đã tổ chức nhiều buổi hội thảo, và đáng kể nhất là giữ gìn và lan tỏa những giá trị tinh hoa qua Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh hàng năm, v.v.
Lý do chấm dứt hoạt động, như thông báo cho biết, là "một số điều kiện khách quan".
Không rõ một số điều kiện khách quan ở đây là gì, song khi thông báo không nêu ra, nó khiến người đọc đặt câu hỏi về một số điều kiện khách quan đó.
Có thể đó là những khó khăn về các phương diện như nhân lực, tài chính (Quỹ có ít người trẻ và hạn chế về tài chính), như GS. Chu Hảo, Phó Chủ tịch của Quỹ, đã có lần chia sẻ trong một chương trình truyền hình của VTV1 về văn hóa và giáo dục Việt Nam,[6] song liệu ngoài các điều kiện khách quan, có hay không các điều kiện chủ quan?
Trong bối cảnh mà tự do học thuật ngày càng bị thắt chặt, nhất là sau sự kiện GS. Chu Hảo bị kỷ luật đảng vì NXB Tri Thức – nơi ông làm giám đốc kiêm tổng biên tập – đã xuất bản một số cuốn sách "có nội dung trái với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, vi phạm Luật Xuất bản",[7] liệu sự chấm dứt hoạt động của Quỹ còn vì áp lực của hệ thống chính trị?
Nếu câu trả lời là 'Đúng', rõ ràng thông báo này còn là kết quả của sự lùi bước của Quỹ trước áp lực nêu trên. Nói cách khác, nó là kết quả của sự thoái trào của quyết tâm của những người đứng đầu, nhất là bà Nguyễn Thị Bình, trong việc thực hiện sứ mệnh mà bà và những người sáng lập đã đặt ra cho Quỹ vào 11 năm trước.
Nếu câu trả lời là 'Đúng', nó cho thấy cam kết của họ đã không đủ mạnh, bản lĩnh của họ đã không đủ vững, hay ý chí của họ đã không đủ cao, và do vậy mà họ không thể duy trì hoạt động của Quỹ lâu dài, như lẽ ra phải thế.
(Cần nói thêm rằng bà Nguyễn Thị Bình đã không hề lên tiếng trước sự kiện GS. Chu Hảo bị kỷ luật đảng vì hoạt động nêu trên, vốn có liên quan đến Quỹ.)
Sự chấm dứt hoạt động của Quỹ gây nên nỗi buồn chán cho một số người, và mang lại tiếng thở dài cho một số người khác, nhất là những người trong giới sách vở và học thuật. Các hoạt động về sách vở và học thuật từ nay sẽ thêm phần khó khăn.
Dẫu vậy, có lẽ những người quan sát, kể cả những người đang buồn chán và thở dài, cần có một thái độ tích cực hơn rằng, nếu những người sáng lập Quỹ đã không thể đi tiếp con đường, dù vì lý do gì, thì những người khác – đặc biệt là những người trẻ – sẽ đi những con đường tương tự, song sẽ phải bền chí và kiên gan hơn, bới đó là những con đường phải đi, và việc đi trên chúng là đòi hỏi khách quan của công cuộc canh tân văn hóa Việt Nam trong thế kỷ 21.
Chú thích:
[1] Thông báo trên facebook của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên
https://www.facebook.com/profile.php?id=100001402346694
[2] Thông báo trên fanpage Salon Văn hóa Cà phê thứ Bảy
https://www.facebook.com/caphethubay/posts/1197476703751223
[3] Thông báo trên trang viet-studies.net của TS. Trần Hữu Dũng
http://www.viet-studies.net/ThongBaoQuyPCT.JPG
[4] Tin về sự kiện trên báo Tuổi Trẻ
https://tuoitre.vn/quy-van-hoa-phan-chau-trinh-ngung-hoat-dong-201902231...
[5] Thông báo ghi rằng Quỹ ra đời vào năm 2007, nhưng website của Quỹ ghi rằng Quỹ ra đời vào năm 2008 theo Quyết định số 1063 ngày 3 tháng 10 năm 2008 của UBND TP. Hà Nội.
[6] Giới thiệu tổng quan về Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh
http://quyphanchautrinh.org/gioi-thieu/22
[7] GS. Chu Hảo nói về thực trạng văn hóa và giáo dục Việt Nam trên VTV1
https://www.facebook.com/chuhaosupporters/videos/291786734771471
[8] Xem xét thi hành kỷ luật nguyên Thứ trưởng Bộ KH và CN Chu Hảo
https://vov.vn/chinh-tri/xem-xet-thi-hanh-ky-luat-nguyen-thu-truong-bo-k...
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét