Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 25 tháng 4, 2018

Khi công an lại “bảo kê” tội phạm, dân biết dựa vào ai?


Việt Nam, Tham nhũng, phạm tội, công an,

Thời gian gần đây, hàng loạt những vụ án “động trời” liên quan đến tham nhũng, bảo kê tội phạm, đánh bạc… lại xuất phát từ chính những cán bộ công an đang làm nhiệm vụ trị an cho đất nước.Không ít người thắc mắc, vậy chính quyền sinh ra làm gì? Nếu công an phạm tội thì dân biết trông vào ai?

Việt Nam, Tham nhũng, phạm tội, công an,
Nếu biểu tượng quyền lực của chính quyền về chống tội phạm lại ‘bảo kê’ tội phạm, vậy dân biết dựa vào ai? (Ảnh: VOA)
Chúng ta đều biết, quân đội để phòng chống các xâm phạm từ bên ngoài; và công an, để loại trừ tội phạm và bảo vệ người dân từ bên trong là những thiết chế căn bản giúp nhà nước đạt mục đích đó. Luật pháp, và bộ máy cưỡng chế thực thực thi luật pháp ra đời cũng phục vụ trước nhất cho điều đó.
Vì vậy, khi những quan chức nằm trong hàng ngũ cao nhất của lực lượng công an bị bắt vì cáo buộc phạm tội thì vấn đề không còn ở các cá nhân. Chỉ là cáo buộc, chỉ là một giả thiết, nhưng niềm tin của người dân đặt vào hệ thống quyền lực, công lý đang để ngỏ bởi câu hỏi: Nếu biểu tượng quyền lực của chính quyền về chống tội phạm lại ‘bảo kê’ tội phạm, vậy dân biết dựa vào ai?
Đó là trăn trở của tác giả Nguyễn Quang Đồng, một chuyên gia chính sách công, trong bài viết “Nếu công an phạm tội” đăng trên trang VnExpress. Dưới đây xin được trích nguyên văn bài viết này cho đọc gia cùng nghị luận.
_***_
Một trong những khu chợ không giống ai của Hà Nội là chợ Trời. Nó không chỉ khác người bởi cái tên, mà còn bởi chợ bán vô vàn thứ “trên trời, dưới biển”.
Nơi đây hội tụ mọi loại hàng hóa, cũ, mới, từ mọi nguồn, trong đó có nguồn cung đặc trưng từ giới đạo chích. Đó là nơi mà có lẽ nhiều người từng như tôi, vào lùng sục để hỏi mua lại chiếc gương xe của chính mình – bị “vặt” mất khi đậu trên phố.
Chúng tôi tìm được cái gương. Ông chủ gian hàng cười nhăn nhở, ngã giá gần bằng cái gương mới. Nhận tiền, anh ta đút túi, mang vẻ mặt như mong việc kia sớm lặp lại.
Chúng tôi biết rõ mười mươi tài sản của mình bị lấy trộm, và bị bán ở nơi có địa chỉ, có con người rõ ràng mà phải ấm ức bỏ tiền ra mua. Tôi tự hỏi, công an ở đâu, chính quyền địa phương đâu, sao không ai bảo vệ quyền lợi của công dân trước một khu chợ dung túng cho kẻ cắp, giữa trung tâm thủ đô Hà Nội?
Băn khoăn ấy càng mạnh hơn, khi nghĩ tới việc chính chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng từng kiên quyết chỉ đạo dẹp bỏ những “chợ trời” như thế này – với một nhận thức rõ ràng rằng sự tồn tại của chúng tiếp tay cho hàng gian. Tức là không phải chính quyền không biết điều gì đang diễn ra.
Cảm giác này nhiều lần khiến tôi trăn trở hơn về một vấn đề tưởng như mặc nhiên ai cũng biết: Nhà nước, hay chính quyền sinh ra để làm gì?
Câu hỏi có vẻ cắc cớ, khi chính quyền, hay là nhà nước đối với nhiều người dường như mặc nhiên mang vị trí đương nhiên phải có. Nhưng nhà nước không tự nhiên sinh ra. 
Thomas Hobbes, nhà tư tưởng chính trị người Anh, xác định chức năng thiết yếu nhất, căn bản nhất của Nhà nước là “cung cấp an ninh và an toàn tối đa cho mỗi cá nhân trong một thế giới nhiều bất ổn và hiểm nguy”. Bởi một cá nhân có làm ra bao nhiêu của cải vật chất mà bị cướp bóc hết thì rốt cuộc làm việc để làm gì? Liệu có ai còn muốn đổ mồ hôi, sôi nước mắt để làm việc? Nền tảng của một nhà nước, tính chính danh để một bộ máy chính quyền tồn tại, trước hết vẫn phải là đảm bảo an toàn cho cá nhân và an ninh cho cộng đồng.
Quân đội để phòng chống các xâm phạm từ bên ngoài; và công an, để loại trừ tội phạm và bảo vệ người dân từ bên trong là những thiết chế căn bản giúp nhà nước đạt mục đích đó. Luật pháp, và bộ máy cưỡng chế thực thực thi luật pháp ra đời cũng phục vụ trước nhất cho điều đó.
Vì vậy, khi những quan chức nằm trong hàng ngũ cao nhất của lực lượng công an bị bắt vì cáo buộc phạm tội thì vấn đề không còn ở các cá nhân. Chỉ là cáo buộc, chỉ là một giả thiết, nhưng niềm tin của người dân đặt vào hệ thống quyền lực, công lý đang để ngỏ bởi câu hỏi: Nếu biểu tượng quyền lực của chính quyền về chống tội phạm lại ‘bảo kê’ tội phạm, vậy dân biết dựa vào ai?
Trong câu chuyện này, một nguyên tắc kinh điển của chính trị học lại được chứng tỏ: Quyền lực luôn có xu hướng tha hóa. Quyền lực càng tuyệt đối, tha hóa càng tuyệt đối. Nếu không có sự kiểm soát, quyền lực từ chỗ phục vụ cho mục đích và lý tưởng tốt đẹp, hoàn toàn có nguy cơ đi theo hướng ngược lại.
Không chỉ xử lý cá nhân quan chức sai phạm; ngành công an cũng đang lên kế hoạch chi tiết để sắp xếp lại bộ máy của ngành. Nhưng để giải quyết vấn đề triệt để hơn, cần có tiếp cận rộng hơn vấn đề của “ngành công an” bằng cách nhìn nhận và đánh giá toàn diện lại hệ thống tư pháp, đặc biệt là hệ thống tư pháp hình sự. Một hệ thống tố tụng được cấu thành bởi các bộ phận chính: Cơ quan điều tra (lực lượng cảnh sát làm chức năng điều tra tội phạm); cơ quan truy tố và kết án (Viện Kiểm sát đóng vai trò thay mặt chính phủ đưa ra các bằng chứng buộc tội; cơ quan xét xử (tòa án) và luật sư. 
Xét trên góc độ kiểm soát và cân bằng quyền lực, khi quyền năng bị tập trung vào một bộ phận quá nhiều, rủi ro lạm quyền từ bộ phận đó đương nhiên sẽ cao. Vì vậy, vấn đề không chỉ là cải tổ trong nội bộ ngành, mà các bên khác tham gia vào tiến trình tố tụng như Viện kiểm sát, Tòa án, và giới luật sư cũng cần phải được cải cách để mạnh lên tương ứng.
Đây cũng là thời điểm cần thiết để quốc hội yêu cầu các cơ quan hành pháp liên quan tiến hành giải trình chi tiết để có thể đánh giá đầy đủ vấn đề, trước khi đi đến một cải cách chính sách bài bản. Ở cấp độ cao hơn, một cuộc điều tra độc lập của quốc hội cũng là hoàn toàn cần thiết để thu thập các bằng chứng và ý kiến đóng góp không chỉ trong riêng ngành công an, ngành tư pháp; mà là toàn thể các thành phần xã hội khác cho công việc quan trọng này.
Thẩm phán tài danh Tom C.Clark từng có một tuyên bố được biết đến rộng rãi: “Không có gì có thể hủy hoại một chính phủ nhanh hơn sự thất bại của chính phủ đó khi thực thi luật pháp của chính mình”.
Với tôi, một vụ việc được phát hiện là thêm một cơ hội để lấy lại niềm tin của người dân vào cơ quan bảo vệ pháp luật.
Tôi hy vọng từ đó, những chợ trời buôn bán đồ trộm cắp nơi thanh thiên bạch nhật mới có thể bị loại trừ, chưa kể vô vàn loại “chợ” bất minh khác. Để từ đó, công dân mới có thể yên tâm rằng, Nhà nước đang tận tụy làm hết sức mình để bảo vệ tài sản và an toàn, an ninh cho họ.
Tác giả: Nguyễn Quang Đồng
Theo VNE

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: