Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 30 tháng 4, 2018

Vắng Mỹ sẽ không có hiệp ước hòa bình Triều Tiên


Một trong những hình ảnh gây xúc động trong cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều: hai nhà lãnh đạo Kim Jong Un và Moon Jae In cùng bước qua vạch biên giới ở Bàn Môn Điếm, ngày 27/04/2018.

Cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều tiếp tục là đề tài được các báo Pháp chú ý. Trong bài xã luận mang tựa đề « Triều Tiên : Con đường tiếp cận dài lâu », Le Monde ghi nhận định hình ảnh lịch sử về hai nhà lãnh đạo Nam và Bắc Triều Tiên, tay trong tay bước qua đường biên giới chia cắt đôi bên ở Bàn Môn Điếm, đã được phổ biến trên toàn thế giới và làm dậy sóng mạng xã hội hôm thứ Sáu 27/04/2018.
Thế giới cần lắm tin vui…

Thế giới đầy chia rẽ và xáo trộn ngày nay cần lắm những tin vui. Cả thế giới theo dõi cuộc hội ngộ giữa Kim Jong Un và Moon Jae In - với vẻ dễ mến được tính toán trước, việc lãnh đạo Bình Nhưỡng bất ngờ mời tổng thống Hàn Quốc bước một bước sang phương Bắc…

 Libération nêu thêm sự kiện Bắc Triều Tiên bỏ múi giờ cũ đã đơn phương ấn định năm 2015, để phù hợp với giờ Hàn Quốc ; việc Kim Jong Un tuyên bố sẵn sàng gặp thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Cũng không thể quên những giọt nước mắt của ông Suh Hoon, giám đốc cơ quan tình báo Hàn Quốc, người kiến tạo ra « Moonshine policy » ; hay việc nhà độc tài Bắc Triều Tiên cụng ly với bộ trưởng Quốc Phòng Hàn Quốc.

Cam kết hoàn tất hiệp ước hòa bình và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, rõ ràng là những cơ sở để hy vọng. Mối hy vọng này vượt ra khỏi bán đảo Triều Tiên, nơi căng thẳng từng lên đến đỉnh điểm cách đây vài tháng. Một cuộc xung đột vũ trang giữa hai nước Triều Tiên sẽ gây ra những hậu quả hết sức tai hại đối với Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và châu Á nói chung. Còn nguy cơ chạy đua vũ trang nguyên tử, thì liên quan đến toàn thế giới.

Nhưng theo Le Monde, tuy đương nhiên là phải hoan nghênh các tin vui này, nhưng cũng không thể ngây thơ. Đây không phải là cuộc họp thượng đỉnh liên Triều đầu tiên. Hồi năm 2007, cha của Kim Jong Un là Kim Jong Il đã gặp gỡ tổng thống Hàn Quốc lúc đó, ông Roh Moon Hyun. Vấn đề ngưng chương trình hạt nhân và hiệp ước hòa bình, và kể cả những lời hứa trong hội nghị thượng đỉnh trước đó năm 2000, đều chỉ nằm trên giấy.

Lãnh đạo hai nước Triều Tiên vui cười trong bữa ăn tối tại Bàn Môn Điếm, 27/04/2018.
Mỹ và hiệu quả trừng phạt : Hai nhân tố quan trọng

Vì sao cuộc gặp lần này lại tốt đẹp ? Le Monde cho rằng đó là nhờ Hoa Kỳ tham dự vào cuộc chơi, với lời hứa sẽ gặp Kim Jong Un của tổng thống Donald Trump – nhà độc tài mà chỉ cách đó vài tháng bị ông Trump gọi là « Little Rocketman »(chú nhóc hỏa tiễn) – khiến lãnh đạo Bình Nhưỡng vui vẻ hơn. Đã đưa được chương trình nguyên tử đến giai đoạn cuối, Kim Jong Un nay có thể đàm phán trên thế mạnh. Một nhân tố khác có thể là các biện pháp trừng phạt ngày càng đè nặng lên nền kinh tế Bắc Triều Tiên.

Tuy nhiên các nhà ngoại giao và nhà phân tích sau khi nghiên cứu tuyên bố chung ở Bàn Môn Điếm, vẫn còn nghi ngại ở nhiều điểm. Tuy khẳng định sẽ « phi hạt nhân hóa toàn bộ », nhưng không có định nghĩa rõ ràng, như vậy có thể diễn dịch theo nhiều cách khác nhau. Cơ chế kiểm soát giải trừ, mà Mỹ coi là điểm chính yếu, cũng không được nói đến ; và chưa có lịch trình nào cụ thể. Như một ngạn ngữ quen thuộc « Quỷ sứ núp trong những chi tiết », bản tuyên bố đầy hứa hẹn này thực ra rất nghèo nàn.

Có lẽ tiết lộ đáng chú ý nhất trong cuộc gặp đáng ngạc nhiên này là câu trả lời của nhà độc tài phương Bắc, khi tổng thống Hàn Quốc thổ lộ giấc mơ của ông là đến thăm đỉnh non thiêng của người Triều Tiên nằm trên đất Bắc : « Rắc rối lắm, đường đi đến đó rất tệ ». Chế độ Bình Nhưỡng rất cần viện trợ, nhưng con đường để cụ thể hóa những tuyên bố trong thượng đỉnh liên Triều lần này có nguy cơ rắc đầy chông gai.

Những lời hứa « xôi hỏng bỏng không » trong quá khứ

Về hồ sơ nguyên tử, Les Echos giải thích « Bắc Triều Tiên thường xuyên lừa dối cộng đồng quốc tế trong quá khứ như thế nào ». 

Năm 1994, sau một năm căng thẳng, một hiệp ước song phương được ký tại Genève giữa Bình Nhưỡng và chính quyền Clinton. Bắc Triều Tiên cam kết ngưng xây dựng các lò phản ứng, đổi lại sẽ được cung cấp hai nhà máy điện bằng nước nhẹ, 500.000 tấn nhiên liệu, và bảo đảm về an ninh. Nhưng hai bên nhanh chóng tố cáo nhau vi phạm, và đến năm 2002 chính quyền Bush phát hiện Bình Nhưỡng vẫn bí mật làm giàu uranium.

Năm 2003, Bắc Triều Tiên chấp nhận tham dự cuộc đàm phán sáu bên đầu tiên, theo sự dàn xếp của Bắc Kinh. Sau hai năm thương lượng gay go, tháng 9/2005 Bình Nhưỡng chấp nhận một hiệp ước mới : từ bỏ chương trình nguyên tử quân sự để đổi lấy viện trợ kinh tế và xăng dầu. Nhưng sau đó Bắc Triều Tiên bực tức trước sáng kiến chống rửa tiền của Mỹ, và tháng 10/2006, Kim Jong Il cho thử hạt nhân lần đầu tiên.

Đến năm 2007, Bình Nhưỡng lại ngồi vào bàn hội nghị sáu bên, và còn chấp nhận cho thanh tra các cơ sở nguyên tử, đóng cửa địa điểm Yongbyon. Tuy nhiên quan hệ Mỹ-Triều xấu đi, Bắc Triều Tiên từ chối phương cách thanh tra do Washington đề nghị, và tháng 5/2009 lại cho thử nguyên tử !

Năm 2012, Kim Jong Un lên nối ngôi cha, lại hứa với chính quyền Obama ngưng cho thử hạt nhân và làm giàu uranium để đối lấy viện trợ. Một lần nữa phía Mỹ nghi ngờ hỏa tiễn Bắc Triều Tiên bắn đi là loại đạn đạo, và Jong Un từ đó đến nay đã cho thử nguyên tử thêm bốn lần.

Lính Mỹ và Hàn Quốc trong một cuộc tập trận chung.
Không có Mỹ thì không có hòa bình trên bán đảo Triều Tiên

Nhà sử học Jean-Louis Margolin, giáo sư trường đại học Aix-Marseille khi trả lời nhật báo La Croix đã nhấn mạnh « Không có Hoa Kỳ, thì không thể có hòa bình giữa hai nước Triều Tiên ».

Chuyên gia Margolin ghi nhận, lâu nay cả hai nước Triều Tiên đều từ chối công nhận đường biên giới hiện nay ở vĩ tuyến 38. Tại Hàn Quốc, các bản đồ và dự báo thời tiết đều trình bày toàn bán đảo Triều Tiên, không có đường biên. Còn tại Bắc Triều Tiên, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In chưa bao giờ được gọi là tổng thống. Trong khi đó nếu không công nhận lẫn nhau, thì chưa thể có hiệp ước hòa bình thực sự.

Một thỏa ước từ thời tổng thống Park Chung Hee dự kiến thành lập một Nhà nước liên bang năm 1972, để thống nhất một cách hòa bình. Những năm sau đó, Hàn Quốc xây dựng nhà ga thống nhất nằm cạnh khu phi quân sự, một bến tàu hướng về Bình Nhưỡng và hướng kia về phía Seoul, nhưng cho đến nay chưa có con tàu nào đi về phía Bắc Triều Tiên. 

Vào đầu cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1950, một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc do Hoa Kỳ soạn thảo đã được thông qua vào ngày 25/6, công nhận Bắc Triều Tiên là kẻ tấn công phương Nam. Do Liên Xô tẩy chay Hội đồng Bảo an nên không sử dụng được quyền phủ quyết. Nghị quyết này mang lại tính chính danh cho lực lượng Mỹ đóng tại Hàn Quốc, cho nên hai nước Triều Tiên không thể đạt được giải pháp chung cuộc nếu không tính đến Hoa Kỳ.

Cho dù một hiệp ước đình chiến đã được ký năm 1953, nhưng thực chất đây chỉ là thỏa thuận ngưng bắn, lập ra vùng phi quân sự. Hàn Quốc không ký vì trách cứ Mỹ đã hợp pháp hóa việc chia cắt đất nước, và công nhận sự hiện diện của Bắc Triều Tiên. Đồng thời, với tư cách người bị tấn công, từ chối bị đặt ngang hàng với quân xâm lược. Đang trong chiến tranh lạnh, Hoa Kỳ chấp nhận chia đôi đất nước Triều Tiên vì không muốn chọc giận Liên Xô. Cuối cùng, hiệp ước được ký giữa một bên là Bắc Triều Tiên cùng với Trung Quốc, bên kia là cộng đồng quốc tế. Theo giáo sư Margolin, Bình Nhưỡng cũng sẽ không bao giờ chấp nhận bị coi là kẻ xâm lược.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: