Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 15 tháng 2, 2019

Moscow biết Đặng sẽ đánh VN nhưng tin rằng HN tự lo được


Ngày 17/02/1979, Trung Quốc đồng loạt tấn công các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam trong cuộc chiến kéo dài đến 16/03. Liên Xô đã lên án mạnh mẽ nhưng không tấn công Trung Quốc ở vùng Viễn Đông và chỉ hỗ trợ Việt Nam từ xa. Tuy thế, giới chức Liên Xô khi đó chia sẻ với Thứ trưởng Ngoại giao Mông Cổ, ông D. Yondon rằng Hà Nội thừa sức chống lại quân Trung Quốc. "Những gì đang xảy ra ở biên giới Việt Nam khiến Liên Xô lo ngại ghê gớm. Trung Quốc đã tập trung 18 sư đoàn ở biên giới, nhưng quân đội Việt Nam có một triệu quân, và được trang bị tốt, huấn luyện tốt, có khả năng chiến đấu cao." "Nếu xảy ra chiến tranh đánh Việt Nam, đối thủ sẽ phải đánh tốt, nếu không sẽ bị nghiền nát. Và nếu xảy ra chiến tranh, dư luận thế giới sẽ ủng hộ Việt Nam. 

Bộ đội Việt Nam ở chiến trường Lạng Sơn
Quan hệ Mỹ - Liên Xô là quan trọng nhất
Tài liệu đã giải mật hiện được lưu trữ tại Wilson Center, Hoa Kỳ cho hay biên bản của Đại sứ quán Mông Cổ ở Moscow về chuyến thăm của Thứ trưởng Yondon đã bàn nhiều về căng thẳng trong khu vực châu Á. Tiếp ông Yondon và phái đoàn Mông Cổ, vào hai dịp khác nhau, trong ngày 9 tháng 2/1979, là Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Liên Xô Viktor Maltsev, và Vụ trưởng Vụ Viễn Đông I, Mikhail Kapitsa. Hai bên đã thảo luận về tình hình Mông Cổ, quan hệ Xô - Trung, căng thẳng Việt - Trung và tình hình Bắc Triều Tiên.

Phía Liên Xô lên án chuyến thăm của ông Đặng Tiểu Bình sang Hoa Kỳ và cho rằng "chuyến đi nhằm đem Trung Quốc vào quỹ đạo và ô hạt nhân của Mỹ, giải tỏa vấn đề Đài Loan và ngưng thỏa thuận SALT-2".

Nhưng quan chức Liên Xô nói thẳng với đồng minh Mông Cổ rằng:

"Quan hệ Trung - Mỹ phụ thuộc vào tầng vóc và mức độ của quan hệ Xô - Mỹ", và rằng "Đặng đã phạm một sai lầm lớn".

Quan chức Bộ Ngoại giao Liên Xô đã cười nhạo ông Đặng, trích báo Mỹ gọi ông ta là "có cá ăn thịt người biết cười' (smiling barracuda).

Theo phía Liên Xô, báo Mỹ thừa hiểu nguy hiểm của việc Hoa Kỳ bị kéo vào một phe của chiến tuyến chống Liên Xô.

Bộ Ngoại giao Liên Xô cũng tin rằng mục tiêu xin trợ giúp tài chính từ Mỹ của ông Đặng để hỗ trợ Bốn Hiện đại hóa "sẽ không thành".

Vụ trưởng Mikhail Kapitsa cũng cho khách Mông Cổ hay phía Liên Xô sẵn sàng hủy Hiệp ước Tương trợ Liên Xô - Trung Quốc ký từ năm 1950, nhưng đợi để phía Trung Quốc ra quyết định trước.

Liên Xô lo ngại về căng thẳng biên giới Việt - Trung

Về tình hình Việt Nam, ông Kapitsa nói:

"Những gì đang xảy ra ở biên giới Việt Nam khiến Liên Xô lo ngại ghê gớm. Trung Quốc đã tập trung 18 sư đoàn ở biên giới, nhưng quân đội Việt Nam có một triệu quân, và được trang bị tốt, huấn luyện tốt, có khả năng chiến đấu cao."

"Nếu xảy ra chiến tranh đánh Việt Nam, đối thủ sẽ phải đánh tốt, nếu không sẽ bị nghiền nát. Và nếu xảy ra chiến tranh, dư luận thế giới sẽ ủng hộ Việt Nam. Trung Quốc thực sự sợ Liên Xô. Nhưng Trung Quốc sẽ tấn công một cú vào Việt Nam. Nhiều khả năng họ làm như đã làm với Ấn Độ năm 1962, xâm nhập vào 20-30 km, sau đó họ sẽ tìm cách bắt sống nhiều bộ đội Việt Nam, để đáp trả việc Việt Nam bắt quân Trung Quốc ở Campuchia (?)"

Nhưng ông Kapitsa nói đùa rằng phía Việt Nam "có thể đánh ngược vào đất Trung Quốc 10-15 km".

Phía Liên Xô nói cho đoàn khách Mông Cổ rằng "Nếu có nhu cầu tấn công Trung Quốc để bảo vệ Việt Nam, chúng tôi sẽ cho các anh biết".

Liên Xô khẳng định các quân đoàn ở Viễn Đông và quân khu Zabaikal đã nhận các quân lệnh đặc biệt.

Sau đó, cuộc nói chuyện chuyển sang chủ đề Bắc Triều Tiên.

Ở đây, quan chức Liên Xô phàn nàn rằng cũng lại Trung Quốc thúc đẩy Bình Nhưỡng gây ra lắm chuyện.

Chẳng hạn, chính quyền Triều Tiên vừa ngưng các ấn bản tuyên truyền chống Moscow thì đã xin Liên Xô 2 tỷ USD vũ khí.

Ông Kapitsa cho hay, "chúng tôi sẽ chỉ cho họ 100 triệu mà thôi vì không có gì phải vội trong việc giúp Bắc Triều Tiên".

Ông chia sẻ với ông Yondon rằng thời Khruschchev, Liên Xô đã vội vã làm thân với Albania không đạt gì, và nay, với Triều Tiên thì họ cần thận trọng.

Tuy vậy, 'Anh Cả' Liên Xô nói với Mông Cổ rằng: "Thế nhưng các anh cần giữ quan hệ thật tốt với Triều Tiên."

Cuộc trao đổi đi tiếp sang đấu đá nội bộ Đặng Tiểu Bình - Hoa Quốc Phong tại Trung Quốc mà Liên Xô cho rằng như "hai con dê qua cầu" và một con "có thể lộn cổ xuống suối".

Nhìn chung, trong trao đổi ngoại giao, quan chức Liên Xô không dấu sự ghét bỏ với lãnh đạo Trung Quốc.

Ông Mikhail Kapitsa nói với thứ trưởng Mông Cổ rằng cả Đặng và Hoa "đều là hai kẻ lạc hậu trong tư duy và không biết điều hành kinh tế."

Vào thời điểm đó, Liên Xô tin rằng "phải đến năm 2000, Trung Quốc mới đạt mức khai thác dầu bằng Liên Xô năm 1977", và rằng chương trình hiện đại hóa kinh tế của Đặng Tiểu Bình cần 60% vốn nội bộ, và 40% từ bên ngoài mà Trung Quốc sẽ "không thể nào trả nổi".

Ngày 17/02/1979, Trung Quốc đồng loạt tấn công các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam trong cuộc chiến kéo dài đến 16/03.

Liên Xô đã lên án mạnh mẽ nhưng không tấn công Trung Quốc ở vùng Viễn Đông và chỉ hỗ trợ Việt Nam từ xa.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: