Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2018

Nhớ lại cuộc gặp “cha đẻ” máy vi tính cá nhân đầu tiên


Cuối tháng 2- 1992, có cuộc họp báo của Hội Tin học Việt Nam về Tuần lễ tin học lần thứ ba, sẽ diễn ra vào tháng 8 năm đó tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội. Lần này có đoàn khoa học Việt kiều Pháp về dự, kỹ sư Trương Trọng Thi thành viên trong đoàn vừa được thế giới vinh danh là “cha đẻ” chiếc máy vi tính cá nhân đầu tiên. Cuộc họp báo xôn xao: hóa ra tác giả của một trong những phát minh quan trọng nhất kỷ nguyên tin học lại là người Việt Nam! Giữa năm 2005 ông bị trọng bệnh qua đời ở tuổi 69. Nhân kỷ niệm tròn 10 năm ngày mất của nhà phát minh lớn, gốc Việt, xin giới thiệu bài viết của nhà báo Phạm Quang Đẩu, người từng trực tiếp phỏng vấn ông ngày đầu về nước tại khách sạn Hòa Bình, Hà Nội.
Kỹ sư Trương Trọng Thi (1936-2005).
Ông Thi kể với tôi là, hồi nhỏ học ở Chợ Lớn (Sài Gòn), được thầy giáo khen có năng khiếu toán, sang Pháp, ông lại thích nghề điện tử và thi vào trường vô tuyến điện (EFR). Có bằng kỹ sư điện tử, buổi đầu ông làm cho công ty Schlumberger, chuyên về thăm dò dầu khí. Ông được giới công nghệ chú ý vì đã thành công trong nghiên cứu, thiết kế máy Carbotrimètre, đo hàm lượng phóng xạ đồng vị carbon 14, để xác định niên đại địa chất. Năm 1965 ông được tài trợ qua Hoa Kỳ thực tập, đúng lúc ở thung lũng Silicon đạt được nhiều thành tựu nổi bật về lĩnh vực vi điện tử. Trở về Pháp, ông lập công ty riêng, là R2E. Năm 1970, hãng điện tử Mỹ Intel lần đầu chế được bộ vi xử lý (microprocesseur) 8008. Từ đây ông nẩy sinh ý tưởng thu nhỏ kích cỡ các thiết bị điện tử, vẫn giữ cùng hiệu năng mà giá thành lại hạ. Ngày đó, hãng máy tính IBM, Mỹ đã chế tạo nhiều dòng máy tính mạnh, song kích cỡ đều cồng kềnh, còn máy tính Minscơ của Liên Xô(cũ) thì lớn như một tòa nhà. Hai năm sau, Viện Khảo cứu nông nghiệp INRA đặt hàng một hệ thống tin học nhỏ gọn, dễ vận chuyển và không quá đắt tiền. Đã đến lúc ông có điều kiện thực hiện mơ ước bấy lâu của mình. Ông hợp tác cùng kỹ sư Francois Gernelle làm việc trong tầng hầm của công ty trong 5 tháng liền, mỗi ngày tới 18 tiếng, cuối cùng đầu năm 1973 họ đã cho ra đời chiếc máy có bộ nhớ 256 bytes(có thể mở rộng đến 1000 bytes), đặt tên là Micral. Máy còn khá giản dị, giống một cái hộp, không có bàn phím và màn hình, thanh RAM chỉ 2Kb, lập trình theo phương pháp nhị phân. Năm đó, công ty R2E xuất xưởng 500 máy Micral dùng cho các trạm thu nhập lệ phí ở xa lộ. Đến 1975, hãng MITS Electronics trình làng máy Altair và người Mỹ gọi đó là máy vi tính cá nhân (PC) đầu tiên. Nhưng thời gian này đã có một cuộc bầu chọn với sự tham dự của những chuyên gia tin học gạo cội trên thế giới, chiếc Micral R2E đã chinh phục được cả những ông “trọng tài” khó tính nhất và được thừa nhận là máy vi tính đầu tiên trên thế giới. Chiếc Micral này hiện được trưng bày tại bảo tàng máy tính nổi tiếng ở Boston, Mỹ. Song ít lâu sau cuộc bình chọn trên, lại diễn ra tranh chấp bản quyền ngay trong lòng nước Pháp. Kỹ sư Francois Gernelle kiện ra tòa rằng chính ông mới là tác giả đích thực của máy Micral. Gernelle và ông Thi gặp nhau năm 1968 tại Intertechnique, một công ty chuyên về ứng dụng y học và hạt nhân. Và từ ngày đó kỹ sư Gernelle đã đề xuất một mô hình máy vi tính sơ khai, nhưng nó không hoạt động được. Và năm 1972 ông ấy đã gia nhập công ty của Trương Trọng Thi. Không phủ nhận vai trò quan trọng của người kỹ sư giàu ý tưởng sáng tạo này, song đó thực sự là công trình tập thể dưới sự chỉ đạo về mọi mặt của ông Trương trên cương vị giám đốc. Cuối cùng sau 4 năm hầu tòa, người kỹ sư ấy cũng được công nhận là đồng tác giả của máy vi tính đầu tiên. Sau Huy chương Vàng của Bộ Quốc gia giáo dục năm 1988, nhờ thành công đưa máy vi tính vào học đường, tiếp đến kỹ sư Trương Trọng Thi đã được chính phủ Pháp tặng huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh do có những thành tựu rực rỡ về máy vi tính.
Chiếc máy Micral đầu tiên được trưng bày tại Bảo tàng máy tính Boston, Mỹ.
Trong cuộc chuyện trò, ông Trương Trọng Thi còn thổ lộ, mình đã bị lỡ một cơ hội kinh doanh, có thể trở thành ông chủ giàu có như Bill Gates của hãng phần mềm khổng lồ Microsoft sau này. Đó là vào năm 1975 công ty Honeywell, Mỹ định mua lại phát minh về máy Micral, song do ông đã quá “cương”, nên cuộc thương thảo không thành.
Dù rời quê hương từ khi còn rất trẻ, kỹ sư Trương Trọng Thi vẫn luôn hướng về nguồn cội. Lúc nước nhà chưa thống nhất, ông đã gửi tặng Ủy ban Khoa học kỹ thuật Việt Nam một bộ máy Micral, hy vọng có sự cộng tác giữa giới khoa học trong nước và Việt kiều Pháp. Năm 1978, đang là giám đốc hãng R2E, ông về nước đề nghị khai thác một chương trình sản xuất máy Micral ngay tại Hà Nội, cùng với việc đào tạo nhân lực mà kinh phí chủ yếu do công ty ông đóng góp. Nếu dự án thành công thì Việt Nam sẽ có thể là nước đi tiên phong ở châu Á về sản xuất máy vi tính. Tiếc thay, những thiện ý của ông do nhiều nguyên nhân mà không thành hiện thực. Và trong Tuần lễ tin học năm 1992, ông trình bày những phương pháp đào tạo, phát triển dịch vụ, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế và thị trường, nhằm giúp đất nước bắt kịp bước tiến mạnh mẽ trong lĩnh vực mũi nhọn này của thế giới…
Năm 1978, công ty R2E của ông sáp nhập với hãng Bull thành công ty điện tử Bull-Micral. Nhưng ông không còn vai trò lãnh đạo cao nhất ở công ty lớn ấy nữa, vì vậy nhiều ý tưởng phát triển máy vi tính tiêu dùng do ông đề xuất đã không thành và khi hãng IBM cho ra đời thế hệ máy vi tính mới, thì sản phẩm của Bull-Micral bị đối thủ bỏ xa. Thất vọng, ông rời bỏ công ty này sang làm cố vấn cho một hãng điện tử, chuyển sự nghiên cứu từ phần cứng sang phần mềm, cuối cùng thì vào năm 1999 ông cộng tác với Gilles Michel thành lập hãng công nghệ APCT, chuyên môn trong các chương trình bảo hiểm. Nhiều năm sau cuộc gặp tại Hà Nội, nhất là khi Internet đã phát triển mạnh mẽ ở nước ta, tôi vẫn có được những thông tin qua email với ông.
Rồi một ngày tháng 9-2002 ông phát bệnh, phải nhập viện. Thật cay đắng khi chính ở nơi có nền y học hoàn hảo như Paris lại mắc một sai sót sơ đẳng trong lúc phẫu thuật, làm ông bị liệt toàn thân. Tiếp đến là hai năm rưỡi vật lộn với tử thần. Và một ngày giữa năm 2005, trái tim nhà phát minh lớn đã ngừng đập.
Năm 2006, nhân kỷ niệm 70 năm thành lập trường EFR(sau đổi là EFREI) nơi nhà phát minh từng học, “Vua phần mềm” Bill Gates có lời ca ngợi: “Ông Trương Trọng Thi là một trong những người đã nhận thức được khả năng của máy vi tính, đã đi trước cả tôi và Paul Allen thời điểm khởi xướng hãng Microsoft. Tôi từng làm việc với ông trong nhiều năm, ông luôn nuôi giữ óc sáng tạo và sẵn lòng đem công nghệ phục vụ đại chúng.”
Hiện tại EFREI có gắn tấm biển kỷ niệm người cựu sinh viên ưu tú, đã làm rạng danh trường với phát minh máy vi tính cá nhân đầu tiên trên thế giới. Và một mẫu máy Micral nữa đã được đặt tại viện bảo tàng CNAM tại Paris.
Ông Trương Trọng Thi còn thổ lộ, mình đã bị lỡ một cơ hội kinh doanh, có thể trở thành ông chủ giàu có như Bill Gates của hãng phần mềm khổng lồ Microsoft sau này. Đó là vào năm 1975 công ty Honeywell, Mỹ định mua lại phát minh về máy Micral, song do ông đã quá “cương”, nên cuộc thương thảo không thành.
Phạm Quang Đẩu


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: