Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 23 tháng 4, 2018

Học làm báo cách mạng

Tôi được phân công làm phóng viên của ban tuyên truyền về đời sống công nhân, gọi tắt là ban đời sống do anh Trần Bá Đa phó tổng biên tập làm trưởng ban. Năm 1945, anh Trần Bá Đa đậu tú tài toàn phần, bỏ học tham gia cách mạng. Sau ngày toàn quốc kháng chiến, anh theo cơ quan rút ra vùng giải phóng, lấy vợ, sinh một con. Sau đó, Đảng lại phân công anh trở vào Hà Nội hoạt động. Anh trú ngụ ở một gia đình là “cơ sở cách mạng”. Gia đình này có cô con gái lớn. Anh chị thầm lén với nhau, chị có bầu, gia đình tổ chức cho họ cưới nhau. Sau ngày giải phóng Hà Nội, hai bà vợ tranh chấp một ông chồng, phải đưa ra tòa. Anh nói mình không thể ly hôn người nào cả, mình noi gương đồng chí Lê Duẩn. Vậy là phải xin tòa phân xử. Tòa ra quyết định: từ trưa thứ hai đến sáng thứ bẩy anh ở với bà vợ cả; từ chiều thứ bảy đến sáng thứ hai anh ở với bà vợ hai; tiền lương của anh chia đôi, mỗi bà một nửa. Sau khi thân nhau, anh thổ lộ: “Nghe qua bản án tòa xử, không ai hình dung được những ‘khổ sở’ của mình khi thực hiện. Làm sao cơ thể con người khỏi bị ‘phong vũ bất kỳ’, suốt cả tuần ở với bà cả, đến chiều thứ bẩy mới về với bà hai thì bị cảm sốt, nhức đầu. Chẳng lẽ người ta chờ đợi suốt cả tuần mà mình không cố gắng ‘hoàn thành nhiệm vụ’ trước khi lại ra đi!” Do một suất lương chia cho hai bà vợ nên lúc nào anh cũng túng thiếu. Các cơ quan đều quen với tình ảnh ông phó tổng biên tập chia tay với các đồng nghiệp nghiện thuốc lá: “Mày cho tao xin một điếu!” Tôi không hút thuốc nên không có cơ hội giúp anh.
Ngày đầu làm việc với tôi, anh Đa bảo: “Mình đọc truyện ngắn anh viết rồi, nhưng về đây là để viết báo, viết những chuyện có thật trong đời sống công nhân. Tờ báo này là cơ quan ngôn luận của tổ chức công đoàn. Do đó, anh phải viết theo quan điểm của công đoàn. Công đoàn chịu sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, do đó phải viết dưới ánh sáng các nghị quyết của Đảng. Tháng này cậu cứ ngồi đọc báo Lao Động, học từ bài viết của các đồng nghiệp đi trước, rồi đọc các tờ báo Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Tiền Phong, Phụ Nữ để học hỏi cách viết nhằm mục đích phục vụ đối tượng của mỗi tờ báo.” Sau đó, anh đưa cho tôi tập sách có những bài viết của Lênin, Hồ Chí Minh nói về nhiệm vụ của báo chí cách mạng. Thật ra từ năm 1952, khi cộng tác với báo Nhân Dân Miền Nam của ông Trần Bạch Đằng tôi đã thấm nhuần tư tưởng “viết những gì kháng chiến cần, cách mạng cần”. Trên miền Bắc giải phóng, lĩnh vực nào cũng đặt dưới ánh sáng các nghị quyết của Đảng, lúc nào cũng có các vị tuyên huấn ở các cấp soi thứ ánh sáng đó vào từng câu từng chữ, làm bật ra nhiều chuyện cứ như đùa. Đời làm báo cách mạng của tôi cũng trải không ít bầm dập, nhưng xin kể vài chuyện nghe được của đồng nghiệp cùng thời đó.
 Hồi ký Tống văn Công
Trong cuốn “Hồi ký của các nhà báo cao tuổi” tại thành phố Hồ Chí Minh xuất bản, nhà báo Nhật Tỉnh kể: năm 1955 anh về làm phóng viên Ban Thời sự Đài Tiếng nói Việt Nam, do ông Nguyễn Văn Nhất làm trưởng ban và được giao đi viết một bài nói về nông thôn sau cải cách ruộng đất. Cố nhiên, anh Nhật Tỉnh đã phải học Nghị quyết 9 năm 1954 của Bộ Chính trị: “Một mặt hết sức thỏa mãn yêu cầu về kinh tế và chính trị của nông dân để phát động nông dân và tranh thủ sự ủng hộ của nông dân. Mặt khác lại cần hết sức mở rộng mặt trận chống phong kiến và mặt trận dân tộc thống nhất, đoàn kết mọi lực lượng có thể đoàn kết, trung lập mọi lực lượng có thể trung lập được, để tranh thủ đa số, cô lập thiểu số, củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất”. Anh Nhật Tỉnh viết: “Tôi miêu tả cảnh quan tươi đẹp của làng quê vừa được giải phóng, niềm phấn khởi của người cày có ruộng, hăng hái làm thuỷ lợi ‘nghiên đồng đổ nước ra sông’. Tiếp đó, tôi nêu một chi tiết, ở cuối cánh đồng, trên một thẻo đất khô cần, có một người đang cuốc đất. Nhìn cái lưng lòng khòng, bắp chân trăng trắng của anh ta, ai cũng biết anh ta không phải là nông dân thực thụ. Hỏi ra mới biết, anh ta là sinh viên trường thuốc, con địa chủ K., nay không có điều kiện học nữa, đã trở về làm ruộng. Tôi nhớ câu nói của anh Mai Hộ một đàn anh khi tôi vào nghề báo ‘mỗi người một đường đi, mỗi người một số phận’, tôi viết tiếp, từ một sinh viên trường thuốc, nay tập làm nông dân, có lẽ anh đang tìm một đường đi”.
Ông Nguyễn Văn nhất gọi tôi lên phòng làm việc nghiêm mặt hỏi:
– Tại sao cậu đưa chi tiết con địa chủ vào bài?
–      Tôi nghĩ viết về nông thôn sau cải cách ruộng đất không chỉ viết về nông dân mà cần nêu cả đối tượng đấu tranh của nông dân nữa thì bức tranh mới chân thực, mới toàn cảnh.
–      Toàn cảnh cái gì? Từ một sinh viên trường thuốc nay phải bỏ học đi cuốc đất. Cậu viết nhằm ẩn ý gì đây?
–      Thưa thủ trưởng, tôi nào có ẩn ý gì đâu! Đó chỉ là sự thật!
–      Sự thật à? Đâu phải sự thật nào cũng đưa lên. Cậu hiểu chưa?
Im lặng. Nặng nề. Rồi ông hạ giọng:
– Nếu cậu bỏ chi tiết này thì tôi cho phát. Bằng không thì…
–      Tùy thủ trưởng. Tôi đâu phải là người quyết định.
… Tôi thuật lại cuộc đối thoại giữa ông Nhất và tôi. Anh Mai Hồ nghe, mặt buồn thiu, trầm ngâm một lát rồi lí nhí:
Đời chú mày rồi lận đận!
Cũng trong “Hồi ký các nhà báo cao tuổi”, tập 5, trang 10, nhà báo Sĩ Ẩn nguyên phóng viên báo Tiền Phong kể việc được giao viết bài về kỳ họp thứ 6 Quốc Hội khóa 3 bàn về tình hình cách mạng miền Nam và công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước. Phiên họp này thực hiện Nghị quyết 15 của Đảng: “Đảng ta đang đứng trước những nhiệm vụ cách mạng rất nặng nề nhưng rất vẻ vang: tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đồng thời đẩy mạnh cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ, tạo điều kiện cho cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.”
Nhà báo Sĩ Ẩn kể, sau ngày họp đầu tiên chủ tịch Quốc Hội Trường Chinh  trực tiếp họp báo, căn dặn: “Riêng bản báo cáo của Ban Thống nhất Trung ương tôi muốn chữa vài chữ, đề nghị các báo chưa đăng vội.” Khi nghe Sĩ Ẩn báo cáo như vậy ông Lê Xuân Đồng tổng biên tập báo Tiền Phong băn khoăn: “Báo ta hai ngày ra một số, nếu chờ thì lỡ mất”. Ông Thanh Dương phó tổng biên tập đề nghị: “Chúng ta cứ lên khuôn, giao cho Sĩ Ẩn bám sát hễ đồng chí Trường Chinh sửa chữ nào thì ta lập tức sửa chữ đó”. Ai cũng thấy đó là ý hay. Nhưng ngay sau đó Sĩ Ẩn được tin của cô bạn gái đồng nghiệp: “Đúng 23 giờ đón em từ Yên Bái về đến ga Hàng Cỏ.” Sĩ Ẩn kể: “Lửa lòng bốc cháy, tôi quên hết mọi chuyện. Tôi phóng xe ra ga lúc chưa tới 21 giờ. Hết ngồi lại đứng, đi tới, đi lui cho đến lúc tàu về. Ôi vui quá. Tôi chở cô bạn về chợ Hàng Da, ngồi dưới chân cột đèn ăn bánh khúc nóng. Lại ra ga Hàng ỏ để có ghế ngồi như khách chờ tàu. Trời sáng lúc nào không hay. Tôi chở cô bạn về trụ sở Hội Nhà báo, rồi trở về cơ quan. Chưa tới giờ làm việc, chúng tôi tụ tập tại phòng khách, chơi tú lơ khơ. Bổng cửa mở, Vụ trưởng Vụ báo chí Trần Minh Tước xuất hiện và dằn giọng: ‘À, Sĩ Ẩn, gan thật. Còn ngồi đây chơi bài! Tìm tổng biên tập, rồi cả cậu nữa đi ngay theo tôi, anh Trường Chinh đang chờ’.
… Ngồi cạnh ông Trường Chinh là Tố Hữu, Nguyễn Văn Vịnh, chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất và hai ba vị nữa. Ông Trường Chinh nghiêm giọng:
Chiều hôm qua đồng chí nào giữ họp báo?
Tôi đứng dậy, cố bình tĩnh nhưng giọng nói vẫn rung rung:
Dạ, tôi ạ!
Đồng chí có nghe tôi dặn điều gì không?
Tôi cố lấy bình tĩnh và tỏ ra biết lỗi:
Dạ có à!
Có, nhưng sao lại nằm trái?
Tổng biên tập Lê Xuân Đồng đỡ lời tôi:
Báo cáo đồng chí Chủ tịch Quốc hội…
Ông Trường Chinh ngắt lời:
Tôi chưa hỏi đồng chí.
Mọi người im lặng. Căn phòng như thiếu không khí. Tôi cố hít thật sâu, trống ngực đập thình thình. Đồng chí Trường Chinh đẩy tờ báo Tiền Phong về phía tôi với cụm từ ngắn gọn:
Đồng chí xem đi.
Tôi đã lấy tờ báo, len lén nhìn vào đôi mắt sáng mà rất nghiêm của đồng chí, tôi chăm chú nhìn vào dòng chữ được gạch dưới bằng bút chì đỏ: ‘Với tinh thần yêu nước và lòng dũng cảm, quân và dân miền Nam đã đánh cho Mỹ ngụy thất điên bát đảo’. Đồng chí Tố hữu đã gửi bản báo cáo về phía tôi, bốn chữ ‘thất điên bát đảo’ đã được đồng chí Trường Chinh gạch bỏ, thay bằng hai chữ ‘té dạt’ chữ đỏ. Đồng chí Tố Hữu nói rõ: ‘Tuy chỉ hai chữ nhưng đây là ý đồ chiến lược của Đảng ta đối với cách mạng miền Nam lúc này, cần phải quán triệt’. Tôi chỉ bị cảnh cáo và xóa tên khỏi danh sách ‘cảm tình Đảng’. Tôi mừng quá.” Bị cảnh cáo và xóa tên trong danh sách cảm tình Đảng mà mừng quá, bởi vì Sĩ Ẩn từng biết nhiều người cầm bút sơ sểnh đã phải đi trại cải tạo hoặc vào nhà đá!
Ngày nay đọc hồi ký của các nhà báo cũng phải với mình, tôi không khỏi ngạc nhiên tự nghĩ, tại sao hồi đó chúng tôi có thể vui vẻ, thậm chí còn tự hào vì “được” lãnh tụ mắng.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: