Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2018

Trần Khánh Dư có thực sự là người tham lam bỉ lậu?


Trần Khánh Dư có thực sự là người tham lam bỉ lậu? Tôi vẫn nghĩ rằng, đó là điều mà người đời sau thêu dệt. Thời nhà Trần, sử gia Lê Văn Hưu viết “Đại Việt sử ký”, chỉ ghi lại các sự kiện đến Lý Chiêu Hoàng (1226). Trong "An Nam chí lược", Lê Tắc - một phản thần nhà Trần sống lưu vong trên đất Nguyên - không có dòng nào viết về Trần Khánh Dư. Mãi đến năm 1455, Phan Phu Tiên (1370-1482) mới vâng lệnh vua Lê Nhân Tông, nối tiếp sự nghiệp của Lê Văn Hưu, bắt tay vào biên soạn bộ “Đại Việt sử ký tục biên”, chép việc từ đời Trần Thái Tông (1226) cho đến khi quân Minh rút về nước (1427). Sau này, Ngô Sỹ Liên dựa vào các bộ sử của Lê Văn Hưu và Phan Phu Tiên để viết "Đại Việt sử ký toàn thư". Như vậy, trên thực tế, "Kỷ nhà Trần" (1126-1400) trong "Đại Việt sử ký toàn thư" đều do các sử gia đời sau viết, và không phải chi tiết nào cũng khả tín. Để có thể hiểu và viết (tương đối - hy vọng thế) chân xác về thời nhà Trần, sau này các nhà viết sử (như Hà Văn Tấn, Phạm Thị Tâm, Trần Quốc Vượng) đã phải tham khảo/so sánh/đối chiếu "Đại Việt sử ký toàn thư" với Nguyên Sử và Minh Sử của Trung Quốc.
Nói như thế để thấy rằng, đương thời, không có bất kỳ sử gia nào biết và ghi chép cụ thể/chính xác về hành trạng của Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư. Những gì ngày nay chúng ta biết về ổng, đều bán tín bán nghi - kể cả chuyện ông thông dâm với công chúa Thiên Thụy, vợ của Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn. Nhưng xin đừng quên rằng, khi đã về trí sĩ tại vùng đất nay thuộc Lý Nhân (Hà Nam), Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư đã có công mở mang thêm nhiều làng mới. Ông chính là người đứng ra chiêu dân khai phá những vùng đất bồi ven biển, lập nên nhiều làng nay thuộc huyện Ý Yên (Nam Định). Ông ở lại những nơi mới khai phá này 10 năm, sau đó mới giao lại cho hai gia tướng họ Bùi và họ Nguyễn coi sóc. Sau khi ông mất (1340), nhân dân trong vùng lập đền thờ ông ở trại An Trung, trên nền nhà xưa ông đã ở, để ghi tạc công đức của ông. Trong đền có bức đại tự: "Ẩm hà tư nguyên" (Uống nước nhớ nguồn) và đôi câu đối: "Nhân Huệ Vương tân sáng giang biên, thố địa ốc nhiều kim thượng tại/Bùi, Nguyễn tộc cựu mô kế chí, gia cư trù mật cổ do lưu". Tạm dịch: "Nhân Huệ Vương mở mới bến sông, đồng ruộng tốt tươi nay vẫn đó/Họ Bùi Nguyễn theo nền nối chí, cửa nhà đông đúc trước còn đây."
Cũng chính trong "Đại Việt sử ký toàn thư", các sử gia triều Lê còn ghi lại rằng: "Trong buổi đầu khai hoang lập ấp, ông đã bỏ tiền nhà ra giúp vốn cho dân, ông còn hướng dẫn dân trại Tịch Nhi trồng cây cói và làm nghề dệt cói." Một người thực sự tham lam bỉ lậu, liệu có thể có được nghĩa cử này không? Tôi nghĩ là KHÔNG. Các nhà nho xưa vốn coi thường nghề buôn, xếp thương nhân vào hạng cuối trong thứ dân (Sỹ-Nông-Công-Thương). Trần Khánh Dư không chỉ là một người có tài thao lược, đào hoa sát gái, ông còn là người giỏi làm ăn buôn bán, giàu có và không thèm sống dựa vào bổng lộc từ thái ấp vua ban. Tôi đồ rằng, vì những lẽ đó mà ông trở thành cái gai trong mắt giới quý tộc đồng triều và bọn hủ nho hóng hớt ăn theo. Chính vì vậy, không loại trừ rằng, câu nói “Tướng là chim ưng, quân dân là vịt. Đem vịt để nuôi chim ưng, có gì là lạ?” là do đám nhà nho dài lưng tốn vải vì ghen ghét mà dán vào mồm ổng.
P/S: Đền thờ Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư mới được xây lại trên đảo Quan Lạn (Vân Đồn, Quảng Ninh), nơi mà đạo thủy quân của ông đã cùng dân binh đánh tan đoàn thuyền vận lương của quân Nguyên mùa Xuân năm 1288.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: