Tôi mang mấy tờ báo Xuân Tuổi Trẻ và vài phong bao lì xì đến thăm mấy cô chú bên Thủ Thiêm là người quen hơn 30 năm trước nổi tiếng về nghề huê kiểng.
Trời đất, quận 2 vắng lặng lạ thường không có chút không khí Tết nào, hoa đào hoa mai cũng chẳng thấy.
Ông chú cố cựu nói, ước gì ông còn sống đến ngày chính quyền giải quyết ổn thỏa vấn đề nhà đất, ông sẽ về lại cuộc đất cũ, dựng lại căn nhà đơn sơ như cũ. Để chậu bông mai ở bậc thềm, cặp vạn thọ ở hàng ba và nhìn ra trời đất, như thế chết cũng mãn nguyện lắm rồi.
Đây có lẽ cũng là mơ ước của chú Tám, cô Bẩy, dì Sáu và hàng ngàn người dân cố cựu ở Thủ Thiêm.Con đường từ khu tạm cư, từ những căn phòng trọ về nền đất cũ không xa nhưng đi mãi không đến được. Hai mươi năm rồi, những cuộc khiếu kiện triền miên và không có hồi kết.
Nhà báo Đại Dương cũng chia sẻ câu chuyện tương tự : Tôi ngồi với ông Tư Cứu trước khu tạm cư của dân gốc Thủ Thiêm một tuần trước Tết Nguyên đán. “Từ ngày bị mất nhà đến nay, chúng tôi không có Tết”, ông Tư năm nay đã 69 tuổi, giọng trĩu nặng. Cuộc sống tạm bợ, khó khăn, phần vì luôn trong tâm trạng rối bời nên không ai còn lòng dạ nghĩ chuyện tết nhất.
Mỗi khi giao thừa, ngay nóc hầm Thủ Thiêm pháo hoa nổ đì đùng, sáng lóa. Chỉ vài trăm mét bên kia sông, quận một bừng bừng khí thế nhạc xuân. Nhưng, mấy ai biết đến hàng trăm hộ gia đình với hàng nghìn con người chỉ cách trung tâm Sài Gòn phồn hoa một đoạn chim bay, ông Tư "buồn đến thắt ruột" vì phải sống trong cảnh tăm tối, nhếch nhác, không nơi hương khói cho tổ tiên, ông bà.
Từ ngày bị buộc phải di dời khỏi ngôi nhà đã sống nhiều chục năm, năm 2011 đến nay, gia đình ông Tư Cứu cùng hàng trăm hộ dân thuộc các phường Bình An, An Khánh và Bình Khánh phải đến ở trong khu tạm cư tại phường An Phú. Đó là những dãy nhà hai tầng làm bằng khung sắt tiền chế, mái tôn, với nhiều căn hộ, mỗi căn chỉ có một phòng, rộng chừng 20 m2. Hiện khu tạm cư xuống cấp trầm trọng, nhiều chỗ sắt đã mục, tường và trần bong tróc, sàn sụt lún. Vợ chồng ông Tư Cứu và con cháu sống chen chúc trong căn phòng trên gác. Trong căn nhà rách, trời nắng thì nóng hầm hập, mưa xuống nước tạt, thậm chí nước chảy tứ bề vì dột.
Phải ra đi nhưng trong lòng mỗi người dân luôn hướng vọng về chốn xưa. Ông Tư Cứu vẫn tranh thủ lúc rỗi chạy về thăm "nhà" cũ ở Khu phố 1, phường Bình Khánh, mặc dù nơi đây giờ chỉ là bãi đất hoang, lau sậy ngút ngàn. Ông về chỉ để đứng trầm ngâm nhìn ngắm cho vơi cơn nhớ đất, nhớ căn nhà cũ, nơi đại gia đình hơn mười người của ông đã có nhiều năm sống yên vui.
Ông Nguyễn Văn Thạch gặp ông Tư Cứu gần bãi đất đó, khi hai ông đều đang trên đường về thăm "nhà" cũ. "Không biết từ bao giờ, tôi và nhiều người dân cùng cảnh có thói quen cuối tuần chạy về thăm nơi nhà cũ, dù nơi ấy giờ chẳng có gì ngoài cỏ rác và lau sậy.
Những người hàng xóm cũ đôi khi gặp nhau chỉ để nói với nhau năm ba câu chuyện nhưng phần nào nuôi ngoai nỗi nhớ", ông Thạch bộc bạch. Theo ông, với đa số người dân nơi này, dù nhà cửa không còn nhưng nhiều gia đình chưa nhận đền bù nên tài sản vẫn là của họ. Chưa kể, nhiều người gắn bó ở đây gần cả cuộc đời nên không dễ quên đất, quên người và tình làng nghĩa xóm.
Gia đình bà Nguyễn Thị Tám cũng phải lang thang sau khi bị cưỡng chế bảy năm trước. Từ đó đến nay, mỗi cuối tuần bà Tám đều trở về để thăm lại "nhà" cũ và cắm lên nền đất đầy cỏ dại một nén nhang. Nhà cũ của gia đình bà Tám chỉ cách nhà cũ ông Tư Cứu mấy bước chân. Hôm nọ, khi nghe Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khẳng định "sắp tới có kết luận về các trường hợp ở ngoài ranh giới quy hoạch, các hộ này sẽ không phải di dời" và "trong ba tháng tới tốc độ giải quyết sẽ được đẩy nhanh", bà Tám và mọi người mừng khấp khởi.
Khi chạm mặt Bí thư Nhân, bà Tám, ông Lực đã không ngăn được dòng nước mắt. Nước mắt của người những con người 70-80-90 tuổi đầy đắng cay chen lẫn niềm hy vọng.
Bà mong mỏi chính quyền sớm xác định ranh giới để người dân nhanh chóng được trở về nơi chốn cũ ổn định cuộc sống. Cách nay vài tuần, vì sốt ruột, bà Tám đem cây đến dựng tạm túp lều trên nền đất cũ với mong mỏi "Tết này có nơi thờ cúng ông bà", nhưng không được chính quyền chấp nhận.
(hết trích dẫn)
Cái nhà, cuộc đất với người Việt thiêng liêng lắm chứ không chỉ là tài sản, cứ Tết là ta muốn quay về căn nhà cũ, miền ký ức…Nhà báo Hà Phan nêu: Gần Tết năm nào cũng vậy, không nhớ cha lại nghĩ đến mẹ hay mơ về gia đình sum vầy 30 năm trước. Ám ảnh tôi đến nỗi đêm qua còn thấy cha nhăn nhó với nồi bánh bị khét như Tết 1980 hay vẻ mặt mẹ vui mừng nhìn mấy ký thịt ngon mà đàn con hiếm khi được ăn ngày thường thời bao cấp.
Đời người như vòng tuần hoàn, càng nhiều tuổi lại càng dễ mủi lòng như tuổi thơ, thương nhớ, quấn quýt mỗi khi nhớ về quê nhà, mẹ cha hay anh em bà con thân thuộc.
Có những thứ trôi qua không bao giờ trở lại hay phai mờ dần theo thời gian nhưng công cha, nghĩa mẹ, ơn sinh thành và tình cảm bà con, chòm xóm, kỷ niệm tuổi thơ… có lẽ lại ùa về nhiều hơn khi thời gian vệt hằn trên gương mặt cũ kỹ dần theo năm tháng.
Tôi không biết quê mình thật sự ở đâu khi cha Nam mẹ Bắc học ở Trung rồi vào Saigon sinh sống hơn 30 năm qua. Nhưng tôi biết rõ Tết mình đau đáu về nơi có người thân, man mác nhớ thương năm tháng trẻ dại và nhất là những món không đâu ngon bằng mẹ già cặm cụi nấu rồi nhìn con ăn…
Người dân Thủ Thiêm vừa mất nhà mất đất, vừa mất cả miền ký ức.
Hôm qua hơn 100 người dân Thủ Thiêm cố thủ tại Hà Nội từ nhiều năm qua đã lục tục về Sài Gòn ăn theo theo sự vận động của chính quyền.
Nhưng hoa xuân không được rơi bên thềm cũ, họ vẫn phải ở trong các nhà trọ hay khu tạm cư nhìn pháo hoa huy hoàng, diễm lệ phía bên kia sông vào đêm giao thừa.
HOÀNG LINH 02.02.2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét