Việt Nam là thuộc địa Trung Quốc? Không phải. Là chư hầu? Không đúng. Là quốc gia vệ tinh? Cũng sai. Vậy Việt Nam đang là gì với Trung Quốc? Khó có thể định nghĩa chính xác tính chất mối quan hệ Việt Nam-Trung Quốc kể từ sau khi hai nước bang giao bình thường sau cuộc chiến biên giới 1979. Có điều ai cũng thấy Việt Nam đang bị nhuộm đỏ trước hiểm họa “ngoại xâm mềm” bằng con đường kinh tế, từ Trung Quốc.
Từng ngày từng giờ, cơn sóng thủy triều đỏ Trung Quốc lan rộng và phủ kín Việt Nam, từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau (chính xác là 54/63 tỉnh-thành). Theo Viện nghiên cứu Trung Quốc thuộc Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, nếu như trong 9 năm kể từ khi bình thường hóa (tháng 11-1991 đến tháng 12-1999), Trung Quốc có 76 dự án với tổng số vốn đầu tư là 120 triệu USD, thì 10 năm sau, đã có 657 dự án với tổng số vốn hơn 2,6 tỷ USD. Riêng về FDI (đầu tư nước ngoài trực tiếp), từ cuối năm 1991 đến nay, FDI Trung Quốc đổ vào Việt Nam liên tục tăng và tăng mạnh 10 năm trở lại đây, từ 572,5 triệu USD năm 2007 lên 2,17 tỷ USD năm 2017, trở thành nước thứ tư trong số các quốc gia có vốn FDI đăng ký tại Việt Nam (tạp chí Tài Chính 1-1-2019).
Trung Quốc hiện diện khắp nơi, đến mức gần như ngành nghề nào cũng có mặt, từ kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp ở Hải Phòng; kinh doanh bất động sản ở Tiền Giang; sản xuất giày ở Đồng Nai; luyện-cán thép ở Thái Bình; sản xuất tinh bột wolfram ở Quảng Ninh; linh kiện điện tử ở Đà Nẵng; ván ép ở Long An; đến gia công in phun, đồ họa, sản phẩm quảng cáo, dịch vụ quảng cáo ở Sài Gòn; và đặc biệt công nghiệp điện than (trong 27 quốc gia có dự án nhiệt điện than nhận đầu tư từ Trung Quốc, Việt Nam xếp thứ hai sau Bangladesh về công suất được cam kết đầu tư với 13.380MW, xếp thứ tư về tổng giá trị với 3,6 tỷ USD, tính đến tháng 7-2018) – dù rằng công nghiệp này gây ô nhiễm cực kỳ nghiêm trọng.
Trung Quốc còn thâm nhập dữ dội vào thị trường bất động sản. Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang… chỗ nào cũng có mặt giới đầu tư bất động sản Trung Quốc, đặc biệt các dự án chung cư thuộc khu “đất vàng”. Tháng 4-2017, tập đoàn China Fortune Land Development mua lại cổ phần trong dự án Đại Phước Lotus của VinaCapital với giá 65,3 triệu USD (Đại Phước Lotus là dự án khu dân cư có tổng diện tích 198,5 triệu hecta thuộc tỉnh Đồng Nai, giáp Sài Gòn). Tờ The Leader (19-9-2017) cho biết, tập đoàn Hong Kong Land cũng mua 64% cổ phần dự án nhà ở nằm trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm thuộc Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM; trong khi đó, Alpha King Real Estate Development JSC mua dự án khu phức hợp Saigon One Tower…
Trong 9 tháng đầu năm 2018, người Trung Quốc vọt lên đầu bảng tỷ lệ người nước ngoài mua nhà ở Sài Gòn. Không chỉ mua nhà, đất đai và khu nghỉ mát, Trung Quốc còn mua doanh nghiệp. Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, giới đầu tư Trung Quốc đã thực hiện 1.029 lượt góp vốn mua cổ phần tại các doanh nghiệp Việt Nam với tổng vốn hơn 800 triệu USD, chỉ trong năm 2018. Cùng với làn sóng đầu tư là làn sóng du lịch. Mỗi tuần có 500 chuyến bay chở du khách Trung Quốc sang Việt Nam. Hiện có đến 10 hãng hàng không khai thác 30 đường bay từ 20 địa điểm Trung Quốc đến Việt Nam…
Đầu tư và du lịch giúp kinh tế tăng trưởng mà sao phải lo? Bởi vì, không như giới đầu tư các nước khác, sự có mặt Trung Quốc kéo theo nhiều điều không bình thường. Tháng 8-2018, Ủy ban tỉnh Khánh Hòa đã phải gửi văn bản khẩn, “đề nghị các bộ, ngành trung ương, đặc biệt Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có giải pháp quản lý hoạt động thanh toán qua công nghệ thanh toán điện tử”, nhằm chặn đứng sự thất thu thuế từ du khách Trung Quốc.
Dự án tuyến đường sắt cao tốc Cát LinhHà Đông là một ví dụ khác. Dự án có tổng đầu tư 552 triệu USD (thời giá năm 2008) trong đó vốn ODA Trung Quốc là 419 triệu USD. Dự kiến công trình hoàn thành trong thời gian từ tháng 8-2008 đến tháng 11-2013 nhưng ì ạch mãi đến cuối năm 2015 mới xong (đến nay, đầu năm 2019, vẫn còn trong giai đoạn chạy thử nghiệm). Cái giá của sự chậm tiến độ là 339 triệu USD cộng thêm! Không chỉ vậy, tổng thầu Trung Quốc còn nợ các nhà thầu phụ Việt Nam đến 554 tỷ đồng. Tương tự, trong dự án Nhà máy gang thép Lào Cai với tổng đầu tư khoảng 340 triệu USD (Việt Nam góp 55%), một nhà thầu Trung Quốc cũng quịt tiền. Sau khi ký hợp đồng mua vật liệu và thuê công nhân Việt Nam san ủi mặt bằng, nhà thầu phụ này lặng lẽ biến mất! Dù vậy, Trung Quốc vẫn có ưu thế giành thầu và chiếm nhiều dự án trọng điểm chẳng hạn các nhà máy nhiệt điện. Có quá bất thường không?
Điều không bình thường là có rất nhiều công nhân Trung Quốc được thoải mái vào Việt Nam mà không cần hộ chiếu-visa. Con chuột cũng khó có thể lọt vào cửa khẩu huống chi hàng chục ngàn người! Cách đây 10 năm, năm 2009, tờ VietnamNet từng thực hiện phóng sự về những ngôi làng Trung Quốc mọc tại Việt Nam. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam thường bày tỏ “bất bình” trước sự “ngang nhiên” tuyên xưng chủ quyền của Trung Quốc đối với biển đảo Việt Nam nhưng về sự ngang nhiên xuất hiện của hàng chục ngàn người Trung Quốc ngay trên đất Việt Nam thì gần như không ai lên tiếng hoặc hành động gì, đến mức sự bất thường này được phép đương nhiên tồn tại. Cuối năm 2015, tại Đà Nẵng, hai cửa hàng do người Trung Quốc làm chủ thậm chí đã ngang ngược “tuyên xưng chủ quyền” bằng cách không bán hàng cho người Việt. Người Việt đang mất chủ quyền ngay trên chính mảnh đất quê hương mình? Điều bất thường nhất trong những điều không bình thường là một số khu công nghiệp Trung Quốc đã được bảo vệ như thể chúng nằm trên đất Trung Quốc. Cho đến thời điểm này, chẳng người Việt Nam nào “không phận sự” được phép vào “cấm thành” Formosa!
Điều rất không bình thường, so với quan hệ kinh tế với các nước khác, là cách thức quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc. Hãy đọc một đoạn trong bài viết “Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc tại Việt Nam trong 10 năm qua” của tiến sĩ Nguyễn Phương Hoa (người hồi tháng 6-2018 đã được bổ nhiệm Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc kiêm Phó Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc):
“Cùng với tăng cường xây dựng niềm tin chính trị, lãnh đạo hai nước luôn chú trọng đến xây dựng mối quan hệ kinh tế hiệu quả, thiết thực và đang được cụ thể hóa bằng những kế hoạch phát triển gắn kết hai nền kinh tế như “Hai hành lang, một vành đai”, “một trục hai cánh”, “hợp tác Vịnh Bắc bộ mở rộng”; hướng đến cân bằng trong cán cân thương mại; tăng đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam…”. Cách viết này, của một “chuyên gia” thuộc Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, cho thấy một điều: quan hệ kinh tế Việt Nam với Trung Quốc còn được “hòa tan” vào quan hệ chính trị, liên quan đến vấn đề thể chế và chính sách đối ngoại “đặc biệt”. Nó giúp phần nào giải thích được những bất thường nói ở trên.
Cần nhắc lại, cách đây chỉ vài tháng, vào tháng 9-2018, khi tiếp Triệu Lạc Tế – Ủy viên Bộ Chính trị-Trưởng ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói rằng quan hệ Việt-Trung “đang ở thời điểm tốt đẹp nhất trong lịch sử”! Trước đó, tháng 1-2017, trong chuyến công du Trung Quốc sau Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12, Nguyễn Phú Trọng cùng Tập Cận Bình cũng đã ra thông cáo chung, xác định hai quốc gia “đều là nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo, có chế độ chính trị tương đồng, con đường phát triển gần gũi, có tiền đồ tương quan, chia sẻ vận mệnh chung”; khẳng định quan điểm hai bên là “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” trên tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.
Bắc Kinh có là “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” của Việt Nam? Chắc chắn là không. Hà Nội đang trở thành gì đối với Trung Quốc? Dựa vào các phát biểu và tuyên bố chung chỉ có thể định tính được phần nào mối quan hệ hai nước, nhưng dựa vào những con số cụ thể thì có thể thấy rõ, Việt Nam đang lệ thuộc nghiêm trọng vào Trung Quốc. 40 năm sau khi thâm nhập biên giới Việt Nam bằng quân sự, Trung Quốc đang đổ bộ kín mít đất nước Việt Nam bằng những đoàn quân kinh tế hùng hậu. 40 năm sau khi Việt Nam đánh đuổi quân xâm lược Trung Quốc, Việt Nam vẫn rất khó khăn tấn công sâu vào lãnh thổ nước này bằng con đường kinh thương. Việt Nam liên tục nhập siêu từ Trung Quốc. Con số mới nhất (11 tháng đầu năm 2018) là 21,6 tỷ USD (xuất sang Trung Quốc 38,1 tỷ USD trong khi nhập lại 59,7 tỷ USD).
Năm 1979, Hà Nội đã có thể dạy lại Bắc Kinh bài học mà Trung Quốc muốn dạy cho Việt Nam, nhưng sau 40 năm, Hà Nội dường như chẳng học được thêm gì cả, ngoài việc trở thành “đồng chí tốt” của kẻ thù. Sau 40 năm, Việt Nam chẳng là gì so với sức mạnh kinh tế lẫn quân sự mà Trung Quốc đang sở hữu. Biển Đông đang bị gặm nhấm lần mòn. Chủ quyền biên cương đang bị đe dọa. Cả “chủ quyền” kinh tế cũng bị thao túng. Thật chẳng tự hào gì khi Việt Nam đang là con nợ của Bắc Kinh. Trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn (3-9-2018), tác giả Vũ Quang Việt cho biết, ước tính nợ Việt Nam đối với Trung Quốc, tính đến năm 2018, (có thể) là hơn 6 tỷ USD. Bắc Kinh đang nắm Hà Nội trong lòng bàn tay? Riêng với cái nhìn của người dân Việt Nam, có vẻ như Hà Nội chẳng nắm được gì của Bắc Kinh cả! Với thực trạng này, ước vọng thoát Trung của người dân Việt xem ra là rất xa vời. Điều này có đáng để nghĩ và lo lắng cho số phận quốc gia?
Mạnh Kim
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét