Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2018

NGƯỜI VIẾT TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ, ANH LÀ AI?



Hà Phạm Phú

Lời chủ trang: Nhân vừa rồi trên mạng có cuộc tranh luận sôi nổi, căng thẳng về tiểu thuyết lịch sử và người viết tiểu thuyết lịch sử, khơi nguồn từ việc tiểu thuyết của nhà văn Bùi Việt Sĩ được nhận Giải sách hay của Hội xuất bản, tôi xin post lại bài tham luận của mình tại Diễn đàn văn học quốc tế các nhà văn Trung Quốc và các nhà văn các nước sông Mê Kong tị Nam Ninh (TQ) vào tháng 5/2017 để các bạn tham khảo:


Tham luận của nhà văn Hà Phạm Phú (Việt Nam)

Tôi sinh ra ở một làng nhỏ tỉnh Phú Thọ, thuộc miền Tây Bắc Việt Nam, bên dòng sông Thao. Cứ mỗi mùa mưa, lũ dâng lên đỏ trời, dòng sông cuốn theo cơ man những gỗ củi, trâu bò và nhà cửa, là lại phải chạy nước như chạy giặc. Mùa cạn, con sông hiền hòa, những cánh bãi đôi bờ được phù sa bồi đắp, lúa ngô xanh tốt. Con sông mềm mại ẩn chứa trong mình một sức mạnh khôn lường, cần mẫn chảy tự bao giờ, dường như không biết mệt mỏi, có gì đó thật thúc giục, thật mời gọi. Cha tôi là một trí thức nhỏ trong làng, thông thạo chữ Nho. Khi tôi còn bé, vẫn thường được nghe nghe ông kể những đoạn trích của Đông Chu liệt quốc, Hán Sở tranh hùng, Tam Quốc diễn nghĩa… Có thể nói, tiểu thuyết lịch sử đem đến cho tôi chút vốn liếng đầu tiên trên hành trình văn học dài xa và khó khăn. Trong đời viết văn của mình, tôi cũng đã viết một số tiểu thuyết và truyện ngắn lịch sử, vậy trên diễn đàn này tôi xin nói đôi điều suy ngẫm về tiểu thuyết lịch sử, ngõ hầu có thể trao đổi với các bạn.

1/
Con người, về bản năng, sinh ra nói chung đều muốn biết tường tận về mình, vì thế mà quan tâm đến lịch sử: lịch sử gia tộc, lịch sử làng xã, lịch sử đất nước, lịch sử thế giới. Vì sao? Là do sự tò mò ham hiểu biết, là muốn học hỏi ở lịch sử những bài học chính diện và phản diện, là muốn được từ đó giải đáp những câu hỏi của đời sống, là muốn xác tín một hướng đi, một xu thế phát triển… 

Từ có lịch sử thành văn, nhân loại bước qua thời tiền sử, lịch sử trở thành một môn giáo dục, trở thành công cụ của nhà cầm quyền nhằm duy trì sự chính danh của hệ thống cai trị và thường được che đậy bằng nhiều nguyên ủy: Được thần phật, thượng đế trao quyền; được lịch sử, thậm chí nhân dân giao cho sứ mệnh. (Chuyện chém rắn trắng của Lưu Bang Hán Cao tổ ở Trung Quốc, hay chuyện được gươm của Lê Lợi ở Việt Nam vân vân). Không chỉ có giới cầm quyền khai thác lịch sử như một công cụ mà những lực lượng cách mạng đại diện cho cái mới, cái hợp với quy luật cũng coi lịch sử như là điểm tựa, như là vũ khí động viên, huy động quần chúng.

Trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, do đặc thù của nó, việc khai thác đề tài lịch sử hiển nhiên không chỉ là mối quan tâm của giới văn nghệ sĩ nhằm nói lên “nỗi niềm của lịch sử” mà còn là một chiến lược của những nhà cầm quyền, những người lãnh đạo muốn thông qua tuyên truyền lịch sử để giúp củng cố địa vị của mình. 

Nhưng lịch sử lại trớ trêu ở chỗ, những gì chúng ta tưởng đã biết đã thuộc nhưng đụng đến hóa ra lại là chưa biết hết, chưa thuộc hết. Tôi không cổ vũ cho thuyết bất khả tri, nhưng tôi muốn nói đến một sự thực không thể chối cãi: những hạn chế của con người, của xã hội, của khoa học. Chẳng hạn con người sinh ra từ đâu, từ loài khỉ hay là có một quĩ gien được cất giấu tận Hy Mã Lạp Sơn nào đó? Tại sao có sự thực ai cũng biết mà cứ phải né tránh? Tôi có phần nào đó đồng tình với một nhà văn Việt Nam, khi ông ví von “Lịch sử là một thằng câm”. Thằng câm ở một khía cạnh nào đó, nhưng lịch sử cũng có thể lên tiếng. Có người ví von, nếu anh bắn vào lịch sử bằng súng lục thì lịch sử sẽ bắn vào anh bằng đại bác. Ở đây có quan hệ nhân quả, lịch sử có thể cất tiếng nói. Cũng là điều có lí. Như vậy lịch sử có thể là thằng câm, cũng có thể gầm thét. Nhưng phải trong những điều kiện nhất định nào đó…

Hơn nữa, lịch sử có nhiều “quãng mù”, giống như điểm mù ở ô tô, có nhiều câu hỏi mãi mãi không thể tìm được một lời giải đáp thỏa đáng. Chẳng hạn thời thượng cổ, lịch sử Việt Nam chép, họ Hồng Bàng, dựng một đế phả: Đế Minh (cháu 3 đời Thần Nông)- Lộc Tục (Kinh Dương Vương)- Sùng Lãm (Lạc Long Quân- Rồng). Lạc Long Quân lấy Âu Cơ- Tiên, đẻ trăm trứng. Bây giờ có ai tin chuyện đó. Quãng mù đã được dùng thần thoại thay thế. Chẳng hạn như nhân vật lịch vĩ đại thống nhất Trung Quốc là Tần Thủy Hoàng của Trung Quốc, chính sử ghi lại cũng chỉ có khoảng 1000 từ… Khoảng trống thật mênh mông. 

Lịch sử không chỉ có những “quãng mù” mà còn bị nhào nặn, thậm chí ngụy tạo. Câu chuyện về quan Thái sử nước Tề chép chuyện Thôi Trữ giết vua của mình là Trang Công có thể nói lên mức độ nhào nặn, ngụy tạo lịch sử đến như thế nào. Lịch sử hiện diện trước mắt chúng ta chỉ là những phế tích đền đài, những cuốn sách cũ, hiển nhiên chúng không thể lên tiếng về toàn bộ lịch sử thực vốn phong phú đa dạng và sinh động. Vì nó “câm”, nên những nhà viết sử trở thành những người phát ngôn của “thằng câm”. Mà, như chúng ta đã biết, nhân loại có một nhược điểm cố hữu không vượt qua được, đó là luôn bị trói buộc bởi những quan điểm, bởi những khuynh hướng, bởi địa vị xã hội, bởi muôn vàn lợi ích khác nhau… Tóm lại là bởi thiên kiến và sự chi phối của lợi ích. Và thế là Lịch sử đã tiếp tục được nhào nặn ngày càng không đúng với thực nó. (Xin lấy một ví dụ nhỏ, nhưng nhãn tiền ở nơi chúng tôi: Có một nhà xuất bản khi in lại Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim vào năm 2000 đã cắt bỏ các bản đồ cương vực vì cho rằng không phù hợp với cách nhìn của chúng ta hiện nay. Hoặc việc đánh giá các triều đại Mạc, Hồ, Tây Sơn, ba triều đại mà các sử gia Việt Nam xưa gọi là ngụy (Ngụy Mạc, Ngụy Hồ, Ngụy Tây Sơn). V.v.)
Vì thế có người (một nhà nghiên cứu Pháp) nói “Các nhà sử học làm nên lịch sử”, hoặc “Lịch sử, đó là những gì các nhà sử học làm ra”... 

Nhà văn, khi viết tiểu thuyết lịch sử, đứng trước hiện thực đó, làm sao chọn cho mình một lối đi!

2/ 
Bắt tay vào viết cuốn tiểu thuyết lịch sử, viết về những nhân vật cách mình hàng mấy trăm năm, hàng ngàn năm, không thể không nghiên cứu tư liệu về thời kì mà anh quan tâm. Những tư liệu ấy như trên đã nói, chỉ để tham khảo. Chỉ xin nói thêm rằng, nhân loại bằng tất cả những tri thức, những khoa học công nghệ tiên tiến… nhằm cố dựng lại một bộ mặt lịch sử thì bộ mặt đó cũng chỉ gần (gần ít hay gần nhiều) với lịch sử bản thể mà thôi. Tất nhiên, những tri thức mà nhân loại đã tích lũy được chưa phải là cuối cùng. Lịch sử bản thể sinh động, phong phú, phức tạp hơn nhiều những gì mà nhân loại đã biết sẽ luôn được khám phá và lí giải thêm. Chắc chắn thế. (Xin hãy nhớ lại lịch sử khoa học, vào lúc người ta mới biết đến nguyên tử là phần tử vật chất bé nhất không thể phân chia được, người ta nhìn thế giới một cách khác. Khi người ta tìm ra các hạt vật chất bé hơn như hạt quark chẳng hạn hay hiện nay là hạt Higgs thì nhiều quan điểm cơ bản của triết học đã và sẽ bị đảo lộn.)

Chính sử và dã sử là nhưng con tầu đưa anh đi về quá khứ, chớ có ngủ quên trên đó. Hãy xuống các nhà ga, hãy dừng lại ở đâu đó, lang thang tìm kiếm. Hãy nhớ một điều, người ta chép sử là để lưu truyền hậu thế. Những người muốn lưu truyền hậu thế là ai? Là những nhà cầm quyền, là vua chúa, là… tầng lớp cai trị. Hiển nhiên họ chỉ muốn lưu truyền hậu thế những thành công, những thành tựu, lưu truyền cái tốt, che giấu cái xấu, cái sai… Đó là tâm lí chung. Vua chúa hay tầng lớp cai trị đặt ra chức sử quan, nuôi một lớp “trí thức ngự dụng” giúp mình chép sử. Lịch sử họ chép lại là nhằm phục vụ nhà cầm quyền, những người nuôi họ. Nhưng cũng còn những người biên soạn sử, những người không được nhà cầm quyền giao phó hoặc những học giả độc lập biên soạn. Mặt khác, rất nhiều Sự thật lịch sử không phải cứ muốn che đậy, muốn làm méo mó là được. Chẳng hạn quân Mông Cổ đại bại trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam hay tội ác diệt chủng do Chủ nghĩa phát xít Đức gây ra trong chiến tranh thế giới thứ hai là không thể che đậy. Vả lại, ngay trong giới sử học quan phương cũng có người có khí tiết, tôn trọng khoa học như câu chuyện về quan Thái sử nước Tề chép chuyện Thôi Trữ giết vua. Vì thế Lịch sử thành văn mà ta vẫn gọi là chính sử vẫn có những điều khả tín. 

3/
Quan niệm về tiểu thuyết lịch sử cũng có nhiều. Theo quan sát của tôi, dường như đã được thừa nhận rộng rãi, đại để như sau: Tiểu thuyết lịch sử trước hết là một “loại” của tiểu thuyết. Loại tiểu thuyết này có đặc điểm là thông qua nhân vật và sự kiện lịch sử, tái hiện lại nhằm phản ánh diện mạo đời sống của một thời kì lịch sử, từ đó rút ra những bài học, chỉ ra xu thế phát triển, chuyển tải một thông điệp… Nhân vật có thể là nhân vật lịch sử, cũng có thể là hư cấu, cũng có thể kết hợp cả hai. Nhiều người cũng quan niệm, tiểu thuyết lịch sử có thể hư cấu, khoa trương nhưng không được tùy tiện thay đổi, đảo ngược hay bịa đặt mà phải căn cứ vào diện mạo thực (thực tế chỉ là chính sử) của lịch sử mà miêu tả.

Nhưng quan niệm như thế chỉ là tương đối, không thể là khuôn phép phải theo, hơn nữa trong thực tế sáng tác ít nhà văn nào lại tự lấy dây buộc mình. Ở Việt Nam, số nhà văn chuyên viết tiểu thuyết lịch sử không nhiều, nhưng từ khi có chữ quốc ngữ đến nay, lúc nào cũng có nhà văn theo đuổi. Nhìn vào dòng văn học lịch sử Việt Nam, tôi cho là có ba khuynh hướng sáng tác. 

Một là tiểu thuyết hóa lịch sử, nghĩa là nhà văn biến những tư liệu “chính xác” của lịch sử thành tiểu thuyết, thành những sản phẩm hư cấu, tưởng tượng của cá nhân nhà văn. Tiểu thuyết hóa lịch sử nằm ở mạch cảm hứng “khẳng định và ca ngợi”, tuyên truyền giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Ở khuynh hướng này, tiểu thuyết lịch sử thường tôn trọng sự “chính xác” của tư liệu lịch sử- coi chính sử là chính xác tuyệt đối- bao quát hiện thực đời sống ở diện rộng với chiều kích vĩ mô của tư duy “sử thi- anh hùng ca”. Tiểu thuyết lịch sử loại này chỉ là sự cụ thể hóa, sinh động hóa những gì mà các sử quan đã ghi lại. Công việc của nhà tiểu thuyết trong trường hợp này xét đến cùng là dùng khả năng tưởng tượng của mình để lấp đầy chỗ trống giữa những dòng sử biên niên khô khan, để làm sống động những gì mà sử sách đã “sơn son thếp vàng”. Ở đây, tiểu thuyết lịch sử thiên về chất truyện kể mà ít chất tiểu thuyết (hư cấu). 

Hai là lịch sử hóa tiểu thuyết, giải mã lịch sử. Ở đây lịch sử không chỉ được tái hiện trên bề mặt các sự kiện mà còn được soi rọi ở nhiều góc nhìn, ở bề sau, bề sâu, bề xa. Những vùng sự thật bị các sử quan hữu ý hay vô tình che khuất, ở khu vực “thâm cung bí sử” của lịch sử được đặc biệt quan tâm, những bí ẩn và xung đột của lịch sử được phân tích, để rồi lịch sử được ngưng tụ ở chiều sâu số phận con người. Với loại tiểu thuyết này, người đọc có thêm được nhiều thông tin mới, cách nhìn nhận, đánh giá mới, rút ra những bài học mới. Bằng cách ấy nhà văn đã vượt qua các sử quan. Đúng như M. Gorki đã nói “Nhà văn, chứ không phải là nhà chép sử, mới là người viết sử thực của cuộc đời”.

Ngoài hai khuynh hướng trên, còn có một khuynh hướng, khuynh hướng thứ ba, mượn đề tài lịch sử để chuyển tải một thông điệp, một tư tưởng, một quan điểm thẩm mỹ. Ở đây nhà văn chỉ với một vài “điểm tựa” mong manh vào lịch sử, có thể tưởng tượng, sáng tạo một thế giới nghệ thuật riêng, vừa làm sống lại lịch sử (đủ để hấp dẫn người đọc), thông qua đó truyền bá một tư tưởng, gửi gắm một nỗi niềm, tôn vinh một quan niệm… Không ít nhà văn khi viết về đề tài lịch sử đã đi theo khuynh hướng này.

4/
Khi khởi thảo cuốn tiểu thuyết lịch sử, anh hãy tự hỏi, anh là ai? Anh là nhà văn, không phải là một nhà sử học. Nhiệm vụ của anh không phải là cung cấp cho bạn đọc những kiến thức lịch sử nhất định. Anh cũng không phải là một nhà nghiên cứu văn hóa để cung cấp cho bạn đọc những hiểu biết về văn hóa của thời kì lịch sử ấy. Nhưng hơn ai hết, nhà văn phải có hiểu biết về lịch sử, về văn hóa xã hội… như những chuyên gia. Nếu không có những tư liệu lịch sử phong phú, không có kiến thức về văn hóa xã hội, về dân tộc, về tôn giáo… chắp cho anh đôi cánh thì làm sao anh anh có thể hư cấu tưởng tượng, làm sao anh có thể sáng tạo tiểu thuyết. 

Nên nhớ rằng, lịch sử trong cuốn tiểu thuyết của anh là lịch sử đã được nhào nặn, thiết kế, tổ chức lại. Một lịch sử khác những chính sử, dã sử mà người đọc đã từng biết. Người đọc đọc anh sẽ khám phá lịch sử theo cách của riêng họ. Như vậy, với một nhà tiểu thuyết, với quyền năng của mình, anh đã có thể phán xét lịch sử, phản biện sử học, giúp nhận thức thêm, nhận thức lại lịch sử. Một quyền năng vĩ đại. Nhưng cái quyền năng ấy Thượng đế không dễ ban phát cho bất kì người nào muốn. Chỉ có những nghệ sĩ chân chính, những nghệ sĩ cảm thông được nỗi đau nhân thế, có ăng ten xoay qua bốn hướng nhân quần mới có thể có được. Cảm thông được nỗi đau nhân thế, chính là tài năng.

Nhà văn Nga vĩ đại A. Pushkin, tác giả cuốn tiểu thuyết lịch sử viết về cuộc khởi nghĩa nông dân Pugasov (1773-1775) với tựa đề Người con gái viên đại úy cho rằng, nhà văn phải “chất vấn quá khứ để trả lời cho hiện tại và tương lai”. Với tôi, tôi tin rằng, tiểu thuyết lịch sử đều có ánh xạ của đời sống hiện tại. Tôi viết, cho những người hiện tại đọc./. 

Hà Nội, ngày 20/3/2017
Hà Phạm Phú

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: