Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2018

Vẫn còn đó lời Phật hoàng: "Quan nhiều như thế, dân làm sao sống nổi"


>> Cấp bách sửa đổi luật để sắp xếp lại bộ máy Công an Nhân dân
>> Cái bóng “đại bàng” của Trung tướng Phan Văn Vĩnh tại quê nhà Nam Định và...
>> Ông Phan Văn Vĩnh có bị tước danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân?


Bùi Hoàng Tám
(Dân trí) - Biết rằng đây là việc khó, rất khó vì nó sẽ “động chạm” đến quyền lợi của không ít người. Song, phải quyết tâm làm bởi không thể để người dân è cổ đóng thuế rồi tham nhũng, thất thoát tràn lan và nuôi một bộ máy khổng lồ mà hoạt động lại kém hiệu quả.

Có thể nói, năm 2018 đang là một năm nóng bỏng ở hai lĩnh vực: Phòng chống tham nhũng và Cải cách hành chính.

Nếu trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng, hàng loạt các vụ án lớn đã và sẽ được đưa ra xét xử, nhân dân đồng tình, ủng hộ thì tại lĩnh vực cải cách hành chính, hai “mũi giáp công” bắt đầu “khai hỏa” vào “pháo đài kiên cố” này.

Mũi thứ nhất là 4 phương án được Ban Tổ chức Trung ương đưa ra tại cuộc Hội thảo đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội ngày 6-4 vừa qua.

Cụ thể, 4 phương án đó là:

Một, giữ nguyên mô hình tổ chức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội hiện nay. Tuy nhiên, có lộ trình từng bước thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính và tổ chức, Nhà nước có giao kinh phí căn cứ vào nhiệm vụ thực hiện. Hai, nhất thể hóa chức danh Chủ tịch MTTQ và các đoàn thể chính trị và thành lập cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc chung cho MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội. Ba, hợp nhất 5 đoàn thể chính trị-xã hội vào thành các ban của MTTQ. Bốn, hợp nhất ban dân vận và MTTQ.

Mũi thứ hai, Bộ Nội vụ đưa ra kế hoạch sáp nhập 17 sở ngành, cơ quan giúp việc lại với nhau hoặc hợp nhất với cơ quan của Đảng. Theo đó, chỉ còn 4 sở ngành được giữ nguyên là Tư pháp, Tài nguyên – Môi trường, Y tế, Lao động – Thương binh và Xã hội.

Cụ thể, Bộ Nội vụ đề xuất trao thẩm quyền cho UBND trình HĐND quyết định giữ ổn định hoặc hợp nhất các sở: Kế hoạch - Đầu tư và Tài chính, Giao thông vận tải và Xây dựng, Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Công thương, Giáo dục - Đào tạo và Khoa học - Công nghệ, Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Thông tin - Truyền thông.

Với Sở Nội vụ, Thanh tra tỉnh, Văn phòng UBND, Bộ Nội vụ đề xuất tổ chức thí điểm hợp nhất với Ban Tổ chức tỉnh, Uỷ ban Kiểm tra tỉnh và Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng HĐND cấp tỉnh.

Bộ Nội vụ cũng đề xuất trao quyền cho cấp tỉnh xem xét quyết định giữ nguyên hoặc sáp nhập Sở Quy hoạch – Kiến trúc (thuộc UBND TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh) và 3 sở do Chính phủ quy định tiêu chí thành lập là Ban Dân tộc, Sở Ngoại vụ, Sở Du lịch.

Ngay sau khi những thông tin trên được đăng tải trên báo Dân trí, hàng trăm ý kiến (comment) bạn đọc gửi về tòa soạn ủng hộ những biện pháp mạnh mẽ trên của Đảng và Chính phủ.

Một số ý kiến còn đề nghị Ban Tổ chức Trung ương gộp Phương án 3 và 4, tức là hợp nhất 5 đoàn thể chính trị-xã hội vào thành các ban của MTTQ đồng thời hợp nhất MTTQ với Ban Dân vận Trung ương.

Đối với đề xuất của Bộ Nội vụ, nhiều bạn đọc đồng tình và đề nghị Chính phủ quyết, không để các địa phương nhằm tránh sự trì trệ kiểu “trên nóng, dưới lạnh”, đặc biệt là không để tình trạng “khắc nhập, khắc xuất” một cách tùy tiện.

Về quan điểm cá nhân, người viết bài này không chỉ ủng hộ cao những quyết tâm cũng như phương án của Đảng, Chính phủ đối với cải cách hành chính mà còn mong muốn có những cuộc sáp nhập một số địa phương để tinh giản bộ máy bởi hiện nay, một tỉnh có nửa triệu dân cũng “tiêu tốn” một đội ngũ cán bộ với đầy đủ ban bệ như một tỉnh có cả chục triệu dân.

Biết rằng đây là việc khó, rất khó vì nó sẽ “động chạm” đến quyền lợi của không ít người. Song, phải quyết tâm làm bởi không thể để người dân è cổ đóng thuế rồi tham nhũng, thất thoát tràn lan và nuôi một bộ máy khổng lồ mà hoạt động lại kém hiệu quả.

Có lẽ cần nhắc lại lời của Phật hoàng Trần Nhân Tông cách đây hơn 700 năm khi Người vứt cuốn sổ ghi quan lại ra sân rồi quát lên: "Quan nhiều như thế, dân làm sao sống nổi".

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: